Đường lên Cao nguyên

Toà Hành chánh tỉnh Kontum trước 1975

Ra trường tôi chọn nhiệm sở về tỉnh Kontum cùng với một người bạn quê ở đó. Dù chung nhiệm sở nhưng chúng tôi không được cấp phương tiện đi cùng ngày. Bạn tôi đi ngày trước và tôi đi chuyến bay chiều hôm sau. Tôi còn nhớ anh bạn trước khi chia tay ở ký túc xá đã dặn dò rất chí tình là tôi nên cố gắng thu xếp về quê thăm nhà cho sớm để lên đường ra Kontum trước Tết. Anh bạn hứa chắc chắn trăm phần trăm là sẽ đón tôi ở phi trường Pleiku.

Tôi vốn là người rất ít đi xa, từ thuở nhỏ cho đến hết bậc trung học tôi chỉ ở quanh quẩn vùng quê Mỹ Tho. Lâu lâu khi trường có tổ chức du ngoạn hay cắm trại cũng chỉ xa đến Vũng Tàu hay Đà Lạt là hết mức. Khi lên Sài Gòn đi học, thú vui nhất là cứ mỗi chiều Thứ Bảy ra bến xe lô Minh Chánh hơi muộn một chút để áng chừng làm sao về tới Mỹ Tho khi phố vừa lên đèn là thích nhất: “Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu…” Đường về quê chiều cuối tuần vui không sao tả xiết, gặp đủ bạn bè, người quen lên Sài Gòn kẻ đi làm, người đi học đủ mọi ngành nghề.

Học viện Quốc Gia Hành Chánh trước 1975

Mỹ Tho có điều thuận tiện là chỉ cách Sài gòn có 70 cây số, nên mọi người ai có việc làm ở Sài Gòn mà gia đình còn ở lại Mỹ Tho đều muốn về quê cuối tuần, nhất là những người đang đi học. Bạn bè gặp nhau ở bến xe qua ánh mắt và trong ý nghĩ đều ngầm nói với nhau: “Mưa chiều Thứ Bảy tôi về muộn. Cây khế đồi cao trổ hết bông”. Cứ đều đặn như vậy cho nên ở Sài Gòn trong bốn năm tôi cũng chưa đi hết các quận trong đô thành và cũng không có nhiều thú vui tao nhã của người thành phố. Ban đầu ở với dì, nhà ở đường Kỳ Đồng, sau dọn qua Đại học xá Minh Mạng và cuối cùng là Ký túc xá Học viện Quốc Gia Hành Chánh cho tới ngày rời Sài Gòn.

Trong khoảng thời gian mấy năm tôi sống ở Sài Gòn, kỷ niệm nhiều nhất là ở ký túc xá. Vui buồn đời sinh viên đều diễn ra ở đây, điểm đặc biệt nhất là tất cả sinh viên sau khi đi tập sự suốt cả năm thứ hai ở các địa phương lúc trở về trường đều được tiếp tục lãnh lương như công chức hạng B nên đời sống rất là thong thả và có một số bạn khi trở về trường đã có vợ con. Hàng quán xung quanh khu vực ngã ba đường Cao Thắng và Trần Quốc Toản sinh hoạt tấp nập ngày đêm, bạn bè rủ nhau từng nhóm đi bộ ra khu vực nầy ăn uống vui chơi. Nhưng có một điều mà ít người biết đến là gần ngã ba nầy có một quán cơm chuyên nấu cơm tháng cho sinh viên mà lại là quán cơm chay Thanh Lạc Trai.

Khi dọn vào ở trong ký túc xá, lần đầu tiên tôi sinh hoạt chung với anh em thuộc đủ mọi miền trên đất nước gồm cả Bắc Trung Nam, cũng có nhiều chuyện vui lắm thể hiện rõ tính cách của từng miền, nhưng rồi lâu ngày tôi nghiệm ra rằng đất nào cũng là địa linh và người xứ nào cũng là nhân kiệt. 

Phố xá Pleiku trước 1975

Nhớ hôm ra trường sau khi anh em đã chọn xong về các Bộ và Tổng Nha. Buổi tối hôm đó đèn để sáng đêm, không phải để học thi mà là để tâm sự một chiều mưa. Từ muôn nơi tụ họp về nơi đây ăn ở, học hành chung với nhau gần bốn năm trời biết bao nhiêu là tình, giờ phải chia tay ra đi muôn phương khắp các nẻo đường đất nước, không biết dòng đời rồi sẽ ra sao và đường hoạn lộ sẽ thênh thang hay gập ghềnh khó biết. Có nhiều bạn cảm động khóc thật sự, đặc biệt là các bạn có yêu thầm mà anh em đoán không sai. Muốn cộng “chỉ số lương” thôi mà không được!

Sau khi rời ký túc xá về Mỹ Tho tôi nói với cả nhà là sẽ đi Kontum, ai nấy cũng lấy làm lạ và lo cho tôi sao lại chọn về nơi xa xôi và đang là vùng tuyến đầu lửa đạn.

Nhớ hôm chọn nhiệm sở địa phương tại Hội trường Bộ Nội Vụ của gần một trăm sinh viên vừa mới tốt nghiệp, không khí rất là rộn ràng, náo nức ngồi theo từng nhóm đã từng chơi thân với nhau lúc còn ở học viện. Lần lượt theo thứ hạng. Cung Trọng Thanh, á khoa của khóa chọn đầu tiên: “Tỉnh Thừa Thiên.” Danh sách nhiệm sở còn đầy đủ các thị xã và tỉnh lỵ tương đối lớn, trù phú và đông dân. Một chút yên lặng hơi ngỡ ngàng, sau đó anh em tự nhiên vỡ òa ra vỗ tay nhiệt liệt tán dương vì Bình Long, Kontum và Trị Thiên là ba địa danh nổi tiếng xảy ra chiến sự ác liệt nhất trong “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972 … 

Kể từ sau đó khi có bạn nào chọn về các địa danh nầy thì anh em lại có dịp hò hét vỗ tay vang trời. Khi tới phiên tôi, nhìn lên bảng nhiệm sở đập vào mắt thấy Kontum chỉ còn một chỗ, và các nhiệm sở khác còn tới bốn hay năm chỗ. Các bạn thân ngồi ở xa muốn tôi về chung tỉnh đã la ầm ầm lên Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đức… Không khí vô cùng náo nhiệt. Chủ tọa buổi họp phải yêu cầu giữ yên lặng. Tôi thoáng một vài giây lưỡng lự, thôi đã ra miền Trung rồi thì đi đâu cũng được, chọn Kontum cho ngon lành. Bạn Quang ngồi gần đó nói vói qua “Về Kontum với tao, yên chí lớn.” Thế là anh em lại hò hét vỗ tay không dứt.

Sắp tới ngày lên Sài Gòn chuẩn bị đi nhận nhiệm sở, má lo lắm, sửa soạn va li, nhồi nhét đủ thứ đến nỗi tôi phải kêu lên “Má làm như con đi rồi không về nữa vậy!” Má la lên đừng nói bậy. Còn ba thì vui vẻ sau buổi cơm chiều hơi phấn khích nói với cả nhà: “Biết đâu như thế lại hay. Tưởng khó mà có khi lại thông suốt.” 

Hôm về Chợ Gạo thăm nội trước khi đi, nội dúi cho một ít tiền để sắm sửa quần áo và đi đường, tôi từ chối mãi vì thương nội già, tiền bạc ki cóp dành dụm chẳng được bao nhiêu. Nhưng rồi cũng bấm bụng lấy cho nội vui. Nghe tôi nói ra trường đi làm xa và đi bằng máy bay nữa, nội lo lắm, tôi giải thích cho nội yên tâm là cũng chừng độ một, hai năm rồi con cũng xin đổi về trong Nam chứ có lâu lắc gì đâu. 

 Lần đầu tiên đi máy bay, cũng bỡ ngỡ lắm về các thủ tục, nhất là khi lên xe ca di chuyển ra phi trường, người lâng lâng hồi hộp, cảnh vật cũ hai bên đường rất quen thuộc nhưng mắt nhìn đâu đâu cũng tưởng chừng như là phố lạ. Tâm tư trống rỗng lẫn lộn với một nỗi bồn chồn vô cớ trong suốt gần ba tiếng đồng hồ trên máy bay. Chỉ khi máy bay hạ dần độ cao và từ từ xuống thấp nhìn ra khung cửa thấy núi đồi trùng điệp, xanh rì bát ngát mới thấy lo. Lòng chợt buồn và nhớ Mỹ Tho vô cùng với sông nước hiền hòa, êm đềm, ruộng vườn bằng phẳng màu lá xanh tươi. 

Xe đò Quảng Nam – Pleiku – Kontum trước 1975

Càng xuống thấp, thành phố Pleiku hiện dần ra một lõm ngoằn ngoèo, xanh đỏ trộn lẫn trông rất đìu hiu giữa đại ngàn mênh mông. Phi trường nằm cách xa thành phố khoảng ba cây số, xa xa từng dãy doanh trại nằm chơ vơ trên những ngọn đồi thấp lửng. Đang ngơ ngác trong hơi lạnh buổi chiều nơi xứ lạ, bạn Quang xuất hiện đưa áo jacket nhà binh bảo mặc vào ngay rồi hai đứa lên xe ca về trạm hàng không “đi-đến” trong thành phố. 

Về đến nhà người bà con của bạn Quang ở cuối đường Hoàng Diệu thì gặp ngay anh ruột của Quang, Trung úy sư đoàn 23. Anh Viên tốt nghiệp khóa 1 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị. Cả gia đình rất vui vẻ và quí trọng mấy anh em lắm. Cơm nước xong xuôi và có chút hơi bia, anh Viên rủ dạo chơi phố núi về đêm cho biết. 

Thành phố Pleiku buổi tối sương mù lãng đãng lạnh buốt. Từ ngã ba trước rạp xi-nê Diệp Kính đi một vòng theo chỉ một con đường Hoàng Diệu là hết phố. Đường phố nhuốm màu đất đỏ chen lẫn giữa những hàng thông cao vút. Hai bên phố, ngoài những tiệm buôn bán đủ các loại hàng hóa, điểm đặc biệt là có rất nhiều quán cà phê nhạc với bảng hiệu đèn màu nổi bật nhất về đêm. Quán cà phê đông người, khói thuốc mịt mù, đa phần là lính tráng đủ các binh chủng. 

Sinh hoạt trong thành phố rõ ràng như là một hậu cứ đơn vị. Đi đâu, làm gì cũng thấy toàn là những phương tiện phục vụ chiến tranh, xe cộ nhà binh là đa phần, đời sống dân chúng bề ngoài rất là sầm uất nhưng bên trong thực chất là lúc nào cũng phập phòng, lo âu theo mức độ của tình hình chiến sự. Pleiku là một thành phố loanh quanh đi dăm phút trở về chốn cũ. Tôi chợt nghĩ Pleiku là nơi đặt Bộ Tư lệnh Quân đoàn mà nhỏ như vậy thì Kontum chắc còn đìu hiu hơn nữa. Tôi không dám hỏi Quang về thành phố quê hương của bạn.

Sáng sớm hôm sau hai anh em xách va li leo lên xe lam ra ngã tư Biển Hồ đón xe Daihatsu đi Kontum. Trời lạnh căm căm, gió thổi bụi đỏ bay mù mịt, ngồi trên xe chật cứng mà lại hay. Đỡ lạnh. Xe bắt đầu ra khỏi thành phố, hai bên đường nhà cửa bám đầy đất đỏ, lên xuống, quanh co càng lúc càng thưa dần và từ từ đi sâu vào vùng núi. Đi được một đỗi, Quang bảo sắp tới dốc Chu Pao, nhìn từ xa thấy mấy chiếc xe tăng bị bắn cháy còn nằm nguyên bên đường, dưới đất còn vương vãi hàng đống sắt cháy đen. Mọi người trên xe im lặng, hình như đã quá quen thuộc. Tôi nghiêng người nhìn ngoái lại cả một đoạn đường ngắn trước khi tới chân dốc rải rác hai bên đường không biết cơ man nào là vỏ đạn.

Xe bắt đầu lên dốc, hơi lạnh thấm vào người nghe hơi rờn rợn. Hai bên vách núi cao ép sát bên đường phả đầy khí núi, dốc không cao lắm nhưng quanh co và nguy hiểm, trên đỉnh dốc chung quanh dày đặc những tảng đá lớn nhỏ kết lại với nhau giống như những đường hầm chi chít ở trên không. Chỉ mười phút là xe đã qua bên kia đỉnh dốc, đường đi tương đối bằng phẳng, xa xa bóng núi vây quanh mờ nhạt, thoáng thấy một vùng bình nguyên lấp lánh màu ánh bạc. Cạnh bên đường về phía bên trái có một nghĩa trang nằm trên một vạt đất thấp, phủ đầy cỏ xanh rì, phía trước dựng một tấm bia cao vừa tầm một thân cây trên khắc hai hàng chữ theo hàng dọc:

Chu Pao ai oán hờn trong gió.
Mỗi chiếc khăn tang một tấc đường.”

Một tiền đồn ở Kontum trước 1975

Đoạn đường Pleiku-Kontum dài hơn 40 cây số cách nhau giữa đường bằng một con dốc mà phía Pleiku màu đất đỏ quạch còn phía bên Kontum thì đất lại màu trắng và đường đi thoai thoải dần. Xe đổ xuống dốc qua Tân Phú chỉ còn non chừng hai cây số nữa thì đến thị xã Kontum, nằm bên phải là trại lính Lôi Hổ, gọi tắt là B15. Quang gọi tài xế ngừng xe xuống ngã ba Phương Hòa và nói với tôi là tới nhà rồi. Tôi nhìn quanh chỉ thấy lưa thưa một vài dãy nhà lụp xụp dựng lên theo kiểu hàng quán dã chiến, không thấy phố chợ đâu hết. Tôi hơi chột dạ nhưng không dám hỏi đây có phải là ngoại ô của thị xã Kontum?

Nhờ có hẹn trước nên mấy đứa em của Quang đã có mặt ngay trong quán nước bên đường chờ sẵn để đón anh ở đây. Lên xe Honda mấy anh em đèo nhau về nhà theo đường làng cách quốc lộ chừng non cây số. Tay bắt mặt mừng, cả gia đình Quang, anh em bà con nội ngoại đều vô cùng mừng rỡ, tươi cười ríu rít chúc mừng hai ông “Quận Phó” mới về tỉnh.

Ngay chiều hôm mới đến, Quang lấy xe Honda chở qua thị xã, đường qua phố gần lắm chỉ cách một cây cầu sắt bắc ngang sông, nước trong xanh là tới. Phía bên nầy còn là bãi mía nương dâu, qua bên kia đã là nhà phố san sát, kiến trúc theo lối Tây phương, tuy nhỏ nhưng xinh xắn. Cây cao bóng mát, đường phố sạch đẹp đa phần trồng phượng vỹ chạy dọc theo hai bên đường trừ khu phố chợ. Vị thế thị xã Kontum nằm trên vùng trũng sông Dakbla nên đường phố cũng ngang dọc như các thành phố miền đồng bằng, không qua đồi, lên cao xuống thấp như các thành phố cao nguyên Đà Lạt hay Lâm Đồng. 

Sau khi chạy một vòng qua phố cho đến khi lên đến Tòa Hành chánh tỉnh hai tầng bề thế, nằm trên một khu đất rộng trồng đầy thông mát rượi và không khí chỉ hơi se lạnh tôi mới thật sự yên tâm. Nhân viên ở đây rất vui vẻ, đầy tình cảm thân thiện cùng sống và làm việc với nhau ở một tỉnh nhỏ.

Khi tôi lên Kontum nhận nhiệm sở thì tình hình chiến sự đã lắng đọng sau mùa Hè đỏ lửa, tuy vậy các đơn vị vẫn còn đóng quân ở những vị trí chiến lược trong vùng lãnh thổ. Thị xã lúc nào cũng nhộn nhịp binh lính sĩ quan. Hàng quán ở dãy phố Hàng Keo lúc nào cũng chật người. 

Vừa trình diện xong khoảng hơn hai tuần thì nghe trên đài phát thanh Sài Gòn loan tin chính phủ đã ký kết hiệp định ngưng chiến Paris, trong khi đó tại địa phương cộng quân bắt đầu phát động chiến tranh bao vây xã Trung Nghĩa. Tiếng súng lại bắt đầu vang rền dội về thành phố. Tiểu khu Kontum ban hành lệnh giới nghiêm. Phi trường Kontum bị thiệt hại nặng sau chiến cuộc năm 1972 chưa sửa chữa xong nên chưa có hoạt động, quân nhân công chức đi công tác hoặc về phép đều phải đi đường bộ xuống Pleiku mới có phương tiện chuyển vận bằng đường hàng không. Máy bay trực thăng chỉ dành cho các mục tiêu quân sự. Lệnh cấm trại một trăm phần trăm đối với quân nhân công chức.

Lô cốt tại trung tâm Kontum trước 1975

Trong khi chờ đợi tỉnh sắp xếp nhân sự trước khi bổ nhiệm, những ngày giáp Tết Nguyên đán đang tới gần. Ba má tôi đánh điện ra Kontum hỏi thăm hằng ngày chỉ cùng với một nội dung duy nhất là chừng nào con về. Cho đến sáng ngày 29 giáp Tết tôi mới trả lời là con không về được và có lẽ sau Tết may ra con mới có phép. Nói chung, tôi cố gắng giải thích những điều kiện thuận lợi của tình hình không đến nỗi nào để cho gia đình yên tâm ăn Tết. Hơn nữa tôi cũng cho ba má biết là tôi vẫn còn ở tại thị xã chứ chưa đi quận.

Chúng tôi được cấp một căn nhà biệt điện nằm ngay cạnh chân cầu Dakbla nhìn ra bờ sông, thoáng hiện bên kia sông là dãy núi Konbah sừng sững mờ sương. Đứng trên cầu ta có thể nhìn thấy toàn cảnh núi rừng xa xa vây phủ bởi trời mây, nước bao la thật hữu tình và vô cùng lãng mạn. Tuy có nhà bên phố nhưng tôi vẫn thường hay về Phương Hòa sinh hoạt với gia đình Quang và chuẩn bị ăn Tết ở đó.

Năm ấy gia đình bạn Quang chuẩn bị ăn Tết lớn và tôi bàn với Quang là hai anh em sẽ tổ chức một buổi tiệc Tân niên tại nhà và mời tất cả anh em QGHC đến tham dự. Đây là cái Tết đầu tiên trong đời tôi xa nhà nhưng rất vui trong những ngày đầu Xuân cùng với chín anh em Minh, Khoa, Thi, Hổ, Kiệt, Lương, Thiệu, Quang, Thu quây quần bên nhau tại Phương Hòa cùng với gia đình Quang thật là vô cùng đầm ấm và tràn đầy hy vọng. 

Trong một chiều Xuân chếch choáng men say, gió Xuân lay nhẹ cành mai vàng trước ngõ, bếp than hồng ngoài sân ánh hồng lên đôi má làm sáng ngời đôi mắt người em gái nhỏ cao nguyên, tôi mơ hồ thấy thôi xa rồi thành phố tuổi thơ… và bắt đầu một quãng đời mới ở nơi nầy.

Không biết rồi sẽ ra sao nhưng ít ra là tôi cũng đã chọn về nơi đây, về một thành phố hiền hòa, dễ thương nằm soi bóng mình bên dòng sông vô cùng thơ mộng giữa đại ngàn bát ngát mênh mông.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: