Canada: đầu tư của Trung Quốc vào Bắc Cực bị phản đối

H.C.

Sự kiện một công ty quốc doanh của nhà nước Trung Quốc mua lại một mỏ vàng trong vùng Bắc Cực của Canada đang gióng lên hồi chuông báo động về mưu toan mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc tại một khu vực có vị trí chiến lược về tài nguyên thiên nhiên và giao thông hàng hải. Các đảng đối lập và cựu quan chức chính phủ đang kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau ngăn cản thương vụ này.

Báo The Wall Street Journal đăng bài phóng sự dài cho biết, công ty Khai thác Vàng Sơn Đông (Shandong Gold Mining Co.) – một trong những công ty khai thác vàng lớn nhất Trung Quốc – sẽ mua lại công ty TMAC có trụ sở tại Toronto, Canada, và đang khai thác mỏ vàng ở phía bắc đường Vành đai Bắc Cực (Arctic Circle) khoảng 120 dặm.

Các chính trị gia đối lập nói Canada cần ngăn chặn vụ mua bán này để làm chậm việc Trung Quốc thâu tóm quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên chiến lược. Họ cũng muốn ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập vùng Bắc Cực. Quân đội Mỹ và các quan chức ngoại giao cũng từng cảnh báo rằng Trung Quốc có thể lập cứ địa tại những khu vực nhạy cảm như họ đã từng làm ở Biển Đông Việt Nam.

“Vụ mua bán này không thể diễn ra. Họ [Trung Quốc] rõ ràng là một đối thủ, và tôi nghĩ chúng ta nên luôn tính tới chuyện đó mỗi khi họ muốn mua một tài sản nào,” ông Richard Fadden, cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Trudeau và cựu Thủ tướng Stephen Harper, nói.

Các cổ đông của công ty TMAC và chính quyền Trung Quốc đã đồng ý thương vụ này, nhưng nó cần phải được chính phủ Canada chấp thuận. Theo luật Canada, chính phủ có trách nhiệm xem xét mọi cuộc mua bán, sáp nhập do các công ty quốc doanh nước ngoài đề nghị, và có quyền ngăn chặn nó để bảo vệ an ninh quốc gia.

Công ty khai thác vàng Sơn Đông, do chính quyền tỉnh Sơn Đông Trung Quốc sở hữu và kiểm soát, nói họ chỉ quan tâm tới tiềm năng thương mại của công ty TMAC.

Phát ngôn viên của Bộ Canh tân Canada, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thực thi luật đầu tư nước ngoài, nói rằng họ sẽ đánh giá lợi ích mà thương vụ này đem lại cho nền kinh tế Canada trước khi phê chuẩn, nhưng từ chối bình luận về các khía cạnh khác của vụ mua bán.

Việc phản đối thương vụ Sơn Đông-TMAC diễn ra vào lúc quan hệ giữa Canada và Trung Quốc xuống tới mức thấp nhất, sau khi Canada bắt giam bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chánh của công ty công nghệ Huawei, Trung Quốc và Bắc Kinh trả đũa bằng việc bắt giam hai công dân Canada, ông Michael Kovrig và Michael Spavor, cáo buộc họ làm gián điệp.

Vụ bắt giam hai ông Michaels – mà ông Trudeau gọi là biện pháp trả thù – làm cho công luận Canada phẫn nộ. Một cuộc thăm dò ý kiến do công ty Nanos Research thực hiện hôm 13-07 cho  thấy đa số người dân Canada đều nghĩ rằng chính phủ của ông Trudeau cần phải trừng phạt Trung Quốc bằng cách cấm các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp Canada, không cấp visa nhập cảnh cho các quan chức Trung Quốc.

Vị trí hoạt động của công ty TMAC ở Bắc Cực là nơi nhạy cảm khi các nước tranh nhau quyền tiếp cận khu vực này. Một lý do là tài nguyên khoáng sản. Ông Eric Miller, chủ tịch công ty tư vấn Rideau Potomac Strategy Group nhận định: “Ở đó có nguồn tài nguyên rất lớn; Trung Quốc là nước đói tài nguyên đang tìm kiếm cách tiếp cận chiến lược các nguồn tài nguyên đó.”

Hoạt động khai thác mỏ của TMAC cũng nằm trên lối vào Hành lang Tây Bắc (Northwest Passage) – một con đường hàng hải nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương. Hiện trên hành lang này TMAC chỉ có một cầu tàu cho xà lan đậu nhưng đã có đề nghị xây dựng bến cảng để vận chuyển hàng hóa, sản phẩm; nếu mua được TMAC công ty Sơn Đông sẽ tiếp tục phát triển kế hoạch xây bến cảng. Ba nước Mỹ, Nga và Trung Quốc đều hy vọng Bắc Băng Dương sẽ trở thành tuyến vận chuyển hàng hóa chủ yếu khi băng giá ở Bắc Cực tan ra vì khí hậu biến đổi, rút ngắn con đường vận tải biển giữa châu Âu và châu Á.

Nga là quốc gia đã cho cắm cờ xuống đáy biển Bắc Băng Dương năm 2007, là nước có đội tàu phá băng lớn nhất và có quân đội đồn trú trong vùng này đông đảo nhất. Mỹ hiện dựa vào đội tàu ngầm nguyên tử để tuần tra khu vực và tháng trước Tổng thống Trump yêu cầu chính phủ Mỹ mua thêm một số tàu phá băng để mở rộng hoạt động ở Bắc Cực.

Trung Quốc không phải là nước giáp ranh Bắc Cực – điểm cực bắc của nước này còn cách Vành đai Bắc Cực hơn 900 dặm về phía nam, nhưng Bắc Kinh vẫn tuyên bố Trung Quốc là “nước gần Bắc Cực” và xin được quy chế quan sát viên của Hội đồng Bắc Cực – một tổ chức quy tụ các nước có lãnh thổ trong vùng Bắc Cực là Mỹ, Nga, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Băng Đảo (Iceland), Na Uy và Thụy Điển. Năm 2018 Trung Quốc đã công bố sách trắng về Bắc Cực, bày tỏ ý định thiết lập một “con đường tơ lụa Bắc Cực”.

Thực hiện ý đồ này, Trung Quốc đã đầu tư có hệ thống vào khu vực Bắc Cực và muốn xâm nhập vùng địa cực này, vừa để kiểm soát một nguồn tài nguyên khoáng sản, năng lượng, hải sản vừa như một con đường giao thương hàng hải, theo nhận định của bà Heather Conley, nhà phân tích chính sách đối ngoại của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington. Bà Conley cho rằng thương vụ Sơn Đông-TMAC chỉ là một sự kiện đơn lẻ, nhìn bên ngoài thì không có vẻ phiền toái gì, nhưng lại là một mắc xích trong chuỗi hành động nhằm củng cố quyền tiếp cận của Trung Quốc tới Bắc Cực và thiết lập sự thống trị toàn cầu trong ngành công nghiệp khai khoáng.

Chính phủ Mỹ đã nhiều lần lên tiếng không muốn để cho Trung Quốc được tiếp cận rộng rãi một vùng giáp ranh với tiểu bang Alaska. Hôm thứ Tư 22-07, trong chuyến thăm Đan Mạch, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Nga và Trung Quốc đang ngày càng hung hăng ở Bắc Cực. “Nếu họ muốn cạnh tranh thì chúng ta sẽ không nhân nhượng,” ông Pompeo nói.

Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thượng viện Mỹ cũng đang theo dõi sát diễn biến của thương vụ Sơn Đông-TMAC. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski (Cộng Hòa, Alaska), chủ tịch ủy ban, nói Trung Quốc đang củng cố quyền kiểm soát tài nguyên khoáng sản và kim loại quý ở Bắc Cực bằng cách bỏ vốn đầu tư vào các quốc gia ven vùng cực. “Chúng ta nên thừa nhận, cần phải nghiêm chỉnh xem xét việc đó, phải làm cho sự chú ý và chính sách của chúng ta bắt kịp tình hình  – chúng ta không thể nhượng quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiết yếu cho các đối thủ cạnh tranh về kinh tế,” bà Murkowski nói.

Các công ty Trung Quốc đã mua một số tài sản ở vùng cực bắc Canada: Công ty MMG Ltd. – do một công ty quốc doanh Trung Quốc nắm phần lớn cổ phần – đã mua các mỏ thiếc và mỏ đồng trong vùng Bắc Cực và đang vận động chính phủ Canada cho phép xây dựng một con đường 200 dặm, một bến cảng nước sâu ở Hành lang Tây Bắc; công ty Jilin Jien Nickel Industry Co. sở hữu một mỏ đồng và mỏ nickel ở cực bắc tỉnh Quebec của Canada.

Với công ty TMAC của Canada, thương vụ bán mình cho Sơn Đông Trung Quốc là lối thoát. Nếu thương vụ không được duyệt, TMAC sẽ có rất ít khả năng huy động đủ tiền để trả nợ và tiếp tục hoạt động, CEO của TMAC, ông Jason Neal, cho biết. Các mỏ khoáng sản của TMAC được cho là có trữ lượng hấp dẫn nhưng vị trí của chúng ở Bắc Cực xa xôi làm cho việc khai thác trở nên rất tốn kém. Đó là lý do tại sao TMAC đã mời chào 76 công ty chung vốn nhưng chỉ có Sơn Đông dự thầu, theo ông Neal.

“Sơn Đông có cơ hội và khả năng đầu tư dài hạn. Đó là thương vụ làm ăn tốt cho mọi người,” ông Neal nói. Nhưng có lẽ ông chưa tính tới khả năng, đối với các công ty quốc doanh của Trung Quốc, khi họ quyết định đầu tư thì tìm kiếm lợi nhuận chỉ là thứ yếu, xếp sau lợi ích chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.

(theo WSJ)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: