Cánh mày râu cũng… mong manh, cần những lời nói tế nhị

(Hình minh họa: Kumpan Electric/Unsplash)

Nam giới cũng có những bất an và nhạy cảm riêng không khác gì cánh phụ nữ. Không chỉ trong các mối quan hệ lãng mạn mà còn trong bất kỳ mối quan hệ nào với cánh đàn ông. Nếu trong giai tiếp, chúng ta tránh những cụm từ sau đây sẽ là niềm vui cho cánh mày râu, vì ở sâu thẳm bên trong, họ cũng “mong manh dễ vỡ” không thua gì phụ nữ.

-“Trông bạn có vẻ mệt mỏi nhỉ.”
Không phải người đàn ông nào cũng muốn nghe câu nói trên, nhưng thỉnh thoảng họ cũng thường nghe được câu vô tình từ bạn bè: “Sao trông ông có vẻ mệt mỏi dữ dzậy?”

Theo tâm lý học, nhận xét vô hại này có thể gây tổn hại khá lớn. Đầu tiên, nó ngụ ý rằng anh ấy trông không đẹp, hoặc không hấp dẫn, chẳng khác nào nhận xét bạn mình là già nua, thiếu sức sống. Đàn ông, cũng giống như phụ nữ, luôn ý thức về ngoại hình của mình và những nhận xét như vậy có thể gây ra sự bất an.

Câu nói “trông anh có vẻ mệt mỏi” giống như gửi đi một thông điệp rằng anh ấy không thể giải quyết tốt trách nhiệm của mình cũng như cuộc sống nói chung. Nó có thể khiến người nghe cảm thấy như thể mình đang thất bại ở một khía cạnh nào đó, và làm anh ta mất tinh thần.

Hãy nhớ rằng, ngay cả khi ý định đằng sau nhận xét là mối quan tâm thực sự thì nó cũng có thể không được nhìn nhận theo cách đó. Thay vì đưa ra giả định về trạng thái của anh ấy dựa trên ngoại hình, bạn có thể hỏi anh ấy dạo này thế nào hoặc anh ấy có ổn không. Điều này sẽ thể hiện sự quan tâm và lo lắng của bạn mà không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào có thể gây tổn thương về ngoại hình của anh ấy.

-“Bạn đang giảm cân phải không?”

Thoạt nghe, điều này có vẻ giống như một lời khen. Xã hội thường đánh đồng việc giảm cân với sức hấp dẫn và sức khỏe, vì vậy rất dễ cho rằng nhận xét này sẽ được đón nhận theo cách tích cực. Tuy nhiên, theo tâm lý học, đây thực sự có thể là một trong những cụm từ không người đàn ông nào muốn nghe về ngoại hình của mình.

Thứ nhất, nếu anh ấy không cố gắng giảm cân hoặc không nhận thức được rằng mình đã giảm cân thì câu hỏi này có thể dẫn đến cảm giác bất an và tự ti. Anh ấy có thể bắt đầu lo lắng về lý do tại sao tự nhiên mình lại cần giảm cân.

Thứ hai, nếu anh ấy đang cố gắng tăng cân hoặc duy trì cân nặng hiện tại thì nhận xét của bạn có thể giống như một bước thụt lùi. Đó là lời nhắc nhở vô tình rằng anh ấy chưa đạt được mục tiêu cá nhân của mình.

Thay vì bình luận về cân nặng, hãy cân nhắc khen ngợi anh ấy trông khỏe mạnh hoặc cân đối. Những lời khen ngợi này tập trung vào những nỗ lực tích cực hơn là chỉ những thay đổi về thể chất.

-“Nếu ông cười, nhìn ông đẹp hơn đấy!”

Cụm từ này thường được sử dụng một cách tự nhiên, khiến người nói tin rằng họ đang đưa ra một lời khuyên thân thiện. Tuy nhiên, đó có thể là cụm từ mà đàn ông không muốn nghe về ngoại hình của mình.

Yêu cầu ai đó cười nhiều hơn ngụ ý sự không hài lòng với biểu cảm tự nhiên của họ, thường được gọi là “khuôn mặt nghỉ ngơi,” cho thấy trạng thái tự nhiên của họ chưa đủ tốt và cần phải điều chỉnh theo ý thích của người khác. Ngoài ra, bộ não con người có xu hướng coi nụ cười là dấu hiệu của sự thân thiện và đáng tin cậy. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người ta phải luôn mỉm cười.

Mọi người có nhiều loại cảm xúc và biểu cảm khác nhau, và thật không thực tế và không công bằng khi mong đợi ai đó liên tục duy trì nụ cười.

-“Ăn mặc kiểu gì vậy, cha nội!”

Cụm từ này có vẻ khá ngây thơ, thường xuất phát từ sự quan tâm. Tuy nhiên, không phải lúc nào nó cũng có thể được đón nhận như mong muốn của người nói.

Khi bạn nói với người bạn câu nói trên, giống như một sự đánh giá tinh tế về gu thời trang hoặc phong cách của anh ấy. Nó có thể khiến anh ấy nghi ngờ những lựa chọn của mình và dẫn đến nghi ngờ bản thân.

Mỗi người đều có phong cách riêng và đó là cách để họ thể hiện cá tính của mình. Những gì có thể không hấp dẫn đối với một người có thể lại là hình ảnh thu nhỏ về phong cách đối với người khác. Thay vì đặt câu hỏi về việc lựa chọn trang phục của anh ấy, bạn có thể đưa ra những phản hồi mang tính xây dựng. Nếu bạn cảm thấy một bộ trang phục khác sẽ phù hợp với anh ấy hơn, hãy gợi ý nó theo cách tích cực.

-“Thấy muối nhiều hơn tiêu rồi đó nha!”
Tại một thời điểm nào đó, hầu hết mọi người sẽ nhận thấy một hoặc hai sợi tóc màu xám. Mặc dù đó là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa, nhưng việc nghe câu “Tóc bạn có nhiều sợi bạc” từ người khác có thể làm người nghe khó chịu.

Không ai cần phải nhắc nhở về tuổi tác của mình, đặc biệt là khi nói đến những thay đổi về ngoại hình. Cụm từ này có thể gây chú ý không cần thiết đến một khía cạnh mà anh ấy có thể đã cảm thấy nhạy cảm.

Suy cho cùng, tuổi tác chỉ là một con số và chính con người bên trong mới thực sự định nghĩa chúng ta.

-“Sáu múi của bạn đâu rồi?”

Bạn có một người bạn đam mê tập gym, thường xuyên tập tạ và duy trì vóc dáng cơ bắp. Cuộc sống trở nên bận rộn và anh ấy phải bỏ thói quen của mình. Khi ai đó chỉ ra rằng: “Bạn không còn cơ bắp như trước nữa” sẽ tác động mạnh đến anh ấy.

Bình luận này không chỉ thu hút sự chú ý về sự thay đổi về ngoại hình mà còn nhắc lại khoảng thời gian trước đây anh từng có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc rèn luyện thể lực. Nó có thể giống như một cú đánh kép – một lời phê bình về ngoại hình hiện tại của anh ấy và một lời nhắc nhở về quá khứ “tốt đẹp hơn” của anh ấy.

Sẽ hữu ích hơn nếu thừa nhận những thách thức đi kèm với những thay đổi trong cuộc sống và khuyến khích anh ấy trong những nỗ lực hiện tại.

-“Sao bạn không để râu nhỉ?”

“Bạn đã cân nhắc việc để râu chưa?” hoặc “Bạn sẽ trông đẹp hơn khi để râu” là những câu hỏi và nhận xét có vẻ giống như những gợi ý thân thiện nhưng lại có thể gây tổn thương nhiều hơn là giúp ích.

Những bình luận này ám chỉ rằng ngoại hình hiện tại của anh chưa đủ đẹp và anh cần phải thay đổi để trở nên hấp dẫn hoặc có thể chấp nhận được.

Không phải ai cũng có thể để râu dài và không phải ai cũng muốn điều đó. Đó chỉ là lựa chọn cá nhân. Giá trị hay sự hấp dẫn của anh ta không được xác định bởi bộ râu hay việc thiếu một bộ râu. Tính cách, hành động và cách anh ấy đối xử với bạn và những người khác mới thực sự quan trọng.

Tóm lại, hãy lưu tâm đến lời nói của mình và luôn cố gắng nâng cao hơn là hạ bệ. Suy cho cùng, con người bên trong mới thực sự quan trọng chứ không phải bề ngoài. Điều thực sự quan trọng là cách chúng ta đối xử với mọi người và cách chúng ta khiến họ cảm thấy. Những nhận xét về vẻ bề ngoài chỉ là thoáng qua và đôi khi không có chủ ý, nhưng tác động lời nói của chúng ta có thể tồn tại lâu hơn rất nhiều.

Chú ý đến lời nói của mình là một hành động tử tế, đặc biệt khi nhận xét về ngoại hình của ai đó.

(theo Hack Spirit)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Ăn tỏi tốt… da
Được biết đến với hương vị nồng nàn và mùi thơm độc đáo, từ lâu, tỏi được ca ngợi vì không chỉ là một nguyên liệu hữu ích cho nhiều…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: