Julie O’Neill đã làm người dẫn chương trình hàng đầu trong gần ba thập niên cho đài tin tức WCPO của thành phố Cincinnati. Nhưng vào đầu năm ngoái, bà nhận một thông báo bị sa thải vì… “tội” lớn tuổi!
Bất chấp việc là người dẫn chương trình lão luyện về đội bóng bầu dục Cincinnati Bengals, O’Neill phải giao vai trò của mình cho một đồng nghiệp nam trẻ hơn tại giải đấu Super Bowl năm 2022. Bà cho biết trước đó, bà bắt đầu nhận được lời phàn nàn từ giám đốc tin tức của đài về phong độ sa sút. O’Neill bắt đầu xem lại cảnh quay các phân đoạn của mình, hy vọng có thể tìm ra các sai sót và sửa chữa. Nhưng việc kiểm tra lại chỉ khiến bà thêm bối rối.
Căng thẳng giữa O’Neill và ban giám đốc tiếp tục leo thang, cuối cùng lên đến đỉnh điểm. Tháng Chín bà được mời tham gia một cuộc họp với ban quản lý. Trong cuộc họp, O’Neill được thông báo bà sẽ không còn là đồng dẫn chương trình buổi sáng của đài tin tức nữa và hợp đồng với đài cũng không được gia hạn sau ngày 31 Tháng Mười Hai. O’Neill nhớ lại:
Business Insider thuật, vào thời điểm đó, O’Neill đã mang máng nghi ngờ, chính tuổi tác và giới tính của bà có thể đóng vai trò trong quyết định sa thải. Một đồng nghiệp nam lớn tuổi hơn đã khẳng định mối liên hệ này là có thật. “Anh ấy hỏi tôi, khi nào bạn bước sang tuổi 55, Julie? Tôi trả lời, ngày 9 Tháng Một. Anh ta nói tiếp: Chín ngày sau khi hợp đồng của bạn hết hạn, bạn sẽ rời khỏi nhóm nhân khẩu học 18-54 tuổi (độ tuổi mục tiêu để bán quảng cáo trên mạng truyền hình). Sẽ không có ai cần bạn nữa!”
Ban lãnh đạo đài WCPO chưa bao giờ nói tuổi tác của O’Neill là một yếu tố ảnh hưởng đến việc sa thải nhưng bà tin “họ ngầm bảo tôi không còn là con người của tương lai”. Câu chuyện của O’Neill có vẻ gây sốc nhưng lại quá quen thuộc với nhiều phụ nữ từng giữ cương vị lãnh đạo. Một cuộc khảo sát mới 913 phụ nữ trong bốn ngành khác nhau (gồm luật, tổ chức phi lợi nhuận dựa trên đức tin, giáo dục đại học và chăm sóc sức khỏe) đã phát hiện ra “có sự phân biệt đối xử dựa trên tuổi tác đối với phụ nữ giữ những vị trí hàng đầu”.
Nghiên cứu được công bố gần đây trên Harvard Business Review cho thấy nhiều phụ nữ đang phải nhận những đánh giá “phù hợp với công việc” dựa chủ yếu vào tuổi tác thay vì các yếu tố khác. Có lẽ phát hiện đáng nản lòng nhất của cuộc khảo sát là hành vi phân biệt tuổi tác không chỉ hướng tới một nhóm tuổi cá biệt. Đối với phụ nữ dưới 40 tuổi, phân biệt tuổi tác thường xuất hiện dưới hình thức “nghi ngờ về khả năng đảm đương nhiệm vụ được giao”, thể hiện bằng việc cấp trên (thường là đàn ông) tỏ ra ngạc nhiên về thâm niên của họ, thậm chí gọi họ bằng những biệt danh trịch thượng như “em bé” hoặc vỗ nhẹ vào đầu!
Các nghiên cứu trước đây cũng phát hiện ra phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường bị mất cơ hội thăng tiến nếu mang thai. Nhiều lao động nữ trên 60 tuổi phàn nàn là bị phớt lờ, kỹ năng bị bỏ qua và kinh nghiệm bị xét nhẹ khi xét đến ưu tiên thăng chức. Phụ nữ thường bị gán chiếc mũ “thiếu kinh nghiệm” hoặc “có quá nhiều thứ không phù hợp” khi xin việc hay thăng chức.
“Tuổi cao được sử dụng để làm mất uy tín của những phụ nữ tìm việc – Amy Diehl, một nhà nghiên cứu về bình đẳng giới, đồng tác giả của nghiên cứu Harvard nói – Tôi không ngạc nhiên khi cuộc khảo sát phát hiện chủ nghĩa phân biệt tuổi tác chủ yếu nhắm vào những phụ nữ lớn tuổi. Nhưng tôi ngạc nhiên khi những phụ nữ trung niên cũng bị ảnh hưởng. Khi đàn ông bước vào độ tuổi 40 hoặc 50, họ được xem là ở độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp. Nhưng phụ nữ ở độ tuổi chín chắn đó vẫn tiếp tục gặp phải những nhận thức bất lợi liên quan đến tuổi tác”.
Thật là trớ trêu khi cả những phụ nữ thành đạt và đang ở đỉnh cao năng lực nghề nghiệp vẫn cảm thấy mình bị xem thường. “Chính sự tự tin và năng lực của họ khiến họ trở thành mối đe dọa của nam giới. Những phụ nữ 40-50 tuổi thành đạt trong sự nghiệp và có tiếng nói đã khiến cánh đàn ông bị đẩy vào thế không an toàn, thậm chí sợ hãi mất việc. Cấp trên thà hạ thấp giá trị của họ, không thăng chức để họ luôn đóng vai trò hỗ trợ nam giới còn hơn là biến họ thành đối thủ cạnh tranh ‘ngang cơ’ với mình!”.
Trong cuộc khảo sát, phụ nữ trung niên cho biết họ rất thất vọng khi con đường tiến thân bị cản trở chỉ vì “mãn kinh” hoặc “khó quản lý”. Nhiều phụ nữ cho biết “có gia đình” là một yếu tố cản trở họ thăng tiến. Diehl nói: “Đối với phụ nữ, quá trẻ hay quá già đều là vấn đề. Thực sự không có điểm cộng ngọt ngào nào dành cho phụ nữ. Gọi nó là phân biệt giới tính vì đúng là như thế”.
Trong nhiều năm qua, các phong trào nữ quyền như #MeToo và Black Lives Matter đã giúp nâng cao nhận thức của công chúng về tệ nạn quấy rối tình dục và phân biệt chủng tộc có hệ thống. “Đa dạng”, “công bằng” và “toàn diện” đã trở thành “trách nhiệm bình đẳng giới” của các doanh nghiệp. Nhưng dù đã có một số thành công trong việc bình đẳng hóa sân chơi nghề nghiệp, đa số người lao động Mỹ đều nói họ đánh giá không cao nỗ lực này. Ngay cả khi các doanh nghiệp đã đầu tư vào việc xây dựng môi trường làm việc công bằng hơn, sự phân biệt tuổi tác đối với phụ nữ không chỉ tồn tại mà còn thách thức.
Thậm chí chủ nghĩa phân biệt tuổi tác về giới đã trở thành “hình thức phân biệt đối xử cuối cùng còn được chấp nhận ở nơi làm việc”. Điều đó rất đúng đối với những phụ nữ không phải người da trắng. Không biết từ lúc nào, yếu tố lão hóa đã trở thành thứ được xã hội chấp nhận trong tuyển dụng và thăng tiến, đặc biệt ở nữ giới. Amber L. Stephenson, một đồng tác giả khác của nghiên cứu Harvard, nói: “Chúng ta có vẻ thoải mái hơn rất nhiều với thiên vị tuổi tác so với các kiểu thiên vị khác”.
Diehl và các đồng nghiệp nhận thấy “trong một xã hội chú trọng đến ngoại hình và bị ám ảnh bởi tuổi tác, việc sử dụng tuổi của phụ nữ để chống lại họ tại nơi làm việc là một dạng nguỵ trang khác của thành kiến giới tính mà chúng ta vẫn chưa rũ bỏ được”. Diehl nói: “Chủ nghĩa phân biệt tuổi tác đối với phụ nữ tại nơi làm việc chính là phân biệt giới tính”.
Nghiên cứu phát hiện ra nhận thức của công chúng về một “nhà lãnh đạo hoàn hảo” vẫn nghiêng về nam giới nhiều hơn. Nam giới có khả năng lãnh đạo hơn phụ nữ và có nhiều khả năng nắm giữ các vị trí lãnh đạo hơn phụ nữ trong hầu hết mọi ngành. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là nam giới không bị phân biệt.
Trong một cuộc thăm dò năm 2019 với 400 công nhân Mỹ từ 40 tuổi trở lên, nhiều nam giới hơn nữ giới cho biết họ đã trải qua hoặc chứng kiến sự phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc. Nghiên cứu cảnh báo: “Những người tìm việc lớn tuổi phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về tuổi tác bất kể giới tính, bất chấp luật liên bang bảo vệ họ chống lại sự phân biệt đối xử với người lớn tuổi xin việc”.