PAN AM đã thay đổi ngành du lịch quốc tế ra sao?

Cách đây 30 năm, hãng hàng không Mỹ Pan Am (Pan American World Airways) đã tuyên bố phá sản và thực hiện chuyến bay cuối cùng sau gần 65 năm hoạt động khắp thế giới. Đó là ngày 4 Tháng Mười Hai, 1991. Nhưng dù đã ba thập niên trôi qua, thương hiệu Pan Am vẫn còn vang vọng trong văn hóa đại chúng, ít nhất là chiếc logo quyến rũ của nó.

Phút hoài niệm hãng hàng không quyến rũ một thời

Vào mỗi tối Thứ Sáu hàng tuần, cây bút du lịch nổi tiếng Henry Harteveldt pha đồ ​​uống trong một cái ly cocktail quen thuộc của Pan Am và ông chia sẻ nó trên một tweet dành cho hãng hàng không lừng lẫy một thời nhưng không còn hoạt động nữa. 

Tuần này, Harteveldt, người sáng lập Nhóm Nghiên cứu Khí quyển (Atmosphere Research Group) đặt bản doanh tại thành phố San Francisco của tiểu bang California cũng chọn một chiếc ly đặc biệt từ bộ sưu tập phong phú của mình. Đó là chiếc ly in logo của Pan Am, một biểu tượng hình quả địa cầu màu xanh dễ nhận thấy của hãng. 

Pan Am là khách hàng đầu tiên của loại máy bay phản lực chở khách khi nó ra mắt chiếc Boeing 707, máy bay phản lực chở khách đầu tiên của nước Mỹ vào Tháng Mười, 1958, đưa khách từ New York đến Paris và mở ra kỷ nguyên “Jet Set”. Tham gia “cuộc cách mạng không lưu” liên lục địa này là những người nổi tiếng, những ngôi sao và giới giàu có, ăn mặc đẹp thích chụp ảnh mỗi khi bước xuống cầu thang máy bay sau cuộc hành trình dài với Pan Am. 

Khi nhóm nhạc Anh the Beatles cập bến New York vào năm 1964 để lên sóng truyền hình Mỹ lần đầu trong chương trình “The Ed Sullivan Show”, họ cũng có những bức ảnh hạnh phúc bước xuống chiếc Pan Am 707 có tên “Clipper Defiance”. Là một phần trong chiến dịch âm nhạc “Cuộc xâm lược của người Anh” (British Invasion) vào nước Mỹ trong thời điểm đó, lẽ ra the Beatles phải đi trên một chiếc máy bay của hãng hàng không Anh British Overseas Airways Corporation (nay là British Airways) nhưng họ đã chọn Pan Am. 

Harteveldt nhận xét: “Tôi nghĩ đó là một quyết định có ý đồ của The Beatles khi đến Mỹ. Họ chinh phục nước Mỹ bằng cách để người hâm mộ Mỹ nhìn thấy bước xuống một chiếc máy bay của hãng hàng không Mỹ”. 

Pan Am đã chết nhưng thương hiệu vẫn sống mãi với thời gian

Là một thương hiệu hàng đầu và nổi tiếng nên Pan Am thường xuất hiện trong các bộ phim trong thời hoàng kim, kể cả Dr. No (1962), bộ phim đầu tiên của loạt phim James Bond và bộ phim khoa học viễn tưởng 2001: A Space Odyssey mang tính bước ngoặt năm 1968 mà trong phim có một con tàu không gian của tương lai hướng đến một trạm vũ trụ trên quỹ đạo Trái đất. Con tàu có tên… “Pan Am Space Clipper”! 

Terry O’Reilly, chuyên viên quảng cáo đoạt giải từng dẫn chương trình truyền hình “Under the Influence” (show radio và podcast về tiếp thị của Canada) nhận xét: “Pan Am có đến 90,000 người đăng ký trong danh sách chờ bay lên Mặt trăng vì hãng tượng trưng cho tương lai của du lịch hàng không. Đối với tôi, mỗi khi nhắc đến thương hiệu Pan Am trong chương trình của mình cũng là nhắc đến một thương hiệu khác của hãng là sự quyến rũ. Không giống hầu hết đối thủ, Pan Am rất quyến rũ và điều đó đã được chứng minh qua năm tháng”. 

Nghe có vẻ kỳ lạ, mua bản quyền thương hiệu Pan Am vào cuối thập niên 1990 là một công ty đường sắt của Mỹ! Đường sắt Pan Am bắt đầu hoạt động tại các tiểu bang phía Đông Bắc từ năm 2006, với toa xe màu xanh hoàng gia được tô điểm bằng tên và logo Pan Am. Sau đó, quyền đối với thương hiệu đã được lấy lại và hiện do Chương trình Cấp phép của Pan American World Airways, Inc (Pan American World Airways, Inc. Licensing Program) quản lý. 

Chương trình đang làm việc với các đối tác để tạo ra các sản phẩm mới Pan Am được đúc bằng đồng. “Chỉ có một số ít thương hiệu có thể hồi sinh dưới dạng tài sản cấp phép nhiều năm sau khi nơi sinh ra nó phá sản. Rất ít thương hiệu làm được như vậy. Nhưng Pan Am đã làm được vì sức quyến rũ và sự hào nhoáng của nó. Công ty biết thương hiệu Pan Am vẫn có thể kiếm tiền bằng cách cấp phép sử dụng” – O’Reilly nhận định.

Một biểu tượng của không lưu quốc tế

Pan Am chính thức đi vào hoạt động từ năm 1927 với các chuyến bay chở khách và bưu kiện từ Key West, Florida đến Havana, Cuba. Dưới sự lãnh đạo của Juan Trippe, một nhà tiên phong của hàng không thương mại, hãng phát triển nhanh chóng với đội máy bay tầm cỡ, kể cả chiếc Boeing 314 sang trọng “Pan Am Clippers” đình đám. 

Trong Thế chiến II, đội bay Pan Am cho chính phủ Mỹ sự hỗ trợ cần thiết về hậu cần trên khắp thế giới. Sau chiến tranh, ngành hàng không được quản lý chặt chẽ bởi Ủy ban Hàng không Dân dụng Mỹ (CAB), nơi phân bổ các tuyến bay và giữ quyền kiểm soát giá vé máy bay. 

Theo Harteveldt, Trippe đẩy mạnh việc mở rộng ra thị trường quốc tế và đạt được thỏa thuận với CAB để Pan Am trở thành “Công cụ được chọn” (The Chosen Instrument) của chính phủ Mỹ trong không lưu quốc tế. Đổi lại, Pan Am sẽ không có các tuyến bay nội địa. 

Dù thỏa thuận này quay trở lại ám ảnh hãng nhiều năm sau đó, nhưng vào thập niên 1950, Pan Am được xem là “Chuyên gia thiết lập cơ sở hạ tầng hàng không ở các quốc gia khác”, cho cả chính nó, và cung cấp chuyên môn kỹ thuật cho các hãng hàng không của nhiều quốc gia khác. 

Doug Miller thuộc Hội Lịch sử Pan Am (Pan Am Historical Foundation) nhận định: “Pan Am là sự kết hợp giữa tầm nhìn và năng lực. Hãng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ theo những cách mà công chúng Mỹ không ngờ! Pan Am giỏi hơn hầu hết các công ty Mỹ khác trong việc tìm ra cách tốt nhất để hoạt động hiệu quả ở nước ngoài”. 

Ở Mỹ, lúc đó có lời khuyên “Nếu bạn muốn kinh doanh ở một quốc gia khác, thì người mà bạn nên gặp trước sau khi làm thủ tục với đại sứ quán Mỹ là trưởng chi nhánh Pan Am, vì họ biết rõ những vấn đề bạn phải đương đầu!”. 

Trong suốt thập niên 1960, Pan Am đi đầu trong ngành hàng không với những cải tiến kỹ thuật, kể cả hệ thống đặt phòng khách sạn và giữ chỗ máy bay bằng máy tính PANAMAC. Giống như các hãng hàng không khác, Pan Am cũng bị cuốn vào giấc mơ siêu thanh của trong thời gian này. Hãng quan tâm đến cả Concorde của Anh-Pháp và 2707 SST của Boeing. Nhưng với việc hủy 2707 và nhận thức tiêu cực của công chúng về Concorde với số chuyến bay hạn chế, Pan Am không bao giờ hoàn thành giấc mơ siêu thanh.

Chết vì không thích nghi kịp với nhịp thời đại

Tuy nhiên, ông Trippe đã nhìn thấy tiềm năng của Boeing 747. Năm 1970, Pan Am là khách mua đầu tiên và khai thác đầu tiên chiếc máy bay phản lực thân rộng trên thế giới. Pan Am đặt mua 25 chiếc 747 và không ngờ là… quá nhiều! 

Không phải lỗi của Pan Am mà lỗi ở lệnh cấm vận dầu mỏ Vùng Vịnh và suy thoái kinh tế vào những năm đầu 1970. Lỗi ở Pan Am là không kịp làm chậm lại kế hoạch phát triển đội bay để bảo tồn vốn liếng. Các nhà sử học hàng không xem việc bãi bỏ các quy định cũ của ngành hàng không Mỹ vào cuối thập niên 1970 là “đòn quyết định số phận của Pan Am”. 

Sự thay đổi này cho phép các đối thủ của Pan Am có thể bay đến các điểm đến quốc tế giống như Pan Am, trong khi Pan Am vẫn nằm ngoài đường bay nội địa nên không thể cạnh tranh. Ngay cả sau khi sáp nhập với National Airlines, Pan Am cũng chưa bao giờ phát triển được mạng lưới bay nội địa đúng nghĩa. Việc sáp nhập chỉ kéo dài thời gian thoi thóp của nó! 

Thêm cú đánh bồi trí mạng nữa là vụ đánh bom khủng bố năm 1988 trên chuyến bay Pan Am 103 trên bầu trời Lockerbie, Scotland (Anh) làm chết nhiều người và làm lung lay niềm tin vào Pan Am. 

“Pan Am chết vì không bắt kịp sự thay đổi nhanh của ngành công nghiệp hàng không. Sự thật là, từ giữa thập niên 1980, Pan Am đã mất đi sự quyến rũ cũ của nó. Hãng không thể thoát khỏi ngục tù của quá khứ và không biết cách thích nghi trong một lĩnh vực đầy biến động” – Harteveldt nhận xét. 

Vì vậy, trong tuần này, để vinh danh chuyến bay cuối cùng của Pan Am cách đây 30 năm, Harteveldt đã nâng cao một chiếc ly được trang trí bằng quả địa cầu Pan Am, bên trong chứa rượu Old Fashioned, Manhattan hoặc một Martini. “Di sản của Pan Am là vĩnh cửu, nên phải có một loại cocktail cổ điển cho một hãng hàng không cổ điển” – ông nói.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: