Ngày xưa, có lần một cậu học trò nói với tôi: “Thầy ạ, em thích nhạc Lê Hựu Hà, nhưng có một câu hát em không đồng ý.” Tôi hỏi: “Em không đồng ý câu gì?” Cậu học trò đáp: “Đó là câu: ‘Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương đời…’ Em nghĩ, yêu là một tình cảm rất tự nhiên, yêu là tự lòng mình yêu, tự trái tim mình rung động. Yêu mà lòng phải ép uổng, yêu mà bảo trái tim phải cố gắng rung động, em nghĩ không phải là yêu nữa!”
Tôi đã nhìn thật sâu vào đôi mắt cậu học trò để cố tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra cho cậu, khiến cậu không muốn “cố gắng yêu thương đời” như thế. Cậu học trò người miền Trung, hiếu học và đa tài, cha mất sớm chỉ còn mẹ. Bà mẹ quê muốn con có tương lai mà không biết phải làm gì với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, đã để mặc cho con tự định liệu. Cậu bé rời bỏ miền Trung khô cằn tìm đến Sài Gòn hoa lệ, xin vào sống trong cô nhi viện Lâm Tỳ Ni do các ni cô Phật giáo từ bi coi sóc, rồi chạy vạy kiếm tiền đi học trường tư. Cuộc sống đặc biệt hơn những bạn bè cùng lớp khiến cậu trưởng thành sớm, hay suy tư và thường có những câu hỏi về ý nghĩa đời người. Tôi biết chắc rằng cậu đã gặp nhiều đắng cay, chua chát trong cuộc sống.
Ngày hôm ấy, tôi không trả lời cậu học trò. Tôi cảm thấy phần nào đó cậu có lý. Mới hai mươi mấy tuổi, tôi không đủ kinh nghiệm trường đời để trả lời cho cậu học trò chỉ kém mình bảy, tám tuổi về một vấn đề sâu xa của kiếp người. Tôi rủ cậu đi uống cà-phê, và để cho câu nhận xét về chuyện “cố gắng yêu thương đời” của cậu theo những giọt cà-phê đắng thấm vào tâm can tôi.
Chuyện xảy ra đã nhiều năm. Bây giờ tôi đã sống cuộc sống của tôi, qua bao nhiêu đoạn đường, bao nhiêu thăng trầm trôi nổi, bao nhiêu ngọt ngào cay đắng, bao nhiêu thương ghét, vui buồn… và tôi khám phá ra rằng có thứ tình yêu tự nhiên, nhưng bên cạnh đó, cũng có thứ tình yêu phải cố gắng. Cả hai thứ tình yêu này đều có giá trị riêng và đều đáng quý. Người biết yêu là người không từ chối, hay nói đúng hơn, không để lòng mình hạn hẹp ở trong một thứ tình yêu nào cả.
Yêu cha, yêu mẹ, với tôi là một tình yêu tự nhiên, không có vấn đề cố gắng hay không cố gắng. Yêu cha mẹ, điều ấy đương nhiên quá. Nhưng nếu phân tích ra, thì tình yêu ấy đương nhiên, trước hết vì Thượng Đế đã đặt một mối dây thân tình ruột thịt giữa cha mẹ và con cái. Sợi dây ấy vô hình nhưng ràng buộc cha mẹ, con cái một cách bền chặt, sâu đậm. Thứ nữa, vì cha mẹ tôi yêu tôi quá, tốt với tôi quá, hy sinh cho tôi nhiều quá… làm sao tôi không yêu cha mẹ cho được.
Rồi khi có người tình, tôi yêu người tình say đắm, yêu khi người ấy dễ thương với tôi, và cả khi người ấy dễ ghét. Tôi như khám phá ra tôi, tìm được chính bản thể tôi trong người ấy. Lắm khi tôi lạ lùng tự hỏi, tại sao mình yêu người ấy đến như thế, dù người ấy không gần gũi tôi như cha mẹ tôi, không có một thời gian sống cạnh nhau lâu dài để mà biểu lộ lòng hy sinh cao độ như cha mẹ tôi đã biểu lộ, cũng chưa từng chia sẻ với tôi một cách tận cùng những khó khăn, cực nhọc trong cuộc sống. Thế mà tôi vẫn cứ yêu, yêu đắm say, cuồng nhiệt.
Sau này, tôi biết được trong tình yêu nam nữ, có ba loại tình. Thứ nhất là tình “nếu”. Tôi yêu người ấy, nếu người ấy thế này hay thế khác. Tình “nếu” chỉ là thứ bánh vẽ, thực ra thì tôi không yêu, bởi vì người ấy có như thế đâu! Thứ hai là tình “vì”. Tôi yêu người ấy, vì người ấy thế nọ, thế kia. Tình “vì” là thứ tình có điều kiện, và thường là vụ lợi. Nếu người ấy không còn những cái mà “vì” nó, tôi yêu người ấy, thì có nghĩa là khi người ấy mất những cái đó, tôi không còn yêu nữa! Thứ ba là tình “mặc dầu”. Tôi yêu người ấy, “mặc dầu” người ấy sẽ như thế nào đi nữa. Tình “mặc dầu” là tình vô điều kiện, tình quảng đại và vững bền. Tôi nghĩ tình của tôi dành cho người tình là thứ tình “mặc dầu” ấy.
Tôi yêu vợ con, với thứ tình vừa nồng nàn của tình yêu, vừa êm đềm gắn bó của tình nghĩa. Một thứ bổn phận, trách nhiệm ràng buộc tôi với vợ con. Tôi mang bổn phận, trách nhiệm ấy như mang một thứ “ách êm ái, nhẹ nhàng” khiến cho cuộc sống của tôi có ý nghĩa. Tôi là một người cần thiết, là chỗ tựa nương cho người khác, mà những “người khác” ấy lại chính là những người tôi rất mực yêu thương, trân trọng. Điều ấy làm cho tôi vui và hãnh diện. Tình tôi dành cho vợ con đúng là thứ tình “mặc dầu” trọn vẹn nhất.
Và tôi yêu thương bạn bè. Tình bạn là một tặng phẩm quý giá Thượng Đế dành cho tôi. Tôi có nhiều bạn và rất quý bạn. Tôi cũng thích chiều bạn và vui khi thấy bạn vui. Chiều bạn và không đòi hỏi điều gì quá đáng nơi bạn, đó là nguyên tắc giúp tôi giữ được tình bạn lâu dài. Tôi có bạn đồng tâm cảm và bạn đồng chí hướng. Bạn đồng tâm cảm là người bạn mà tôi có thể kể hết những khúc mắc trong lòng, những bí mật của cuộc sống một cách tự nhiên, tín cẩn, không hề e ngại, không sợ bị hiểu lầm, phản bội.
Tôi cũng sẵn lòng nghe bạn tâm sự và sẵn lòng cảm thông với bạn. Bạn đồng chí hướng là những người bạn gần tôi trong lý tưởng. Chúng tôi nương vào nhau để cùng hướng về đích điểm, cùng đạt mục tiêu. Chúng tôi chia sẻ với nhau những gian lao vất vả, cùng nắm tay nhau tiến bước, nâng đỡ, khuyến khích nhau trong hành động. Cũng có khi bạn đồng chí hướng sau này trở thành bạn đồng tâm cảm và ngược lại. Là bạn đồng chí hướng, chúng tôi có thể cười với nhau, nhưng khi là bạn đồng tâm cảm, chúng tôi còn có thể khóc với nhau. Tôi thấy yêu bạn thật là dễ, không mấy khi phải cố gắng.
Và chung quanh tôi còn biết bao nhiêu người đáng yêu đáng mến, những người tôi cảm thấy sung sướng, hạnh phúc khi được gần họ. Những người mà nếu được gặp họ, tôi thấy ngày hôm ấy vui hơn, dễ thương hơn, tươi đẹp hơn.
Nếu thực sự tình yêu là cái gì tự nhiên, không cần rán sức cố gắng gì cả, thì ngần đó người đã đủ cho tôi yêu thương, quý mến. Nhưng bên cạnh những người ấy, còn có những điều và những người, mà theo lẽ tự nhiên, không những tôi không yêu, mà còn phải ghét.
Cái đầu tiên, theo lẽ tự nhiên là đáng ghét, chính là cuộc đời. Đời sống đúng là nỗi ưu phiền cay đắng của tôi. Tôi hy vọng, cuộc đời làm cho tôi thất vọng. Tôi ước mơ hạnh phúc, cuộc đời đem lại cho tôi nỗi đớn đau. Tôi muốn sống bình an, cuộc đời đẩy đưa tôi đi vào sóng gió. Tôi mong được nếm hương vị ngọt ngào, cuộc đời dâng tặng tôi toàn những đắng cay chua chát. Tôi muốn được cư xử bình đẳng, cuộc đời đối xử với tôi một cách bất công. Tôi cần được thông cảm, cuộc đời khắt khe lên án tôi. Tôi cần được ủi an nâng đỡ, cuộc đời cho tôi sự lạnh lùng và vùi dập.
Cuộc đời, nói cho cùng, là những hoàn cảnh sống do chính con người tạo nên. Và bởi vì có nhiều người không tốt nên có nhiều cảnh đời đáng buồn. Khi nói rằng “cố gắng yêu thương đời” thì cũng có nghĩa là “cố gắng yêu thương người.” Người đáng ghét, người không dễ thương, cho nên muốn yêu thương người, tôi cần phải cố gắng.
Vấn đề là ở chỗ: tôi có nên, có cần phải cố gắng để yêu thương người hay không. Và yêu một cách cố gắng như vậy tình yêu có giá trị không?
Người ta được sinh ra đời, chia sẻ với nhau kiếp người. Nghe đến chữ “kiếp người” hay “kiếp nhân sinh”, không cần phải hiểu sâu xa cho lắm, ai cũng thấy cái “kiếp” ấy đầy những đau buồn, đó là một cái “thấy” vừa do kinh nghiệm vừa do trực giác nên nó đúng lắm. Muốn cho cái kiếp ấy đỡ đau buồn, chỉ có một cách là có nhiều người sống đẹp, cư xử tốt với những người khác. Mà ta đừng chờ mong người khác sống đẹp trước, cư xử tốt trước. Chính ta là người phải thực hiện điều ấy trước người khác. Ở một xã hội có nhiều người dám đi bước trước trong cách sống đẹp, dám can đảm chấp nhận thiệt thòi mà không đôi co hơn thiệt, xã hội ấy sẽ đẹp hơn, dễ thương hơn, hay ít nhất là cũng dễ thở hơn.
Sống đẹp, cư xử tốt là cách nói khác của chữ “yêu thương”. Trong khi ta yêu thương người, mà người chưa theo kịp ta để cũng sống yêu thương, thì một là ta bỏ cuộc, hai là ta phải cố gắng. Chuyện rất đơn giản.
Thường người ta cảm thấy người khác khó thương, không tha thứ được, khi cái khó thương của họ ảnh hưởng trực tiếp trên ta. Một người làm điều xấu cho một người khác, ta có thể thông cảm được, hay ít nhất là chê trách rồi cũng bỏ qua được. Nhưng khi người ấy làm hại chính ta, ta không thể bỏ qua, không thể chấp nhận được hành động ấy.
Đó là phản ứng chung của con người, và điều ấy biểu lộ lòng thiếu quảng đại. Người “cố gắng yêu thương đời” là người tập sống quảng đại, tập sống vượt lên trên cái bản chất bình thường của một con người. “Cố gắng yêu thương đời” tức là đang tập sống với thứ tình yêu “mặc dầu”: mặc dầu đời không yêu ta, mặc dầu đời “bao gian dối,” mặc dầu đời “cay đắng như vôi…” thì ta vẫn cứ yêu thương đời như thường! Sống như thế, yêu như thế tức là chọn thái độ can đảm, không bỏ cuộc.
Yêu thương người đời cũng chính là yêu thương mình. Bởi vì mình cũng là một sinh vật đầy những khuyết điểm như những con người khác. Khi ta biết thông cảm với người và yêu thương người, ta cũng dễ thông cảm với chính ta và yêu thương ta. Thông cảm và yêu thương một cách ý thức, chứ không phải là dễ dàng bỏ qua tất cả những cái xấu xa của mình và tìm tư lợi cho mình chỉ vì tính vị kỷ.
Như thế thì cố gắng yêu thương đời, yêu thương người là điều nên làm lắm và tình yêu ấy cũng có giá trị lắm. Tôi cảm thấy tình yêu tự nhiên giống như một bông hoa, toả hương thơm nhẹ nhàng quyến rũ, còn tình yêu do sự cố gắng giống như một trái cây, trải qua nhiều phen mưa nắng, qua bao đợt trưởng thành từ chát qua chua, từ chua sang ngọt. Qua bao nhiêu ngày phơi mình dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, trái cây ấy chín, thơm tho ngon ngọt, đem lại khoái cảm cho khứu giác và vị giác con người.
Tôi mong ước một ngày nào đó, được gặp lại cậu học trò cũ, và chia sẻ với cậu về kinh nghiệm “cố gắng yêu thương đời” của mình. Tôi muốn nói với cậu học trò ấy rằng sự cố gắng trong tình yêu có một giá trị đặc biệt và có vẻ đẹp riêng của nó. Nhưng, cũng có thể tôi không cần nói gì cả. Cậu học trò nhỏ ngày nào bây giờ nếu gặp lại, cũng là một người trưởng thành. Cậu đã sống cuộc đời của cậu, và tôi nghĩ cậu đã không bỏ cuộc trong đời sống tình cảm con người. Nếu không bỏ cuộc, thì tất nhiên cậu cũng trải qua kinh nghiệm “cố gắng yêu thương đời” như tôi vậy. Có lẽ thầy trò tôi sẽ ngồi bên nhau, và chúng tôi sẽ cùng lẩm nhẩm với nhau câu hát: “Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương đời, dù đời không yêu ta…”
Viết cho anh chị em Ki-tô hữu:
Chỉ có một điều, tôi muốn chia sẻ với cậu học trò, và nhất định sẽ chia sẻ nếu gặp lại cậu, mặc dầu cậu là một Phật tử và đã có một giai đoạn được các ni cô từ bi tại cô nhi viện Lâm Tỳ Ni dẫn dắt về mặt tâm linh. Điều tôi muốn chia sẻ là lời nói của Chúa Giê-su, khi Ngài giảng cho con người về ý nghĩa và giá trị của lòng yêu thương:
“Anh em hãy yêu thù địch, hãy làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu cáo anh em. Như thế, anh em được nên con cái Cha ở trên trời, là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ lành và kẻ dữ, cùng làm mưa xuống cho kẻ công chính và kẻ gian ác. Nếu anh em yêu kẻ yêu mình thì anh em có công phúc gì… Và nếu anh em chào hỏi bà con mình thôi, thì nào có hơn gì người khác? (Mt 5, 44-47)
Tôi sẽ nói với cậu học trò rằng: rõ ràng Chúa Giê-su muốn người ta “cố gắng yêu thương đời” và yêu thương với thứ tình “mặc dầu”.