Chắc nhiều người vẫn còn nhớ cô gái nhỏ dũng cảm, tên Dong Yaoqiong (Đổng Dao Quỳnh) ở tỉnh Hồ Nam, từng bày tỏ thái độ phản đối sự đàn áp và độc tài của Tập Cận Bình trên quê hương mình bằng cách đứng trước tấm biểu ngữ có hình họ Tập, hắt lọ mực đen vào và đưa lên trang twitter. Sự kiện này được nhiều báo thế giới đưa tin, bởi hành động này được coi là quá táo bạo trong giai đoạn Tập đang trong nỗ lực bỉ ổi, vừa ngồi ghế trưởng đảng cộng sản, lại vừa chiếm luôn ghế chủ tịch.
Trong video, Dong giải thích rằng cử chỉ này của cô nhằm “nói công khai rằng tôi phản đối chế độ độc tài chuyên chế của Tập Cận Bình và sự áp bức kiểm soát tư duy do Đảng Cộng sản Trung Quốc áp đặt”. Nhanh chóng sau đó, Dong đã bị công an đến nhà bắt đi, với tội danh đầy chất thiên triều “xúc phạm lãnh tụ”. Cả một hệ thống báo chí và tuyên truyền viên tay sai nhà nước đã chửi rủa cô ta dữ dội, vì cho là dám xúc phạm đến một nhân vật vĩ đại.
Chuyện xảy ra vào tháng 7, năm 2018, hàng triệu người Trung Quốc đã xao xuyến theo dõi số phận của cô gái này. Bỏ tù thì hơi mất mặt, Dong bị nhà cầm quyền đưa đến bệnh viện tâm thần để điều trị “rối loạn hành vi và cảm xúc”. Đến gần cuối năm 2020, cô Dong được thả về nhà. Gia đình của cô nói rằng giờ đây cô là một con người khác, suy giảm trí tuệ và im lặng ngơ ngác, hỏi gì cũng không nói. Cái gọi là bệnh viện tâm thần của chế độ cộng sản lộ ra một hình ảnh khác: nơi thí nghiệm các loại độc dược và đày ải thể chất con người, khiến họ không còn như bình thường nữa.
Nhưng Dong không là trường hợp cá biệt. Cô chỉ là một người bị hủy hoại trí tuệ nổi tiếng, và may mắn trở về gia đình sớm. Theo tài liệu nghiên của Jerome A. Cohen, giáo sư tại New York University School of Law từ năm 1990, và là trưởng khoa Asia Law Institute, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, thì mỗi ngày ở Trung Quốc, có đến hàng trăm người bị đưa vào những cơ sở cưỡng bức điều trị tâm thần như vậy. Dĩ nhiên, điều cốt lõi của các vụ “điều trị” là các bác sĩ không bao giờ đưa ra các giải thích về tình trạng và cách trị liệu. Các loại thuốc khi đưa đến ép bệnh nhân uống hay chích, thường bị giấu các bao bì. Gia đình “bệnh nhân” dù có kêu gào tìm hiểu việc cưỡng bức điều trị đều không nhận được bất kỳ tờ giấy nào, thậm chí có đến tận mặt bác sĩ, y tá… cũng chỉ được câu trả lời trở thành “hiến pháp” của ngành công an các nước cộng sản, là “chỉ làm theo lệnh cấp trên”.
Năm 2014, dưới áp lực quốc tế, và để không bị nhìn là một chính quyền tà ác, Bắc Kinh đã cho phép thông qua luật sức khỏe tâm thần. Những trường hợp được công luận soi chiếu, càng làm rõ hơn phương thức “điều trị để thật sự điên” của hệ thống cộng sản. Số phận của một người đàn ông tên là Xu Wei (Từ Vị) được thoát khỏi cuộc”điều trị” sau 15 năm nhốt và cưỡng ép nhồi thuốc ở bệnh viện tâm thần Thượng Hải đã là nguồn cảm hứng của truyện ngắn và phim. Lý do chính quyền bắt anh ta phải điều trị tâm thần là bởi anh nộp đơn kiện các cơ quan chính phủ khác nhau vì nhận thấy những bất công về đất đai, chết bất thường trong đồn công an, kêu oan cho tù nhân… Năm 2017, Xu Wei được trở về đời thường, không bị kết luận tâm thần. Lúc đó anh 50 tuổi.
Xu kể rằng, anh đã chứng kiến những người bị cưỡng bức điều trị tâm thần vì chính kiến như vậy, đến hết cả một đời. Tương tự như thời Chiến tranh Lạnh, ở Liên Xô, việc lạm dụng từ ngữ và chẩn đoán là cách mà các hệ thống cộng sản vẫn hay đưa người bất đồng chính kiến, hoặc những người mà họ cho là đã “làm phiền” nhà nước, dù mọi trình tự theo đúng luật. Cho là bị “tâm thần”, sẽ đạt được ba mục đích trên bề mặt: giam giữ không cần án, cô lập với mọi tin tức xã hội và dễ bị quên lãng vì gọi là “điên”.
Sau thời kỳ hệ thống cộng sản Đông Âu sụp đổ, chính quyền Trung Quốc đã trở thành đối tượng chính bị chỉ trích rộng rãi vì sử dụng các khu điều trị tâm thần và các “cơ sở giáo dục”, bao gồm các trung tâm cai nghiện ma túy và mại dâm, trại “cải tạo chính trị” và “nhà tù đen” để áp đặt việc giam giữ tùy tiện. Trung Quốc cũng là thầy giáo giỏi với các nước được coi là thân thiết, chung lý tưởng, trong các giáo trình hủy diệt con người như vậy, cải tiến và thâm độc hơn cả Liên Xô cũ.
Theo báo cáo gần đây nhất của Tổ chức phi chính phủ Chinese NGO Civil Rights and Livelihood Watch, ngành y tế của Trung Quốc đã “tiếp tục thông đồng với chính quyền trong việc tống giam những người chỉ trích chính phủ”. Dù gọi là có luật, bản thân Luật Sức khỏe Tâm thần (Mental Health Law) quá rộng và mơ hồ để có thể thực hiện đúng. Khác với điều trị ung thư hay lao phổi chẳng hạn, các loại biệt dược được áp đặt cho các “bệnh nhân” được phía công an chuyển qua trại tâm thần là những thứ bí mật quốc gia, không bao giờ được công bố. Nó là một phần của lịch sử đen tối của bất kỳ quốc gia cộng sản nào đang vẫn lừa dối nhân dân, và hò reo thứ chính nghĩa trá ngụy của họ.
(Theo hồ sơ từ ChinaFile, a project of the Center on U.S.-China Relations at Asia Society, Center on U.S.-China Relations)