Đố ai nằm võng không đưa?
Đố ai gặp lại người xưa không nhìn?
Đố ai quên được chữ tình?
Đố ai quên được bóng hình người yêu?
Ông bà ngoại của tôi có bốn người con: hai trai, hai gái. Cùng cha, cùng mẹ sinh ra và lớn lên ở đất Bắc, nhưng mỗi người, mỗi cảnh đời khác biệt.
1/Bác Tuyên
Mọi người gọi bác Cả là “Đốc” Tuyên, bác sĩ của bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Bác có người tình là một y tá trẻ đẹp. Khi Hiệp định Geneve ký kết, Nam Bắc phân đôi, bác đưa vàng bạc và hối thúc cô nhân tình mau vào Nam lánh nạn cộng sản. Lúc khăn gói cùng vợ con ra đi, bác Tuyên bị quân cách mạng bắt giữ và quản thúc tại bệnh viện Bạch Mai. Lúc nào dân quân cũng cần bác sĩ nên những thầy thuốc này bị chặn bắt lại khi họ muốn bỏ Bắc vào Nam. Bác Tuyên mua chuộc một lao công, cải trang rồi trốn khỏi bệnh viện; nhưng cuộc trốn chạy ra tàu há mồm ở Hải Phòng bị thất bại, cả nhà bị kẹt lại ở miền Bắc.
Tháng Tư năm 1975, Nam Bắc một nhà, bác Tuyên vào Nam tìm kiếm người tình xưa. Nàng vẫn một lòng chung thủy chờ đợi. Nàng làm chủ một tiệm bán thuốc Tây, sống sung túc, ấm no ở Sài Gòn. Gặp lại nhau sau những năm dài thương nhớ, ngồi bên nhau tâm sự vơi đầy… Nhưng sáng hôm sau bác Tuyên không thức dậy nữa, bác đã an giấc ngàn thu! Thế là người tình của bác bị bắt để điều tra, thi thể được đưa đi khám nghiệm vì nghi ngờ bị đầu độc, giết hại (!?). Thật ra, vì tuổi già sức yếu, vừa gặp lại người xưa, bác Tuyên không ngăn được cảm xúc mà ra đi trong cơn nhồi máu cơ tim.
Nam Bắc đã chia đôi ngàn dặm,
Gặp lại nhau phút chốc bỗng chia lìa.
2/Thủy Tiên
Thủy Tiên, mẹ của tôi, là em gái kế bác Tuyên. Bố tôi được gọi là “cánh tay phải” của tướng V. Vợ bé của tướng V là “công chúa” một bản Lào, nằm sát biên giới Việt. Dù sống ở Hà thành, bà vợ gốc Lào vẫn ưa thích cưỡi ngựa, săn bắn trong rừng. Bố tôi đã cứu mạng bà trong một chuyến đi săn, hai vợ chồng ông tướng hứa sẽ trả ơn. Bố tôi bị tiếng sét ái tình khi cô bé mười lăm tuổi “nhờ” ông rung cây điệp cho trái rụng rồi cùng đám bạn nhặt, rang ăn chơi. Biết bố tôi phải lòng cô em họ hay nhõng nhẽo của ông tướng, nên họ cố dụ dỗ, thuyết phục để cô ưng chịu. Bố tôi luôn cưng chiều người vợ trẻ hơn ông một con giáp. Mười tám tuổi, mẹ tôi theo chồng nhưng lòng vẫn bâng khuâng nhớ hình bóng một chàng thư sinh áo vải.
Năm 1954, gia đình tôi di cư vào Nam. Sáu năm sau đó, bố tôi xin giã từ đời lính về làm dân giã, buôn bán nuôi vợ con. Năm 1975, miền Nam thất thủ, người từ phương Bắc ồ ạt tràn vào, mẹ tôi gặp lại chàng thư sinh áo vải. Nét nho nhã năm xưa, nay hằn lên vẻ chịu đựng của một cuộc sống khắc khổ, cơ hàn. Mẹ tôi buồn xót xa cho thời thế thay đổi làm con người cũng phải đổi thay để “cuốn theo chiều gió”… Chẳng bao lâu, miền Nam bị suy nhược, dân tình cũng khốn khổ, nghèo đói. Ngay chính bản thân mẹ tôi cũng xác xơ, ngậm ngùi khóc theo vận nước nổi trôi và dòng đời dâu bể…!
Gia đình tôi trong cơn dầu sôi lửa bỏng te tua, tơi tả vì bị đánh tư sản. Cả gia đình phải tứ tán, ăn nhờ ở đậu nhà bà con, bạn bè, “cố thủ” tại Sài Gòn chứ không đi vùng kinh tế mới. Bố mẹ tôi tìm đường vượt biên và muốn đòi lại số vàng đã nhờ bà con họ hàng giữ giùm, nhưng có người trả lại, người không…! Mẹ tôi hoang mang lo sợ rồi đi coi bói. Ông thầy bói phán “có hỉ sự, có may mắn”. Vậy mà đúng thật! Duyên nợ trời ban, anh tôi cưới vợ, “cứu” cả gia đình, vì sui gia cho mượn vàng, rồi giúp trốn ra nước ngoài bằng đường biển. Gia đình tôi mười hai người đi bán chính thức vào năm 1979, qua Mỹ định cư, lo đi cày trả nợ.
Anh tôi rất đau khổ khi phải dứt tình với người bạn gái cùng học trường Y. Anh thương yêu vợ con, sống với ơn sâu nghĩa nặng, nhưng tôi biết trong tim anh suốt đời vẫn hoài nhớ mối tình đầu đời. Buồn vấn vương… cho đến khi bị ung thư, anh về nơi tiên cảnh, mà chưa được một lần gặp lại người xưa!
3/Cậu Huy
Sau mẹ tôi là cậu Huy, cậu có lòng yêu nước, theo cách mạng, hoạt động chống Pháp. Cậu “thù nghịch” với mọi người trong gia đình vì không cùng lý tưởng. Ngày bố tôi đưa gia đình vào Nam, mẹ tôi khóc sướt mướt, nhìn bóng dáng cậu ôm bà ngoại xa dần ở sân bay Nội Bài – Hà Nội, và đó cũng là lần biệt ly cuối cùng…!
Bà ngoại tiếc của nên ở lại miền Bắc. Cậu Huy theo cách mạng nên khuyên bà an tâm, cậu sẽ chăm sóc, bảo vệ. Mặc cho bố mẹ tôi hết lời năn nỉ, cầu xin bà ngoại vẫn một mực không chịu xa lìa quê cha đất tổ. May mắn thay, bà ở Hà Nội, nếu về quê Thái Bình là bị đấu tố rồi. Cuối đời, bà ngoại chết trong tiếc nuối thuở vàng son đã mất, tủi hận với nỗi buồn thương con nhớ cháu.
Cậu Huy còn trẻ, rất hăng say hoạt động cách mạng, đeo đuổi lý tưởng. Ông ngoại qua đời, cậu Huy quản lý vựa gạo ở Hà thành và vựa lúa ở Thái Bình. Cậu “kinh tài” đem gạo tiền nuôi quân cách mạng, nhưng lại bị thất sủng, ngược đãi vì lý lịch là con tư sản, địa chủ, có anh em trốn chạy vào Nam. Cả vựa gạo lẫn vựa lúa cúng dâng cho nhà nước mà vẫn bị lên án. Lòng trung thành, tôn thờ lý tưởng cách mạng cao đẹp bị trù dập, lý tưởng của cậu như một ngọn đèn, vừa được thắp lên rồi vụt tắt. Cậu Huy thất vọng, sợ hãi trốn qua Lào, chết trong cô đơn, sầu hận.
Sau năm 1975, Bác Tuyên gái có dắt một người đàn bà và cậu con trai đến gặp bố mẹ tôi ở Sài Gòn.
–Chào chị ạ… thưa chị, em là Mai mẹ của cháu Hoan…
Không để bà Mai nói tiếp, mẹ tôi nhìn cậu thanh niên rồi thảng thốt kêu lên:
–Ô hay!… Có… có phải con của Huy…?
Mẹ tôi ôm chầm lấy người thanh niên ấy, khóc trong vui mừng…
–Bác ơi…. đừng khóc nữa, cháu là Hoan con của bố Huy đây! Cháu mừng được gặp bác và các anh chị…
Bà Mai cho biết bà là tình nhân của cậu Huy, yêu nhau khi cùng hoạt động cách mạng. Bà đã vội lấy một “đồng chí” sau khi cậu Huy lưu vong qua Lào. Chồng là một quan chức lớn ở miền Bắc, bà Mai vẫn muốn đứa con trai tìm về cội nguồn, nhận ruột thịt. Bố mẹ tôi vui vẻ nhận đứa cháu vì nó giống cậu Huy như đúc, không cần DNA.
4/Dì Quỳnh
Dì Quỳnh là con út, dì yêu cậu Bảo, đồng chí của cậu Huy. Ngày vào Nam, bố tôi phải nhờ hai người lính “kè” dì Quỳnh lên máy bay vì dì vùng vằng khóc mếu, sống chết đòi ở lại với người yêu theo phò cách mạng. Khi vào Nam, dì gan lỳ lắm, tự cắt đứt một lóng tay út, thề sẽ không hề yêu ai (!). Dì học trường sư phạm, làm cô giáo dạy Việt văn. Bố mẹ tôi khuyên dì nên đi lấy chồng, đừng sống lẻ loi một mình sẽ buồn khổ lắm! Thế rồi dì Quỳnh lấy cậu Lộc, sinh ba người con trai, hai người con gái.
Cậu Lộc là thiếu tá phi công VNCH, sau Tháng Tư năm 1975, bị đi tù. Vì là “vợ Ngụy” nên luôn bị kiểm điểm, phê bình và trù ếm; dì Quỳnh phải nghỉ dạy, ra chợ buôn bán để nuôi năm con với một chồng. Dì Quỳnh tìm đường cho con đi vượt biển. Tuấn, người con trai lớn cùng bạn bè ra khơi trên một chiếc tàu nhỏ bé mỏng manh. Bao năm tháng đợi chờ, không gia đình nào trong số mười tám người trên chuyến tàu đó nhận được tin tức.
Có người bạn giúp đỡ về tài chánh, dì Quỳnh lại xua con ra biển. Hai đứa con đi chung một chuyến tàu định mệnh, không may gặp hải tặc Thái Lan, bị cướp bóc, hãm hiếp rồi giết chết. Chỉ hai người còn sống sót, kể lại câu chuyện hãi hùng, ghê rợn ấy! Hai đứa con chết thảm trên biển, dì Quỳnh tê tái, đau đớn không nỗi đau nào bằng. Bố mẹ tôi luôn thương yêu, bảo bọc và lo lắng cho dì Quỳnh. Sau khi gia đình tôi bình yên đến Mỹ, bố tôi nhờ ông sui lo cho đứa con trai duy nhất còn lại của dì đi vượt biển được bình an vô sự. Còn cô con gái nhỏ, không dám liều mạng nữa, dì Quỳnh chờ đợi ngày về của chồng…
Một buổi tối, có tiếng gõ cửa, dưới ánh đèn đêm, dì Quỳnh lờ mờ nhận ra khuôn mặt người yêu cũ hơn hai mươi năm xa cách… Sững sờ, giọng run run hỏi người đang đứng trước mặt:
–Ông… ông tìm ai?
–Tôi tìm cô Như Quỳnh… Em… em… không nhận ra anh à…?
Dì Quỳnh với đôi mắt mờ lệ:
–Anh… anh Bảo… phải không? Làm sao em quên được anh…! Trời ơi…!
Rồi òa khóc nức nở…! Con gái lấy làm lo sợ tại sao mẹ lại khóc trước mặt một thượng tá bộ đội, chắc cha đã bỏ mạng trong tù? Rồi nó cũng òa khóc…
–Ba chết rồi… Ba chết rồi hả mẹ?
Dì Quỳnh chỉ nghẹn ngào lắc đầu mà không nói nên lời…! Cậu Bảo an ủi dì Quỳnh và ngỏ ý muốn nối lại tình xưa… Cậu vẫn thương nhớ Như Quỳnh, người yêu nhỏ bé đã rời xa khi đất nước chia ly. Ôi!…Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
Ở miền Bắc, cậu Bảo cưới con gái một nhà cách mạng “gộc”, rồi được cử đi Đông Đức học ngành tình báo. Có ba người con, vợ đã sớm qua đời, cậu ở vậy nuôi con. Điều tra, thăm hỏi, cậu biết rõ về gia cảnh của dì Quỳnh, có chồng đang bị giam cầm tại trại tù Vĩnh Phú. Cậu Bảo vừa hăm dọa vừa thuyết phục và hứa hẹn:
–Chồng em có “nợ máu với nhân dân” sẽ không có ngày về. Em một mình lo cho con rất vất vả, khổ cực. Anh hứa luôn thương yêu và bảo vệ mẹ con em.
Dì Quỳnh chua xót khi chồng và người yêu cũ tham gia vào một cuộc chiến, thù hận bắn giết lẫn nhau trên cùng một quê hương, có cùng một tổ tiên. Dì đau khổ, buồn bã nói:
–Chồng em là một người tốt, em không muốn làm gì có lỗi với anh ấy. Bây giờ là lúc anh ấy cần vợ con hơn bao giờ hết. Chúng mình không duyên phận thôi hãy quên nhau.
Dì Quỳnh lặn lội đi thăm nuôi chồng bị tù đày ở phương Bắc. Những quãng đường vượt núi xanh, rừng thẳm đầy nhục nhằn chan nước mắt mà những người mẹ, người vợ,… đã bước qua không quản ngại. Gặp chồng nhưng cũng không dám thở than, dì Quỳnh một mình ôm nỗi sầu đau, cay đắng mất những đứa con yêu.
Về nhà sau chuyến thăm nuôi chồng, dì Quỳnh mệt mỏi, lòng day dứt buồn khổ. Bất chợt dì ngã lăn trên nền nhà. Lan, con gái dì hoảng hốt kêu cứu. Hàng xóm chạy sang lo xức dầu cạo gió… Đêm hôm ấy, dì Quỳnh âm thầm đi về cõi mơ xa, quên hết những muộn phiền! Người ta cho rằng dì bị “trúng gió” hay “đứt gân máu”. Đám tang thật buồn tẻ, quạnh hiu,… chỉ còn đứa con gái nhỏ và người yêu xưa khóc tiễn đưa! Thương xót dì Quỳnh, bước vào dòng đời với số phận nghiệt ngã, nhiều bất hạnh…!
Sau 12 năm tù đày, cậu Lộc (chồng dì Quỳnh) và con gái qua Mỹ theo chương trình HO (Humanitarian Operation). Ngày sum họp, chỉ còn ba cha con. Sống lặng lẽ, u hoài trên xứ người, quá khứ đã bỏ lại cố hương… Cậu Lộc mượn giấy mực kể những buồn vui của cuộc đời…
Cuộc đời như những chuyến xe.
Người lên, người xuống, người về, người đi.
Lúc hội ngộ, lúc phân ly.
Nụ cười, tiếng khóc, có khi lặng buồn …
(Thơ Hàn Long Ẩn)