Từ khi di tản về tới Sài Gòn, mỗi buổi sáng mấy anh em thường hay tụ tập nhau ở quán cà phê trước cổng trường Quốc Gia Hành Chánh để nghe ngóng tình hình thời sự. Tất cả đều là viên chức hành chánh trẻ VNCH hiện đang tạm trú trong phòng khách Ký túc xá, dành riêng cho cựu sinh viên ở các tỉnh xa về công tác ngắn ngày. Cư ngụ ở đây là một biểu lộ tình cảm quyến luyến mái trường xưa, mỗi khi có dịp trở về thủ đô. Hôm ấy có năm anh em, trước đây đều phục vụ ở các tỉnh miền Trung, đang chờ đãi lệnh ở Bộ Nội Vụ.
Lúc bấy giờ, nói chung tình hình chiến sự thật bi thảm kể từ sau cuộc triệt thoái “di tản chiến thuật” ở các tỉnh Pleiku, Kontum. Sau đó lần lượt, vùng II rồi vùng I đều bỏ ngỏ. Quân Bắc Việt đang dần tiến như thác đổ về Sài Gòn. Nếu Mỹ bỏ cuộc, không can thiệp thì VNCH sẽ sụp đổ là điều chắc chắn. Giới chức cao cấp nhận định như vậy. Còn đa số các viên chức cấp thấp thì đang kỳ vọng vào một giải pháp chính trị để thành lập chính phủ hòa hợp, hòa giải như Hiệp định Paris đã qui định giữa bốn bên tham chiến.
Trong lúc năm anh em đang theo dõi báo chí, đài phát thanh loan truyền những tin tức thất lợi từ mọi phía, kể cả các hãng thông tấn nước ngoài, thì một anh bạn có người chị làm thư ký ở cơ quan viện trợ Mỹ (USAID) ghé ngang qua bảo rằng “đã hết thuốc chữa” và anh ta đang chuẩn bị đến Tòa Đại sứ Mỹ để di tản cùng với gia đình.
– Các bạn có muốn cùng đi hay không?
Thật bất ngờ, chưa ai chuẩn bị gì cả. Một anh bạn nói chờ chút xíu về nhà sửa soạn mọi thứ trước cái đã.
– Đi Mỹ, ít ra cũng phải ăn mặc đàng hoàng, chỉnh tề, “tay xách Samsonite” cho ra người “Việt Nam thanh lịch.”
Bạn ấy bảo rằng, hồi gia đình di cư vào Nam năm 1954. Bố mặc áo vét trắng, chân đi giày Tây, đầu đội mũ phớt. Mẹ mặc áo nhung đen đầu vấn khăn lụa. Anh chị em ăn mặc như ngày Tết lên máy bay đàng hoàng từ phi trường Nội Bài, Hà Nội đi Nam. Giờ đi ra nước ngoài cũng phải như vậy. Có khi đi sang Mỹ còn phải tươm tất hơn thế nữa chứ… Cuối cùng, anh đã trễ chuyến đi. Mãi đến năm năm sau, quần áo tả tơi, mặt mày lem luốc nằm chen dưới lườn ghe vượt biển, anh ấy mới tới được bến bờ tự do.
Một anh bạn khác, từ chối di tản sang Mỹ, không phải vì bận bịu gia đình hay thương mẹ già, cũng không phải vì yêu mến quê hương đến độ không muốn rời bỏ làng quê cố thổ, cũng không phải vì nhớ mồ mã ông bà tổ tiên gì… gì cả. Chỉ đơn giản là không muốn đi. Chuyện gì mà phải vội vàng trốn chạy như vậy. Nhưng anh đã sai lầm khi quyết định ở lại, vì sau đó anh bị bắt đi tù gần 10 năm. Cuối cùng, 20 năm sau mới ra đi có trật tự, gia đình anh có đủ thì giờ để sửa soạn đàng hoàng, vợ con ăn mặc tươm tất đáp máy bay Boeing đi Mỹ ngon lành.
Như vậy chỉ còn lại ba anh em, người thì đang quần áo xốc xếch, chân mang đôi dép kẹp, kẻ còn đang chờ đón xe ôm ra bến xe mong tìm được chút tin tức gia đình từ miền Trung di tản chạy về đến đâu.
Riêng chỉ có một mình hắn là ngồi trầm tư không nói gì. Một lát sau, khi anh bạn có gia đình chuẩn bị di tản rời đi và hẹn sẽ gặp nhau ở trước cổng Tòa Đại Sứ, hắn mới quay sang hai người bạn cùng ngồi chung bàn thúc giục:
– Ba anh em mình đi nhe.
– Ừ thì cũng ra đó xem sao.
Vừa ra tới đại lộ Thống Nhất, cả một rừng người đông như kiến, chen lấn nhau sát bên ngoài hàng rào kẽm gai. Hắn cầm giấy giới thiệu của sở Mỹ do người bạn giúp cho, cũng không tài nào chen tới lối đi vào cổng chính. Hình như ai cũng có giấy giới thiệu cả, nhưng vì hiện trường đông quá nên giấy tờ cũng không có giá trị để được vào. Ba anh em bèn đi vòng ra phía bên hông tòa nhà, xem các cổng phụ có mở cửa hay không với ý định may ra có lối nào có thể vượt rào vào bên trong.
Cuối cùng, ba anh em cũng tìm được một cổng phụ phía sau, có ít người tụ tập hơn và cũng loanh quanh chờ cơ hội để cố chen vào khi lính gác cổng có lệnh mở cửa cho những người thuộc dạng VIP vô. Chờ cho tới xế trưa, biết bao đợt mà cũng không vào được. Lính Mỹ gác cổng thường làm lơ cho một ít người đứng gần, khi có người được phép qua cổng vào bên trong. Do đó mà ai cũng cố bám sát cổng, chờ cơ hội.
Thình lình, hắn thấy có một người đàn bà ăn mặc sang trọng cầm giấy giới thiệu đưa cho anh lính gác cổng. Ban đầu cũng bị từ chối, nhưng sau đó hắn thấy bà ta tháo chiếc nhẫn quí đang đeo ở tay đưa cho anh lính gác. Nhanh như chớp, hắn vượt thoát lên theo sát người phụ nữ ấy, cũng vừa đúng lúc bà ta được mở cổng cho vào. Hắn vừa nhìn anh lính Mỹ vừa hét to:
– My mother.
Tích tắc, hắn ngoáy đầu nhìn lại hai người bạn, ngoắc tay và hướng về người lính Mỹ hạ thấp giọng:
– My brothers.
Chưa đầy một phút, ba anh em đã bám sát theo người phụ nữ sang trọng kia vào được bên trong. Sau đó, xếp hàng lần lượt ra bãi đáp và rồi tất cả đều được lên trực thăng bay thẳng ra Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ đang neo đậu sẵn ngoài khơi chờ rước người di tản. Chỉ cần nói được hai từ tiếng Anh đúng lúc là được…
Hắn là người Điện Bàn, Quảng Nam vào Sài Gòn học Luật, nhưng chả thấy vào lớp học bao giờ, chỉ quanh quẩn ở Hồ Con Rùa, tay luôn luôn cầm một quyển sách, nay thì “Hố Thẳm Tư Tưởng” mai thì “Đường Xưa Mây Trắng.” Có hôm ngồi ở quán cà phê đọc báo, chỉ chuyên ở mục “Truyện Kim Dung.” Hắn nhớ các nhân vật kiếm hiệp rất rành rọt. Tuy là người xứ Quảng, nhưng giọng nói của hắn từa tựa như người Sài Gòn nên dễ nghe. Rất ít khi cãi vã. Hắn luôn theo trường phái “ba phải.”
Người Quảng Nam có tiếng là hay cãi cho nên trường hợp của hắn kể ra cũng lạ. Có lẽ hắn nghiên cứu thâm sâu triết lý nhà Phật chăng? Nghe đâu có lúc hắn đã định xuất gia đi tu ở chùa. Nhưng rốt cuộc không thành, hắn thi đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, học xong về làm quan ở quê nhà, Phó quận Điện Bàn.
Chưa tới 25 tuổi, hắn là Trưởng Ty Ngân sách, kế toán của tỉnh Quảng Nam. Tinh anh phát tiết ra ngoài lòng từ tâm. Hắn bắt đầu có cơ hội giúp đỡ nhiều người. Có một giai thoại kể rằng trong số anh em cùng khóa ra trường có người đi làm phó quận miền núi, rất thanh liêm trong sạch. Hắn tự tay ra tiệm đặt may vài bộ đồ gởi lên cho bạn, nhưng rất tiếc người bạn chỉ giữ làm kỷ niệm chứ không mặc bao giờ, vì bạn ấy muốn ăn mặc thế cho bình dân như người miền núi.
Khi sang tới Mỹ, Tháng Năm 1975, hắn ghi tên theo học đại học ngành kế toán và tốt nghiệp ưu hạng lúc còn rất trẻ. Hắn là một trong số rất ít người lúc bấy giờ thi đậu ngay chứng chỉ CPA hành nghề kế toán toàn liên bang. Sau khi đi làm được một thời gian, hắn ra mở công ty dịch vụ, thuế khóa và cố vấn tài chánh cho các xí nghiệp tư nhân ở ngay đại lộ Westminster vùng Little Saigon. Tòa nhà nơi đặt văn phòng tương đối nhỏ, nhưng bảng hiệu đề tên hắn kèm theo tước hiệu CPA bằng chữ đúc màu đỏ có gắn đèn thì lại to lớn quá khổ. Hắn nói:
– Tuy thô nhưng thật. Người xứ Quảng bao giờ cũng vậy.
Từ ngày mở văn phòng, các hội đoàn thiện nguyện mà hắn là hội viên đều xin nhờ lấy địa chỉ văn phòng của hắn để liên lạc khắp nơi. Hắn rất vui vẻ nhận làm công việc phức tạp này. Chưa hề phàn nàn bất cứ điều gì. Hắn kiêm luôn nhiệm vụ cập nhật tài chánh đóng góp gởi về. Có khi lập danh sách đóng góp chỉ gọi qua điện thoại mà chưa thấy chi phiếu. Sau đó, chi phiếu đến trễ và đôi khi mất tiêu luôn không thấy. Tế nhị không tiện hỏi lại. Công tác từ thiện mà. Hắn thường nói:
– Có sao đâu, xem như phần đóng góp thêm của mình.
Về phương diện nghề nghiệp, hắn là chuyên viên đi xuyên bang giải quyết các vấn đề phức tạp về thuế khóa (audit) cho các cơ cở kinh doanh của khách thuộc các tiểu bang khác ngoài California. Đa số đều là chỗ thân tình hoặc khách hàng lâu năm. Hắn có người bạn thân đã qua đời hơn 10 năm nay mà năm nào đến mùa thuế, hắn cũng lên đến tận nơi, cơ sở kinh doanh của gia đình bạn mình, trước là thăm gia đình, sau là lo hồ sơ thuế khóa cho cơ sở kinh doanh của bạn. Chí tình đến thế là cùng.
Nói về tình nghĩa với bạn bè, có lẽ anh em gần gũi với hắn đều biết một câu chuyện thật. Có một anh bạn mắc chứng bệnh nan y và sự sống có thể chỉ được tính từng ngày. Sau khi hắn giúp làm đủ mọi thủ tục về nhà cửa, tài sản để lại cho vợ và các con, anh bạn khi trối trăn có đưa cho đứa con gái một phong thư dán kín và dặn khi “Ba qua đời hãy mở nó ra xem”.
Ngày anh bạn mất, đứa con gái mở thư ấy ra xem thì nội dung chỉ là lời cảm ơn chân thành của bạn ấy đối với hắn và yêu cầu hắn sẽ là người đọc điếu văn tiễn biệt trong tang lễ. Sinh thời, người bạn vừa qua đời là một người văn hay, chữ tốt đúng nghĩa và rất nổi tiếng với giọng ngâm thơ bài “Hồ Trường” sang sảng, ít có ai sánh kịp. Hắn ăn nói hay hơn mọi người ở chỗ là rất thành thật, chân tình khó kiếm.
Về nghiệp của hắn thì gắn liền với đồng tiền, lúc nào cũng giữ chân về quản trị tài chánh, từ thời còn trai trẻ cho đến bây giờ, làm gì cũng ra tiền, thấy đâu cũng có tiền. Khoảng thập niên 80 khi có phong trào một số người Việt kinh doanh về nhà đất, theo chân, hắn có mua một lô đất ở quận hạt Fresno ở phía Bắc Cali cách Little Saigon khoảng 4 tiếng đồng hồ lái xe. Dự định là khi khu vực nầy phát triển thành khu đô thị, vì dần dần khu vực quanh vùng Orange County, đất chật, người đông cư dân sẽ tản ra các vùng lân cận, đến lúc đó đất đai nhà cửa lên giá, hắn sẽ xây nhà bán hoặc cho thuê. Đấy là cách kinh doanh thịnh hành lúc bấy giờ.
Không ngờ, mọi việc lại xảy ra hoàn toàn khác. Vài năm sau khi mua đất, có một công ty dầu khí thăm dò địa điểm để khoan giếng, khui mỏ dầu ở vùng Fresno thì lô đất của hắn lại ở ngay trên miệng giếng để đặt máy bơm dầu. Thế là công ty làm hợp đồng thuê mướn lô đất của hắn với giá thuê thỏa thuận tăng giảm tùy theo giá dầu trên thị trường. Hắn gần giống như trúng số được trả dài hạn.
Cũng chuyện giếng dầu, cách nay độ chừng vài năm, khu vực gần bãi biển Huntington Beach có cho đấu thầu hóa giá, bán đất hoang xung quanh giếng dầu, hắn tham gia và trúng thầu. Sau đó không lâu, giếng dầu không biết vì lý do gì ngưng hoạt động và lần nầy thì hắn mua miệng giếng dầu rồi thuê công ty xây dựng dỡ bỏ giàn khoan, lấp giếng để xây nhà vào đúng lúc thành phố phát triển khu vực của hắn thành khu đô thị. Biệt thự của hắn xây trên miệng giếng dầu giờ thuộc khu sang trọng của thành phố Huntington Beach.
Có một anh bạn xem tử vi cho hắn, bảo rằng lá số của hắn có “vũ khúc cư tài bạch”, sao đắc địa. Không biết có đúng hay không. Nhưng hắn luôn cho là may mắn và do phúc đức ông bà cha mẹ để lại. Hắn đi chùa Lễ Phật mỗi năm một lần và ăn chay chỉ duy nhất một ngày mùng một Tết Nguyên Đán. Hắn làm đủ mọi việc từ thiện, nếu có người yêu cầu hoặc cho hắn biết mà ít khi thắc mắc tiền bạc đi về đâu hay tổ chức làm gì. Hắn nói:
– Đã làm từ thiện rồi thì nên mở lòng từ tâm, dễ dãi cho trọn.
Hắn tham gia rất sớm vào quỹ hiếu học ở “Xứ Quảng”. Ngoài phần đóng góp hằng năm hắn còn bảo trợ cho một số học sinh nghèo nhưng học giỏi ở quê nhà. Có đi có lại. Trời cao có mắt, cho hắn hai đứa con trai, cả hai đều tốt nghiệp ở hai trường Đại học danh tiếng là Princeton và Stanford. Đứa tốt nghiệp Princeton hiện đang là chuyên viên quản trị cơ quan tài chánh hàng đầu thế giới tại New York.
“Tiền tài như phấn thổ. Nhơn nghĩa tợ thiên kim”. Hắn quan niệm sống giàu có, rộng rãi và chết nghèo. Một hôm có người khách lạ tới văn phòng của hắn, xưng là em ruột của một người bạn học cũ của hắn, hiện đang còn sống tại Việt Nam đã có hồ sơ bảo lãnh sang Mỹ, nhưng người bảo trợ thiếu điều kiện về tài chánh. Hắn không suy nghĩ đắn đo nói ngay:
– Em về đem hồ sơ tới đây, anh ký giấy co-sign bảo trợ về tài chánh cho.
Điều này có nghĩa là hắn sẽ chịu nhiều thiệt hại về tài chánh, nếu người bạn đó sang đây có những rủi ro về sức khỏe hay các vấn đề linh tinh khác. Chỉ trừ người thân, cật ruột, ít có ai chịu làm việc ký giấy tờ co-sign như vậy. Không những cho một người mà trước đây hắn còn bảo trợ cho nhiều trường hợp về tài chánh như vậy. Rủi ro có thể mất tài sản như không. Nhưng hắn luôn cho rằng mình có được Ơn Trên cho sự nhạy cảm trong liên hệ với người khác. Hắn thường hay nói:
– Mình làm điều thiện, trời giúp nên chưa bao giờ có sự đáng tiếc xảy ra.
Từ lâu lắm, mỗi khi có hội họp anh em năm, mười người hay có khi tổ chức đại hội tân niên cả trăm người, bao giờ hắn cũng xin được đóng góp một thùng rượu, mỗi bàn một vài chai. Trong sinh hoạt anh em, cần đóng góp chi phí, hắn luôn xin được giành phần bao chót nếu lỡ có thiếu.
Có một câu chuyện mà hắn thường hay nhắc đi nhắc lại hoài là hồi Tết năm kia, khi lên chùa do một người bạn hiện là cư sĩ trụ trì. Sau khi Lễ Phật đầu năm, chùa có khoản đãi buổi ăn trưa, cả hai vợ chồng người bạn lo cho khách bận rộn đến hơn một giờ trưa, khi tất cả mọi người đã no nê, trên bàn chỉ còn lại một tô bún chay nguội. Hình ảnh người bạn cư sĩ ngồi vào bàn, thản nhiên lấy đũa dùng tô bún chay nguội khiến cho hắn ngộ ra một điều “Phục vụ chúng sanh là cúng dường Tam Bảo”.
Thời gian dần trôi, cả bọn giờ cũng sắp vào tuổi về hưu. Có một hôm bạn bè họp mặt vui chơi tại nhà của hắn, trong số năm anh em chí cốt hồi trước, nay chỉ còn lại bốn người. Trong lúc kể chuyện râm ran, hắn đưa anh em đến gian phòng khách phía trước, ngay lối đi vào, xem một bức phù điêu lớn bằng gỗ thếp vàng, tạc chân dung Đức Phật Thích Ca treo ở giữa nhà, nhìn thẳng ra hành lang. Điều đặc biệt của bức phù điêu là khi bạn nhìn thẳng vào thì đôi mắt Phật luôn dõi nhìn theo bạn cho đến khi khuất tầm nhìn.
Bức phù điêu do một người bạn cùng quê ở Quảng Nam đem từ Ngũ Hành Sơn, Việt Nam sang Mỹ tặng cho hắn, trước là làm quà, sau là đền ơn đáp nghĩa. Người bạn nầy có cô con gái, một mình, một thân sang Mỹ du học và hắn đã nhận vào tập sự (intern) tại văn phòng của hắn trong một vài năm theo đúng luật. Sau đó, cô ấy cũng thi đậu chứng chỉ CPA và được tuyển dụng vào làm cho một công ty lớn với lương bổng cao, có điều kiện để bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ định cư.
Hắn rất thích bức phù điêu vì thực tế như là vị Phật sống thờ tại gia. Hắn nghĩ như thế và thầm cảm ơn người đã đem bức phù điêu hiến tặng. Đúng lúc, khởi đầu cho một giai đoạn mới trong buổi xế chiều của cuộc đời. Hắn vô cùng trân trọng và biết ơn.
Có một anh bạn thường hay nói đùa rằng “hắn không tu cũng đắc.” Nghe được, hắn chỉ cười.
– Phải có căn tu mới thành được. Bạn ơi!
Ngoài sân gió mùa đông lạnh, thổi ngang qua vùng đầm Seal Beach rì rào…