Tình là tình nhiều khi không mà có…

Ảnh: loilamtan/Pixabay

“Tình là tình nhiều khi không mà có; tình là tình nhiều lúc có như không…” – đây không chỉ là lời một ca khúc quen thuộc mà nó đang trở thành một hiện tượng toàn cầu. Thử search “Live Apart Together” trên Google, kết quả cho ra là loạt bài báo, từ The Guardian, Wall Street Journal đến New York Times, viết về hiện tượng này. Năm 2022, nhà làm phim tài liệu Sharon Hyman sẽ cho ra mắt bộ phim Apartners: Living Happily Ever Apart nói về xu hướng xã hội này…

Cơm ai nấy ăn, chuyện ai nấy lo, giường ai nấy ngủ…, nghe cứ như đó là cuộc sống của những cặp vợ chồng ly hôn nhưng thật ra lại là lối sống thịnh hành của nhiều gia đình phương Tây. Kỳ lạ thay, họ cho rằng chỉ khi sống riêng như thế mới giữ được hôn nhân bền lâu. Những trường hợp hôn nhân “lắc lơ” trên tinh thần tự nguyện đồng thuận, dù có con hay không, đang bùng nổ như một đại dịch đến mức không khó khăn gì để nêu các ví dụ cho thấy mốt “hôn nhân tách rời”, mà thuật từ xã hội phương Tây là gọi là LAT (viết tắt từ Live Apart Together), đang phổ biến như thế nào (đến mức hiện có nhiều nhóm LAT tên Facebook được lập ra để chia sẻ đủ thứ kinh nghiệm và trải nghiệm).

Hồi chưa ly dị, Brad Pitt và Angelina Jolie từng “tạm biệt chim én” và sống theo kiểu LAT. Tương tự, Sarah Jessica Parker và Matthew Broderick (chung sống 12 năm và có ba con trong đó có cặp bé gái song sinh ra đời tháng 6-2009) – cũng quyết định ở riêng (chàng vẫn ở Manhattan trong khi Sarah và bọn trẻ dọn đến Brooklyn trong căn hộ mới mua trị giá gần $8.3 triệu). Kể từ khi kiểu lãng mạn tình xa được khai sinh tại Hà Lan (từ một bài báo trên tờ Haagse Post năm 1978 trong đó tác giả Michel Berkiel viết về hiện tượng hôn nhân không ràng buộc), LAT ngày càng trở thành lối sống phổ biến ở phương Tây.

Cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở nhưng… (Minh họa: Landon Martin/Unsplash)

Hiện có khoảng hai triệu người Anh sống kiểu LAT, ba triệu tại Ý và con số trên tại Mỹ chừng hơn ba triệu. Một số người “Live Apart Together” vì tình không còn mặn, ở chung lắm phiền não. Một số người khác, chiếm đa số, cho rằng lối sống riêng rẽ giúp hôn nhân hoặc tình yêu (đối với những người quan hệ lâu dài nhưng không cưới) luôn “tươi rói”. Họ vẫn yêu nhau nồng nàn nhưng đều có khoảnh khắc và không gian tự do cho “cõi riêng”. Sự độc lập tài chính và tài sản (nhà cửa, xe cộ…) cũng giúp họ tránh được những mâu thuẫn quanh vấn đề tiền bạc mà gần như không thể tránh khỏi đối với những cặp vợ chồng sống chung…

Joshua Brody và vợ Juliana Grenzeback kết hôn được bảy năm nhưng chưa bao giờ sống chung một mái nhà. Grenzeback sống trong căn nhà tinh tươm xinh xắn tại San Francisco trong khi ông chồng Brody ngụ tại căn hộ thuê khá nhếch nhác nằm đối diện bên đường!… Trong báo cáo cuối năm 2018, Cục thống kê quốc gia Anh cho biết LAT đang bùng nổ tại nước này, với thành phần LAT chiếm tỉ lệ 3/20 người ở độ tuổi 16-59. LAT, theo miêu tả của Cục thống kê quốc gia Anh, là “sự tồn tại một mối quan hệ, được hiểu là có quan hệ tình dục, giữa các đối tượng mà mỗi bên đều có địa chỉ riêng”!…

LAT thật ra không là sản phẩm hiện đại. Thế kỷ 19, nhà soạn nhạc Frédéric Chopin từng có mối quan hệ LAT nổi tiếng với nhà văn George Sand. Hai triết gia Jean-Paul Sartre và Simone de Beauvoir cũng chọn con đường tự do LAT. Còn có không ít cặp LAT tên tuổi khác: đạo diễn Woody Allen và diễn viên Mia Farrow; tiểu thuyết gia Margaret Drabble và nhà viết hồi ký Michael Holroyd; nhà văn Arundhati Roy và chồng Pradip Krishen (ở riêng tại cùng thành phố New Dehli, Ấn Độ); diễn viên Helena Bonham Carter và đạo diễn Tim Burton (có hai con, sống trong hai ngôi nhà cách nhau chỉ một bức tường tại Hampstead, London)…

Vô số sách về “Live Apart Together” đang được bày bán trên Amazon

Theo giới xã hội học, khuynh hướng lập gia đình muộn hiện tại là một trong những nguyên nhân khiến LAT dễ bùng nổ. Do kết hôn muộn, ở độ tuổi mà sự nghiệp khá ổn định và có nhà cửa riêng, nhiều người vốn quen sống độc lập sẽ cảm thấy LAT là một chọn lựa thích hợp. Và với những cặp từng có con riêng trước khi tái hôn với nhau, LAT càng là một giải pháp tốt cho cả hai bên… Ngoài ra, còn là vấn đề trách nhiệm. Allison Forti, giáo sư Đại học Wake Forest, lưu ý rằng một số phụ nữ bị áp lực xã hội và cả văn hóa về việc họ phải là người chăm sóc bạn đời khi cả hai tuổi cao sức yếu. Trong một báo cáo năm 2020 từ Liên minh Quốc gia về Chăm sóc (National Alliance for Caregiving ) và Hiệp hội người nghỉ hưu Hoa Kỳ (AARP), 23% người Mỹ cho biết việc chăm sóc (người khác) khiến sức khỏe của họ trở nên tồi tệ hơn. Và do đó, họ không muốn gồng gánh trách nhiệm này.

Nhà liệu pháp tình dục và tư vấn hôn nhân Anh, Paula Hall, nhận xét rằng dù sống chung có thể giúp tiết kiệm nhưng nhiều người bắt đầu nhận thấy sự độc lập cũng mang lại nguồn lực cho mối quan hệ hôn nhân, đặc biệt với thế hệ nữ hiện đại, những người thành công trong sự nghiệp, có nhà cửa và sẽ chẳng dễ dàng chịu từ bỏ tổ ấm riêng để “theo chàng về dinh” như truyền thống. Nhà trị liệu tâm lý Lucy Beresford, tác giả quyển Happy Relationships, nhận định rằng các mối quan hệ LAT thành công đạt được sự cân bằng giữa sự độc lập và cam kết tình cảm. Lucy Beresford nói: “LAT giúp mang lại cái gì đó gọi là cá nhân hóa. Một số người có thể thích một ‘không gian yên tĩnh để đến, hoặc một phòng thiền nhỏ’; và một số khác thì thích một không gian ngăn nắp theo cách riêng của họ khi chai lọ trong nhà bếp đặt chỗ nào đúng chỗ đó và khi… bồn cầu luôn được xả sạch. Dù thế nào, việc sống xa nhau cũng mang lại cho bạn không gian thở”.

Dĩ nhiên, để có thể sống LAT, người ta phải đủ tự tin nơi bản thân cũng như hoàn toàn tin tưởng người bạn đời, bởi cuộc sống độc lập khiến họ gần như không thể kiểm soát lẫn nhau.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: