Trưng bày nghệ thuật trong nhà là sở thích và nhu cầu của nhiều người để trang trí, đổi mới hình ảnh của ngôi nhà, hoặc tạo hẳn một gallery, nếu bạn là họa sĩ.
Dưới đây là một số điều nên và không nên làm khi trưng bày nghệ thuật trong nhà. Theo cố vấn nghệ thuật Louisa Warfield, có hai sai lầm phổ biến mà nhiều người thường mắc phải khi trưng bày tác phẩm nghệ thuật trong nhà.
Treo những bức tranh quá nhỏ so với không gian
Thường khi vừa bước vào, bạn sẽ thấy một chiếc ghế sofa. Khi có một bức tranh nhỏ phía trên, trông khung cảnh thật cô đơn và ảm đạm.
Thay vào đó, hãy treo một bức tranh lớn, giúp căn phòng có cảm giác ấm cúng, đồng thời làm cho không gian có vẻ rộng hơn. Cũng đừng ngại treo những tác phẩm nghệ thuật lớn ở không gian nhỏ như hành lang, theo Warfield.
Treo các tác phẩm nghệ thuật quá cao
“Khi tác phẩm được treo quá cao, bạn sẽ có cảm giác như nó không thực sự ở trong phòng,” Warfield nói. Cô cho biết nguyên tắc là treo tác phẩm sao cho tâm của nó cách sàn khoảng 150cm, nhưng đó cũng chỉ là gợi ý, không có quy tắc cứng nhắc nào cả.
Bức tường trưng bày
Tạo một bức tường trưng bày, nơi treo nhiều tác phẩm có kích thước khác nhau, là một cách phổ biến để trưng bày tác phẩm nghệ thuật tại nhà.
Hầu hết mọi người không phải là những nhà sưu tập nghệ thuật với chủ ý mua tác phẩm xoay quanh một chủ đề cụ thể. Họ có thể mua vài bức tranh trong kỳ nghỉ, hoặc nhận quà tặng là những tác phẩm nghệ thuật. Khi đó bạn không có sự chọn lựa.
“Một bức tường trưng bày cho phép bạn sáng tạo để tập hợp nhiều nội dung khá khác nhau lại thành một cái nhìn tổng thể,” cô nói.
Warfield gợi ý tạo sự kết nối cho một không gian chung bằng cách để mọi thứ đều có khung màu đen, như cho những bức tranh hoa, hoặc những bức ảnh đen trắng. Trong một ngôi nhà lớn, bức tường trưng bày có thể cao khoảng 160 cm và chiều rộng bằng chiếc ghế dài mà tác phẩm nghệ thuật sẽ treo phía trên. Cô cho biết việc treo những bức tranh lớn với những bức nhỏ hơn là chấp nhận được. Nên thử đặt toàn bộ các bức tranh lên trên sofa để quyết định cách trưng bày.
Phù hợp với nội thất
Warfield cho biết, bạn có khuynh hướng muốn tác phẩm nghệ thuật phù hợp với tông màu bạn chọn cho ngôi nhà của mình, nhưng đây là điều mà thế giới nghệ thuật, có thể là những người theo chủ nghĩa tinh hoa, không xem trọng.
Cách tiếp cận của cô mang tính dung hòa hơn. “Bạn hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn trong nhà, đó là nơi của bạn,” Warfield nói. “Điều tôi khuyên khách hàng của mình là bạn có thể muốn phù hợp luôn, nhưng ghế sofa và tông màu tổng thể của phong khách hầu như chắc chắn sẽ thay đổi sau 5 đến 7 năm nữa. Nếu bạn đang mua tác phẩm nghệ thuật và quan tâm đến cách làm cho nó tiệp màu với nội thất, hãy xem xét thật kỹ xem bạn đang chi bao nhiêu tiền, và liệu bức tranh đó có còn hợp tông sau khi bạn thay đổi màu sắc phòng khách của mình không?”
Như vậy, nếu thật sự yêu thích bức tranh, bạn sẽ tìm ra sự hài hòa của nó đối với căn phòng theo một cách riêng nào đó, theo quan niệm của Warfield.
Đối với Helen Sunderland Cohen, người sưu tầm nghệ thuật và nhiếp ảnh hiện đại, sự cân bằng là điều quan trọng. “Tôi cố gắng đặt những tác phẩm mang lại cảm giác dễ chịu trong một không gian cụ thể và tương tác hữu cơ với nhau. Điều này có thể thông qua màu sắc, kiểu dáng hoặc hoa văn. Ví dụ, tôi quyết định treo toàn những bức ảnh đen trắng ở một hành lang.”
Ngôi nhà ở London của Sunderland Cohen, người quản lý The Sunderland Collection, nơi sưu tập các bản đồ thế giới cổ, có khu vực sinh hoạt không gian mở với các cửa sổ lớn dọc theo chiều dài giúp làm nổi bật bộ sưu tập của cô.
Một chiếc mặt nạ của nghệ sĩ người Anh gốc Nigeria Yinka Shonibare treo bên cạnh bức tranh in đơn trên vải của nghệ sĩ người Anh Aimee Parrott, tiếp theo là bức tranh sơn dầu trên canvas của nghệ sĩ người Anh thời hậu chiến Prunella Clough.
Trong khi đó, một chiếc nón sứ màu hồng sáng của Simon Bejer được trưng bày trên bàn bên cạnh. Bejer là sinh viên tốt nghiệp Trường Nghệ Thuật City & Guilds ở London. Sunderland Cohen nói: “Tôi cố gắng sắp xếp tác phẩm nghệ thuật theo cách phù hợp với đồ nội thất, thảm và ánh sáng để mọi thứ đều có cảm giác hài hòa.”
Sunderland Cohen cho biết cô sẽ mua những tác phẩm cho ngôi nhà của mình, những thứ mà cô thấy có mối liên hệ cá nhân, chẳng hạn như những nơi cô từng sống. Cô nghĩ phần lớn việc trưng bày nghệ thuật xuất phát từ cảm tính và trực giác, thay vì lo lắng rằng nó hợp thời hay không, hoặc có giống cách trưng bày của một nhệ sĩ hay không.
(theo CNBC)