Cách nay không lâu, Harry Enten thấy mình đang bay trên một chiếc thang dây trên cao (trapeze) ở trung tâm tài chính Manhattan, New York. “Tại sao tôi lại ở đó? Chà, tôi chỉ đang cố trả lời một câu hỏi mang tính thời đại. Tiền có thể mua được hạnh phúc không? Cần bao nhiêu tiền và mức lương bao nhiêu mới có hạnh phúc?” – anh nói trong podcast. Sau đây là câu chuyện của anh (thuật lại từ CNN).
“Như bạn có thể thấy trong video ghi lại, tôi sợ đến cứng đờ, người như hóa đá và có tiếng thôi thúc: Hãy nhảy xuống? Vậy điều gì đã khiến tôi tự đưa mình vào tình huống này với hy vọng nó có thể giúp tôi trả lời câu hỏi: Liệu tiền có thể mua được hạnh phúc? Cuối cùng, tôi đã tìm đến một số nguồn khác nhau để xác định xem tiền có thể mang lại hạnh phúc không. Đầu tiên, tôi đến gặp người bạn gái Clara, người mà trong suốt cuộc đời chưa bao giờ có nhiều tiên.
Cô ấy trả lời chắc nịch: “Tiền không thể mua được hạnh phúc! Nhưng tiền có thể giải quyết rất nhiều vấn đề và các rắc rối khác của chúng ta!”. Tôi cũng xem lại một nghiên cứu của Đại học Princeton năm 2010 với kết quả có vẻ như “câu trả lời cuối cùng” cho chủ đề gây tranh cãi này: “Tiền có thể giúp bạn hạnh phúc hơn nhưng không không được vượt quá thu nhập $75,000 mỗi năm”! Sau đó tôi đối chiếu với nghiên cứu năm 2021 của Matthew Killingsworth, sinh viên năm cuối tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania.
Killingsworth đã thu thập dữ liệu suốt bảy năm trong thời gian thực của hàng chục ngàn người có mức thu nhập khác nhau, từ chỉ có mức lương tối thiểu đến kiếm được hơn $500,000 một năm. Anh yêu cầu mọi người tự đánh giá mức độ hạnh phúc của mình trên thang điểm tăng dần. Các bước Killingsworth thực hiện đã làm cho thí nghiệm của anh khác với những người đi trước, kể cả nghiên cứu của Đại học Princeton.
Anh nhận thấy mức độ hạnh phúc hàng ngày của mỗi người sẽ tăng lên khi bạn kiếm được nhiều tiền hơn. Tiết lộ này có thể khiến chúng ta bối rối vì một nghiên cứu trước đó phát hiện “chỉ có 1/5 người Mỹ tin rằng tiền có thể mua được hạnh phúc”. Không giống các nhà nghiên cứu tại Princeton, Killingsworth nhận thấy rằng tiền có liên quan với hạnh phúc cho dù mức thu nhập là bao nhiêu. “Mỗi đôla kiếm thêm được đều mua được một chút hạnh phúc – ông giải thích – Nhưng người có thu nhập $20,000 một năm sẽ hạnh phúc hơn người có thu nhập $200,000 khi kiếm thêm được $100”.
Nói cách khác, có thêm $100 sẽ mang lại nhiều hạnh phúc hơn đối với một người kiếm được $20,000 năm so với người kiếm được $200,000 một năm vì “tỷ lệ kiếm thêm trên thu nhập” cao hơn. Cũng cần lưu ý, có sự khác biệt giữa hạnh phúc hàng ngày và sự hài lòng về cuộc sống tổng thể. Sự hài lòng sẽ tăng mạnh khi bạn vượt qua ngưỡng nghèo. Killingsworth cảnh báo những người thích dành toàn bộ thời gian vào việc kiếm thêm tiền. “Tính bình quân, những người xem thành công cá nhân là thành công về tiền bạc có xu hướng ít hạnh phúc hơn. Kiếm thêm tiền không có gì sai nhưng đừng xem nó là mục đích sống”.
Killingsworth dẫn tôi đến gặp Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý tại Đại học British Columbia (Canada) và là Giám đốc khoa học của Happy Money, một công ty công nghệ tài chính chuyên giúp những người muốn vay tiền. Khi được đề nghị giúp tìm ra cách đạt được hạnh phúc nhiều nhất từ số tiền kiếm được và bớt ám ảnh về việc kiếm thêm tiền, lời khuyên đầu tiên của bà là chúng ta nên dùng tiền mua ‘trải nghiệm tầm nhìn và quan hệ’ thay vì mua một đồ vật mình thích nhưng không cần thiết”.
Nghiên cứu của Dunn nêu rõ “Trải nghiệm thường kết nối chúng ta với những người chúng ta quan tâm. Vì vậy, nếu bạn chọn đi du lịch, dã ngoại hoặc đi ăn một bữa ăn đặc biệt, bạn sẽ không chỉ có một mình mà sẽ có cả cơ hội rộng mở để làm phong phú thêm các mối quan hệ”. Dunn lưu ý: “Những trải nghiệm với đám đông, kể cả những người chưa quen biết dường như có mối quan hệ sâu sắc đến ý thức bản thân của mỗi người”. Khi nhìn lại các khoản chi tiêu cho trải nghiệm cuộc sống, tôi thấy nó xứng đáng với từng đồng bỏ ra.
Nói rõ hơn, mua một trải nghiệm thay vì mua một đồ vật không cần thiết sẽ giúp chúng ta đạt được mức độ hạnh phúc lớn hơn. Ngay cả trải nghiệm với độ cao như bay trong không trung cũng thế, dù bạn là người ghét độ cao như tôi. Đó thực sự là một món quà hạnh phúc. Chúng ta không chỉ mua một trải nghiệm cá nhân mà là mua cả một câu chuyện thú vị có thể chia sẻ nhiều lần với bạn bè, cộng đồng, bằng ngôn ngữ hay video ghi lại. Thông qua các trải nghiệm cá nhân, bạn có thể nhận được nhiều hồi đáp nhất từ số tiền bạn đã bỏ ra. Đó chính là hạnh phúc.