Bến đỗ trời Âu

Hình minh hoạ: Hieu Do Quang/Unsplash

Vào năm 1960 tôi vừa sáu tuổi, bắt đầu cùng bạn bè cắp sách đi học. Ngôi trường đầu đời chỉ là căn chòi xiêu vẹo nhà tranh vách đất chắp vá từ nhà ông giáo làng già, gom góp vài chục học trò từ các xóm tụ về.

 Mỗi sáng, tôi gom vội củ khoai hay ăn vội chén cơm nguội với nước mắm rồi cùng bạn bè đến lớp. Con đường lộ đất sỏi gồ ghề phải đi bộ mới đến trường. Những tàng cây hai bên đường hiếm hoi không đủ che cho tôi trong những ngày nắng hạn. Những ngày mưa tầm tã, kể sao cho xiết nỗi vất vả vô cùng của tôi để vượt qua đất bùn lầy lội. 

Rồi ngày tháng đó cũng trôi qua, tôi chuyển trường vào lớp một, khi vừa tròn bảy tuổi. Trường xa hơn và nỗi vất vả cũng tăng theo. Vẫn đôi chân nhỏ bé đi bộ đến trường, vẫn vài củ khoai lót dạ buổi sáng để vượt qua bao cánh đồng lúa rải rác vài căn nhà tranh xiêu vẹo. Con đường hồi nào đến giờ vẫn lầy lội khi mưa, và bụi tung khi nắng, nhưng bây giờ đã không còn êm ả như thuở nào khi chiến tranh Quốc, Cộng (Quốc gia và Cộng sản) của hai miền Nam, Bắc bắt đầu gia tăng.

Đó là vùng xôi đậu của xóm Đôi Ma, một làng quê hẻo lánh, dân cư thưa thớt độ chừng vài chục căn nhà tranh vách đất thuộc xã Kiểng Phước, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang nơi tôi được sinh ra. Từ dạo đó, xóm Đôi Ma đã không còn yên ả khi đêm về. Du kích Việt cộng bắt dân phá đường, cắt ngang con lộ làm tắc nghẽn giao thông, cắt ngang luôn con đường đến trường của tôi, mặc dù ban ngày Quốc gia phải nhờ dân lấp lại, nhưng vẫn khiến tôi đi học thất thường bữa có, bữa không.

Cuối cùng, hết sáu năm bậc tiểu học, tôi đành xin cha mẹ ở nhà, không chỉ vì gia cảnh khó khăn, gia đình sống lây lất qua ngày từ những con tôm, tép, mớ cá lòng tong mà cha tôi giăng lưới bên con sông nhỏ gần nhà, giao cho mẹ đem ra chợ bán, mà chính vì tình hình chiến sự càng lúc càng khốc liệt. Những con lộ cắt ngang chưa đủ, Việt cộng còn gài mìn để giết những kẻ không may đạp phải bất kể đó là lính Quốc gia hay dân lành. Ba tôi lo sợ cho tôi và lo sợ cho cả chính ông khi xóm làng đã có nhiều người mất tích, đã đi “mò tôm”, “ngủ với giun” (những danh từ ám chỉ bị thủ tiêu một cách bí ẩn).

Hình minh hoạ

Dân xóm Đôi Ma bắt đầu xôn xao bàn tán về những vụ ám sát một cách vô tội vạ những ai bị tình nghi theo hay thân lính Quốc gia. Những người vợ lính ban ngày vô tình đi vào xóm chợ cũng trở thành nạn nhân bị giết thả trôi sông. Hay cái chết tức tưởi của anh xe ba gác nghèo nàn quanh năm chỉ chở thuê vác mướn mà có lần trong đêm, tôi và cả cha mẹ tôi nghe tiếng chân anh cùng vài người đi ngang qua nhà, với giọng anh cầu khẩn: “Tha mạng cho tôi, tha mạng cho tôi. Tôi chỉ đi chở thuê, không là Việt gian, không là Việt gian đâu”, để rồi sáng hôm sau đã thấy xác anh bị vứt bên bờ ruộng làm tinh thần người dân xóm Đôi Ma nhũn ra vì khiếp sợ, không ai còn dám hó hé bàn ra tán vào.

Nhất là đêm về, bên ngọn đèn dầu le lói nghe tiếng chó sủa vọng lại ai nấy giật mình lo sợ không rõ chuyện gì sẽ xảy ra. Màn đêm bây giờ không còn êm ả để nghe tiếng gió nhẹ đong đưa qua hàng cây me xào xạc, cũng vắng tiếng à ơi ngọt ngào ru con qua tiếng võng đưa kẽo kẹt. Chỉ mới chập choạng tối, khi ánh tà dương khuất dạng, ai nấy lo đóng kín cửa lên giường đi ngủ sớm nhưng giấc ngủ thường không an lành nữa.

Năm đó tôi vừa 12 tuổi, còn quá nhỏ để hiểu những điều hệ trọng quá nguy hiểm về cuộc chiến, về cuộc khủng bố của du kích Việt cộng đêm đêm hay bắt người, nhưng tôi mơ hồ cảm nhận một điều gì đó rất bất an và vô cùng bí hiểm. 

Cho đến một đêm, đêm hôm đó đã khuya khoắt, trên trời không trăng không sao. Những cánh đồng lúa rải rác vài túp lều tranh của xóm Đôi Ma chìm trong bóng đêm một màu đen nghịt. Tiếng ếch nhái ễnh ương cùng cất lên một bản đồng ca nghe sao rờn rợn, ma quái, tôi lầm lũi men theo bờ ruộng khô, bề ngang độ ba tấc cùng cha mẹ đi họp theo “lịnh” rủ rê của hàng xóm. Không đi, không được. Không đi sẽ bị tình nghi phản đối rồi số phận sẽ phải… mò tôm, để tôi chứng kiến “tòa án nhân dân” xét xử kẻ bị tình nghi là Việt gian.

Tội phạm” hôm đó, dù đã bị bịt mắt, tôi vẫn nhận ra bà Tám bán chổi tuổi trạc độ bốn mươi đang đứng giữa hai kẻ xa lạ mặc bà ba đen quấn khăn rằn; khẩu súng AK lăm lăm cầm tay chĩa về phía đối diện, chưa bắn mà chúng tôi ai nấy đã hồn phi phách tán. Tôi run run nép sát bên mẹ, giữa vài chục người trong xóm đang ngồi bệt dưới sàn được soi rõ qua ánh đèn măng xông vàng úa trong căn nhà lá của một người dân, cách nhà tôi nửa tiếng đồng hồ đi bộ. 

Tên du kích đẩy bà Tám ra giữa nhà, vẫn cây súng AK lăm lăm trên tay, y đảo cặp mắt sắc lẹm quét một vòng xuống những người ngồi bên dưới, rồi y tằng hắng lấy giọng lên án. Bà Tám bấy lâu bị tình nghi là Việt gian, do đi linh tinh khắp đó đây (Trời ạ, bán chổi dạo thì làm sao đứng một chỗ?!) để làm tình báo cho “ngụy” hãm hại cách mạng. Sau thời gian theo dõi điều tra, nhận thấy bà Tám vô tội, cách mạng nhân đạo khoan hồng tha cho bà, nhưng đêm nay vẫn có cuộc xử án này để cảnh cáo bà con, nếu ai có âm mưu thông đồng với… ngụy (Quốc gia) hãy coi chừng cách mạng không bao giờ tha thứ! 

Sau lời tuyên án, bà Tám được mở băng bịt mắt, tội nghiệp cho bà, sau thời gian mịt mùng trong bóng tối, bà loạng choạng xém té nhào và choáng mắt trước ánh sáng chói lòa của đèn măng xông. Bà lảo đảo vài giây mới đứng vững được.

Những cuộc khủng bố tinh thần như thế, cùng với những cái chết vô tội vạ của những người bị tình nghi, thà giết lầm hơn bỏ sót của Việt cộng, chưa kể những cuộc giao tranh súng nổ đạn rơi giữa hai phe Quốc gia, Cộng sản, ba tôi quyết định bỏ xóm làng, nơi bao đời chôn nhau cắt rốn, nơi chúng tôi bao lâu đã thấm đượm tình yêu mảnh đất quê nghèo. 

Ngày bỏ làng bỏ xóm ra đi, ba tôi âm thầm sắp xếp cho mẹ và mấy chị em tôi tom góp một ít quần áo và vật dụng cần thiết theo đường bộ (xe ngựa) ra Vàm Láng, một cảng cá sầm uất trên bến dưới thuyền cách Đôi Ma ba cây số. Còn ông một mình, tảng lờ như thường nhật vẫn chèo thuyền ra con sông gần nhà lưới cá rồi thẳng tiến đến Vàm Láng. Tài sản mang theo chỉ bộ ván ngựa và vài thứ cần thiết.

 Tại Vàm Láng

Biển Vàm Láng. Ảnh tác giả gởi.

Từ đó tại Vàm Láng, gia đình tôi năm miệng ăn lấy thuyền làm nhà, lấy sông làm nền, neo bên bìa rừng đối diện chợ Vàm Láng lênh đênh qua ngày trên sóng nước. Mọi sinh hoạt nấu nướng ngủ nghỉ đều bị đóng khung chật hẹp và vô cùng vất vả trên chiếc ghe nhỏ, nhưng gia đình tôi vẫn vui, chấp nhận cuộc sống khổ cực để cầu hai chữ bình an.

Tôi là con gái lớn của gia đình, tuy tuổi đời chưa bao nhiêu, nhưng tôi đã ý thức mọi khó nhọc của cha mẹ nên muốn xẻ chia, gánh vác phần nào cho gia đình. Tôi phụ cha, giúp mẹ và hy sinh cho các em đi học.

Về sinh kế, hằng đêm, tôi theo cha đón những chiếc tàu từ biển xa cập bến mang vào những thúng cá phân phối cho thương buôn. Cha tôi ít vốn, chỉ mua những cá vụn buôn qua bán lại chắt chiu thu lượm từng đồng đắp đổi qua ngày. Rồi với thời gian Trời không phụ kẻ thật thà chịu thương chịu khó, chủ tàu chia cho cha tôi từng thúng cá, giỏ tôm, tôi lại phụ cha phân lựa rồi bỏ vào lu, ướp muối rồi cùng cha ra tận vựa Biên Hòa tìm cách bán cho chợ đầu mối, thu nhập có khá hơn, còn vốn trả cho chủ.

Cảng cá Vàm Láng. Ảnh tác giả gởi.

Cứ thế, với thời gian, cùng với sự chắt chiu dành dụm, tích góp từng đồng, thu lượm từng lá tranh, cây gỗ trong rừng, cùng sự góp sức của người thân, bạn bè, cha tôi cất được căn nhà lá ba gian khá rộng nằm ngay sát bìa rừng nhìn xuống mé sông, nơi trước đây gia đình tôi neo thuyền lênh đênh trên con sông Vàm Láng. 

Có an cư mới lạc nghiệp, từ đó, gia đình tôi bình tâm làm ăn, ổn định cuộc sống từ từ khá dần lên. Mẹ sinh thêm em bé chỉ ở nhà nội trợ, quán xuyến gia đình trông con, còn tôi và cha là cột trụ chính có nhiệm vụ lo sinh kế cho cả nhà. Tôi hay theo cha rong ruổi đó đây trên sóng nước. Nếu trước đây trên bờ, đất là… bạn của tôi, quen thuộc với đôi chân nhỏ bé thường đi bộ, thì giờ đây, nước luôn gắn liền với đời sống tôi, với công việc cùng cha chở cá ra vựa, tôi quen với những cơn gió mơn man thổi và cả giông bão khi bất chợt kéo về. Cuộc sống với nỗi vất vả từ lúc mới lọt lòng cho đến bây giờ trải bao giai đoạn tuổi thơ khốn khó đã luyện tôi sớm trưởng thành, mất đi nét ngây thơ hồn nhiên của tuổi thần tiên.

Cổ nhân vẫn bảo: “Đại phú do thiên. Tiểu phú do cần”, nhờ sự cần cù siêng năng và chân thật, gia đình tôi một lần nữa may mắn mỉm cười, được lọt “mắt… đen” của một phú gia ngay chợ Vàm Láng. Ông phú gia đề nghị cha con tôi từ nay, đêm hôm không phải vất vả đón tàu cá, lựa cá, luôn dầm mình với mùi tanh tưởi của cá trong những bộ quần áo ướt sũng mà thu nhập không đáng bao nhiêu. Ông sẽ bỏ vốn đầu tư và hướng dẫn tận tình cha tôi mua ván, gỗ tận bến Hàm Tử Chợ Lớn, Sài Gòn đem về Vàm Láng bán cho ông, và những thương buôn chuyên đóng tàu bè và xây dựng nhà cửa. 

Đúng là Trời cao có mắt luôn thương tưởng những kẻ hiền lương có ý chí vươn lên. Với sự giúp đỡ của ông phú gia, cha tôi biết “nghề dạy nghề” nên mở xưởng gỗ ngay tại đất nhà, từ khoảng đất rộng bìa rừng phía sau, cùng lúc đóng một tàu đánh cá lớn cho tôi làm… cô lái đò đưa khách sang sông.

Năm đó, tôi vừa tròn 18 tuổi. Nhưng tôi không phải lái hay chèo đò, mà có một tài công cùng một số lao công khuân vác có nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa của khách thương buôn từ Vàm Láng chở ra Vũng Tàu. Công việc của tôi chỉ kiểm và thu tiền vé hành khách, trông nom tổng quát mọi việc trên tàu cùng kinh doanh thêm những mặt hàng thời vụ mua từ Vàm Láng chở ra Vũng Tàu bán. 

Hình minh hoạ: Trang Trinh/Unsplash

Tôi lột xác, như con cá bao lâu mắc cạn ao hồ, giờ có cơ hội vùng ra biển lớn. Sóng nước mênh mông, gió mây lồng lộng mở ra cho tôi và gia đình tôi một tương lai xán lạn. Cuộc sống cứ thế từng bước đi lên đưa gia đình tôi có một chỗ đứng ổn định, vững vàng nơi Vàm Láng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang từ sức lao động mồ hôi nước mắt và tấm lòng lương thiện của mình.

Thế nhưng đường đời, nếu luôn bằng phẳng không gập gềnh chông gai thì đâu ai nói thế gian buồn?!

Biến cố 30 Tháng Tư 1975 không chỉ đưa gia đình tôi vào bước ngoặt, mà cả miền Nam cuộc sống bị đảo lộn bởi chính sách quái dị của cộng sản, họ áp đặt những điều đi ngược với lòng dân: Đổi tiền, kiểm kê tài sản, đánh tư sản mại bản, tịch thu, đốt sách, bắt bớ cải tạo, phân phối theo tiêu chuẩn hợp tác xã..v.v.. và.v.v.. đã khiến dân tình khốn khổ kêu Trời không thấu. 

Những chuyến vượt biên âm thầm trốn chạy, rời xa quê hương đất tổ là cách phản kháng nhẹ nhàng đối với chế độ. Bao người tìm cách ra đi, từ đường bộ (lội suối, vượt rừng) qua tàu bè đường thủy vật lộn với tử thần. Chiếc tàu của gia đình tôi bỗng nhiên trở thành hàng quí giá được bao người chiếu cố, đặc biệt nhất là những cặp mắt cú vọ của nhà cầm quyền!

Từ sau 1975, không chỉ cái xưởng gỗ của cha tôi bị tịch thu với tội danh không có giấy phép của cách mạng mà chỉ có môn bài của chính quyền Quốc gia tức là tiếp tay làm giàu cho “ngụy” đến cái… đài (radio) dư thừa khi nhà đã có tivi chúng cũng không tha, thì thử hỏi con tàu lớn sức chứa mấy chục tấn, trị giá hằng trăm cây vàng, chúng nào để yên.  

Với chính sách ngăn sông cấm chợ, buôn bán là bóp nghẹt kinh tế quốc doanh, tôi đã không còn là… cô lái đò đưa khách cùng hàng hóa sang sông. Chiếc tàu đã nằm yên một chỗ. Thế nhưng,… nằm mà có… yên mãi nơi bến sông cạnh nhà tôi đâu. Một lần nữa, không chỉ chiếc tàu bị tịch thu, chính cha tôi cũng cùng chung số phận vào tù với tội danh gán cho cha tôi tổ chức vượt biên.

 Một nhóm công an đến nhà khủng bố tinh thần dí súng vào đầu ông ngay giữa ngày ba mươi Tết chuẩn bị đón giao thừa khi ba tôi đang mải mê lau chùi những bộ lư đón Tết.

Vượt biên đối với cộng sản là tội đồ, thế nhưng, thật là quái đản khi nhà nước lại đứng ra tổ chức bằng đường thủy cho người Hoa kiều rời Việt Nam và vô số người Việt giả danh người Hoa theo diện “ra đi bán chính thức”, bằng cách mỗi người phải  đóng mười hai cây vàng. 

Tàu Cap Anamur II của Đức

Họ đến mua chiếc tàu của cha tôi vốn để không bấy lâu với giá một trăm cây vàng, đặt cọc trước hai mươi cây và hẹn ngày giờ sẽ mang đi có giấy tờ ký nhận rõ ràng của phường, xã, ủy ban tỉnh. Thế nhưng, nhóm này ký thì nhóm khác đến bắt. Biết kêu ca với ai khi cha tôi chỉ là người dân lương thiện thấp cổ bé miệng giữa một lũ cướp có tập đoàn, có âm mưu luôn bao che cho nhau.

Cha tôi bị giam tám tháng trời không xét xử. Ngày được thả về, tinh thần ông nhũn ra như con giun đất. Ông sợ sệt trước mọi biến cố, nên không dám làm gì, chỉ nằm nhà gặm nhấm nỗi đau khi nhớ lại ngay ngày 30 Tháng Tư bao người khuyên ông sẵn có tàu sao không theo làn sóng tị nạn chạy ra nước ngoài, để bây giờ hối hận, không chỉ“ngụy quân, ngụy quyền” mà người dân lương thiện không có “nợ máu với nhân dân” nhưng có chút tài sản như ông cũng là đối tượng để cộng sản tiêu diệt theo chính sách“vô sản chuyên chính!

Kinh tế gia đình từ khi xưởng gỗ bị tịch thu đã khánh kiệt, lại càng thê thảm hơn, khi ngày nhà cầm quyền đến bắt cha tôi với con tàu, họ lục soát trong nhà lấy hết những vật dụng quí giá và những gì họ muốn lấy. Không thể ngồi chờ chết… đói, tôi lại lao vào cuộc sống tìm cách buôn chui, thuê những chiếc ghe nhỏ của bạn quen lén lút chở hàng trong đêm như gạo, mắm, dầu, củ quả…v.v… ra Vũng Tàu bán. Đi đêm mãi có ngày gặp ma, tôi bị công an kinh tế phát hiện và hốt tôi về tù, giam tôi hai tháng cũng không xét xử.

Ngày được thả về, tôi vẫn… ngoan cố, vẫn tìm cách buôn chui, đó là phương cách duy nhất tìm kế sinh nhai, nhưng tôi và gia đình nhận rõ rằng, với chính sách và chủ trương của chế độ cộng sản chỉ là con đường cụt chặn lối tương lai, từ đó, tôi nhen nhúm chuyện vượt biên, tìm con đường sống dù phải nát lòng rời xa quê hương đất tổ với bao kỷ niệm vui buồn!

Vốn là người quen sống với sông nước, tôi không khó khăn mấy khi tính chuyện vượt biên. Tôi ra đi dẫn theo hai em kế, mang theo hy vọng khi đến xứ người, chúng tôi làm lụng gởi tiền về giúp đỡ gia đình, lo cho cha mẹ và các em nhỏ đi sau.

May mắn cho tôi, chuyến tàu vừa ra hải phận quốc tế đã được tàu Cap Anamur vớt rồi đưa về Đức.

Bình yên tại xứ Đức. Ảnh do tác giả gửi

Nay thì tôi đang định cư tại Đức với một tổ ấm bên chồng và ba cô con gái đã thành danh: Một bác sĩ và hai  thạc sĩ kinh tế, sau bao năm vật lộn với cuộc sống mới tại xứ người cũng vất vả không kém.

Những lúc sau bữa cơm, trà dư tửu hậu, tôi hay kể về chuyện đời của tôi cho các con nghe, để chúng hiểu rõ nguồn gốc vì sao cha mẹ chúng lưu lạc xứ người, sau nữa, để chúng hiểu phần nào lịch sử nước nhà trong thời chiến tranh cũng như ách tham tàn của cộng sản thể hiện rất rõ sau năm 1975 mà ông bà, cha mẹ chúng từng là nạn nhân và chứng nhân; cùng nỗi gian truân khổ cực vượt khó nơi xứ người, hy sinh cho chúng có ngày hôm nay như một gương sáng cho chúng noi theo.

Và trên hết là chúng phải biết, phải hiểu để tri ân nước Đức, do chính sách NHÂN BẢN của họ đã mở rộng vòng tay đón gia đình chúng, tạo rất nhiều cơ hội cho chúng có một cuộc sống bình yên, ấm no cùng một tương lai vô cùng tươi sáng!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: