Vào đỉnh điểm của đại dịch, một hiện tượng kỳ lạ xảy ra, nhiều người bắt đầu có những giấc mơ kỳ lạ. Hậu quả dường như thấy rõ nhất ở những người có nguy cơ lây nhiễm coronavirus nhiều hơn và ở các quốc gia áp dụng những biện pháp lockdown nghiêm ngặt. Sự lo lắng về cửa nẻo chưa khóa, về những người thân yêu và sức khỏe cá nhân đột nhiên dồn dập kéo đến cùng những suy nghĩ mông lung khác, khiến nhiều người thức dậy rất mệt mỏi sau một đêm mộng dữ. Đối với những người ở tuyến đầu, giấc ngủ thường chất đầy ác mộng.
Một hiện tượng phổ biến khắp nơi
Trong số 114 bác sĩ và 414 y tá làm việc tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, tham gia một nghiên cứu được công bố vào Tháng Một 2021, hơn 25% cho biết họ thường xuyên gặp ác mộng trong giấc ngủ. Các báo cáo về ác mộng của dân thường cũng tăng cao trong thời gian phong tỏa toàn quốc, đặc biệt là những thiếu niên, phụ nữ và những người mắc chứng lo âu hoặc trầm cảm. Nhưng đối với các nhà nghiên cứu chấn thương trong thảm họa, sự gia tăng này không có gì ngạc nhiên.
Rachelle Ho, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học McMaster ở Canada, nhận định: “Đối với những người ở tuyến đầu cuộc chiến chống Covid-19, ví dụ các bác sĩ và y tá ở thành phố Vũ Hán, sống trong căng thẳng suốt năm 2020 là điều họ đã lường trước. Nhưng căng thẳng kéo dài từ hàng tháng đến hàng năm đối với người bình thường là điều… bất thường, vì tình trạng này chỉ có thể xảy ra trong các cuộc chiến tranh kéo dài như Thế chiến. Từ lâu, khoa học đã phát hiện rằng, căng thẳng lâu ngày có ảnh hưởng đáng kể đến chức năng nhận thức của mỗi cá nhân.
Những người sống trong sự lo lắng và ức chế thời đại dịch sẽ gặp ác mộng thường xuyên hơn. Một nghiên cứu trên các học sinh từ 10 đến 12 tuổi sống ở Dải Gaza (Palestin) luôn bị bủa vây bởi không khí chiến tranh cho thấy, hơn phân nửa các em thú nhận gặp ác mộng bình quân hơn bốn đêm mỗi tuần. Các em này có độ nhạy cảm đặc biệt cao vì não bộ của chúng vẫn đang phát triển. Tiến sĩ Joanne Davis, nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Tulsa, nhận định: “Dù ác mộng có liên quan chặt chẽ đến một loạt bệnh tâm thần, một số giấc mơ ‘mạnh’ lại giúp chúng ta xử lý cảm xúc của ngày hôm trước. Hiểu được lý do tại sao những giấc mơ này lại biến thành ác mộng sẽ giúp điều trị cho những người từng trải qua chấn thương tâm lý”.
Các nhà tâm lý như Davis đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu chuyên sâu để làm sáng tỏ “mối liên hệ giữa các giấc mơ, các rối loạn tâm lý và tầm quan trọng của chúng trong việc giữ cho cảm xúc của chúng ta ổn định khi sức khỏe đang tốt”. Trong lúc ngủ, não chúng ta tổ chức và và ghi lại những ký ức của ngày hôm đó đồng thời làm mới và ‘lau chùi’ những ký ức cũ. Hành động này diễn ra trong suốt giấc ngủ đêm, nhưng giai đoạn chuyển động mắt nhanh (REM) (ngay trước khi thức giấc hoặc khi đang chìm vào giấc ngủ) là lúc chúng ta lưu giữ những ký ức “ám ảnh” nhất trong ngày.
Và những ký ức này trở thành “chủ đề” của giấc mơ sau đó. “Giấc mơ sống động, cảm xúc nhất và đáng nhớ nhất được hình thành từ những hồi ức ám ảnh nhất được bộ não chọn ra” – Ho nói. Giả thuyết “ngủ để quên, ngủ để nhớ” (sleep to forget, sleep to remember) cho thấy giấc ngủ REM giúp sàng lọc những cảm xúc được lưu giữ đồng thời định hình phản ứng của chúng ta nếu chúng ta gặp lại chúng lần nữa. Ví dụ, nếu sếp của bạn hét vào mặt bạn vào ban ngày và đêm hôm đó bạn mơ thấy nó, lần sau khi gặp sếp, bạn sẽ thấy ít bối rối hơn nếu ông ta lại hét nữa. Từ đây xuất hiện giả thuyết là chính giấc mơ đã huấn luyện chúng ta cách kiểm soát cảm xúc cá nhân. Tuy nhiên cần có thêm bằng chứng củng cố giả thuyết này.
Dù ác mộng chưa hẳn là xấu
Trong giai đoạn ngủ REM, não tạo ra các sóng theta chậm, tần số thấp ở hồi hải mã (hippocampus), hạch hạnh nhân và vỏ não (chúng ta cũng tạo ra sóng theta khi thức, nhưng sóng này là “đặc sản” của giấc ngủ REM). Các nghiên cứu trên chuột bị cưỡng bức “lao động” cho thấy những con chuột phải làm việc nặng nhọc sinh ức chế sẽ có thời gian ngủ REM đêm hôm đó dài hơn và sóng theta tạo ra trong giấc ngủ REM cũng nhiều hơn.
Nhà thần kinh học Daniela Popa của Viện Sinh học thuộc École Normale Supérieure ở Paris, Pháp và là tác giả của một trong những nghiên cứu về ác mộng nói: “Chỉ có giấc ngủ REM và hoạt động sóng theta có liên quan đến việc lưu trữ, thanh lọc và xử lý các ký ức xấu”. Khi não của chúng ta đang ở trong giai đoạn REM của giấc ngủ, cả hồi hải mã và hạch hạnh nhân (amygdala) đều hoạt động tích cực. Cái trước là phần não ra lệnh và lưu trữ ký ức, cái sau là phần não giúp chúng ta xử lý cảm xúc.
Sự phân công này dẫn đến việc nhiều nhà nghiên cứu tin rằng “những giấc mơ mạnh, ám ảnh như ác mộng trong giai đoạn REM là minh chứng thuyết phục cho thấy não bộ biết cách chọn cảm xúc để làm chủ đề cho giấc mơ, giống như chọn thẻ”. Các nghiên cứu về tâm lý giấc ngủ thường đi theo hướng này. Không phải ký ức nào được lưu giữ trong ngày đều biến thành giấc mơ mà chỉ có một số “ám ảnh” nhất. Sau một giấc mơ xấu, vùng não phụ trách sự sợ hãi sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc giúp chúng ta không hốt hoảng khi gặp lại tình huống tương tự.
Như vậy chính giấc mơ đã tập cho chúng ta cách đối phó với sự sợ hãi. Những người sợ hãi trong mơ càng lâu thì trung tâm cảm xúc càng ít được kích hoạt khi gặp sự căng thẳng (ví dụ như nhìn thấy những bức ảnh buồn và hay lại bị sếp quát mắng) vào ngày hôm sau. Hạch hạnh nhân sẽ cần thời gian để xử lý cảm xúc cũ, reset lại chúng để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Có lẽ việc trút bỏ gánh nặng cảm xúc “ám ảnh” của ngày hôm trước sau một đêm ngủ bằng ác mộng đã cho phép chúng ta bắt đầu “cuộc sống” mới vào buổi sáng hôm sau. Nói vậy để thấy “ác mộng cũng có lợi!”. Hay “ác mộng” có thể giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những căng thẳng, lo lắng, sợ hãi.
Nhưng ác mộng kéo dài trở thành vấn đề lớn
Hiện các nhà tâm lý học xem ác mộng là mối quan tâm hàng đầu khi điều trị PTSD. Việc hướng dẫn những người bị ác mộng mãn tính cách kiểm soát giấc mơ xấu bằng giấc mơ đẹp cũng làm giảm tần suất xuất hiện của ác mộng. Cách điều trị này được gọi là Liệu pháp diễn tập hình ảnh (IRT) và đã thành công bước đầu. Một giấc mơ xấu hay “ác mộng có lợi” hoàn toàn khác với tình trạng gặp ác mộng kinh niên, ngay cả khi chúng ta không hề chịu đựng một cảm xúc căng thẳng hay ức chế nào vào ban ngày. Davis cảnh báo: “Một khi bạn gặp ác mộng trong một thời gian dài, chúng sẽ trở thành thói quen tai hại”.
Bà cho biết từng điều trị cho một số bệnh nhân phải sống chung với những cơn ác mộng trong nhiều thập niên trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ của bà. “Hậu quả là họ luôn lo lắng về việc gặp ác mộng, sợ ngủ hoặc cố gắng đi nhanh vào giấc ngủ bằng các loại thuốc thuốc an thần, bất chấp hậu quả” – bà nói. Là nhà tâm lý học lâm sàng, Davis điều trị những người sống sót sau chấn thương, như cựu chiến binh, nhân viên phục vụ tại ngũ, trẻ em hoặc những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực, phải sử dụng liệu pháp tiếp xúc hay phải điều trị bằng liệu pháp ERRT (Exposure, relaxation, and rescription therapy).
Trong liệu pháp ERRT, bệnh nhân viết ra cơn ác mộng của họ chính xác như những gì nhớ lại hoặc viết ra cơn ác mộng với một kết thúc tùy thích. “Mục tiêu của tôi là giúp bệnh nhân không còn gặp ác mộng hoặc vẫn gặp nhưng mờ nhạt hơn. Cuối cùng là giảm dần và biến mất. Những cảm xúc xấu vào ban ngày, sẽ không tái hiện vào ban đêm nữa” – bà nói. Theo Davis, việc coi thường những cơn ác mộng thường xuyên, xem nhẹ nó sẽ dẫn đến các vấn đề rộng lớn hơn.
Nguồn tham khảo: Nature và Science, July 2021