Đùa giỡn với ái tình

Ảnh: pexels-melanie-wupperman

(Riêng tặng anh Phạm Xuân Dương, bạn cùng tàu để nhớ một vài kỷ niệm tại đảo Pulau Bidong, Malaysia năm 1981)

Từ văn phòng ghi danh học tiếng Anh về nhà, thay vì đi vòng con đường nhỏ bên cạnh nhà Dương, Hạ cùng các cô bạn cùng tàu xuyên qua nhà Dương để về cho gần và tiện hơn. Nhà tị nạn tại đảo Bidong, Malaysia, ngoài những căn nhà tiền chế làm văn phòng hay làm nhà cho Cao ủy, hầu hết nhà của người tị nạn tự làm lấy, tạo dựng tạm bợ từ những khúc cây chặt trên rừng, chắp vá tạm thời bằng những tấm bạt che mưa nắng. Nhà cửa gần như toác hoác, trước sau tênh hênh, có nhà chỉ dùng tấm nylon làm cửa, ban ngày vắt lên, về đêm thả xuống để chắn bớt gió biển. Nhà tập thể không phải của riêng ai, tất cả đều tạm bợ qua ngày trước khi định cư, khi đi rồi thì người đến sau vào ở.

Thường những người cùng tàu, Cao ủy luôn tìm cách sắp xếp ở gần nhau qui tụ về một chỗ, lại thêm chung nhau những ngày gian khổ, sống chết thập tử nhất sinh trên đường vượt biển, dù không ai bảo ai, đều cảm thấy như người thân trong một gia đình, do vậy, Hạ và các cô bên nhà Hạ mới tự nhiên với Dương như thế.

Vừa ngang qua mặt Dương, Hạ nghe tiếng Dương gọi giật ngược:

– Bà Hạ!

Hạ quay lại:

– Gì đó?

Dương nheo mắt cười:

– Tôi… tôi… tôi yêu bà quá! Bà có muốn làm… người yêu của tôi không?

Nhìn nét mặt lí lắc của Dương, lại thêm từ hôm lên đảo cuộc sống buồn tẻ, Hạ nổi máu tinh nghịch, đáp:

– Muốn quá đi chứ!

Rồi Hạ ngoe nguẩy bỏ đi. Một lát nghĩ sao, Hạ quay lại:

– Ông có muốn làm… “chồng bé” của tôi không?

Nói câu này, Hạ nửa đùa nửa thật, như kín đáo báo cho Dương biết mình đã có chồng dù hiện thời nàng độc thân tại chỗ.

Dương cũng đùa lại:

– Muốn quá đi chứ!

Đó là màn mở đầu cho một cuộc “Đùa Giỡn Với Ái Tình” trong những ngày ở đảo Pulau Bidong, Malaysia.

Hình chụp trên đảo tị nạn vào khoảng cuối năm 1981; tác giả là người thứ hai, từ trái

__________

Ai đã từng sống tại Bidong đều biết câu “Tình Bidong có list thì dông!” để nói lên sự tạm bợ qua ngày không tình nào chắc chắn hết. Biết vậy, song những tháng ngày xa gia đình, vừa buồn tủi nhớ nhà, nhớ người thân, vừa được tự do không có ai kìm kẹp nên tình yêu trên đảo ban phát cho nhau văng tung tóe một cách vô cùng bừa bãi.

Dương cùng tàu với Hạ. Anh ra đi với một em trai họ 18 tuổi tên Thăng và cậu em trai ruột 10 tuổi tên Phạm Văn Đồng. Cũng chính cái tên đặc biệt trùng hợp với Thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng, mà bọn con gái bên nhà Hạ, bảy đứa, được Cao ủy xếp cho ở chung tại khu C, nhà ngay bãi biển; còn nhà của anh em Dương phía sau chỉ cách vài bước nên anh em Dương hay chạy qua lại. Do vậy, tất cả bọn con gái bên nhà Hạ hay gọi đùa Đồng là “thủ tướng” thay cho tên Đồng.

Từ khi ưỡm ờ tỏ tình với Hạ, thấy Hạ đáp trả một cách vui vẻ, biết nàng vui tính, anh thường xuyên qua nhà Hạ chơi, nhất là khi biết nàng cùng học chung lớp Anh văn, mỗi khi đi học, Dương thường qua rủ nàng cùng đi.

Trường học nằm tại khu B trên một ngọn đồi. Từ nhà Hạ, chỉ đi dọc theo bãi biển, quẹo phải, rồi leo lên nhiều bậc thang bằng đá là đến lớp. Trên đồi, có hai lớp dạy Anh văn. Sát bên lớp, một sân chòi nhìn ra biển vô cùng thơ mộng, có một vài băng ghế dành cho mọi người ngồi nghỉ chân. Trên đồi còn tọa lạc một ngôi chùa và cả nhà thờ để Phật tử và con chiên lễ bái.

Hạ và Dương được xếp học cùng lớp vì cùng trình độ. Hằng ngày rủ Hạ đi học, hai người luôn sánh bước bên nhau, Dương hay thủ thỉ đủ thứ chuyện nên tình thân cả hai càng lúc càng khắng khít.

Dương học cũng khá. Thi cuối khóa đầu tiên, anh được xếp hạng A (giỏi), còn Hạ chỉ xếp hạng B (khá). Hạ ức lắm, nàng cố gắng học hành và cẩn thận khi làm bài thi không để sai sót, nên khóa sau nàng xếp hạng A, còn Dương tuột hạng B. Là đàn ông con trai, lại đang chinh phục “người đẹp” mà bị thua, Dương ức còn hơn nàng trước đây. Anh tiu nghỉu:

– Bà vượt qua mặt mà không bóp còi nha!

Từ đó, dù cả hai không nói ra, nhưng ngấm ngầm thi đua học hành nên sau đó cả hai luôn đạt điểm A.

Một hôm Dương ngỏ lời với Hạ:

– Bà Hạ này, tôi đề nghị với bà, tôi với bà cùng viết một bức thư tình bằng tiếng Anh. Bà viết cho tôi, tôi viết cho bà. Đây cũng là cách tôi và bà trau giồi tiếng Anh vậy.

Một đề nghị rất hay, Hạ biểu đồng tình. Và ngay ngày hôm đó, Hạ hạ bút:

Hỡi người… “chồng bé” yêu quí của tôi ơi.

Hôm nay bầu trời treo lủng lẳng.

Tôi nằm nhà thẳng cẳng biên thư.

Buồn tình tôi viết lá thư tam tổ.

Gởi cho người quạ mổ, là ông.

Ông Dương này.

Hẳn ông biết, tôi là gái đã có chồng. Do nhân duyên hy hữu, tôi và ông gặp nhau cùng trong một chuyến tàu vượt biên. Vì ông đến sau, nên ông chỉ ở vị trí “chồng bé” thôi nhé. Tuy nhiên, muốn được như thế, vẫn phải tổ chức một đám cưới đàng hoàng. Tôi không thể theo không ông được. Do vậy, ngày rước dâu, trong hoàn cảnh ở đảo thiếu thốn vật chất mọi bề, sính lễ, nhà gái chỉ đòi:

– Một nồi chè đậu xanh đãi cả nhà (nhà gái) gồm bảy cô.

– Mười gói “súp lai” trong đó có gạo, mì ăn liền, bò hộp lúc lắc (thịt thì ít mà nước thì nhiều, mở ra toàn nước không).

– Mười lít dầu ăn.

– Mười chai nước mắm.

– Mười ký đường.

– Mười can nước uống.

– Mười gói bột giặt.

– Và đặc biệt phải có 100 bó củi! (củi tại đảo rất hiếm)

Thưa ông Dương, nếu đủ sính lễ như thế, ông mới có thể rước dâu và trở thành… “chồng bé” của tôi được!

Rất mong đợi sính lễ của ông cho ngày đám cưới của chúng ta.

Hạ

Viết xong, Hạ hí hửng đem thư trao đổi với Dương, nàng hết sức ngạc nhiên khi nhận lại thư anh. Bức thư anh viết thật dài, nội dung thật nghiêm túc kể lể mọi sự tình về cuộc đời anh từ bé đến lớn gian nan khổ cực như thế nào và vượt qua sóng gió ra sao như một lời tâm sự. Đặc biệt cuối thư, anh tha thiết tỏ tình yêu Hạ. Yêu Hạ da diết!

Đọc xong thư Dương, Hạ ngớ người ra, không rõ tâm trạng của mình ra sao nữa. Nàng đã có chồng rồi, chồng nàng hiện đang kẹt trong trại tù cải tạo cộng sản ngoài Bắc. Hạ ra đi một mình, không một người thân hay bạn bè quyến thuộc với biết bao buồn tủi chật vật. Nơi xứ lạ, nàng cảm thấy lạc lõng bơ vơ và cô đơn hơn bao giờ hết. Nhưng không thể vì thế mà nàng bừa bãi trong tình cảm, đắp đổi qua ngày bằng những cuộc tình không lối thoát. Với Dương bấy lâu, cùng tàu, vốn coi như người thân, thấy anh bỡn cợt chọc ghẹo, Hạ chỉ coi đó là những trò đùa và chính nàng cũng… giỡn lại cốt cho quên tháng ngày buồn tẻ ở đảo, chứ nàng không… lãng mạn quá mức yêu lung tung, dành tình cảm trai gái cho bất cứ ai.

Rồi trước sự tình xảy ra, Hạ không biết phải tính sao, thôi thì, cứ “phớt tỉnh ăng lê” làm như không có chuyện gì xảy ra. Nàng vẫn tưng tửng tiếp tục “Đùa Giỡn Với Ái Tình” như vẫn đùa bấy lâu. Gặp Dương, Hạ nói:

– Trời, ông Dương lãng mạn dữ ha. Lợi dụng học tiếng Anh viết thư… tán gái ha!

Dương không nói gì, chỉ nheo mắt cười cười.

Những lúc không có giờ ở lớp, Dương hầu như không ngày nào không chạy qua nhà Hạ. Có hôm mang qua cho nàng một chén chè đậu xanh, Dương sà lại lúc nàng đang ngồi chòm hổm giặt quần áo. Dương tán:

– Bà Hạ, đây là chén chè tôi tặng riêng bà. Coi như… bỏ ngỏ đặt cọc đó nha.

Hạ cười cười:

– Ừa. Ông để trên bàn đi, tí nữa tôi… xơi!

Rồi hôm khác, Dương lại chạy qua, thấy Hạ đang nằm trên chiếc võng máng trước sân nhà hóng gió biển, Dương sà lại, ngồi bệt trên cát, tán nàng:

– Bà Hạ này, không hiểu sao, ngày nào tôi cũng muốn thấy và được nói chuyện với bà. Nếu không gặp, ngày đó tôi thấy… nhơ nhớ và buồn sao đó.

Hạ cũng chỉ cười cười đáp trả:

– Vậy ha?!

Ảnh: pexels-nathan-cowley

Nhưng có một lần, vào một buổi chiều tà, mặt trời đỏ au đang lấp ló cuối chân mây, trong khi dưới biển bao người đang bì bõm hì hục tắm, gió biển mát rượi thổi mái tóc nàng bay bay lòa xòa trước trán, Hạ ngồi trên bộ bàn ghế trước sân nhà làm bài tập Anh văn. Không gian thông thoáng giúp tâm trí nàng vô cùng khoáng đạt, Hạ đang miệt mài với bài vở, bất chợt Dương xuất hiện đến ngồi đối diện, giọng anh nghiêm trang, gọi khẽ:

– Bà Hạ này!

Hạ ngẩng mặt lên, bắt gặp ánh mắt anh đắm đuối chăm chăm nhìn vào mắt nàng:

– Gì ông?

Dương nhìn xoáy vào mắt Hạ, chậm rãi thỏ thẻ:

– Tôi… tôi yêu bà thật đó!

Hạ cười:

– Vậy ha?!

Dương gật đầu. Một lát, Dương lại hỏi tiếp, vẫn giọng thỏ thẻ như qua làn hơi thở, ánh mắt vẫn đắm đuối xoáy sâu nhìn vào mắt nàng:

– Bà Hạ, còn bà, bà có… yêu tôi không?

Bất chợt, Hạ phá ra cười, chồm người, nhìn thẳng vào mặt Dương, đáp:

– Yêu quá đi chứ!

Cứ thế, tình yêu lờn vờn, bỡn cợt, cứ như mèo vờn chuột, không đi tới đâu. Nhưng cả hai đều thấy vui, vẫn tiếp tục đùa như vẫn đùa:

– Bà Hạ này, ngày nào bà rời đảo, tôi sẽ ra tận cầu Jetty tiễn bà. Ngày đó, bao nhiêu khăn mùi xoa cũng không đủ để lau nước mắt của tôi, tôi sẽ mang theo… cái mền mới đủ thấm hết được nước mắt.

Hạ cũng cười cười:

– Còn tôi, ngày tiễn ông, tôi sẽ mang theo cái… sô để hứng nước mắt của tôi. Nước ở đảo, ông biết đó, rất khan hiếm, mỗi ngày tôi hớp một ngụm, uống để nhớ đến ông.

Cuộc tình” lơ mơ lửng lơ con cá vàng, không hẹn hò riêng tư, không bí mật thầm kín, không chính thức rõ ràng và không đi tới đâu, thế mà cũng gặp… sóng gió, khi một ngày, như thường lệ, Dương vẫn qua rủ nàng đi học. Đám con gái cùng tàu trong nhà ai cũng biết, Dương dành cho Hạ những cảm tình đặc biệt; gặp Đồng, em Dương, hằng ngày cũng thân tình chạy qua chơi nhà Hạ như cơm bữa, đám con gái nhìn Đồng, chọc:

Thủ tướng… ơi, Thủ tướng. Anh Dương thương chị Hạ rồi, từ nay sẽ không thương thủ tướng nữa!

Thủ tướng… ơi, Thủ tướng. Thủ tướng bị… lật đổ, bị cách chức rồi. Anh Dương từ nay cho thủ tướng ra rìa!

Thủ tướng ơi, từ nay, Thủ tướng chỉ còn nước về quê đuổi vịt thôi nhé!

Nếu chỉ nói một lần rồi thôi, thì sẽ không chuyện gì xảy ra, đàng này cả đám năm, sáu cái miệng xỏ vô còn lặp đi lặp lại nhiều lần, còn cười hích hích, làm sao Đồng không… nổi điên cho được?! Đồng khóc òa, chạy nhanh về nhà hùng hổ vác con dao qua:

– Tui giết chết bà Hạ! Tui giết chết bà Hạ!

Dương tá hỏa tam tinh, giựt ngay con dao và bế xốc Đồng về nhà. Hạ không nói gì, một mình lẳng lặng đi thẳng đến lớp học. Chưa tới giờ học, Hạ lững thững bước sang sân chòi gần lớp, chờ đợi. Đứng tựa vào cột cây, Hạ dõi mắt nhìn ra biển. Ngoài xa, bầu trời xanh lơ. Trong cái mênh mông bát ngát của đất trời hòa nhập vào biển xanh không thấy đâu ranh giới, bến bờ. Biển xế trưa, nắng chói chang sáng loáng rực rỡ một màu tươi đẹp, chiếu xuống mặt biển lấp lánh như rắc kim tuyến, thế mà lòng Hạ cảm thấy hiu quạnh như một bãi sa mạc.

Ảnh: pexels-mark-macnamara

Và trong không gian vô tận kia, nàng thấy mình nhỏ bé, yếu đuối, không biết trông mong vào đâu, tựa vào ai, ngoài mình. Từ ngày xuống tàu vượt biên xa quê hương, trong khi thiên hạ ra đi có đôi, có cặp, có anh em họ hàng, gia đình, bằng hữu, còn nàng trơ trọi một mình với bao buồn tủi, tương lai không biết sẽ ra sao, đi về đâu khi bên kia đại dương, chồng nàng đang đói khổ trong trại tù cải tạo miền Bắc, ngày về mờ mịt, luôn trông mong hy vọng ở nàng, trông mong vào tấm thân nhỏ bé mà chính Hạ cảm thấy không còn năng lượng sống.

Hạ chợt thở dài, nhớ lần thăm nuôi sau cùng, nàng tỏ ý với chồng muốn vượt biên, chồng nàng không ngăn cản nhưng không hiểu sao, chàng chỉ dặn dò nàng mỗi một câu: “Xa anh, em hãy nhớ, ái tình nguy hiểm lắm, không nên đùa giỡn với nó!

Có tiếng bước chân nhè nhẹ đến bên nàng, rồi nép sát phía sau lưng nàng, giọng của Dương nhẹ nhàng thỏ thẻ, nói như qua làn hơi thở:

– Bà Hạ này, tôi xin lỗi bà, bà đừng buồn tôi nha.

Hạ quay lại, nhìn Dương:

– Không có chi. Ông đừng quan tâm. Đồng, nó còn con nít mà!

Dương phân bua:

– Mong bà hiểu cho nó, nó còn nhỏ, lần đầu xa cha mẹ, chỉ bám víu tình cảm vào người anh. Do tôi… thương bà, nên nó… ghen thôi, bà thông cảm đừng giận và buồn nhé.

Hạ không nói gì thêm, lẳng lặng bước vào lớp.

Kể từ hôm đó, Hạ ý tứ hơn, nàng đi học thật sớm để tránh không đi cùng Dương. Nhưng Dương nhận ra, anh canh giờ, cũng đi sớm theo nàng.

Rồi với thời gian, câu chuyện của Đồng dần vào lãng quên, coi như không có gì xảy ra. Mọi người của hai nhà lại vui vẻ như xưa. Đồng vẫn chạy qua nhà Hạ chơi như mọi lần, nó như quên mất việc nó… hỗn hào với Hạ. Tuy vậy, các cô gái trong nhà Hạ cũng không dám nhắc chuyện cũ hay chọc điên Đồng nữa, ngoài việc vẫn luôn gọi đùa Đồng là Thủ tướng.

Các văn nhân thi sĩ thường nói “Tình chỉ đẹp khi đà dang dở. Tình hết vui khi đã vẹn câu thề”.

“Mối tình” của Dương và Hạ không rõ nên xếp vào chuyện tình gì. Không hứa hẹn thề non hẹn biển để mong… vẹn câu thề, cũng không nồng nàn quá đẹp nếu… đà dang dở. Trước sau, vẫn chỉ lơ lửng như gió vờn mây, cũng có chút lãng mạn đáng ghi nhớ; thế mà cuối cùng, một sự kiện xảy ra để ngày Dương có list rời đảo, Hạ đã chẳng mang… sô hứng nước mắt tiễn biệt như đã nói, và ngược lại, nếu Hạ rời đảo trước Dương, Dương cũng không mang theo… cái mền để lau nước mắt, bởi vì, chưa tới ngày tiễn biệt, tình cả hai đã… thúi, bởi vì một quả… thơm!

Số là, hai nhà Dương và Hạ, do cùng tàu và là hàng xóm sát vách nhau nên luôn chạy qua lại thân tình như người một nhà. Nhà Hạ đang ở, kể luôn Hạ là bảy cô gái. Bên nhà Dương chỉ ba anh em. Coi như âm thịnh dương suy. Thường thì các cô gái xúm lại, sẵn đời sống ở đảo buồn tẻ, cần quậy lên cho sôi động. Các cô nghịch còn hơn con trai. Nhà Dương thường là đối tượng để các cô chọc ghẹo quấy phá.

Mỗi lần từ… phố về nhà, phố được xem là trung tâm, nơi có văn phòng Cao ủy làm việc và vài hàng quán lèo tèo bán những thứ linh tinh, thay vì theo con đường nhỏ bên cạnh nhà Dương về nhà, các cô cứ xộc đi xuyên qua nhà Dương, nhân tiện… đá luôn dép guốc của mấy anh em vô gầm giường, hoặc có hôm đá văng ra khỏi cửa. Những việc như thế thường xảy ra, anh em bên nhà Dương không nói gì, nhưng một lần, do các cô giấu một quả thơm, sự việc nghiêm trọng đến nỗi “cuộc tình” của Dương và Hạ đành… tan vỡ!

Ở đảo vốn rất thiếu thốn mọi bề, nhất là lương thực. Cao ủy chỉ cấp cho no, chứ không cho ngon. Ngoài những nhu yếu phẩm như gạo, đường, muối, dầu, mắm, đậu xanh… thức ăn chỉ là những hộp bò lúc lắc toàn nước hơn thịt, rau tươi rất hiếm, đa số người ở đảo lấy đậu xanh làm giá xào ăn, lâu lâu Cao ủy mới cấp theo tiêu chuẩn hai hay ba người một quả thơm. Do vậy thơm tại đảo rất quí.

Ngày đó, nhà Dương được nhận một quả thơm. Bên Hạ được cấp ba trái. Lợi dụng lúc anh em Dương vắng nhà, quả thơm thì đang nằm tơ hơ khiêu khích mời gọi, các cô nổi máu tinh nghịch xách quả thơm đem giấu. Chính Hạ là người chỉ chỗ kín nhất để các cô nhét vào khe giữa hai tấm bạt nối liền bên ngoài nhà. Khi anh em Dương trở về, không thấy quả thơm đâu, không nghi ngờ gì cả mà chiếu thẳng sang nhà Hạ, khẳng định các thủ phạm xuất phát từ nơi này.

Thăng, em họ Dương, đầu bếp chính của nhà Dương, sang nhà Hạ, lẽo đẽo hết cô này đến cô kia để hỏi tìm tông tích quả thơm. Nhưng tuyệt nhiên không ai nói ra. Đã hai rồi ba ngày, sốt ruột, sẵn có tí máu Trương Phi, Thăng bắt đầu nổi giận, quát tháo ầm ĩ:

– Mấy bà “ăn cắp” quả thơm của nhà tôi… xực rồi phải không?

Đến lúc đó, Hạ mới nhẹ nhàng lên tiếng:

– Thăng này, có một quả thơm mà sao Thăng… nặng lời quá vậy? Chúng tôi chỉ giấu, đùa giỡn cho vui thôi, Thăng về tìm ở tấm bạt bên ngoài nhà sẽ thấy.

Chỉ có thế mà hai nhà giận nhau, không muốn nhìn mặt nhau. Từ đó, không ai… thèm qua nhà của ai nữa. Dương cũng không rủ Hạ đi học. Mà Hạ cũng không… thè…è…m cử chỉ ân cần đó. Mỗi khi tại lớp, tại nhà đụng mặt đối diện nhau, ai nấy cứ đi thẳng làm như không thấy nhau, làm như không còn “nhớ khi xưa lạ nhau, khi trên đường sánh bước cùng nhau”. Cả hai âm thầm hát bài… Gặp nhau làm ngơ: “Nếu không như là mơ, nếu tình cờ gặp nhau cứ làm ngơ”, nhưng kín đáo len lén liếc nhanh rồi quay mặt… mỉm cười!

Cứ thế, “cuộc tình” phai dần cho đến ngày anh em Dương rời đảo. Các cô bên nhà Hạ, kể cả Hạ không ai ra cầu Jetty tiễn biệt như thông thường cùng tàu hay tiễn nhau. Cuộc tình của Dương và Hạ cuối cùng kết thúc một cách lãng xẹt. Vô duyên nhất là nó… “thúi”, chỉ vì một quả… thơm!

_________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: