Những ngày chờ dịch qua đi, mình lại nhớ nhiều chuyện cũ. Rồi bỗng dưng bị thôi thúc phải viết kể lại những câu chuyện về những người ở thế giới bên kia mà mình từng gặp…
Phải nói trước đây mình vốn rất sợ ma, nỗi sợ theo mình từ khi còn nhỏ. Là do những ngày mưa bão, chị giúp việc hay kể cho mấy chị em nghe chuyện ma ở quê của chị. Thấy tụi mình tối lại túm áo nhau bắt chị giúp việc dẫn đi vệ sinh, má la, không cho chị kể chuyện ma cho tụi mình nghe nữa. Nhưng chờ má đi dạy, mình lại nằn nì chị Ni, chị Liễu, chị Lụa kể tiếp những câu chuyện ma hấp dẫn. Tuy sợ ma nhưng khi lớn lên, mình tin rằng con người chết là hết, hóa thành đất cát, tan vào thinh không. Đám giỗ chẳng qua là dịp để con cháu tề tựu sum họp và nhắc lại những kỷ niệm về người mất. Mình tin chắc như vậy nên thờ ơ với những dịp cúng kiến trong gia đình. Khi nghe ai nói về thế giới tâm linh, mình khinh khỉnh nghĩ bụng: thời này mà còn tin những chuyện hoang đường và mình nghĩ mình thật sáng suốt khi chỉ tin vào khoa học.
Nhưng càng lớn tuổi với những trải nghiệm về tâm linh đưa đẩy đến với mình thì mình hiểu ra cái sự biết của mình về cái vô cùng của vũ trụ chỉ là cái biết của con ếch ngồi đáy giếng thấy trời bằng vung. Đó là mình chỉ nói về bản thân mình thôi. Sợ ma nhưng không tin thế giới tâm linh, thật mâu thuẫn. Cú gặp ma đầu tiên của mình là khi nuôi con tại bệnh viện vào năm 1993. Nhưng thôi chuyện đó mình sẽ kể lại sau. Còn bây giờ mình sẽ kể những lần gặp ma khi đi công tác.
MA ĐẢO LÝ SƠN
Đó là những năm đầu thế kỷ 21, thế kỷ mà khoa học hiện đại ngày càng có những phát minh tân tiến. Nhưng với đảo Lý Sơn thì thời đó vẫn chưa có điện thường xuyên. Mỗi ngày trên đảo chỉ có vài tiếng có điện nhờ chạy máy nổ và thường là giờ làm việc hành chính. Ban đêm điện chỉ có đến 11h và sau đó cả đảo chìm vào đêm đen tối mịt, lặng như tờ. Năm 2002, mình công tác ra đảo. Đi cùng với mình chỉ có cậu quay phim. Còn lái xe ở lại trong đất liền chờ. Hồi đó đảo còn ít dân, nhà cửa thưa thớt, chỉ có chỗ bến cảng là còn nhộn nhịp chứ vào sâu phía trong, không gian lặng lẽ lắm. Sau một ngày làm việc, bên ủy ban huyện dẫn hai chị em đến nhà công vụ nghỉ. Khu nhà công vụ vốn dành cho cán bộ công chức ra đất liền làm việc ở lại qua đêm. Vì vậy, nó không nằm trong khu dân cư. Khu nhà hai tầng, phía trước là rẫy bắp cao khoảng hơn đầu người, còn lại chung quanh là trống trơn.
Cậu quay phim Nguyễn Văn Phát ngủ ở căn đầu hồi, đến một nhà vệ sinh, rồi đến cầu thang đi lên tầng hai và kế đến là căn phòng mình ngủ. Bước vào phòng, thấy ngán rồi. Phòng rộng thênh với khoảng 10 cái giường gỗ cá nhân. Mình cẩn thận chọn cái giường xa các cửa sổ nhất và đặt ba lô lên giường bên cạnh. Sau đó đi tắm. Leo lên giường, mình nhắm mắt và cứ nhẩm: “Ngủ đi, ngủ đi” – kiểu như tự kỷ ám thị. Vì mình biết nếu lát nữa, khoảng 11h đêm cúp điện sẽ càng khó ngủ. Trằn trọc riết đến khi cúp điện vẫn chưa ngủ được. Khoảng nửa tiếng sau, mình thiu thiu thì có cảm giác bàn tay ai đó sờ lên cánh tay trái của mình. Theo phản xạ của một bà mẹ đang có con nhỏ thường hay rất tỉnh dù đang ngủ mê (lúc đó đứa thứ hai của mình mới 18 tháng), mình xoay qua trái lấy tay vỗ vỗ vào mông con như mình hay làm lúc cháu cựa mình trong giấc ngủ.
Bỗng nhiên mình giật mình khi nhận ra tay mình đang vỗ vào khoảng không. Mình chợt nhớ ra: Ô mình đang đi công tác chứ đâu phải ở nhà. Rồi mình từ từ hé ti hí mắt trừng trừng nhìn ra ngoài mùng: một bóng đen đứng sát mùng. Mình cố há miệng thật to để kêu cứu cậu quay phim đang ngủ ở căn phòng đầu hồi nhưng lạ là không la lên được, tiếng kêu cứu cứ như bị chẹn ngang cổ họng. Nói thật lúc đó mình muốn khóc mà cũng không khóc được. Người cứng đờ ra, cố quờ quạng tay chân mà không quờ quạng nổi. Chân thì như mềm nhũn ra không còn cảm giác gì hết. Rồi mình thấy bóng đen dần cao lên rất nhanh và nó uốn cong mình vắt ngang đỉnh mùng. Lúc đó thì người mình như bị tê liệt hoàn toàn, chỉ có cái đầu là còn suy nghĩ được. Mình nhắm tịt mắt lại phó thác mọi sự cho… ma. Lúc đó cảm giác muốn khóc lắm mà không khóc được. Vậy là mình nhắm nghiền mắt, trân mình chịu đựng và thức luôn tới sáng.
Nghĩ đến còn một đêm nữa phải ngủ lại đảo lạnh cả người. Thời đó, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu gỗ ra đảo hoặc vào đất liền lúc 8h sáng chứ không phải dập dìu tàu siêu tốc, ca nô như bây giờ. Sáng đó làm việc mà như mất hồn. Mấy lần định bụng kể cho cậu quay phim nghe nhưng nghĩ cậu sẽ không tin mà cho rằng mình nhát gan, thần hồn nát thần tính. Ai dè trong bữa cơm trưa hôm đó, cậu quay phim hỏi anh chủ tịch huyện:
“Chỗ nhà em ngủ hồi đêm hình như có chi anh hả”. Mình vừa nghe xong là nhìn sững cậu quay phim.
Anh kia cười cười hỏi lại: “Có chi đâu, bình thường mà em”.
“Vậy mà hồi tối em bị xô té xuống đất, em trèo lên thiu thiu ngủ là bị xô té lại”.
Mình hồn vía lên mây kể luôn cho cậu quay phim và anh đó nghe rồi hỏi: “Anh ơi, tối nay anh tìm nhà dân cho em ngủ nhờ chứ ngủ ở đó chắc em chết quá”. Vậy là ảnh dẫn đến nhà một cậu nhân viên nói cậu đó cho mình ngủ nhờ một đêm. Còn cậu quay phim tối hôm đó rủ một nhân viên khác của huyện đến ngủ chung. Cậu nhân viên đó mới cưới vợ có ba ngày mới ác chớ, nỡ chia duyên rẽ thúy con người ta vậy đó. Bây giờ cậu nhân viên văn phòng đã là lãnh đạo huyện.
Sáng hôm sau mình hỏi ngủ lại có bị gì không, cậu quay phim nói: “Dù có thằng N. ngủ lại nhưng em vẫn làm luôn chai rượu say như chết, kệ cho nó làm gì làm chớ em đâu có biết chi nữa”.
Sau chuyến đi đó, mình sợ đến mức phải ba năm sau mình mới quay lại đảo làm việc. Chuyến đi sau, trong bữa cơm tối, cậu chánh văn phòng huyện kể cho tụi mình nghe chuyện ma thời xưa trên đảo do cha của cậu, một ngư dân dày dạn sóng gió kể lại.
Khi ra về, mình ngồi sau xe cậu quay phim tên Thịnh mà cứ lầm bầm: Chị sợ quá Thịnh ơi. Thịnh cười: Chị hay sợ ma mà cứ ưa nghe kể chuyện ma chi khổ rứa không biết. Đêm đó, mình sợ đến mức mất ngủ. Mười hai giờ đêm, nghe điện thoại reo, giật bắn mình. Mình hồi hộp cầm điện thoại lên, thì ra là Thịnh. Thịnh nói: Em gọi thử coi chị còn sống không chớ hồi nãy em thấy chị sợ quá, em sợ chị vỡ tim (đúng là thằng khỉ, nó nói làm mình càng sợ thêm). May là tối đó yên ổn. Có lẽ con ma năm trước thấy tội nghiệp mình nên không trêu ghẹo nữa.
Bây giờ dương thịnh nên chắc âm suy. Trên đảo lúc nào cũng đông nghịt khách du lịch. Khách sạn, quán xá, nhà hàng… mọc lên như nấm. Có lẽ mấy con ma cũng buồn tình rủ nhau đi kiếm chỗ khác sống vì Lý Sơn bây giờ ồn ào náo nhiệt quá.
MA TIÊN PHƯỚC
Mùa mưa lũ năm 2010. Cả nhóm ba chị em đi công tác Quảng Ngãi. Đi nửa đường, sếp điện thoại bảo lên gấp Bắc Trà My vì đang có lũ lớn tràn về. Làm gấp tin bài gửi về. Lên đến nơi, nước lũ cuồn cuộn thấy khiếp. Sau khi quay hình, dựng phim, viết bài gửi về xong, nhóm tìm cách chạy về Tam Kỳ ngả lưng sau một ngày mệt nhoài. Cậu lái xe trẻ tên Lý Phước Ý dạn tay lái chạy qua được nhiều đoạn nước xoáy từ Bắc Trà My về đến Tiên Phước. Ngồi trên xe mình cũng thấy hồi hộp, căng mắt nhìn mỗi khi Ý nhấn ga chạy qua các đoạn đường mà nước cứ cuồn cuộn, gầm gừ.
Về đến được Tiên Phước, ba đứa thở phào nhẹ nhõm. Vậy là coi như đã về đến được Tam Kỳ. Ai dè đến thị trấn Tiên Phước, không có cách nào thoát ra được. Nước đã dâng lên cao ngay cửa ngõ ra khỏi thị trấn. Công an chặn đường không cho xe chạy qua. Đúng là không có kinh nghiệm, trong khi mọi xe khác tỏa ra đi tìm nhà trọ, xe của mình cứ đứng chờ nước rút. Sau này nghe dân địa phương nói mới biết người có kinh nghiệm thấy tình hình như vậy là lo đi tìm chỗ trọ ngủ ngay chứ không là không còn chỗ. Bọn mình cũng y tình cảnh như vậy. Chờ hoài không được, đi tìm nhà trọ thì đã hết chỗ. Quần áo cả bọn ướt mem vì cả ngày dầm người trong mưa, bây giờ chẳng lẽ ngủ ngoài xe.
Nhớ đến số điện thoại một người quen, gọi cho anh hỏi xin chỗ ngủ qua đêm. May quá, cơ quan anh có nhà khách và còn được hai phòng chưa có người. Chạy đến đó bỏ hành lý, đi kiếm gì ăn tối. Vừa đi xuống cầu thang, thấy một cô gái hớt hơ, hớt hải chạy lên hỏi anh quản lý nhà khách còn chỗ ngủ không? Thì ra cô ta là nhân viên của cơ quan này, do bị kẹt lũ, không về nhà được nên chạy ngược trở lại cơ quan tìm chỗ ngủ. Mình thấy vậy mừng quá rủ Minh (tên cô ấy) lên ngủ chung với mình cho vui. Mà thật ra cũng chỉ còn hai phòng, cậu lái xe và cậu quay phim ở một phòng. Còn mình ở một phòng.
Mình lên ngược lại tầng hai để mở cửa cho Minh. Đến trước cửa phòng mà mình để ba lô, tự dưng Minh ngần ngừ rồi nói: “Chuyển phòng đi chị?”. Mình vốn lười xách ba lô đi qua phòng khác và cũng ngại phiền hai cậu kia nên nói: “Thôi, ngủ phòng này cũng được em a”. Minh cứ khăng khăng: “Không, ngủ phòng kia đi chị, nói hai anh đó xách ba lô qua phòng này đi”. Đến lúc đó cậu lái xe mới dọ hỏi đầy vẻ nghi ngại: “Ủa sao phải đổi phòng vậy chị?”. Minh nói là không có chi cả, chỉ do cái phòng này (tức là cái phòng mình đang để ba lô) hôi mốc quá, phụ nữ ở đây khó ngủ. Vậy là phải xách ba lô đổi phòng.
Tối đó, mình mệt rũ người nhưng cũng chưa ngủ ngay được vì đang mặc nguyên bộ đồ ẩm ướt từ khi đi làm lụt. Minh nói chị cứ ngủ trước đi, em xuống phòng làm việc vào internet một tí rồi em về ngủ sau. Đến 11h30, Minh về thấy mình chưa ngủ lại bảo mình quay đầu ra đường đi chứ đừng quay đầu vô tường. Mình hỏi tại sao, Minh nói cho dễ ngủ. Mình mệt quá nên cũng mặc, vậy là ngủ li bì đến sáng.
Sáng đến, ra xe, thấy mặt cậu lái xe bơ phờ, mình hỏi “Con ngủ không được à?”. Cậu lè lưỡi: “Cô ơi, hồi tối con bị quậy quá trời”. Sau đó lên xe đi, Ý mới kể cho mình nghe, khi hai anh em (Ý và cậu quay phim tên Thịnh) vừa lên giường một lát thì đèn chớp tắt y như trong vũ trường. Thịnh lò dò dậy thử lại công tắc nhưng vẫn vậy nên mặc kệ và đi ngủ. Ý nằm giường ngoài, gần bộ salon gỗ. Nửa đêm, có người cầm chặt tay Ý. Ý mở choàng mắt ra thì thấy có một bóng đen ngồi ngay trên ghế gần giường và nắm tay Ý. Ý la lên, Thịnh chạy đến thì thấy không có gì. Vậy là Ý thức luôn đến sáng.
Nghe Ý kể xong, mình hoảng quá, gọi điện cho Minh hỏi: Minh ơi, cái phòng mà hồi tối em không chịu ngủ đó có vấn đề phải không? Minh hỏi lại: Có chuyện chi hả chị? Mình kể lại câu chuyện cậu lái xe. Minh cười khanh khách: Có lẽ họ thấy cậu lái xe bên chị đẹp trai quá nên ghẹo chơi vậy mà. Mình mới nói: “May quá, hồi tối có em ngủ lại, em biết đòi đổi phòng, chứ nếu đêm qua mà chị ngủ ngay đó, chắc chị chết quá”. Minh cười phá lên: “Phòng mình cũng có chị à nhưng đỡ hơn. Còn phòng mấy anh đó ngủ thì ai ngủ lại cũng bị chọc hết”.
Sau đó Minh cho mình biết hồi chiến tranh, cái đồi mà bây giờ cơ quan của Minh tọa lạc ở đó đã từng xảy ra trận đánh ác liệt giữa hai bên. Và đã có rất nhiều người chết ở đó. Về nhà kể cho một cô bạn đồng nghiệp nghe. Cổ nói ui trời, chỗ đó em cũng bị rồi đó chị. Khuya đó em đang ngủ tự nhiên giật mình mở mắt ra thấy một ông lính Mỹ đen đội nón sắt đứng nhìn em. Em hoảng quá nhắm tịt mắt lại. Từ đó đến giờ, em không dám ngủ lại ở đó nữa.
Vậy là từ đó đến giờ, mỗi lần đi công tác ở địa phương này, Ý cứ hỏi mình là có ngủ lại Tiên Phước không hả cô? Mình chọc: “Ừ, tối nay ngủ lại để mai còn làm việc tiếp chứ”. Nói vậy chứ Ý cũng biết mình đùa vì chắc chắn mình sẽ không bao giờ dám ngủ lại đó. Chỉ có điều nghĩ lại thấy thương, những người đã khuất chắc rất muốn trở về nhà nhưng người thân của họ biết tìm họ ở đâu?
LINH HỒN BƠ VƠ
Với câu chuyện mình sắp kể dưới đây thì hơi đặc biệt vì không thể tin nổi. Đó là có những vong linh cũng biết tận dụng công nghệ thời nay để nhờ giúp đỡ, dù khi họ mất, những thứ như Internet, Yahoo, Facebook chưa ra đời. Và em cũng xin phép và xin lỗi anh, người liên quan đến câu chuyện này cho em được phép kể lại câu chuyện riêng tư, một câu chuyện buồn của gia đình anh. Bởi vì đây quả là một câu chuyện đáng nhớ đối với em. Và em cũng mong nếu ai đó có người thân vượt biên bị mất tích thì nên tiến hành một nghi lễ tôn giáo dành riêng cho người mất để họ được an vui.
Có một ngày, một người lạ, không có bạn chung, đang sống ở nước ngoài gửi lời mời kết bạn trên Facebook. Mình vốn ngại những người xa lạ mà mình mù mờ thông tin nên bỏ qua. Không để ý mãi cho đến khi anh nhắn tin nhờ mình chuyển số tiền anh sẽ gửi về giúp cho những hoàn cảnh khó khăn mà mình biết. Nghĩ anh có ý tốt nên mình nhấn “Accept”. Anh và mình trở thành bạn bè trên Facebook.
Vậy rồi có một lần mình bình luận trên status của một đồng nghiệp về Rằm Tháng Bảy. Anh nhắn tin hỏi mình ý nghĩa của bình luận đó. Mình giải thích. Anh lại hỏi tiếp: Nói như cô thì tôi có một người em vượt biên mất tích đã lâu vậy đến nay cũng chưa được siêu thoát sao? Mình khẳng định là chưa.
Tối hôm sau chuẩn bị viết và dựng luôn trên laptop cái phóng sự ngắn để mai phát sóng, anh lại vào messenger hỏi tiếp. Anh gửi mình xem hình người em trai của anh. Nhìn hình ảnh người thanh niên với gương mặt hiền hậu, sáng láng, thông minh, tự dưng lòng mình trào lên một mối thương cảm. Lúc đó mình nghĩ trong đầu: Tôi cầu mong cho anh được siêu thoát. Anh bạn lại tiếp tục hỏi, mình lại tiếp tục trả lời. Bỗng nhiên mình giật mình: phóng sự thì ngày mai phải có, đêm thì đã khuya, mà sao mình lại ra sức giải thích những chuyện tâm linh với một người đàn ông lạ hoắc, hoàn toàn không tin những gì mình nói. Điều này không bình thường, không đúng với bản tính của mình vốn dè dặt trong giao tiếp với người lạ. Mình gõ nhanh: “Tôi nghĩ là em trai của anh đã biết toàn bộ nội dung cuộc nói chuyện của chúng ta và em của anh chính là người xui khiến ra cuộc gặp gỡ này”. Dĩ nhiên là anh bạn sau đó thả cả chục icon mặt cười và nhắn: Trời, cô mê tín ghê há.
Vậy mà một tuần sau, anh đã có mặt tại Việt Nam sau khi thu xếp tạm ổn công việc làm ăn ở nơi anh đang sống. Tại Việt Nam, em trai anh đã “về”. Người mất kể lại hành trình vượt biên đầy trở ngại, rủi ro y như những gì mà người sống sót duy nhất trong chuyến vượt biên đó đã trở về kể lại. Sau khi kể, anh vượt biên nói: Em nhớ mẹ lắm. Em về đứng trước nhà nhìn vào nhưng nhà mình không còn ai (cả nhà anh đã định cư ở nước ngoài). Khi nghe anh ấy thốt lên câu đó thì nước mắt mình dàn giụa.
Rồi người vượt biên quay qua phía mình nói: Tôi cảm ơn chị. Mình trả lời: Không có chi đâu anh à. Giúp được ai cái gì thì tôi giúp. Nhưng khi anh ấy nói câu tiếp theo dù mình đã lường trước sự việc nhưng cũng khá bàng hoàng. Anh ấy miệng thì nói với anh trai và tay thì làm động tác gõ chữ trên điện thoại: “Chính em xui khiến anh và chị nói chuyện với nhau như vậy nè”. Lúc đó, những người có mặt chứng kiến đều ồ lên kinh ngạc. Rồi anh ấy lại quay qua mình: “Chị họ Nguyễn làm dâu họ Lâm phải không?”. Quả thật lúc đó mình khá sửng sốt nên không nói gì. Bởi ngay cả anh trai của anh cũng không biết rõ điều đó mà cứ nghĩ mình tên Lâm nên cứ một điều, hai điều là cô Lâm.
Từ đó đến giờ, cứ đến Rằm Tháng Bảy, mình đều cầu nguyện cho anh, người vượt biên mất tích năm 1985 dần dần nhẹ nhàng siêu thoát. Đến giờ mình vẫn cứ thắc mắc sao trong số hàng triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, linh hồn anh (tuy mất ở vùng biển phía Nam) nhưng lang thang nơi nào mà lại biết mình để xui khiến anh trai của anh ấy gặp mình rồi dẫn dắt dần mọi việc. Chuyện cách đây đã năm năm. Và giờ thì mình tin anh ấy đã siêu thoát. Nhưng còn bao nhiêu người như anh có cơ duyên đưa đẩy để linh hồn không còn đau khổ vất vưởng, lạnh lẽo trong sóng nước.
Mình còn nhiều trải nghiệm khác mà chưa có dịp kể hết. Chỉ biết rằng hiểu và biết về thế giới tâm linh để cố gắng sống tử tế, đàng hoàng hơn. Bởi không có việc gì khuất tất của con người mà không có ai biết. Nhiều khi cứ tưởng ây dà việc làm này chỉ có mình mình biết. Nhưng thật ra, khi bạn làm bất cứ việc gì dù tốt hay xấu, đều có những đôi mắt dõi theo bạn. Cũng như Lý Sơn, Tiên Phước bây giờ trở thành thị tứ náo nhiệt nên mình nghĩ không còn chỗ nương cho những linh hồn bơ vơ. Không biết họ sẽ về đâu. Thôi thì chỉ biết cầu mong rồi họ sẽ có một nơi để đi về, học hành tu tập để sớm được siêu thoát.