H.C.
Các tin tặc (hackers) Trung Quốc đã xâm nhập hệ thống máy computer của Tòa Thánh Vatican trong ba tháng qua, trong một hoạt động gián điệp nhằm thu thập thông tin trước khi diễn ra các cuộc thương lượng nhạy cảm giữa Bắc Kinh và Tòa Thánh trong tháng Chín tới, báo The New York Times tường thuật dựa theo kết luận của một công ty an ninh mạng tư nhân của Mỹ.
Các chuyên viên an ninh mạng của công ty Recorded Future có trụ sở tại Somerville, tiểu bang Massachussetts phát hiện ra vụ tấn công trực tiếp vào mạng máy tính của Tòa Thánh Vatican và của Phái Bộ Nghiên Cứu của Vatican tại Trung Quốc, đặt tại Hong Kong. Recorded Future còn xác định nhóm tin tặc này, có tên là RedDelta, làm việc cho chính phủ Trung Quốc.
Vatican và Bắc Kinh sẽ bắt đầu đàm phán vào Tháng Chín việc ký lại một thỏa thuận tạm thời năm 2018 quy định những điều kiện cho hoạt động của Giáo hội Công Giáo tại Trung Quốc, trong đó có điều kiện liên quan tới việc bổ nhiệm các giám mục và vị thế của các thánh đường.
Các vụ tấn công của tin tặc bắt đầu từ Tháng Năm. Trong một vụ tấn công như vậy, tin tặc giấu mã độc bên trong một tài liệu có vẻ như là một lá thư có thật từ Vatican gửi cho Đức ông Javier Corona Herrera, lãnh đạo Phái bộ Vatican tại Hong Kong, Recorded Future cho biết.
Đây là một vụ lừa đảo tinh vi: một thư điện tử trông giống như phát ra từ văn phòng của Tổng giám mục Edgar Pena Parra, chuyển đi một thông điệp của Hồng Y Pietro Parolin, Bộ trưởng Ngoại giao của Vatican, người đại diện cho Giáo Hoàng trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, bày tỏ lời chia buồn của Đức Giáo Hoàng trước sự ra đi của một giám mục. Không rõ lá thư này là hoàn toàn ngụy tạo hay tin tặc đã sao chép được bản điện tử của lá thư thật rồi cài mã độc vào đó để khi người nhận thư mở ra, tin tặc sẽ chiếm quyền truy cập vào hệ thống máy tính của Phái bộ Vatican ở Hong Kong và mạng thư điện tử của Tòa Thánh.
Sau cuộc điều tra dài, công ty Recorded Future kết luận vụ tấn công được thực hiện bởi một nhóm tin tặc do nhà nước điều hành ở Trung Quốc, có tên là RedDelta. Các chiến thuật mà nhóm này sử dụng giống với những chiến thuật của các vụ tấn công được nhà nước hậu thuẫn đã từng được xác nhận trong quá khứ. Tin tặc Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc thường dùng thủ đoạn xâm nhập mạng máy tính để thu thập thông tin về các nhóm tôn giáo mà chính phủ Bắc Kinh coi là thù địch ở ngoài biên giới như Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và Pháp Luân Công. Nhưng nhóm tấn công lần này – lần đầu tiên xâm nhập Tòa Thánh Vatican – cũng có những kỹ thuật mới, những mã code mới khiến cho việc xác định nguồn gốc thật sự của vụ tấn công khó khăn hơn.
*
Trung Quốc chính thức công nhận năm tôn giáo lớn, trong đó có Công giáo La Mã, nhưng chính quyền thường xuyên theo dõi các giáo hội, nghi ngờ các tôn giáo và tín đồ gây nguy hại cho quyền kiểm soát toàn diện của đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc, đe dọa an ninh quốc gia. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thực hiện một chương trình rộng rãi nhằm gia tăng kiểm soát các tôn giáo mà các quan chức của đảng thường nói tới như là chiến dịch “Hán hóa tôn giáo” (Sinicize religion) của Trung Quốc.
Từ tình hình đó, ở Trung Quốc tồn tại song song hai giáo hội Công giáo: một giáo hội Công giáo “quốc doanh” do nhà nước kiểm soát, được thờ phượng và hành lễ công khai nhưng hàng giáo phẩm (giám mục, linh mục) do đảng Cộng sản bổ nhiệm; và một giáo hội Công giáo bí mật (underground church) trung thành với Giáo hội Công giáo thế giới, không công khai, thờ phượng và hành lễ dưới sự dẫn dắt của các giám mục do Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm nhưng không được chính phủ Bắc Kinh công nhận.
Quan hệ giữa Bắc Kinh với Tòa Thánh Vatican bị cắt đứt hoàn toàn vào năm 1951, chỉ hai năm sau khi đảng Cộng sản giành chiến thắng trong cuộc Nội chiến Quốc-Cộng, lập ra chính thể cộng sản. Từ đó, Tòa Thánh Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao với đảo quốc Đài Loan và đặt một Phái bộ tại Hong Kong làm đại diện liên lạc giữa Tòa Thánh và cộng đồng giáo dân Công giáo ở Trung Quốc.
Từ khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo Trung Quốc, việc kiểm soát của nhà nước Bắc Kinh với các tôn giáo càng bị siết chặt, theo chủ trương của ông Tập gia tăng quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản trong mọi lĩnh vực của đời sống. Tại các tỉnh miền nam Trung Quốc, việc bách hại Công giáo diễn ra khá tàn bạo, chính quyền tỉnh Chiết Giang chẳng hạn – nơi ông Tập có thời làm bí thư tỉnh ủy – đã ra lệnh tháo gỡ thánh giá của khoảng 1,200 tới 1,700 giáo đường trong tỉnh, trong thời gian từ 2014 đến 2016.
Để làm giảm mối căng thẳng giữa Giáo hội và nhà nước Trung Quốc, đem đức tin tới mọi người trên hành tinh, năm 2018 Đức Giáo Hoàng Francis đồng ý ký kết với Bắc Kinh một thỏa thuận tạm thời, theo đó Giáo Hoàng cho phép Bắc Kinh bổ nhiệm các giám mục, đổi lại Trung Quốc chấm dứt việc đàn áp, bức hại tín đồ Công giáo La Mã, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dân thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình. Thỏa thuận tạm thời đó sẽ hết hạn vào tháng Chín sắp tới và hai bên sẽ mở cuộc đàm phán để xem xét ký kết một thỏa thuận mới.
*
Gần đây, khi người dân Hong Kong tổ chức những cuộc biểu tình tuần hành hàng triệu người phản đối luật dẫn độ kéo dài cả năm ngoái, Giáo hội Công giáo bị Bắc Kinh nghi ngờ đã tiếp tay cho phong trào biểu tình. Các tin tặc Trung Quốc xâm nhập mạng máy tính của Phái bộ Vatican tại Hong Kong không chỉ để đánh cắp thông tin về quan điểm của Vatican trong cuộc đàm phán sắp tới mà còn để theo dõi, giám sát hoạt động của phong trào biểu tình trong thời kỳ căng thẳng chính trị ở vùng lãnh thổ này. Trang mạng công nghệ ZDNet hồi đầu tháng này đưa tin các thành viên lãnh đạo của Giáo hội Công giáo Hong Kong đã bị xâm nhập từ hồi tháng Năm bởi các nhóm tin tặc thuộc chính quyền Trung Quốc.
Một trong những vấn đề gai góc trong quan hệ giữa Trung Quốc và Vatican là Đài Loan. Cho đến nay, Vatican vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, bất chấp sức ép của Trung Quốc. Trong các cuộc đàm phán sắp tới về vị thế của Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, rất có thể Bắc Kinh lại sẽ gây áp lực buộc Tòa Thánh Vatican hủy bỏ quan hệ với Đài Loan và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc; coi đó như một điều kiện căn bản để Giáo hội Công giáo La Mã được hoạt động bình thường ở đất nước đông dân nhất hành tinh.
Liệu Vatican đã sẵn sàng cho một sự thay đổi như vậy hay chưa, đó là điều mà Bắc Kinh muốn biết rõ trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Và có thể đó là một trong những mục tiêu mà chiến dịch xâm nhập mạng máy tính của Tòa Thánh nhắm tới.
(theo NYT)