Uống vừa đủ là bao nhiêu?
Một nghiên cứu mới được công bố ngày 31 Tháng Ba trên tạp chí JAMA Network Open cho thấy những người uống một chút rượu mỗi ngày không chết sớm hơn những người không bao giờ uống rượu. Nhưng tin xấu là uống ít cũng sẽ không giúp bạn sống lâu hơn.
Nhóm nghiên cứu cố gắng giải thích những bằng chứng mâu thuẫn được công bố trong nhiều năm về tác dụng của rượu đối với sức khỏe con người. Trong khi một số nghiên cứu cho rằng uống rượu giúp cải thiện tuổi thọ thì các nghiên cứu khác lại khẳng định “sức khỏe sẽ kém hơn ở bất kể lượng rượu nào đưa vào cơ thể”. Sau khi phân tích 107 nghiên cứu trước đó về tác dụng của rượu ở gần 5 triệu đối tượng, nghiên cứu mới phát hiện: Không có lượng tiêu thụ rượu nào giúp bạn sống lâu hơn những người không bao giờ uống rượu!
Những người uống 45 g rượu trở lên mỗi ngày (tương đương ba ly rượu) còn tăng nguy cơ tử vong hơn 30%. Đối với phụ nữ, bất cứ thứ gì nhiều hơn 25 g cồn đều tạo nguy cơ tử vong sớm. “Rượu có liên quan đến hơn 200 loại bệnh – Tiến sĩ Jürgen Rehm, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Cai nghiện và Sức khỏe Tâm thần (Centre for Addiction and Mental Health) của Canada, người không tham gia nghiên cứu, cảnh báo – Các bạn sẽ rất hoang mang nếu tôi liệt kê hết tất cả 200 bệnh này”.
Có một nghiên cứu cũ khẳng định, nếu một đàn ông trung bình uống khoảng ba ly (một ly chứa 14 g cồn nguyên chất, tương đương 12 oz beer có 5% cồn) mỗi ngày thì sẽ sống lâu bằng những người không uống rượu! Một nghiên cứu khác khuyên phụ nữ nên dừng lại khi đã uống hai ly, dẫn lại từ Wall Street Journal.
Vấn đề còn ở gene
Nghiên cứu mới tham gia vào một nhóm bằng chứng cho thấy rượu gây hại nhiều hơn là tốt. Các quan chức y tế ở Canada vừa khuyến nghị chỉ nên uống hai ly hoặc ít hơn một tuần để giảm rủi ro sức khỏe. Khuyến cáo này đã thay thế hướng dẫn 10 ly rượu mỗi tuần không tác hại đáng kể cho sức khỏe.
Theo Viện Quốc gia về Lạm dụng Rượu và Nghiện rượu (National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism), tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu ở Mỹ đã tăng kỷ lục 25% trong đại dịch 2020 và thêm 10% vào năm 2021. Năm 2020, mức tiêu thụ rượu bình quân đầu người, được đo bằng gallon rượu nguyên chất trên mỗi người, đã tăng 2.9%, mức tăng lớn nhất trong hơn 50 năm.
Amanda Berger, Phó chủ tịch Hội đồng rượu mạnh chưng cất Hoa Kỳ (Distilled Spirits Council of the US), một hiệp hội kinh doanh, khẳng định: “Rượu là lựa chọn lối sống nhiều rủi ro hơn lợi ích nhưng nó là phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống cân bằng của hầu hết người lớn”. Tim Stockwell, Giám đốc Viện nghiên cứu sử dụng chất gây nghiện Canada và là tác giả của nghiên cứu mới, nhận định: “Nhiều nghiên cứu đề cao lợi ích sức khỏe của uống rượu đã được thực hiện không chính xác với những sai sót lặp đi lặp lại”.
Có nghiên cứu chỉ theo dõi thói quen uống rượu của vài người trong vài ngày rồi suy đoán rộng ra về sức khỏe của họ vẫn tốt sau 30 năm! Nhiều nghiên cứu so sánh những người ngừng uống rượu vì lo ngại về sức khỏe sau nhiều năm uống nhiều với những người chưa bao giờ uống một ngụm rượu nào đã cho thấy nhóm trước khoẻ mạnh hơn. So sánh những người ngừng uống rượu với những người uống rượu vừa phải cũng thấy như thế!
Tiến sĩ Stockwell gọi đó là “hiệu ứng giống như bỏ thuốc lá”. “Chúng ta phải chứng minh kết luận như thế là hồ đồ và không có sở khoa học” – Stockwell nói. Nhà khoa học Kevin Shield chuyên theo dõi tác động của việc uống rượu trên toàn thế giới thuộc văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Toronto cảnh báo: “Dù uống ít hơn có vẻ là tốt, nhưng khoa học đang tìm các gen ảnh hưởng đến độ nhạy cảm với rượu. Một số người có gen làm đỏ mặt khi uống rượu dễ mắc một số bệnh ung thư hơn. Nghiên cứu di truyền cho thấy những người có khả năng ‘nạp’ rượu nhiều hơn cũng có nguy cơ nghiện rượu và dễ bị bệnh tim mạch hơn. Chúng tôi đang khám phá ra hàng tấn gen mới liên quan đến rượu”.