Hầu như ai yêu văn chương, cũng đều biết đến nhà thơ người Nga, gốc Do Thái Joseph Brodsky. Đến Mỹ từ đầu thập niên 70, Brodsky trở thành một trong những biểu tượng hàng đầu về ngôn ngữ thi ca. Nhiều giải thưởng quốc tế trao cho ông để vinh danh, trong suốt một thời gian dài, cao quý nhất là giải Nobel Văn chương năm 1987.
Cho tới khi Brodsky qua đời (1996), đa số giới phê bình vẫn đồng quan điểm rằng ba nhân vật quan trọng hàng đầu, là Joseph Brodsky, Octavia Paz và Gabriel Garcia Marquez đã kiến tạo nên sự đẹp đẽ của ngôn ngữ thi ca văn chương thế kỷ 20.
Ấy vậy mà, ít ai tưởng tượng được, trong thời kỳ sống và sáng tác ở Liên Xô, Brodsky bị mật vụ đưa vào các trại tâm thần, chỉ vì ông có đường lối sáng tác riêng, cũng như không khuất phục các yêu cầu tư tưởng từ lãnh đạo chính trị. Bị kết án là phi lao động và là thành phần có tư tưởng phản Xô-viết, Brodsky ra tòa vào tháng 3-1964, và bị đưa vào trại tâm thần, bên cạnh việc lao động cưỡng bức.
Một nhân vật kiệt xuất của loài người như Joseph Brodsky, mà cũng bị đưa vào trại cưỡng bức điều trị tâm thần, thì có lẽ không còn ai sống trong chế độ cộng sản có đủ nhân tính, đủ tỉnh táo lại được tự do bên ngoài.
Trong một lần trả lời phỏng vấn ở Mỹ, sau khi định cư, nhà thơ Brodsky kể rằng mình bị giam trong phòng riêng ở trại tâm thần, và được y tá đến tiêm những loại thuốc ‘an thần‘ không tên. Nếu kháng cự, ông sẽ bị trói vào giường và bị chụp hình lại để làm bằng chứng trong hồ sơ về mức độ nguy hiểm của giai đoạn tâm thần. Brodsky thường bị đánh thức vào nửa đêm, các bác sĩ và y tá “điều trị tâm thần” dẫn ông đi, xịt nước và bắt ngâm mình trong bồn nước lạnh.
Từ thời Josef V. Stalin, việc đẩy các tù nhân chính trị vào trại tâm thần để cách ly với xã hội khá phổ biến, nhưng đến thập niên 60, thời của tổng bí thư Leonid Brezhnev, tâm thần được biến hóa thành một công cụ hoàn chỉnh để loại bỏ các đối thủ chính trị hay những người bất đồng chính kiến, hoặc thậm chí với những người dám công khai bày tỏ sự mâu thuẫn với giáo điều cộng sản.
Trong tiếng Nga, có chữ Psikhushka (психу́шка), mà hầu hết những người có hiểu biết về chế độ cộng sản đều nhớ đến nó như một nỗi ám ảnh. Trong thời đại cưỡng ép mọi người phải cúi đầu trước chủ nghĩa Marx-Lenin và bạo quyền, toàn cõi Liên Xô khi nhắc về Psikhushka, là nhắc những trại tù tâm thần, với đủ các trò tra tấn để hủy diệt con người không chịu khuất phục.
Thậm chí, các cuộc tranh luận về tính thực tế của lý thuyết Marx, Lenin… trên báo chí hay các diễn đàn, người thắng cuộc phản biện cũng có thể bị đưa vào nhà thương điên, với chẩn đoán chuẩn mực Xô viết, là những kẻ philosophical intoxication – bị ngộ độc triết học, và cần phải được chạy chữa.
Mikhail I. Buyanov, bác sĩ tâm thần và thần kinh học, viết trong cuộc khảo sát lịch sử về tâm thần học của Liên Xô sau khi hệ thống này tan rã, do Uchitelskaya Gazeta xuất bản, viết rằng “các nhà lãnh đạo thỏa thuận với nhau về nội dung: ở đất nước chúng tôi không có những người bất đồng chính kiến - chỉ có những người tâm thần mất trí hay vi phạm pháp luật”. Đến thời của Nikita S. Khrushchev, lời giải thích chính thức kèm theo, trở thành câu nói cửa miệng của giới công an, là “không một người lành mạnh nào chống lại chủ nghĩa xã hội”.
Lịch sử vẫn ghi lại rõ tội ác của những kẻ thủ ác, từ những trại tập trung của Phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến, cho đến vụ thảm sát dân thường ở Hungary vào năm 1956 của Hồng quân Liên Xô. Thế nhưng ghi chép về các âm mưu biến người bất đồng chính kiến thành các bệnh nhân tâm thần trong thời chiến tranh lạnh, chưa bao giờ tỏ rõ được hết sự man rợ của các nhà lãnh đạo cộng sản. Đặc biệt trong đó có sự hợp tác của các bác sĩ được gọi là chuyên gia tâm thần. Sau này, trong cuốn State of Madness: Psychiatry, Literature, and Dissent After Stalin (tạm dịch: Tình trạng cuồng điên: Tâm thần học, Văn chương và Bất đồng chính kiến thời sau Stalin), tác giả Rebecca Reich gọi các loại bác sĩ đó là những nhà viết kịch bản đại tài để bỏ tù những người bất đồng chính kiến.
Chẳng hạn như với trường hợp của nhà thơ Joseph Brodsky, không có hồ sơ bệnh án nào. Nhưng từ phán quyết của Snezhnevsky, một bác sĩ “chính trị tâm thần” lừng danh trong thời Xô-viết, đã trở thành mệnh lệnh trước tòa để quyết định đưa Brodsky đi “điều trị tâm thần”. Ông này đã nói rằng “nhìn Brodsky là biết có bệnh tâm thần phân liệt”, và Snezhnevsky kết luận rằng “anh ta không phải là một người có giá trị gì cả và nên cho đi vào trại tâm thần”. Lúc đó, Joseph Brodsky chưa đến 24 tuổi.
Liên Xô được coi là văn minh nhất, vì có cả những tòa án xét tội tâm thần. Tại tòa, Brodsky bị đại diện Viện kiểm sát kết án là “đã không thực hiện được nghĩa vụ hiến định của mình là làm việc lương thiện vì lợi ích của Tổ quốc”. Khi ấy, ông bị chất vấn “ai cho phép anh xưng là nhà thơ, ai cho phép anh tự mình đứng vào hàng ngũ các nhà thơ?”’ – “Không ai cả”, Brodsky trả lời, “Vậy ai đã ghi danh tôi vào hàng ngũ loài người?”. Sau cuộc đối chất đó, Joseph Brodsky bị kết án 5 năm, vừa chữa tâm thần, vừa cải tạo lao động cưỡng bức 5 năm tại tỉnh Arkhalgelsk, miền bắc nước Nga.
Tài liệu điều tra của nhà nghiên cứu Benjamin Zajicek (The Psychopharmacological Revolution in the USSR: Schizophrenia Treatment and the Thaw in Soviet Psychiatry, 1954–64), phát hiện rằng vào những năm 1950 và 1960, sự ra đời của các loại dược phẩm tâm thần mạnh mẽ, đặc biệt là Chlorpromazine (Thorazine), các bác sĩ “chính trị tâm thần” Liên Xô đã lạm dụng với tên Aminazine, và sử dụng tùy tiện nơi các tù nhân chính trị, các nhân vật bất đồng chính kiến. Thậm chí, Liên Xô còn hợp thức hóa việc điều trị chuyên biệt ở bệnh viện, sang điều trị ‘hỗ trợ’ trong cộng đồng, tức một người nào bị tạm giam 1 hay 4 tháng để điều tra ở bất kỳ đồn công an nào, họ cũng có thể bị ép hoặc lừa dùng thuốc này, để thao túng lời khai hay trạng thái của người bị giam giữ.
Tài liệu này cũng ghi nhận, ít nhất sau 12 tháng điều trị, nếu thấy thể chất của người bị áp dụng thuốc vẫn tốt, thường liều lượng được tăng lên gấp 2 hoặc gấp 4 lần, để phục vụ việc ra tòa hoặc kết thúc nhanh sự vụ.
Việc cưỡng bức điều trị tâm thần ở Liên Xô bị tố cáo trong các kỳ Đại hội của Hiệp hội Tâm thần Thế giới ở Mexico City (1971), Hawaii (1977), Vienna (1983) và Athens (1989), gây ra thiệt hại không thể cứu vãn đối với uy tín của nền y học Liên Xô. Thậm chí năm 1974, nhà tranh đấu Vladimir Bukovsky và bác sĩ tâm thần bị giam giữ Semyon Gluzman đã cùng viết cuốn Cẩm nang hướng dẫn đối phó về việc bị cưỡng bức điều trị tâm thần cho những người bất đồng chính kiến, cung cấp cho các nạn nhân tiềm năng của bệnh “tâm thần vì chính trị”, hướng dẫn cách cư xử trong quá trình điều tra để tránh bị chẩn đoán là bệnh tâm thần.
Sự việc bùng nổ hơn vào năm 1968, khi nhà ngôn ngữ học Viktor Isaakovich Fainberg, nhân vật nổi bật của phong trào bất đồng chính kiến ở Liên Xô, cùng 6 người bạn của mình biểu tình ở Quảng trường Đỏ phản đối Liên Xô xâm lược Tiệp Khắc, qua đó khởi phát Chiến dịch chống lạm dụng tâm thần.
Về vấn nạn cưỡng ép người khác biệt quan điểm chính trị hay hoạt động xã hội vào trại tâm thần, có thể được xem Liên Xô là anh cả, kế đến là Trung Quốc và nhiều nước cộng sản đàn em khác. Thập niên 2000, việc đưa vào trại tâm thần được áp dụng nhiều ở Trung Quốc và các nước cộng sản và độc tài, vì rất tiện lợi: không cần ra tòa, chỉ cần có công an và bác sĩ thỏa hiệp với nhau. Nhưng khác với thời chiến tranh lạnh, giờ đây, hành động đó hiển nhiên được coi là tội ác chống loài người, dù được ngụy trang với bất kỳ vỏ bọc nào.
Năm 1996, nhà thơ Joseph Brodsky qua đời tại căn hộ của mình ở Brooklyn Heights, New York. Sau đó ít lâu, Vladimir Radunsky, một họa sĩ Nga hâm mộ ông, đến làm một bia mộ, trên đó có dòng chữ tiếng Latin “Letum non omnia finit” (Chết chưa là hết). Diễn ngôn này mô tả danh tiếng của Brodsky, nhưng có lẽ cũng nhắc cho mọi người nhớ, nhà thơ vĩ đại này ra đi, nhưng ký ức về loại tội ác với con người của chế độ cộng sản, mà ông là một trường hợp, sẽ luôn được ghi nhớ.