Tại sao bầu trời vẫn đầy “máy bay ma”?

Minh họa: Emanu/Unsplash

Trong những ngày đầu của đại dịch, khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không giảm đột ngột và các biên giới quốc tế đóng cửa, những “chuyến bay ma” (ghost flight) trở thành hiện tượng phổ biến. Đó là những chiếc máy bay trống rỗng hoặc gần như trống rỗng bay ngang dọc, do các hãng hàng không phải tuân nghĩa vụ bay theo lịch trình, nếu muốn giữ chỗ và bảo lưu quyền cất cánh và hạ cánh. Vấn đề là, gần hai năm trôi qua, những chuyến bay ma vẫn xuất hiện trên bầu trời và sẽ tiếp tục như thế.

Những chuyến bay ma

Theo phân tích mới nhất của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, hơn 100,000 chuyến bay ma sẽ bay trên bầu trời châu Âu vào mùa Đông năm nay, gây tổn thương cho khí hậu tương đương với lượng khí thải hàng năm của hơn 1.4 triệu xe hơi lưu thông! Các số liệu của Greenpeace được rút ra từ một cuộc phỏng vấn vào Tháng Mười Hai 2021 với ông Carsten Spohr, Giám đốc điều hành tập đoàn Lufthansa, trong đó ông cảnh báo “Lufthansa Group đang đối mặt với viễn cảnh có 18,000 chuyến bay không cần thiết trong sáu tháng mùa Đông để giữ chỗ theo quy định của châu Âu”.

Dựa trên cơ sở Lufthansa chiếm 17% lưu lượng không lưu của thị trường châu Âu, Greenpeace tính toán tổng số chuyến bay ma của châu Âu sẽ tạo ra 2.1 triệu tấn khí thải CO2! Phân tích và cảnh báo này dẫn đến một làn sóng phẫn nộ. Nhà vận động môi trường Greta Thunberg tiết lộ: “Brussels Airlines (thuộc tập đoàn Lufthansa) đã thực hiện 3,000 chuyến bay không cần thiết để giữ chỗ tại các sân bay”. Ở Anh, một bản kiến ​​nghị đã kêu gọi chính phủ ngừng các chuyến bay gần như không có hành khách. Trong khi đó, Lufthansa cho biết họ đang cố gắng hết sức để lấp đầy tất cả chuyến bay của tập đoàn dù phải vật lộn để cân bằng giữa sự hỗn loạn của biến thể Omicron và yêu cầu của sân bay.

Herwig Schuster, người phát ngôn của chiến dịch “European Mobility For All” do Greenpeace phát động nói: “Chúng ta đang ở trong cuộc khủng hoảng khí hậu và vận tải là nguồn phát thải khí lớn nhất ở EU. Những chuyến bay ma chỉ là phần nổi của tảng băng”. Ông nói thêm: “EU sẽ rất vô trách nhiệm nếu không chấm dứt các chuyến bay ma và cấm các chuyến bay đường ngắn ở những nơi có kết nối tàu hỏa hợp lý”.

Minh họa: Ashim D’Silva/Unsplash

Giữ chỗ để sống còn

Lý do các hãng hàng không tiếp tục khai thác những chuyến bay ma là vì họ chấp nhận đặt cược tương lai vào một ngành công nghiệp sinh lợi. Ngay cả khi hành khách không có, các hãng vẫn cần bảo vệ chỗ để chờ bù trừ khi bay nhiều trở lại. Mất chỗ và mất bảo lưu quyền cất cánh và hạ cánh là vấn đề sống còn. Chỗ đậu là “tài sản” vô cùng quý giá đối với các hãng hàng không. Với hơn 200 sân bay bận rộn nhất hành tinh, khi hoạt động hết công suất, lưu lượng bay luôn vượt quá khả năng cung cấp của đường băng và không gian đậu bên trong các sân ga.

Để quản lý, công suất tại các sân bay đông đúc được phân chia thành nhiều chỗ (slot) có chủ. Đây là nơi trả khách, tiếp nhiên liệu, nhận khách mới và cất cánh trở lại. Tất cả đều ở trong một khung thời gian qui định cụ thể. Sau đó, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ lập kế hoạch lịch trình dựa trên tình trạng chỗ ở cả hai đầu đến và đi. Để tối đa hóa doanh thu, lịch trình phải phù hợp với nhu cầu. Các slot cho khung giờ sáng sớm dành cho khách doanh nhân đi chặng ngắn và trở về ngay trong ngày luôn được tính giá cao.

Việc đồng bộ hóa thời gian của cả hai điểm cuối của hành trình, khi các sân bay đông đúc nhất luôn kín chỗ, không phải là việc dễ dàng. Nếu cất cánh từ một nơi thì cần biết rằng máy bay có thể hạ cánh vào một thời điểm nhất định tại một thời điểm khác. Việc sắp xếp sai ở đầu này của quá trình bay sẽ tạo ra sự hỗn loạn ở đầu kia. Đó chính là lúc cần áp dụng cái gọi là “Nguyên tắc về vị trí sân bay trên toàn thế giới” (Worldwide Airport Slot Guidelines-WASG). WASG là nền tảng để quy trình phân bổ vị trí toàn cầu hoạt động suôn sẻ.

Bộ Hướng dẫn (The Guidelines) do IATA (International Air Transport Association), Airports Council International và Worldwide Airport Coordinators Group hợp tác soạn thảo nhằm mang lại “sự minh bạch, linh hoạt, chắc chắn, nhất quán và bền vững” có lợi cho cả các hãng hàng không, sân bay và hành khách. Nhưng với các hãng hàng không đang khai thác hàng trăm tuyến bay giữa hai thành phố (một số được đồng bộ với các chuyến bay nối chuyến) thì WASG là một hệ thống quản lý đáng lo ngại, khi việc phân bổ được thực hiện hai lần một năm cho mùa Hè và mùa Đông.

Minh họa: Miguel Ángel Sanz/Unsplash

“Quyền ông nội” là quyền gì?

Lập kế hoạch lại tất cả sau mỗi sáu tháng sẽ quá phức tạp, vì vậy có một quy tắc nêu rõ rằng nếu một hãng hàng không sử dụng chỗ của mình ít nhất 80% thời biểu, hãng được phép giữ lại vị trí cho mùa tiếp theo, theo nguyên tắc “grandfather rights” (“quyền ông nội… thiên hạ” – gọi vui như vậy)! Do đó, có rất ít slot còn lại cho các tuyến bay mới, đặc biệt là tại các sân bay đông đúc. Và đó là lý do tại sao “giữ chỗ quí như giữ vàng”! Tại Vương quốc Anh, sân bay Heathrow (London) có nhiều chỗ nhất. Công suất hạn chế ở đây đã đẩy giá chỗ lên cao ngất ngưởng. Báo cáo tóm tắt của Hạ viện Anh cho thấy một slot cất cánh buổi sáng sớm có giá $19 triệu, giảm xuống còn $13 triệu vào buổi trưa và $6 triệu vào buổi tối.

Có hãng hàng không lập kỷ lục về giữ chỗ, như Oman Air đã trả $75 triệu cho một cặp chỗ cất cánh và hạ cánh tại Heathrow vào đầu năm 2016. Tháng Ba 2017, SAS Scandinavian Airlines đã bán lại hai cặp chỗ trống tại Heathrow cho American Airlines với giá $75 triệu. Thường thì các hãng hàng không giữ bí mật thỏa thuận sang nhượng. Các slot cũng có thể được giao dịch theo những cách khác, chẳng hạn như hoán đổi giữa các nhà cung cấp dịch vụ, tương tự như cách mà các đội bóng đá cho mượn cầu thủ.

Do hệ thống “quyền ông nội”, hãng hàng không nào không sử dụng chỗ của mình có nguy cơ mất. Vì vậy, dù bay không hành khách cũng vẫn phải bay để giữ chỗ. Cách nay hai năm, khi Covid bắt đầu tàn phá công nghiệp hàng không, quy tắc 80% đã được nới lỏng. Tại Mỹ, Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA) bỏ qui định buộc phải sử dụng chỗ theo thời biểu bay, giống như năm 2002 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 Tháng Chín; hoặc như năm 2003 khi bùng phát dịch SARS; hay năm 2009 khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2009). Ở châu Âu, trong giai đoạn mùa Đông 2021-2022, ngưỡng “sử dụng chỗ hoặc mất chỗ” (use-it-or-lost-it) được hạ xuống còn 50%. Thừa nhận biến thể Omicron đang tàn phá kế hoạch du lịch của người dân, Ủy ban Châu Âu (EC) đã gia hạn các quy định về giữ chỗ đến ngày 29 Tháng Mười 2022 (tuy nhiên, họ sẽ nâng ngưỡng lên 64% vào Tháng Tư).

Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair xem việc giải quyết các chuyến bay ma là “rất đơn giản”. Michael O’Leary, ông chủ Ryanair, nói: “Nếu Lufthansa thực sự cần khai thác các chuyến bay ma để không mất chỗ về tay các hãng hàng đối thủ thì họ nên bán vé cho công chúng với giá thấp. Lufthansa và các hãng hàng không trực thuộc (Brussels Airlines, Thụy Sĩ và Áo) đã được hưởng lợi hàng tỷ đôla trợ cấp từ chính phủ. Do đó, thay vì bay không người, Lufthansa nên bán vé rẻ cho người dân ở Đức và châu Âu, tức là những người đã nộp thuế góp tiền cứu nó”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: