Nghiên cứu của Harvard: Giỏi kết nối dễ tìm hạnh phúc

(minh họa: Unsplash)

Những người giỏi kết nối và tiếp cận với người khác hàng ngày là những người hạnh phúc nhất và có thể kiên cường đối mặt với mọi thử thách trong cuộc sống.

Có rất nhiều lời khuyên, làm sao để trở nên hạnh phúc hơn, từ tập thể dục nhiều hơn đến rèn luyện lòng biết ơn, và thật khó để xác định chỉ một thay đổi nhỏ mà bạn có thể thực hiện ngay để tìm thấy hạnh phúc tức khắc.

Rất may, theo tiến sĩ Robert Waldinger, Giám đốc khoa nghiên cứu phát triển ở người trưởng thành của Harvard (Harvard Study of Adult Development), có một thói quen mà bạn có thể áp dụng để tăng cường hạnh phúc, điều mà ông đã chia sẻ trong Lễ hội Đại Tây Dương (The Atlantic Festival)  hồi Tháng Chín vừa qua.

Nghiên cứu về hạnh phúc kéo dài hàng thập niên của Harvard do Waldinger chỉ đạo đã phát hiện ra rằng những người giỏi kết nối và tiếp cận với người khác hàng ngày là những người hạnh phúc nhất và có thể kiên cường hơn khi đối mặt với thử thách trong cuộc sống.

Kỹ năng này thường được gọi là sự phù hợp với xã hội, là hành động luôn xem xét lại cách chúng ta đầu tư vào các mối quan hệ của mình và cải thiện mọi sự mất cân bằng để trở thành bạn bè và đối tác tốt hơn.

Hãy chú ý đến những gì bạn lưu tâm tới những người bạn quan tâm. Đề xuất của Waldinger gồm hai phần: “Hãy thực sự quan sát nơi bạn đang hướng sự chú ý của mình và khi có thể, hãy hướng sự chú ý đó tới những người mà bạn quan tâm,” ông nói.

Phần đầu tiên của phương trình này tập trung vào nhu cầu nhận thức rõ hơn về những gì bạn đang chú ý đến. Ví dụ: Nếu bạn biết rằng một số điều nhất định, chẳng hạn như truy cập trang mạng xã hội của người bạn cũ khiến bạn không vui, bạn nên làm ít hơn.

Mặt khác, nếu việc nói chuyện với những người bạn thân về ước mơ và khát vọng của bạn thúc đẩy bạn đạt được những mục tiêu đó, thì hãy nói chuyện về vấn đề ấy nhiều hơn nữa.

Hãy quan sát xem bạn đang hướng sự chú ý của mình vào đâu và khi có thể, hãy hướng sự chú ý đó tới những người bạn quan tâm. Hãy tập chuyển sự chú ý của bạn từ những điều khiến bạn cảm thấy tồi tệ sang những điều khiến bạn cảm thấy dễ chịu và những người bạn quan tâm.

Waldinger cho biết, việc xây dựng các mối quan hệ đòi hỏi phải có chủ ý và đây là cách hữu ích để bạn có thể chủ ý hơn về các mối quan hệ của mình.

Để bắt đầu, hãy liên hệ với một người khác mà bạn muốn duy trì kết nối mỗi ngày.

 Waldinger củng cố sức mạnh xã hội của mình bằng cách bắt đầu trò chuyện với các tài xế Uber, điều mà theo ông là một cách tuyệt vời để kết nối với những người có hoàn cảnh khác nhau và nhìn cuộc sống qua lăng kính của người khác.

(minh họa: Unsplash)

Hồi Tháng Ba, Waldinger nói với CNBC Make It, rằng các mối quan hệ tại nơi làm việc có thể ảnh hưởng đến khả năng thành công trong sự nghiệp của bạn. Vì vậy, hãy tập phát triển các mối quan hệ lành mạnh trong cuộc sống bằng cách kết nối với đồng nghiệp.

Waldinger nói: “Đó là một nhu cầu xã hội quan trọng cần được đáp ứng trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta. Thêm vào đó, nếu bạn kết nối nhiều hơn với mọi người, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn với công việc của mình và làm việc tốt hơn”.

Một nghiên cứu khác về sự kết nối để đem lại hạnh phúc, cũng do các chuyên gia ở Harvard thực hiện, có tầm ảnh hưởng và lâu dài nhất là nghiên cứu trên 724 người, bắt đầu từ năm 1938. Trong hơn 74 năm, các nhà khoa học chỉ số về tâm lý và sức khỏe của người tham gia thí nghiệm. Kết quả cho thấy người có kết nối xã hội lành mạnh thì càng hạnh phúc.

Con người là một loài sinh vật xã hội. Vào thời tiền sử, tổ tiên của chúng ta hình thành các bộ lạc, cùng chung sống, kiếm ăn, bảo vệ và chăm sóc lẫn nhau. Khi bị cô lập khỏi bộ lạc, một cá thể có khả năng phải đối diện với cái chết. Dưới góc nhìn xã hội học, kết nối xã hội còn là một kỹ năng sinh tồn mạnh mẽ.

“Gene kết nối” vẫn nằm trong tế bào của người hiện đại và thúc đẩy chúng ta thực hiện các hành vi xã hội. Thật không may, với tốc độ hối hả như ngày nay, các mối quan hệ đang dần mất đi ý nghĩa quan trọng.

Sự ra đời của Internet và mạng xã hội đang khiến con người tìm kiếm những giá trị ảo nhiều hơn. Tác giả Caroline Beaton từng viết trên tờ Psychology Today rằng nhiều người đang cố gắng thay thế mối quan hệ thực bằng mối quan hệ ảo. Ta có thể kết nối online với hàng trăm người chưa từng gặp, nhưng kết nối đó thường hời hợt, cuối cùng khiến chúng ta không hài lòng cũng như mất niềm tin vào các mối quan hệ xã hội. Trong khi ta quên mất kết nối ảo khác với kết nối thực.

Thứ hai, sự hiện diện của công nghệ cũng làm giảm chất lượng cuộc trò chuyện. Cứ thử ra các quán ăn hay quán cà phê thì thấy, không chỉ người trẻ, mà cả người trung niên, cũng dán mắt vào chiếc điện thoại, dù mọi người đến cùng nhau, ngồi chung bàn với nhau. Tất cả chỉ buông điện thoại của mình ra khi người phục vụ mang thức ăn tới, và sau khi ăn xong, hình cũ lại tái hiện: mọi người nhìn, cười, nói với… điện thoại.

Ngoài ra, còn một lý do nữa mà nhiều người không để ý, là sự “thay đổi cảm giác phụ thuộc” (dependency shift). Chị Huyền ở San Jose là một phụ nữ độc thân, gần đây bạn bè thấy chị ít khi hỏi ý kiến như trước. Hỏi ra thì chị khoe: “Mình đã có một anh, cần mình hỏi, anh trả lời ngay lập tức, rất nhanh.” Ai cũng tưởng chị có bạn trai, nào ngờ đó là “anh Google”.

(ảnh: Didem Mente/Anadolu Agency via Getty Images)

Người Việt hay nói: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google”, là thế! Dần dần mọi người trở nên độc lập hơn và không có nhu cầu tìm người giúp đỡ nhiều như trước.

Tác giả Steven Van Cohen kể, trước kia khi gặp vấn đề cần giải quyết, anh có thể cậy nhờ người có chuyên môn. Ví dụ nếu không thể sửa được vòi nước, anh sẽ nhờ bố hoặc thợ sửa. Bây giờ anh không biết gì, lại lên YouTube xem người ta hướng dẫn. Công nghệ hiện đại một phần đã làm giảm sự tương tác, khiến ta tự chủ hơn, nhưng đó lại là lý do khiến ta cảm thấy cô đơn, như tâm sự của chị Huyền: “Dù có ‘anh Google’, mình cũng muốn gặp bạn bè lắm, vì ‘anh Google’ không đi chơi, không uống cà phê với mình được.”

Tất nhiên, sự tiến bộ công nghệ không phải là nguyên nhân duy nhất làm con người cảm thấy cô đơn, bởi cảm giác trống trải, cô lập còn có thể đến từ sự phát triển của các chủ nghĩa cá nhân, toàn cầu hóa, cạnh tranh việc làm, áp lực đồng trang lứa.

Trong một thế giới đang ngày càng khắt khe hơn, thế hệ trẻ sẽ là nhóm người dễ bị tổn thương nhất, bởi họ chưa có nhiều kinh nghiệm và các mối quan hệ. Không chỉ người trẻ, mà mọi người cũng nên bước ra ngoài, cải thiện những mối quan hệ đang có, đồng thời giữ gìn hoặc thiết lập các mối quan hệ lành mạnh mới, để tìm kiếm hạnh phúc, từ những sự kết nối này.

(theo CNBC)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: