NEW YORK, New York City (SGN) – Khi đang yêu, phụ nữ thường hay nhận được nhiều lời khuyên khác nhau từ người khác, chẳng hạn như đừng tỏ ra cần người yêu quá, đừng tỏ vẻ là bạn đang ghen tuông hay là hãy luôn tỏ ra cho người đàn ông thấy rằng bạn là người tự lập và mạnh mẽ.
Những lời khuyên đó không sai, nhưng nó không phải là hoàn toàn chính xác. Bạn có thể nghe những lời khuyên và cố gắng làm theo, nhưng sau cùng thì bạn vẫn là bạn, cảm xúc của bạn vẫn hiện diện ở đó.
Các nhà khoa học giải thích rằng, cảm xúc của con người chúng ta dựa vào lý thuyết được gọi là “lý thuyết gắn bó”. Nó quan niệm rằng mỗi chúng ta từ khi sinh ra đã được sự tiến hóa lập trình để chọn ra những cá nhân khác trong cuộc sống trở nên quan trọng đối với chúng ta.
Theo các nhà khoa học, có khoảng 56% số người trên thế giới là người thuộc trong nhóm an toàn; 20% là nhóm lo lắng; 23% thuộc nhóm tránh né; 1% thuộc nhóm vừa lo lắng và tránh né. Mỗi nhóm đều có mỗi đặc điểm khác nhau và như vậy, cũng sẽ có thái độ, cảm xúc với mối quan hệ yêu đương cũng khác nhau.
Nếu bạn thuộc nhóm người an toàn, bạn sẽ luôn cảm thấy thoải mái khi ở bên cạnh người yêu. Bạn không thắc mắc rằng người yêu mình có thật sự yêu mình hay không mà trái lại, bạn rất thẳng thắn trong mọi chuyện.
Nếu bạn là người lo lắng, bạn thường xuyên cảm thấy thiếu thốn trong mối quan hệ của mình. Bạn luôn khao khát sự thân mật và quan tâm của người yêu. Bạn thường có xu hướng lo lắng và hay tự hỏi rằng liệu người yêu mình có còn thương yêu mình nhiều hay không. Nhóm người này sẽ dễ dàng trở nên ghen tuông vô cớ và hay lo lắng không rõ lý do.
Nếu bạn là nhóm người tránh né, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn chưa sẵn sàng cho việc cam kết gắn bó lâu dài. Bạn hay quan tâm đến những khuyết điểm nhỏ nhặt nhất của người yêu mình, nhất là khi hai bạn bắt đầu gắn bó với nhau hơn và bạn cảm thấy rằng nó sẽ xâm phạm sự riêng tư của bạn. Bạn cho rằng mối quan hệ lâu dài sẽ ảnh hưởng đến những mục tiêu khác mà bạn theo đuổi.
Điều này có gây ảnh hưởng đến hạnh phúc của bạn không? Câu trả lời là có thể có nếu như bạn không nhận dạng chúng.
Nếu bạn là người trong nhóm lo lắng, bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng và tủi thân nếu như hẹn hò với người thuộc nhóm tránh né. Bạn luôn cần sự quan tâm, chăm sóc trong khi người yêu của bạn thì thích có không gian riêng của mình.
Nếu bạn là người lo lắng, bạn nên hẹn hò với người thuộc nhóm an toàn. Thực tế là trong mỗi mối quan hệ thì nên có ít nhất một người thuộc nhóm an toàn.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy rằng mối quan hệ hạnh phúc nhất là khi cả hai đều cùng thuộc nhóm an toàn. Ngoài ra, nếu mối quan hệ có một người thuộc nhóm an toàn thì mối quan hệ đó cũng sẽ lâu dài và vui vẻ.
Khi nghe những thông tin này, có lẽ chị em phụ nữ chúng ta nếu không thuộc nhóm người an toàn sẽ tìm kiếm những người trong nhóm an toàn để yêu. Tuy nhiên, những đặc tính này có thể thay đổi nếu như bạn chịu thay đổi. Hãy tự hỏi chính bản thân là mình thuộc nhóm người nào và bạn sẽ tự có những điều chỉnh để phù hợp trong mối quan hệ của mình. (NA)