Giải pháp cho người dư cân có ‘tâm hồn ăn uống’

(minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Thuốc giảm cân thế hệ mới giúp hàng triệu người bớt khổ vì bệnh béo phì, cũng là tin vui cho người dư cân béo bụng nhưng có “tâm hồn ăn uống”.

Mấy chục năm nay, cứ vào mùa lễ hội, trong khi mọi người háo hức với những bữa tiệc tùng toàn món ngon, Mila Trần lại rất đau khổ, vì phải “vật lộn” với bệnh béo phì từ nhỏ. “Tui ghét, tui căm thù mấy cái ngày này lắm nhe,” Mila nói. “Hết Thanksgiving, tới Christmas, rồi New Year. Trời ơi, đi đâu cũng toàn là mấy món tui thích, tui mê, mà hổng có ăn được. Còn nếu lỡ ‘không kiềm chế được bản thân’ thì hôm sau cảm thấy tội lỗi.”

Nhưng đó là chuyện của mấy năm trước, Giờ đây, sau khi giảm được gần 100 pound nhờ uống thuốc giảm cân, trong đó có Wegovy, loại thuốc chống béo phì mới cực mạnh, Mila cho biết chẳng có món ăn nào còn hấp dẫn được cô nữa.

Thuốc giảm cân Wegovy chữa bệnh béo phì. (ảnh: Michael Siluk/UCG/Universal Images Group via Getty Images)

Mila, 45 tuổi, ở Houston, Texas, cho biết: “Năm ngoái, tui dzui quá chừng, vì có thể ăn thả ga bên gia đình, bạn bè. Đó là một trải nghiệm hoàn toàn mới.”

Khi hàng triệu người Mỹ đang vật lộn với bệnh béo phì được tiếp cận với thế hệ thuốc giảm cân mới, trải nghiệm của Mila ngày càng trở nên phổ biến hơn, và đáng chú ý hơn vào những thời điểm trong năm khi có những bữa tiệc tùng khó cưỡng, mà người có “tâm hồn ăn uống” bị dư cân càng đau khổ hơn, vì không được ăn nhiều.

Các chuyên gia y tế và người tiêu dùng cho biết thuốc đang thay đổi không chỉ những gì người dùng ăn mà còn cả cách họ nghĩ về thực phẩm, theo AP.

Đối với một số người, điều đó có nghĩa là họ có thể kiểm soát tinh thần tốt hơn đối với bữa ăn, cho dù có là sơn hào hải vị. Những người khác lại nói nó làm mất đi sự thích thú trong các hoạt động xã hội, cả trong những ngày lễ truyền thống mà mọi người thường tụ hội ăn uống, như lễ Tạ Ơn, Lễ Phục Sinh và Giáng Sinh.

Tiến sĩ Daniel Bessesen, trưởng khoa nội tiết tại Denver Health, người điều trị cho bệnh nhân béo phì, cho biết: “Điều này thật sự thay đổi rất nhiều thứ trong cuộc sống các bệnh nhân của tôi. Họ chuyển từ suy nghĩ đặt thực phẩm là trọng tâm thành thứ không quá quan trọng với mình.”

Vậy chẳng lẽ phải từ chối tiệc tùng?

Các loại thuốc béo phì mới, ban đầu được thiết kế để điều trị bệnh tiểu đường, bao gồm Ozempic và Wegovy, và Mounjaro và gần đây đã được phê duyệt là Zepbound. Hiện nay cũng nhằm mục đích giảm cân, các loại thuốc được chích hàng tuần có tác dụng khác xa so với bất kỳ cách ăn kiêng nào, là điều chỉnh sự thèm ăn và cảm giác no được truyền giữa ruột và não.

Các nghiên cứu cho thấy người uống thuốc có thể giảm tới 15% đến 25% trọng lượng cơ thể.

Tiến sĩ Michael Schwartz, chuyên gia về trao đổi chất, tiểu đường và béo phì tại University of Washington Ở Seattle, giải thích đó là cách thuốc hoạt động, làm giảm các khía cạnh bổ ích của thực phẩm.

Đối với Mila, người bắt đầu điều trị vào năm 2020, khi uống thuốc giảm cân, cô chỉ cắn vài miếng bánh nướng khi dự tiệc Thanksgiving mà mình yêu thích, rồi thôi. “Tui chưa no đâu, nhưng cảm giác thèm thuồng sẽ không còn nữa, tui biết mình ăn thế nào là đủ.”

Tuy nhiên, sự thay đổi như vậy có ý nghĩa rộng hơn, cả về tôn giáo và văn hóa. “Tôi là người Ý,” Joe Sapone, 64 tuổi, người đã về hưu ở Atlantic Highlands, New Jersey, nói với AP, rằng ông đã giảm được khoảng 100 pound nhờ ăn kiêng và uống Mounjaro. Sapone nói ông vẫn vui vẻ nếu tôi không được ăn nhiều.”

Tara Rothenhoefer, 48 tuổi, ở Trinity, Florida, cho biết: “Tôi có thể chọn lọc những món ăn đặt trên đĩa của mình. Rothenhoefer giảm hơn 200 pound sau khi tham gia thử nghiệm lâm sàng Mounjaro để giảm cân vào năm 2020. Nhưng có những người uống thuốc thì bị mất cảm giác thèm ăn hoàn toàn hoặc bị tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, và bị cảm giác nhìn thức ăn gì cũng như rơm, như rác.  

Theo Tiến sĩ Katherine Saunders, chuyên gia về béo phì tại Weill Cornell Medicine và đồng sáng lập của Intellihealth, dù sao, khi uống thuốc, không thèm ăn, ăn ít và cuối cùng là giảm được cân nặng là điều mà nhiều người mong đợi. Tuy nhiên, Saunders nói thêm hầu hết những người chuyển sang uống thuốc giảm cân cảm thấy nhẹ nhõm khi không còn “tâm hồn ăn uống” nữa, và rất biết ơn vì điều này.

Các nghiên cứu cho thấy khi mọi người ngừng dùng thuốc, cảm giác thèm ăn lại trỗi dậy, và nếu không cưỡng được, họ sẽ bị tăng cân trở lại, thường là tăng luôn nhanh hơn giảm. Vấn đề là ở khả năng kiểm soát của mỗi người.

Thức ăn hấp dẫn mọi người. (minh họa: Spencer Platt/Getty Images)

Một phân tích cho thấy 2/3 số bệnh nhân uống thuốc giảm cân được một năm là ngưng. Một phần là do chi phí cao và tình trạng thiếu thuốc liên tục. Nhưng câu hỏi lớn hơn về ý nghĩa của việc thay đổi động cơ cơ bản của con người, như sự thèm ăn, cũng cần được xem xét.

Tiến sĩ Jens Juul Holst thuộc University of Copenhagen, một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên xác định được hormone đường ruột GLP-1, hay peptide giống glucagon 1, để cho ra loại thuốc trị béo phì mới.

Ông lý giải: “Vì sao bạn giảm cân? Đó là vì bạn mất cảm giác thèm ăn. Đó là vì bạn không còn ‘tâm hồn ăn uống’, nhưng vấn đề là bạn có thể chịu đựng được điều đó trong bao lâu? Đó mới là câu hỏi thật sự.”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: