Đức Phật không đổ lỗi

Kỷ niệm ngày Đức Phật nhập diệt
Ảnh: pexels-sarbajit-sen
Mindfulness
Mindfulness
Đức Phật không đổ lỗi
Loading
/

Rằm Tháng Hai là ngày Đức Phật nhập Niết Bàn. Nhân kỷ niệm ngày Đức Phật ra đi, thử nhìn lại cái chết của ngài bằng góc độ khoa học, và ứng xử của ngài trước giờ phút lâm chung.

Nhiều tài liệu mô tả cái chết của Đức Phật theo hai hướng tiêu cực, là ngài bị đầu độc hoặc thức ăn được cúng dường không được làm sạch sẽ, khiến ngài ngộ độc. Tuy nhiên, vẫn có các nhà khoa học theo Phật giáo và các vị tăng sĩ đưa ra một luận thuyết khác cho rằng mọi thứ là đến từ căn bệnh tự nhiên.

Nói về điều này Hòa thượng Mettanando, một vị bác sĩ trước khi chọn đi tu ở Wat Raja Orasaram, Thái Lan, có viết trên Bangkok Post, lý giải về sự kiện này vào năm 2001, với tựa đề How the Buddha died với các luận thuyết khoa học hết sức thuyết phục. Xin được giới thiệu góc nhìn này đến cùng quý vị.

Kinh Mahaparinibbana Sutta, trích từ Trường Kinh Tam Tạng Pali (Long Discourse of Pali Tipitaka), là nguồn đáng tin cậy nhất cung cấp chi tiết về cái chết của Siddhattha Gotama (563-483 TCN), tức Đức Phật. Kinh được viết theo phong cách tường thuật cho phép độc giả theo dõi câu chuyện về những ngày cuối cùng của Đức Phật, bắt đầu vài tháng trước khi Ngài nhập diệt.

Tuy nhiên, bài kinh, hay bài giảng, vẫn luôn tạo ra các suy luận khác nhau của công chúng về hai tính cách trái ngược nhau của Đức Phật: Một người làm nên các phép lạ, tạo ra cuộc cách mạng tư tưởng cùng tầm nhìn thần thánh và một là con người trần tục, chấp nhận những thay đổi thể chất phải đến của tuổi già sức yếu, trải qua những cơn đau trần thế lẽ thường.

Điểm kết của câu chuyện về Đức Phật nhập diệt, là khi ngài được mời món ăn cúng dường có cái tên Sukaramaddava – một món ăn mà bây giờ người ta không thể biết rõ rằng nó cấu tạo và gồm những thành phần gì, nhưng đại khái nó được gọi đó là món thịt lợn mềm.

Loại bỏ các giá trị truyền thuyết, hoặc là kết quả của một cuộc đấu tranh chính trị trong cộng đồng Phật giáo trong giai đoạn chuyển tiếp, việc mô tả tình huống thực tế xảy ra trong những ngày cuối cùng của Đức Phật cũng có một cách tiếp cận khác dựa trên sự mô tả các triệu chứng và dấu hiệu được đưa ra trong kinh, mà kiến ​​thức y học hiện đại có thể làm sáng tỏ.

Trong một bức bích họa ở Wat Ratchasittharam, cho thấy Đức Phật vào lúc đang cận kề cái chết – có lẽ rất đau và mệt – nhưng Ngài vẫn dành thời gian để trả lời các câu hỏi của nhà tu khổ hạnh Subhadda, người môn đồ cuối cùng của Ngài, người sau khi được nhận vào Tăng đoàn Phật giáo, đã trở thành một vị A-la-hán, một người giác ngộ.

(Ảnh: Buddhaguna Dhamma)

Kinh Đại Bát Niết Bàn viết rằng Đức Phật đột nhiên bị ốm sau khi Ngài ăn một món ngon đặc biệt, Sukaramaddava, được chuẩn bị bởi người phát tâm cúng dường là ông Cunda Kammaraputta. Tên của món ăn đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả, và nó đã trở thành tâm điểm của các nghiên cứu học thuật về bản chất của bữa ăn hoặc các thành phần được sử dụng để nấu món ăn đặc biệt này.

Nhưng bản thân bài kinh cũng đã cung cấp những chi tiết liên quan đến các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tật của Đức Phật, cùng với một số thông tin đáng tin cậy về hoàn cảnh của ngài trong bốn tháng trước đó, và những chi tiết này cũng đầy ý nghĩa y học. Bài kinh bắt đầu với việc Đức Phật du hành đến Vajji để nhập thất an cư cuối cùng của ngài. Chính trong khóa nhập thất này, Đức Phật bị ốm. Triệu chứng của bệnh là những cơn đau dữ dội, đột ngột. Kinh không mô tả rõ cơn đau của Đức Phật, mà chỉ nói ngắn gọn là cơn đau rất dữ dội, suýt giết chết Ngài.

Các nhà khoa học lưu tâm về điều này và đặt ra một nghi vấn về cái chết của Đức Phật, không phải vì thức ăn mà Ngài đã ăn, mà bởi vì Ngài đã mắc một căn bệnh tiềm ẩn nghiêm trọng và cấp tính – và có cùng các triệu chứng của căn bệnh mà cuối cùng đã chấm dứt cuộc sống trần gian của ngài.

Mô tả về phép lạ về sự nở trái mùa của lá và hoa trên cây sala, khi Đức Phật nằm giữa chúng, các nhà khoa học cũng chỉ ra khung thời gian được đưa ra trong kinh. Truyền thống Phật giáo Nguyên thủy truyền miệng tôn trọng giả định rằng Đức Phật lịch sử đã qua đời trong đêm trăng tròn của tháng Visakha Âm lịch (rơi vào khoảng tháng 5 đến tháng 6). Nhưng thời điểm có mâu thuẫn với thông tin được đưa ra trong kinh, trong đó, nói rằng Đức Phật nhập diệt ngay sau mùa an cư kiết hạ, rất có thể là vào mùa Thu hoặc giữa mùa Đông, tức là từ Tháng Mười Một đến Tháng Một.

Từ đó, các nhà phân tích cũng có giả thuyết cho rằng mùa Thu và mùa Đông là những mùa không thuận lợi cho sự phát triển của nấm, và vì vậy một số học giả tin rằng đó là nguồn gốc của chất độc mà Đức Phật đã ăn trong bữa ăn cuối cùng của mình.

Nhưng điều quan trọng mà hầu như Phật tử ai cũng được dạy rằng Đức Phật cảm thấy bị bệnh ngay sau khi ăn bữa cuối Sukaramaddava. Nhưng đời nay, mọi người hoàn toàn mơ hồ về bản chất của món ăn này, nên khó có thể gọi nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh của Đức Phật. Nhưng từ những mô tả được đưa ra, cho thấy bệnh có thể ở giai đoạn cuối, và khởi phát nhanh chóng.

Ảnh: aileen-david-rae-unsplash

Kinh ghi lại, trong khi ăn, Đức Phật cảm thấy có gì đó không ổn với thức ăn và ngài đề nghị chủ nhà nên chôn thức ăn. Ngay sau đó, ngài bị đau bụng dữ dội và đi ngoài có lẫn máu từ trực tràng.

Chúng ta có thể giả định một cách hợp lý rằng căn bệnh xuất hiện ở cấp độ nặng hơn khi Đức Phật đang dùng bữa, khiến ngài nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với món ngon lạ miệng. Vì lòng trắc ẩn đối với người khác, ngài đã đề nghị nên chôn, bỏ nó đi.

Ngộ độc thực phẩm có phải là nguyên nhân gây bệnh? Có vẻ như không thể. Các triệu chứng được mô tả không chỉ ra ngộ độc thực phẩm, có thể rất cấp tính, nhưng hầu như không gây tiêu chảy ra máu. Thông thường, ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn gây ra không biểu hiện tức thì mà phải ủ bệnh từ 2 đến 12 giờ mới biểu hiện, thường là tiêu chảy cấp và nôn mửa, nhưng không đi ngoài ra máu.

Một khả năng khác là ngộ độc hóa chất, cũng có tác dụng tức thời, nhưng hiếm khi ngộ độc hóa chất gây chảy máu đường ruột nghiêm trọng. Ngộ độc thực phẩm chảy máu ruột tức thời chỉ có thể là do hóa chất ăn mòn như acid mạnh, dễ dẫn đến quỵ tức thì. Nhưng hóa chất ăn mòn mạnh như vậy, nếu có, thì đã gây xuất huyết ở đường ruột trên, và dẫn đến nôn ra máu. Trong các văn bản ghi lại, không có dấu hiệu nghiêm trọng nào được đề cập như vậy.

Các bệnh loét dạ dày cũng có thể được loại trừ khỏi danh sách các bệnh có thể mắc phải. Mặc dù khởi phát ngay lập tức nhưng chúng hiếm khi đi kèm với phân có máu. Loét dạ dày nếu kèm chảy máu đường ruột, chỉ tạo ra phân đen khi vết loét xuyên qua mạch máu. Một vết loét cao hơn trong đường tiêu hóa sẽ có nhiều khả năng biểu hiện dưới dạng nôn ra máu, chứ không thể là máu chảy qua trực tràng.

Bằng chứng khác chống lại khả năng này là một bệnh nhân bị loét dạ dày lớn thường không thèm ăn. Bằng cách nhận lời mời ăn trưa với chủ nhà, chúng ta có thể cho rằng Đức Phật cảm thấy khỏe mạnh như bất kỳ người đàn ông nào ở độ tuổi 80 sẽ cảm thấy. Với tuổi tác của Ngài, chúng ta không thể loại trừ rằng Đức Phật không mắc bệnh mãn tính, chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh lao hoặc nhiễm trùng nhiệt đới như kiết lỵ hoặc thương hàn, những bệnh khá phổ biến vào thời Đức Phật.

Những bệnh này có thể gây chảy máu ruột non, tùy thuộc vào vị trí của chúng. Các nhà khoa học cũng đồng ý các triệu chứng ngộ độc hay các chẩn đoán ở trên có thể được loại trừ. Vì nếu có, chắc chắn kinh sẽ ghi lại các trạng thái thường xuyên của Đức Phật như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, tăng trưởng hoặc khối u ở bụng. Không có triệu chứng nào trong số này được đề cập trong bài kinh.

Trĩ lớn cũng có thể gây chảy máu trực tràng nghiêm trọng, nhưng không chắc là trĩ có thể gây đau bụng dữ dội trừ khi nó bị thắt. Nhưng nếu thế thì việc đi lại của Đức Phật lâu nay sẽ bị cản trở rất nhiều, và hiếm khi bệnh trĩ chảy máu từ một bữa ăn.

Cuối cùng, các suy đoán hướng về một căn bệnh phù hợp với các triệu chứng đã mô tả – kèm theo đau bụng cấp tính và đi ngoài ra máu, thường gặp ở người cao tuổi và gây ra bởi bữa ăn – là nhồi máu mạc treo, do tắc nghẽn mạch máu của mạc treo (From the diagnosis given above, we can be rather certain that the Buddha suffered from mesenteric infarction caused by an occlusion of the superior mesenteric artery). Nó gây chết người.

Thiếu máu mạc treo cấp tính (giảm cung cấp máu cho mạc treo) là một tình trạng nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Đây là nguyên nhân được coi là chính yếu gây ra cơn đau gần như đã suýt làm Đức Phật suýt chết vài tháng trước đó, trong mùa an cư mà kinh ghi lại.

Mạc treo là một phần của thành ruột liên kết toàn bộ đường ruột với khoang bụng. Nhồi máu mạch mạc treo thường gây chết mô trong một phần lớn của đường ruột, dẫn đến rách thành ruột. Xơ cứng động mạch, sự xơ cứng của thành mạch do lão hóa, là nguyên nhân của tắc động mạch, tắc nghẽn nhỏ không dẫn đến tiêu chảy ra máu, nhưng là một triệu chứng, còn được gọi là đau thắt bụng (Arteriosclerosis, the hardening of the vessel wall caused by ageing, was the cause of the arterial occlusion, a small blockage that did not result in bloody diarrhoea, but is a symptom, also known to us as abdominal angina).

Điều này thường tạo ra cơn đau dữ dội ở bụng và chảy máu. Bệnh nhân thường chết vì mất máu cấp tính. Điều kiện này phù hợp với thông tin được đưa ra trong bài kinh. Sau đó, chẩn đoán này cũng được xác nhận bằng chi tiết khi Đức Phật yêu cầu Ananda lấy một ít nước cho ngài uống, cho thấy xuất hiện cơn khát dữ dội.

Chuyện kể rằng, Ananda đã từ chối lấy ngay vì không tìm được nguồn nước sạch. Ananda nói với Đức Phật rằng dòng suối gần đó đã bị đục ngầu bởi một đoàn xe lớn. Nhưng Đức Phật khăng khăng rằng ông vẫn đi lấy nước ngay.

Đến đây, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Đức Phật không đích thân đi lấy nước mà lại sai thị giả bất đắc dĩ của mình làm như vậy? Đáp án đơn giản: Đức Phật bị sốc do mất máu trầm trọng. Ngài không thể đi lại được nữa, và từ đó đến khi nhập diệt, rất có thể ngài đã được cáng khiêng.

Bài kinh không nói gì về việc Đức Phật du hành bằng cách nào đến nơi lâm chung, có thể bởi vì người ghi lại cảm thấy rằng điều đó sẽ gây một hình tượng không đẹp cho Đức Phật. Về mặt địa lý, chúng ta biết rằng khoảng cách giữa nơi được cho là nhà của Cunda và nơi Đức Phật nhập diệt là khoảng 15 đến 20 km. Một bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không thể đi bộ một quãng đường xa như vậy. Nhiều khả năng là Đức Phật được một nhóm tu sĩ khiêng trên cáng đến Câu Thi Na (Kushinagara).

Vẫn còn là một điểm tranh luận liệu Đức Phật có thực sự quyết định nhập diệt tại thành phố này không? Theo hướng hành trình của Đức Phật, được nêu trong kinh, có vẻ như ngài đang di chuyển về phía Bắc từ Rajagaha. Có thể ngài muốn đi về thị trấn nơi ngài sinh ra, vốn phải mất ba tháng để đến được.

Từ bài kinh, rõ ràng là Đức Phật không lường trước được cơn bệnh đột ngột của mình, nếu không thì ngài đã không nhận lời mời của chủ nhà. Kusinara có lẽ là thị trấn gần nhất mà các đệ tử có thể tìm được một lang y để chăm sóc cho ngài.

Thông thường, một bệnh nhân bị nhồi máu mạc treo có thể sống được từ 10 đến 20 giờ. Từ bài kinh, chúng ta biết rằng Đức Phật qua đời khoảng 15 đến 18 giờ sau cơn đau. Trong sự bế tắc của y học thời kỳ đó, những thị giả của ngài chỉ còn biết cố gắng an ủi, làm ấm căn phòng nơi ngài nằm, hoặc nhỏ một ít nước vào miệng của Đức Phật để làm dịu cơn khát kéo dài của ngài, hoặc bằng cách cho ngài thử uống một ít thảo mộc. Nhưng rất khó có khả năng một bệnh nhân đang run rẩy, như kinh mô tả, lại cần người quạt cho mình.

Ở thế kỷ 21, đạo Phật được nhìn thấy là khoa học, và luôn được giải thích bằng khoa học. Mọi lý lẽ về siêu nhiên là quyền, nhưng nhận định và hiểu biết bằng xác thực khoa học, không thể không cần thiết.

Ảnh: simhadri-a-v-unsplash

*****

Điều quan trọng là trong những cơn đau trước khi nhập diệt, Đức Phật vẫn cố nói với Ananda rằng Cunda không đáng trách và cái chết không phải do ăn Sukaramaddava. Tuyên bố này hết sức quan trọng. Đức Phật biết rằng bữa ăn cuối đó không phải là nguyên nhân trực tiếp, mà triệu chứng này là sự lặp lại của trải nghiệm mà ngài đã trải qua vài tháng trước đó, trong đó có trải nghiệm đã suýt giết chết ngài.

Món Sukaramaddava, bất kể nguyên liệu hay cách nấu, không phải là nguyên nhân trực tiếp khiến Đức Phật bị bệnh đột ngột, và chính ngài cũng nói rõ để minh oan cho người phát tâm. Điều này cũng tránh được cho một tiếng oan có tầm lịch sử đến muôn đời đối với của những người có tấm lòng với Đức Phật.

__________________

Phụ chú theo bài viết gốc: Nhồi máu mạc treo là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, nguyên nhân là do tắc nghẽn động mạch chính cung cấp máu cho đoạn giữa của ruột – ruột non. Nguyên nhân gây tắc thường gặp nhất là sự thoái hóa của thành mạch máu, động mạch mạc treo tràng trên, gây ra những cơn đau bụng dữ dội hay còn gọi là cơn đau thắt bụng.

Thông thường, cơn đau được kích hoạt bởi một bữa ăn lớn, đòi hỏi lưu lượng máu đến đường tiêu hóa cao hơn. Khi tắc nghẽn kéo dài, ruột bị thiếu nguồn cung cấp máu, sau đó dẫn đến nhồi máu hoặc hoại tử một phần của đường ruột. Điều này lần lượt dẫn đến vết rách thành ruột, chảy máu ồ ạt vào đường ruột và sau đó là tiêu chảy ra máu.

Bệnh trở nên tồi tệ hơn khi chất lỏng và nội dung của ruột tràn ra khoang phúc mạc, gây viêm phúc mạc hoặc viêm thành bụng. Đây đã là một tình trạng nguy hiểm cho bệnh nhân, những người thường chết do mất máu và các chất lỏng khác. Nếu không được điều trị bằng phẫu thuật, bệnh thường tiến triển thành sốc nhiễm trùng do độc tố vi khuẩn xâm nhập vào máu. Từ chẩn đoán đưa ra ở trên, các nhà khoa học có thể khá chắc chắn rằng Đức Phật bị nhồi máu mạc treo do tắc động mạch mạc treo tràng trên.

Theo kinh ghi lại, thỉnh thoảng, khi tạm qua trạng thái kiệt sức, ngài lại tiếp tục đối thoại với một số người. Hầu hết những lời cuối cùng của Đức Phật đều là sự thật, và không hề có bất kỳ một sự đổ lỗi hay gieo tội cho ai đã cúng dường cho ngài dẫn đến tình trạng đau yếu. Những di ngôn cuối cùng của Đức Phật đã được các thế hệ nhà sư ghi nhớ rõ cho đến khi chúng được chép lại.

Cuối cùng, vào đêm khuya, Đức Phật qua đời trong đợt sốc nhiễm trùng thứ hai. Căn bệnh của ngài ấy bắt nguồn từ những nguyên nhân tự nhiên cùng với tuổi tác, giống như bất kỳ ai khác trong chúng ta trong xác thân cát bụi của trần gian.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Phú Quốc
Là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, Phú Quốc mang đến sự kết hợp giữa vẻ đẹp thiên nhiên, bãi biển và các điểm tham quan tuyệt vời. SCMP…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: