Trước đây, nhân dịp về đám tang Ba tôi; sau khi ghé Đại học Vạn Hạnh nghe Ni Sư Trí Hải thuyết pháp, chúng tôi đã được Ni Sư dẫn về thăm Tịnh thất ở Nhà Bè mà dân cư ngụ quanh vùng gọi là “Chùa các Sư Cô”.
Lối đi vào là con đường đất hẹp. Chỗ còn đọng vài vũng nước, chỗ thì sỏi đá gập ghềnh, hai bên đường bụi bờ sình lầy rác rưởi. Dưới trời nắng chang chang, chúng tôi cố đi nhanh cho mau tới nhưng thỉnh thoảng Ni Sư lại dừng bước, trìu mến xoa đầu thăm hỏi đám con nít áo quần lem luốc đang chơi đùa trên đường. Thấy Ni Sư tới, các cháu chắp tay “sen búp” cúi chào rồi ngơ ngác, mắt mở to nhìn chúng tôi theo gót Ni Sư về Tịnh thất.
Thấp thoáng qua lớp rào cây, bóng các sư cô áo lam đang lui tới trong sân vườn. Dưới những dãy nhà mái lợp tôn, gió lùa mát mẻ, bàn ăn sắp sẵn ngay ngắn với chén đũa đầy đủ, các sư cô bắt đầu dọn cơm trưa. Ni Sư đãi chúng tôi một bữa cơm chay ngon thật là ngon: Canh chua ăn với bún, gỏi trộn, chả giò, rau xào… Món nào cũng đặc biệt hấp dẫn.
Vừa ăn vừa nói chuyện, không phải chỉ những câu chuyện trong Đạo giữa Thầy và đệ tử nhà Phật mà còn nhắc những kỷ niệm ngày ấu thơ; những ngày sống trên mảnh đất thôn Vỹ thân yêu, bên bờ sông Hương êm đềm thơ mộng của xứ Huế, những ngày vui đùa dưới mái trường Đồng Khánh. Cô còn nhắc những ngày vui đùa trên sông Hương, khi thì bơi đua, khi thì rủ nhau qua Cồn Hến bẻ bắp, nhổ đậu phụng. Đôi lúc bị phát giác, lo hít hơi thật dài rồi nín thở, lặn xuống nước, bơi nhanh về gần đến nhà mới dám ngóc đầu lên, nhiều khi ngộp muốn chết mà cũng phải ráng. Cô còn cho biết là ngày còn đi học, cô nghịch như con trai, không kém nam sinh chút nào hết.
Ngày đi học, Cô chăm học lắm, thuộc loại “gạo”. Mỗi khi chị ruột Cô là chị Phùng Mai đọc sách Pháp Anh, gặp bao nhiêu chữ khó, đều bảo Cô học thuộc, xong hỏi đâu Cô đều trả lời đó. Bạn của chị đến nhà, khi cần tra tự điển, chị bảo cứ hỏi cô em chị là nó sẽ trả lời vanh vách. Từ đó các cô bạn chị truyền miệng nhau và đặt biệt danh cho Cô là “cuốn tự điển sống”.
Ni Sư còn kể cho chúng tôi nghe, nhờ lòng tin và cầu nguyện mà Ni Sư đã chữa lành bệnh cho nhiều người. Bao nhiêu chuyện mới, chuyện cũ cứ tuôn ra hết, mọi người vui cười thoải mái, lưu luyến nhau mãi không muốn ra về dù nắng đã tắt và chiều đang dần xuống. Ni Sư đã dẫn chúng tôi đi khắp nơi trong Tịnh thất: Chỗ thờ Phật, phòng kinh sách, phòng của Ni Sư, chỗ ở của các sư cô, chỗ của các em mồ côi ở, các lớp học chữ, học cắt may, chằm nón v.v…
Một năm sau, Ni Sư được giấy phép xây cất thành nhà Như Lai, có điện thờ Phật, có giảng đường, có chỗ cho các sư cô ngồi thiền. Trong khi xây cất nhà Như Lai, cũng có nhiều tai nạn xảy ra. Trong thư gởi cho Sư Bà Cát Tường (Ni trưởng Tịnh Xá Hoàng Mai- Huế) có đoạn Ni Sư viết:
“… Ba tai nạn đã xảy ra rất nguy hiểm nhưng đều qua khỏi nên con nguyện với Chư Phật có tai nạn gì con xin gánh chịu hết vào bản thân, đừng để bất cứ ai vì xây chùa này mà gặp phải tai nạn. Bây giờ những việc nguy hiểm đã qua, con vô cùng cám ơn Chư Phật, Chư Bồ Tát và con sẽ đặt tên “Lầu Cát Tường” để đánh dấu điềm lành và cũng để niệm đức Ân Sư”.
Có ai ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, nhà Như Lai đã vắng bóng Ni Sư để cho biết bao người thương tiếc đau buồn:
Hoằng dương Phật Pháp cứu độ chúng Sanh.
Tâm nguyện của em, nửa đường đứt đoạn!
(Khóc em của bác sĩ Phùng Mai)
Khi đi cứu trợ ở huyện Bù Đăng, Ni Sư bị té chấn thương cột sống (đây là lần thứ hai, lần thứ nhất té ở Suối Tiên – Nha Trang, cột sống cũng bị thương khá nặng), phải nằm liệt trên giường sáu tuần, đau đớn như vậy mà vẫn sáng tác những tập thơ Ngọa bịnh Ca, Báo ân Ca với lời thơ thanh thản nhẹ nhàng, lạc quan, đầy Phật tính:
Ngọa bịnh Ca:
Nhờ bệnh khỏi tâm lành
Nhờ bệnh ngộ vô sinh
Chỉ cần tâm không vướng
Niết Bàn vượt tử sinh.
Nhờ bệnh thấy vô thường
Thấy thân như đồ gốm
An nhiên tâm nhìn ngắm
Mọi cảnh sắc phù vân.
Thân này như bọt nước
Vô thường là lẽ thường
Chấm dứt ngay vọng tưởng
Sực tỉnh cơn mộng trường.
Nếu không bệnh liệt giường
Làm sao ngộ sinh diệt
Diệt sinh từng hơi thở
Hết sinh diệt, chân thường.
Chẳng thà sống một ngày
Thấy được lẽ sinh diệt
Còn hơn sống trăm năm
Mê mẩn theo sắc trần.
Hãy để tâm vắng lặng
Theo dõi hơi ra vào
Thấm nhuần Chân, Diệu, Pháp
Trong từng mỗi tế bào.
Ni Sư đã chuẩn bị sẵn sàng vì cái chết của con người xảy ra bất ngờ và nhanh chóng lắm:
Tôi sẽ lo thanh toán nợ nần
Của người không dính một hào phân
Nhẹ nhàng trở gót khi lâm sự
Rũ sạch trần ai hết nợ nần!
Dù sao Ni Sư cũng được mãn nguyện phần nào, vì sau đó – ngoài Tịnh thất ở Nhà Bè, Ni Sư đã mua được một mảnh đất vừa ý để lập chùa ở Hóc Môn và mộ phần của Ni Sư đã tọa lạc nơi đây. Tiền mua đất phần lớn do một Phật tử ở xa vì ngưỡng mộ đức độ và lòng từ bi của Ni Sư mà cúng dường. Phải tìm kiếm vất vả lắm mới mua được mảnh đất vừa ý này.
Vào cổng, phía tay trái có cái cốc lợp tranh. Những năm tháng ban đầu, Ni Sư hay về đây làm việc và nghỉ ngơi. Ni Sư thích nơi này lắm nên về hoài. Ni Sư đã đem treo những câu thơ của Ngài Huyền Không trong vườn chùa: “Cho thơ nói chuyện với hoa cỏ lá cành, cho thơ cùng thở với gió mưa, cho thơ đi vào mắt rồi ở lại trong lòng người, cho thơ sống với một chút đất trời quê hương!”
Mộ phần của Ni Sư ở bên trái của con đường dẫn vào chùa. Bức chân dung hiền hòa đôn hậu tạc trên đá cẩm thạch đen xám. Ni Sư đang mỉm cười chào đón mọi người đến viếng thăm mộ phần. Cây cảnh xanh tươi, những con vật bằng đá xinh xắn nằm chen trong hoa lá trông như những con vật thật đang quanh quẩn bên mộ phần của Ni Sư. Dưới bức chân dung nổi bật giữa màu xanh của lá là đóa sen trắng nuốt. Bên dưới là hũ cốt của Ni Sư.
Trên cõi đời này đã mất đi một người nhiều tài năng đức hạnh, hiền lành, độ lượng, học bác uyên thâm, luôn luôn xả thân cho việc từ thiện, cứu khổ. Ni Sư đã không quản nắng mưa, bão lụt, không ngại đường sá xa xôi, vào tận các xóm quê nghèo lầy lội, đến tận những mảnh đất tả tơi, hoang tàn sau cơn thiên tai để giúp đỡ biết bao người khổ cực khốn cùng.
Ngoài cứu trợ bão lụt, thiên tai, Ni Sư còn có chương trình bảo trợ hằng năm cho trường mẫu giáo bán trú như ở xã Hương Quảng, xã Hương Lộc. Nuôi nấng dạy chữ, dạy nghề cho các trẻ mồ côi, thường xuyên giúp đỡ, ủy lạo những bệnh nhân ung bướu, những người già yếu, những người đau ốm tật nguyền, phong cùi, mù lòa. Ni Sư còn đến những nơi xa xôi hẻo lánh để cứu trợ việc đắp cầu, đào giếng nước cho dân nghèo.
Ni Sư rất có tình với bà con, họ hàng. Có dịp thì ghé thăm viếng, nhất là đối với những vị già nua đau yếu. Ni Sư thường mang đến cho họ sự an ủi, dịu dàng, thân mật, chịu khó hằng giờ nghe những lời tâm sự làm cho họ cảm thấy ấm cúng và bớt cô đơn. Vì thương quý Ni Sư họ nghe lời khuyên và chuyên tâm niệm Phật nên lòng được yên tịnh, trí được thảnh thơi hơn.
Than ôi! Ni Sư đã ra đi:
Một hoa Đàm đã rụng!
Một đuốc tuệ đã tàn!
Nhưng hình ảnh của Ni Sư vẫn còn hiện hữu trong trái tim của biết bao nhiêu người. Hình ảnh một vị chân tu với trái tim Bồ tát sẽ mãi mãi không phai mờ trong ký ức của những người dân Việt Nam bất hạnh, đã từng được Ni Sư cưu mang cứu khổ.
Ôi! Cao cả thay một đóa Sen tràn ngát hương hoa mà hương thơm vẫn còn tỏa ngát muôn phương!
Tai nạn đến em ra đi chớp nhoáng.
Ánh Kim Quang tô điểm mảnh trăng treo.
Kiếp số tròn, em về với hư vô.
Trăng mười bốn có thêm màu huyền dịu!
(Khóc em của bác sĩ Tôn Nữ Phùng Mai)
München, Đức