Bốn điều mà chúng ta phải đối diện trong đời

Con người sống nơi thế gian, dù ở độ tuổi nào cũng luôn phải đối mặt với sự mất mát. Lúc nhỏ làm mất đi một vật mà mình yêu quý, lớn lên lại mất đi một người bạn thân thiết… hết thảy đều khiến cho tâm chúng ta đau khổ, áo não, thậm chí là hối tiếc không nguôi. Nhưng khi đã bước vào tuổi trung niên, đối mặt với nhiều sự mất mát trong đời, chúng ta cần hiểu rằng có những điều là quy luật, là tất yếu của cuộc sống. Chỉ có học cách thản nhiên đối mặt với chúng, cuộc sống của chúng ta mới nhẹ nhàng hơn.

1. Danh vọng địa vị không như ý
Rất nhiều người khi đối mặt với công danh, sự nghiệp không được như ý liền chán nản, ưu sầu, không cam lòng, khiến cuộc sống của bản thân và gia đình thêm nặng nề. Bước vào tuổi trung niên, rất nhiều việc đã được định hình và khó có cơ hội thăng chức. Thay vì thất vọng hãy học cách tiếp nhận và thay đổi suy nghĩ, thay đổi góc nhìn nhận, chúng ta sẽ tìm kiếm được con đường mới.

Nhân sinh vô thường, không có điều gì là bất biến. Danh vọng địa vị, giàu sang phú quý cũng như vậy, nó chỉ là một phần của kiếp nhân sinh. Cho dù một người thăng tiến đến mức cao xa như thế nào thì cũng sẽ đến lúc phải dừng lại, tuổi trung niên phần lớn đều là như thế. Điều quan trọng là chúng ta thực sự cố gắng, thực sự đặt tâm làm tốt nhất khả năng của mình hay không.

Nếu một người làm việc có trách nhiệm, chỉ quản việc cố gắng và bỏ tâm sức, để kết quả thuận theo tự nhiên, không quá khắt khe, không quá cưỡng cầu, không suy sụp tinh thần trước điều thất ý, thì người ấy đã làm chủ được cái tâm của mình, làm chủ đường đời của mình.

2. Con cái càng lúc càng xa
Trong lòng cha mẹ, con cái luôn luôn là những đứa trẻ còn rất nhỏ bé. Nhưng thời gian là không đợi người, chỉ trong cái chớp mắt, con cái đã lớn và đến tuổi thành gia lập nghiệp. Khi con cái có cuộc sống riêng, sự nghiệp riêng thì khoảng cách giữa cha mẹ và con cái cũng dần nới rộng ra. Có không ít cha mẹ cảm thấy trong lòng buồn vì điều này, luôn muốn quản thúc, lo lắng cho tương lai, cuộc đời của con cái như khi còn bé.

Người ta nói rằng, con cái có phúc phận và cuộc đời riêng của con cái. Khi con cái bước vào đường đời, cha mẹ nên làm người bạn đồng hành, chỉ dẫn mà không thể thay thế con cái được. Biết buông tay đúng lúc, con cái mới có thể vững vàng bước đi trên con đường đời của mình. Thay vì lo lắng, hãy giáo dục con trở thành những người có phẩm đức tốt. Đó chính là hành trang quan trọng nhất để con vững bước.

3. Sức khỏe kém đi
Con người khi bước vào tuổi trung niên sẽ cảm nhận được rõ ràng hơn tình trạng sức khỏe của bản thân có phần kém đi. Khi còn trẻ, người ta có thể thức thâu đêm, ngày hôm sau vẫn có thể đi làm và hoàn thành công việc, nhưng khi có tuổi thì sức khỏe không cho phép như vậy nữa.
Sinh, lão, bệnh, tử vốn là quy luật ở đời. Ai cũng không thoát khỏi được quy luật ấy. Thay vì lo lắng, sầu não, hối hận rằng đã không làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, hãy đối mặt với điều đó bằng tâm thái tiếp nhận và lạc quan tích cực.

Trong cuộc sống hàng ngày, hãy đối xử tốt với thân thể. Giữ gìn sức khỏe là điều cần phải làm ngay từ khi còn trẻ. Cổ ngữ nói: “Bờ kè ngàn dặm vì hang kiến nhỏ mà sập”, sức khỏe của con người cũng như vậy. Sức khỏe một khi có vấn đề xảy ra thì thường khiến người ta suy sụp, mọi ước mơ hy vọng gần như sẽ tan biến. Vì vậy, để tránh bi kịch xảy ra, hãy bắt đầu quan tâm đến sức khỏe của mình ngay từ bây giờ, bằng cách ăn uống hợp lý, rèn luyện thích hợp, giữ tâm trạng thật tốt.

4. Sinh tử ly biệt
Con người cho dù là tuổi trẻ, sức khỏe mạnh mẽ đến thế nào đi nữa thì cũng đến thời điểm ra đi, cho dù là sống thọ đi nữa thì cuối cùng cũng phải quy về với cát bụi. Đây cũng là một mất mát, một nỗi khổ lớn lao của đời người. Cho nên, cho dù là ai đi nữa cũng đều phải học được cách đối mặt với cái chết. Thay vì lo lắng sợ hãi, cần học cách trân trọng và sử dụng chính xác từng giây phút mà mình đang có. Có như vậy thì sống bình thản mà chết cũng an nhiên.

Một người khi lâm vào ranh giới sinh tử mới hiểu được rằng trên thế gian này chẳng có gì là mãi mãi và không có gì đáng quý hơn sinh mệnh. Người ấy càng hiểu ra rằng hết thảy danh, lợi cũng chỉ như mây gió thoảng qua, hết thảy đều là vô thường.

Vậy nên khi vẫn còn hơi thở hãy đối đãi thật tốt với mọi người quanh mình. Như vậy dẫu đến giây phút chia xa thì người ấy cũng chẳng còn điều gì phải tiếc nuối, thở than. Nếu một người có thể gieo những hạt giống thiện lương và để lòng tốt ở lại thì khi mất đi dẫu bóng hình chẳng còn nhưng đức hạnh của người ấy vẫn luôn sống trong tâm trí người khác. Thông thường những người như vậy cũng là những người coi cái chết nhẹ nhàng, không sợ hãi trong tâm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: