Bây giờ hắn nằm đó bất động như một xác mướp khô. Hai chân hắn co quắp, khẳng khiu, đầu gối vồng lên như những mắt tre bị ai đó chặt chém nham nhở. Da của hắn chùng xuống nhăn nheo, đeo thêm những cục sẹo trong chiến tranh và bị đánh trong tù to tướng nặng nề, lệch hẳn sang một bên, đung đưa đung đưa. Mỗi khi hắn co chân lên như những hòn dọi của mấy gã thợ xây. Đầu hắn trọc lốc, hai mắt đờ dại, sâu hoắm vô hồn. Miệng hắn chẳng còn cái răng nào dúm lại, méo mó. Tiếng thở của hắn phì phà phì phò, nhiều lúc rít lên như tiếng nhị. Môi hắn tím ngắt, phập phà phập phùng, nhìn vào như da trống rách của mấy lão thợ cúng gần nhà. Hai tay hắn quờ quạng và hắn đang sờ soạng vào bóng của mình trên tường, dưới ánh đèn dầu lúc chạng vạng tối.
1/-
Hắn đã đi qua hết cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trên quê hương hắn. Nhà tù của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, rồi nhà tù Thanh Hóa sau 30 Tháng Tư 1975 hắn cũng đã vượt qua. Ấy vậy mà căn bệnh ung thư phổi đã quật ngã hắn. Hắn đang nằm chờ chết, một cái chết đau đớn về thể xác lẫn tâm hồn.
Vì là con ông chú nên hắn phải gọi tôi bằng anh. Nhưng hắn lớn hơn tôi đến chục tuổi. Ông nội hắn là người giàu có tiếng tăm ở Nam Định. Ông hắn mua rất nhiều ruộng đất ở vùng hạ Sông Đáy. Ông hắn bắt vợ chồng bác cả và bố hắn về ở hẳn đó trông coi. Để trói chân bố hắn ở đó lâu dài, ông hắn lập mưu cưới vợ cho bố hắn là người địa phương. Lúc đầu bố hắn phản đối quyết liệt, nhưng sau đó không rõ thế nào, hay vì mẹ hắn nết na, hiền thục, chăm chỉ, nên dần dà bố hắn cũng chịu. Hắn là con thứ hai, sau hắn lóc nhóc còn sáu em nữa.
Đến tuổi vào lớp vỡ lòng (lớp 1) là lúc đội cải cách về thu ruộng đất của gia đình hắn. Bác cả của hắn sợ quá chạy một mạch ra Quảng Yên. Vì còn vướng đàn con nhỏ, bố hắn không kịp chạy nên bị bà con bần cố nông bắt giữ. Bố hắn bị giam vào chuồng lợn của chính gia đình hắn. Nhà chính của bác cả và gia đình hắn bị chia cho bà con bần cố. Gia đình hắn phải chuyển xuống nhà bếp. Hàng ngày hắn phải mang cơm cho bố. Nói là cơm cho sang, thực ra chỉ là cháo bí ngô đỏ, hoặc khoai lang luộc mà thôi. Nhưng phải đi qua sân trước nhà cũ, hắn sợ lắm. Bọn bạn cũ con bần cố nông, từ trong nhà réo tên hắn chửi:
– Thằng địa chủ con, đại gian đại ác, chúng ông không chơi với mày nữa.
Hắn lầm lũi cúi mặt bước đi. Hắn cũng nghe lỏm được, bác Âm chị gái bố hắn bị bà con bần cố và cô con gái nuôi đấu tố làm nhục, ức quá thắt cổ tự tử. Ông hắn ở trên quê, cũng bị nhốt vào chuồng trâu, tự bóp cổ mấy lần, mặt sưng to như cái cơi trầu. Bà nội hắn biết được nên cứu sống. Hôm đội mang ông hắn ra xử bắn, thì có lệnh dừng lại, sửa sai, thoát chết. Bố hắn may mắn cũng được thả, vì ruộng đất trên giấy tờ vẫn là của ông hắn, được hạ thành phần xuống trung nông.
Mới chín, mười tuổi, hắn đã phải lao động cật lực như một lão nông thực sự. Hắn và bố hắn hàng ngày phải cày cày, bừa bừa, lăn lộn trên chính mảnh đất của cha ông hắn, để tính công điểm với hợp tác xã. Chằng chuộc mãi hắn cũng học qua được bậc tiểu học. Mười bảy tuổi mà hắn còi cọc nhỏ thó như đứa trẻ mười bốn, mười lăm. Người hắn gầy như cây sậy, da xanh rớt như tầu lá. Cái đói thường trực, có lẽ cả năm chỉ có ngày mùng một tết, hắn mới được ăn no. Cái ngày ấy đi bộ đội tức là đi vào chỗ chết, người ta cũng phải xét lý lịch. Thành phần ông địa chủ, bố không cùng với giai cấp bần cố, lại có chú theo “ngụy quân, ngụy quyền” vào Nam, muốn đi bộ đội còn lâu nhé: Cho mày đi, mày theo chú mày chống lại chúng ông à.
Người ta bảo thế, khi hắn viết đơn xung phong vào bộ đội. Bố hắn thì chì chiết:
– Đi bộ đội! Mày định mang súng vào Nam để giết chú mày hay sao? Đồ mất dạy.
Mặc xác mọi người, hắn vẫn quyết tâm xin đi. Cũng may bên ngoại hắn, có mấy ông bác, ông cậu làm việc ngoài xã. Cậy cục mãi, người ta cũng chấp nhận cho hắn đi khám sức khỏe. Hôm khám, phải đeo thêm mấy cục đá hắn mới đủ cân. Nhìn cái dáng loắt choắt của hắn có người thương tình hỏi:
– Còn bé tý, sao lại muốn lăn vào chỗ chết như vậy?
Hắn hồn nhiên trả lời:
– Đi bộ đội cháu sẽ được ăn no.
2/-
Khoảng cuối năm 1981 nhà tôi lúc này còn ở trong Ngõ Chợ Khâm Thiên. Không ngủ được, mẹ tôi thường đi chợ sớm. Sáng hôm ấy, trời nắng ráo có mưa gió gì đâu, lại có một người đàn ông ăn mặc kỳ cục, áo mưa kín mít như đàn bà đẻ, chân đi đôi guốc tự đẽo, loẹt quẹt theo mẹ tôi vào nhà. Tôi nghệch mặt ra nhìn. Mẹ tôi hỏi:
– Không nhận ra ai sao?
Tôi lắc đầu.
– Đảm con chú Khởi, vừa ở tù ra.
Thì ra ông trời đánh này, nghe đã nhiều hôm nay mới gặp. Ngày hắn đi bộ đội, tôi mới có năm, sáu tuổi không nhớ được. Nếu như mọi người trong gia đình không thường xuyên nhắc đến, có lẽ tôi chẳng biết còn có hắn ở trên cõi đời này. Năm ấy hắn mới ngoài ba chục, ấy vậy nhìn hắn như ông già sáu mươi. Răng cái mất cái còn, vàng khè, ngỡ từ lúc sinh ra đến giờ, hắn chưa bao giờ biết đánh răng vậy. Da bủng beo xám xịt, có lẽ hắn vừa trải qua trận sốt rét rừng? Tóc hắn bết lại thành từng khóm, tỏa mùi khét lẹt. Hai má tóp lại xương cằm chồi ra làm đôi môi đen xì của hắn hơi bị so le. Hắn chỉ còn đôi mắt ngầu ngầu hơi đục, thi thoảng toát lên sự sống. Chân hắn đi lại cà nhắc cà nhắc. Hắn bảo, chân hắn ba lần bị thương, lần đầu dính đạn của lính VNCH, lần sau trúng đạn của bộ đội, một lần nữa hắn bị quản giáo vụt gẫy chân, vì can tội đào trộm sắn ăn sống khi ở trong trại cải tạo.
Mẹ tôi “phân công” hắn ngủ cùng giường với tôi. Nhưng mấy đêm đầu hắn như bị ma ám. Đang ngủ, hắn dựng người dậy, nói mê lảm nhảm:
– Lạnh quá, lạnh quá, tôi chết mất…
Tôi ấn người hắn xuống:
– Đây là nhà mình rồi, không phải ở tù nữa đâu.
Hắn đổ cả mồ hôi hột:
– Vậy hả? Giời đất ơi! Em cứ tưởng đang bị đứng dưới hố nước chứ.
Nghĩa là thế nào? Tôi hỏi hắn.
– Trong trại có một cái hố sâu đầy nước, người ta bỏ một tấm ván gỗ trên mặt nước. Vào mùa Đông, thằng nào bị phạt phải đứng ngâm mình trên tấm ván đó, nước tới cổ, trong tư thế cân bằng, nếu không tấm ván sẽ bị lật, uống no nước bẩn.
Nghe hắn kể những lần sốt rét rừng, không có thuốc phải nuốt giun đất sống, làm tôi rùng mình. Hắn bảo nghĩ thì sợ, nhưng trong hoàn cảnh đó phải chấp nhận thôi, nhưng cái anh giun đất trị sốt rét tốt ra phết đấy. Tôi hỏi hắn:
– Ông đang là bộ đội, làm thế quái nào chuyển thành lính Việt Nam Cộng Hòa?
Hắn lặng người, dường như xúc động lắm…
3/-
Vào bộ đội được ba tháng, đơn vị hắn được lệnh hành quân vào Nam. Hắn được huấn luyện sơ sài. Hắn thú thật, lúc đó chưa sử dụng súng đạn thuần thục. Mấy tháng ròng, luồn rừng, trèo đèo, lội suối đơn vị hắn mới đến được nơi tập kết, nhưng rơi rụng hết một phần ba. Hắn được bổ sung vào một đơn vị mới đóng sát biên giới Campuchia. Hắn chưa được tham gia những trận đánh lớn, ngòai mấy trận đụng độ lẻ tẻ. Hắn bị bắt trong một trận như vậy, khi bị thương ở chân và lạc đơn vị.
Hắn được đưa về Sài Gòn điều trị vết thương và tạm giam. Lúc đầu hắn cũng lớn tiếng, hung hăng đả đảo chế độ VNCH đúng như lời đồng chí chính trị viên căn dặn. Nhưng dần dần hắn cũng hiểu ra, họ không hoàn toàn như đồng chí chính trị viên đã nói. Hắn được điều trị ở bệnh viện quân đội và được đối xử như những người lính VNCH. Khi vết thương đã lành, hắn phải vào nhà tù. Từ đây hắn trở thành tù nhân của chiến tranh. Hắn được ăn uống đầy đủ, không bị đói. Ôi! Hắn sợ đói lắm, dường như cái đói cứ ám ảnh cả cuộc đời hắn. Hắn sợ đói ngay cả lúc hắn no.
Hắn biết, hắn chỉ là thằng lính tò te, ít học, lại còn ngốc nghếch nữa, chẳng có gì để họ quan tâm, khai thác cả. Nhưng hiện tại hắn đang mất tự do, ngày ngày trôi qua, hắn cảm thấy vô vị. Năm sau, hắn cùng một số bạn tù khác xin hồi chánh. Biết hắn ít học, lại còn trẻ, nên chính phủ cho hắn vào trường học nghề. Nhưng hắn không chịu, hắn muốn đi làm ngay để kiếm tiền. Vật lộn mấy năm làm thuê, lúc ở Sài Gòn, khi ở Biên Hòa, hắn đâm chán nản.
Đầu năm 1970 gặp lại mấy ông bạn tù cũ cùng cảnh, rủ vào lính biệt kích không số quân do Mỹ trả lương, vì họ đang cần tuyển những người tứ cố vô thân như hắn.
Tôi hỏi hắn:
– Ông có ông chú ruột lúc đó đang là sĩ quan VNCH và là dân biểu tỉnh Bình Định sao ông không tìm đến?
Hắn bảo khi bị bắt, hắn đã khai không có ai quen biết, họ hàng nào ở miền Nam cả, sau này sợ phiền, nên không tìm chú hắn. Khi hắn là lính biệt kích đóng ở Hoài Nhơn, đó là quê vợ của chú hắn, cũng là địa bàn đóng quân của ông. Hắn thường xuyên thấy hình ông chú trên báo, nhưng hắn quyết tâm không tìm. Điều tất nhiên ông chú không biết hắn đang ở cạnh ông. Dù hắn có giải thích, hoặc bằng bất kỳ lý do nào, cũng không làm cho tôi thỏa mãn. Tôi bảo hắn:
– Nếu như gặp ông chú có lẽ số phận ông sẽ đổi khác.
Hắn im lặng không nói gì. Sau năm 1972 khi Mỹ rút, hắn chuyển sang Quân đội VNCH. Tôi còn giữ cả số lính của hắn, đã lâu có lẽ không còn chính xác.
4/-
Số là năm 1993 em gái út lấy chồng, tôi có về Hà Nội. Công việc xong xuôi, tôi về thăm quê, thăm hắn. Lúc này hắn đang đói lắm. Nghe đâu hắn theo người ta ra mãi Quảng Ninh làm thợ xây. Chẳng hiểu các bố lắp đặt giàn giáo thế nào chạm vào vào dây điện chạy ngang, hắn bị giật cháy xém cả mảng da, ngã lộn cổ. Hắn không chết, nhưng bị thương nặng, chuồn về quê tĩnh dưỡng. Gặp hắn, tôi hỏi, đã tởn chưa? Hắn chống tay ngồi dậy, tựa lưng vào tường với điếu cầy bắn liền tù tì hai, ba phát rồi vỗ vào miệng điếu kêu đồm độp. Hắn nuốt khói thuốc lào ừng ực, cứ như người ta uống bia vậy. Lim dim một lúc hắn trả lời nhát gừng:
– Sợ có mà chết đói à.
Tôi hỏi:
– Sao không làm đơn sang Mỹ theo diện HO, để vợ con nheo nhóc như này.
Hắn cười buồn:
– Ở đây tù mù quá, em không biết thủ tục như thế nào, ghi cho bác số lính, đơn vị, nhờ bác hỏi giúp.
Ngày đó Mỹ chưa có Sứ quán ở Hà Nội, tôi cầm sang Đức nhờ anh Trần Hữu Phúc biên tập báo Hướng Việt, nơi tôi thường xuyên gửi bài. Anh Phúc hướng dẫn tỉ mỉ, bảo hắn phải vào Sài Gòn nộp. Chẳng hiểu lý do gì hắn không vào. Mãi đến năm 2007 hắn mới chịu làm tiếp hồ sơ. Người ta gọi khám sức khỏe, căn bệnh ung thư phổi của hắn đã đến giai đoạn cuối. Chuẩn bị ngồi trên nóc tủ rồi, còn đi với đứng gì nữa.
Có một câu chuyện hắn kể đã lâu, có thể hắn phịa ra, hoặc thêm mắm thêm muối vào, làm tôi ám ảnh mãi. Là thám báo, nên hắn thường phải hoạt động riêng lẻ. Chuyến đi đông người nhất là vụ nhảy dù xuống nhà tù nhốt phi công Mỹ ở Sơn Tây. Hắn làm nhiệm vụ tiếp ứng ngoài tầu biển. Sau mỗi phi vụ, bọn hắn được xả láng cả tháng. Người Mỹ cũng vậy, nhàn cư bất thiện. Hết trò, có vài lính Mỹ thuê các cô gái điếm vào trại cho chó đến kỳ động đực chơi. Động đến tự trọng dân tộc, bọn hắn vác súng đến sống chết với lính dù Mỹ. Chuẩn bị đánh đấm đến nơi, các cấp chỉ huy phải hỏa tốc đến, điều đình, can thiệp mãi mới ổn… Rù rà, rù rì hắn kể đại loại rất nhiều chuyện như vậy. Tôi không tin những chuyện đó là thật, nhưng không hiểu tại sao tôi lại thích nghe.
Năm 1972, hắn chuyển về làm tiểu đội trưởng thuộc trung đội 3, đại đội 3, tiểu đoàn 3, Trung đòan 48, Sư đoàn 18 Bộ binh với cái tên mới Nguyễn Tấn Tước (vì nhiệm vụ, hay sợ động chạm đến gia đình gì đó, nên hắn thay đổi tên tuổi, ngày tháng năm sinh khi đổi đơn vị) cho đến ngày hắn bị bắt tại Xuân Lộc.
Sau 30 Tháng Tư 1975, hắn bị áp giải ra Bắc. Tòa án Quân khu 3 tại Kiến An xử hắn gần sáu năm tù. Hắn ghé vào tai tôi nói nhỏ, em không khai báo thời gian đi lính biệt kích cho Mỹ, không thì có lẽ em khó có ngày về. Tôi hỏi lại hắn:
– Ông không phải là sĩ quan, mà sao người ta phải đưa ông ra Bắc, và tù lâu đến như vậy?
Hắn giải thích, em nguyên là bộ đội xuất thân từ Nam Định, nên họ xử em về tội chiêu hồi. Họ đánh giá thành phần bọn em còn nguy hiểm hơn cả sĩ quan. Từ đó đến nay, thời gian qua đã lâu, hắn cũng sắp tới cầu Nại Hà, nên tôi mới dám viết điều này.
5/-
Trông hắn cũ người như vậy, thế mà có duyên ra phết. Ở Xuân Lộc hắn cũng có vợ, chẳng biết có cưới xin gì hay không, nhưng đẻ cho hắn hai thằng con trai. Từ ngày hắn đi tù, vợ hắn cũng mất tích luôn, có lẽ đã lấy chồng khác. Ngày mãn tù, người ta bắt hắn phải về quê để quản thúc, chứ không cho xuôi Nam. Với cái bộ mặt dúm dó và cái lý lịch đen như mực, ấy vậy mà về quê có ít ngày, hắn cưa đổ cô hàng xóm xinh đẹp nết na ra phết về làm vợ. Con cái cứ năm một ra đời, cái đói không bao giờ buông tha hắn.
Hôm trước, tôi có gọi điện về hỏi thăm, qua điện thoại người hàng xóm, hắn nói năng nặng nhọc lắm rồi. Tôi hỏi còn nguyện vọng gì nữa không. Hắn bảo ước nguyện thì nhiều, nhưng lúc sắp phải về thế giới bên kia, chỉ muốn được gặp đồng đội cũ Sư 18 Bộ binh. Ước muốn là như vậy, nhưng khó lắm phải không bác… Sau vài giây im lặng, tôi nghe thấy tiếng nấc… nghẹn nghẹn… ở đầu dây bên kia.
Câu chuyện này, tôi viết ra đều theo lời kể của hắn, chẳng biết đúng sai thế nào, vì tôi chưa bao giờ trải qua gian khổ éo le như vậy. Nhưng không hiểu sao, viết xong đọc lại, tôi cứ thấy rờn rợn.
*****
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.