Những người đưa tang một phụ nữ 76 tuổi ở miền Trung Ecuador đã bị sốc khi biết bà vẫn còn sống và thở trong quan tài. Người thân bất ngờ nghe thấy bà Bella Montoya, một cựu y tá, gõ vào quan tài khi họ sắp tiến hành các nghi thức chôn cất. Mở quan tài, họ thấy bà vẫn còn sống dù trước đó vài giờ bệnh viện tuyên bố bà đã chết.
“Sau khoảng 5 giờ kể từ khi bệnh viện nghĩ là mẹ tôi đã chết, quan tài bắt đầu phát ra âm thanh – Gilberto Barbera, con trai bà nói với tờ báo địa phương El Universo – Mẹ tôi được quấn trong tấm vải liệm nhưng vẫn gõ được vào chiếc quan tài chật chội. Khi đến gần, chúng tôi nghe tiếng thở rất mạnh. Mẹ tôi cử động tay trái trước, mở mắt rồi mở miệng để thở”.
Những người thân có mặt vào buổi chiều hôm đó lập tức gọi điện cho dịch vụ cấp cứu khi nhận thấy người chết thực sự còn sống. Xe cấp cứu đưa bà trở lại bệnh viện, nơi “tuyên án tử” bà. Một đoạn video ghi tại cảnh hy hữu này cho thấy một số thân nhân vây quanh chiếc quan tài mở và “người chết sống lại” vẫn đeo chiếc vòng tay của bệnh viện.
Khi nghe tin này, Bộ Y tế Công cộng ra tuyên bố cho biết cảnh sát đang điều tra vụ việc. Montoya được đưa đến Bệnh viện Martín Icaza ở Babahoyo vào thứ Sáu tuần trước do bị đột quỵ và ngưng tim, hô hấp. Bác sĩ trực đã xác nhận cái chết của bà sau khi nỗ lực hồi sức không thành công. Con trai bà kể lại với tờ El Universo: “Mẹ tôi được đưa vào bệnh viện vào khoảng 9 giờ sáng thứ Sáu. Đến giữa trưa, một bác sĩ báo với tôi bà đã qua đời”.
Tuy nhiên, tình trạng của Montoya vẫn nghiêm trọng sau khi bị thần chết chối từ. Theo Bộ Y tế, bệnh nhân vẫn nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt và được đặt nội khí quản. Stephen Hughes, giảng viên y khoa cao cấp tại Đại học Anglia Ruskin của Vương quốc Anh, chuyên gia tư vấn về y học khẩn cấp, trả lời cuộc phỏng vấn của tờ The Washington Post: “Trong khi nhiều người có nỗi sợ hãi về việc bị chôn sống, thì số người được tuyên bố đã chết nhưng sống lại sau đó cực kỳ hiếm. Rất lâu mới có một trường hợp”.
Ví dụ, vào Tháng Hai qua, một nhà tế bần ở Iowa đã bị phạt $10,000 vì chứng nhận không đúng cái chết của một bệnh nhân nữ mắc chứng mất trí nhớ. Người chết tỉnh dậy trong một chiếc túi đựng xác tại nhà tang lễ nhưng qua đời vài ngày sau đó bên cạnh người thân. Trong một trường hợp khác, một người đàn ông được bác sĩ tuyên bố đã chết, hồi sinh trở lại và vài tuần sau được xuất viện. Ông nói với The Washington Post: “Dù vụ việc gây ra tổn thương nặng nề về tinh thần nhưng tôi rất biết ơn vì vẫn còn sống”.
Stephen Hughes cảnh báo một số loại thuốc có thể dẫn đến chẩn đoán tử vong sai mà ông từng chứng kiến trong quá trình làm việc. Ví dụ một bệnh nhân chết vì dùng thuốc an thần quá liều trong một ngày lạnh giá bỗng sống lại tại nhà xác khi cơ thể ấm lên và tác dụng của thuốc không còn. Hạ thân nhiệt có thể là một nguyên nhân khác.
Stephen Hughes cho biết: “Nếu bạn rơi vào bể nước lạnh, cơ thể sẽ hoạt động chậm lại và bạn có thể bị chẩn đoán đã chết trong khi thực tế, nhịp tim vẫn còn dù cực kỳ yếu. Nếu sau đó cơ thể ấm lên, sự sống sẽ trở về. Nên biết, kỹ thuật làm lạnh được sử dụng để bảo vệ não trong quá trình phẫu thuật tim. Nguyên nhân cuối cùng của hiện tượng ‘chết đi sống lại’ là lỗi của con người. Được đào tạo kém hoặc lười biếng có thể khiến nhân viên y tế bỏ sót các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia buộc phải có thêm thời gian ‘cửa sổ’ trước khi bác sĩ chứng nhận bệnh nhân đã chết và cho phép chôn cất”.