Mùa Xuân trên khu rừng già

Minh hoạ: Elettra Stefani/Unsplash

Nhà tôi nằm giữa khu phố có đa số người Á châu sinh sống. Lời ca của những liên khúc mang tình tự mùa Xuân từ nhà ông hàng xóm cách nhà tôi vài căn, nương theo làn gió chiều cuối năm vọng tới lúc tôi đang sắp xếp lại mấy chậu bông trong mảnh vườn sau nhà. Có lẽ ông đang nghe nhạc để thư giãn tâm trí sau những giờ bận rộn với công việc của hãng xưởng?

Lời ca của những liên khúc đón Tết mừng Xuân từ nhà ông mang tâm tư của người ly hương nhớ đến những ngày xưa thân ái, và xót xa về những khổ đau đang xảy ra nơi quê nhà, khiến tâm tư tôi xao xuyến, nhớ về những mùa Xuân sống cận kề những người dân bên bìa rừng của các khu rừng già – những người dân khốn cùng chào đón năm mới một cách trầm lắng, không có bánh chưng, bánh tét hay mứt kẹo là hương vị của ngày Tết. Những người được nuôi sống bởi những khu rừng già, vẫn đi rừng và chúc tuổi nhau trên các con đường dẫn vào nương rẫy cạnh các bìa rừng trong những ngày đầu năm.

Đồng Ban, Cà Tum, Cây Cày – vùng đất khô cằn với những căn cứ địa nằm sâu trong những khu rừng già giữa hai miền biên giới Việt Nam và Campuchia, thuộc tỉnh Tây Ninh, nơi ẩn náu của những cán binh Việt cộng trước khi công đồn đả viện, và là hành lang tháo chạy qua Campuchia của đám tàn quân trước năm 1975. Khu rừng già này đã trở thành những trại tù giam giữ các sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Những trại tù nằm cạnh những trảng tranh bao la, với những bụi tre già chạy dọc theo các con suối nước trong, không một con cá con tôm bơi lội, mà chỉ có những đàn muỗi vo ve cùng các con vắt và những hố bom B52 lớn như những cái ao ở miền quê. Khu vực này đã thấm đẫm mồ hôi với những nấm mộ của người tù nằm cạnh bìa rừng hoang vu, được chôn cất sơ sài vội vã trong những đêm khuya.

Một vài năm sau năm 1975, khu rừng già thưa dân này đã sát nhập vào huyện Tân Châu. Hai huyện Tân Biên và Tân Châu đều tiếp giáp với biên giới Campuchia – vùng đất khô cằn với những trảng tranh, hố bom, rừng rậm, nắng cháy da người. Đây là vùng xôi đậu trước năm 1975, dân cư đa số sống nghèo khổ bằng cách phát quang những bìa rừng, đốt rẫy trồng lúa, trồng khoai mì cũng như đậu phụng, đậu xanh. Những con đường đất gồ ghề bụi mù khi trời nắng, lầy lội khi trời mưa. Những tỉnh lộ nối liền các huyện với tỉnh lỵ, và chạy tới biên giới dọc các bìa rừng với những ổ gà lớn nhỏ. Người dân nghèo khổ, sống an phận qua ngày dưới sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam.

Trên những con đường mòn từ các cánh rừng già dẫn về các khu dân cư, có những bé trai chừng tám chín tuổi, da đen sạm, đi chân đất vác một cây tre dài, hai đầu cây tre gần chạm mặt đất, bước theo sau người cha đang vác hai ba cây được bó chặt bằng những sợi mây rừng và con dao quắm được nhét giữa thân các cây tre cùng mấy búp măng rừng. Vì phải làm việc cực nhọc từ thuở nhỏ, ăn uống kham khổ, thiếu thốn nên thân thể em còm cõi, đen đúa với nét mặt đăm chiêu, khắc khổ. Đời sống vất vả, cực nhọc nên trông em già hơn tuổi đời của em.

Đời sống của những người sống giáp biên giới, cạnh các khu rừng già lâu năm đã một phần nào giống các sắc dân thiểu số trên miền cao nguyên, đa số đi chân đất, da đen sạm với nét mặt già nua và tay chân thô nhám, nổi lên những đường gân. Già trẻ đều là bạn thân của rừng, cuộc sống bám chặt vào các khu rừng, nên khi trái gió trở trời, dù bịnh nặng hay nhẹ cũng được trị liệu bằng những liều “thuốc dân tộc”, “thuốc Nam”. Đây là loại  thuốc được chế biến bằng những rễ và lá cây rừng. Vì vậy tử xuất cao hơn sinh xuất, dân cư thưa thớt. Những người thoát được những kỳ dịch bệnh trở thành những người miễn nhiễm với bịnh tật do thời khí và sự khắc nghiệt của thiên nhiên.

Xuân Hạ Thu Đông – bốn mùa lao động trong các khu rừng, người tù thường đi ngang qua các khu cư dân sinh sống, gặp người dân đi đốt rẫy, đi phát quang, hoặc từng nhóm các bà và các cô thôn nữ đi mót lúa, mót đậu. Vì vậy, người dân sinh sống gần các trại tù đã quá quen thuộc với các người tù và thường nói chuyện qua lại với anh em tù, nhất là lúc các vệ binh canh gác tù trốn nắng, ôm cây súng ngủ gật bên bụi cây. Ngày tháng qua lại, người dân vùng xôi đậu trước đây đã hiểu người lính Cộng Hòa ngày xưa – người tù trước mặt, nên có những ngày anh em tù đi lao động hoặc đi vác gỗ hay vác củi cuối tuần trên những con đường đi ngang qua khu cư dân, bà con lối xóm để những lu nước, những rổ khoai lang, khoai mì, những buồng chuối trước lề đường, trước cửa nhà, để anh em tù tự động ăn và uống khi ngồi nghỉ bên con đường mòn dẫn về trại tù.

Trên vùng đất rộng cạnh rừng già bao quanh trại tù Cây Cày A, các tổ tù đang cắt, đập lúa xạ. Lợi dụng lúc anh vệ binh ngủ gật dưới tàn cây, một vài người dân đi mót lúa đã bước vào khu vực những người tù đang cắt lúa, họ len lỏi và đi sát cạnh người tù hơn qui định mà vệ binh đã căn dặn những người mót lúa.

– “Chắc các ông cấp bậc lớn lắm? Loa, đài nói nhà nước đã khoan hồng rồi mà” – người đàn bà mót lúa hỏi.

– “Không, thiếu úy, trung úy thôi” – một anh tù đáp lại.

– “Mấy người bộ đội lâu nay vẫn nói các ông ác lắm… mà sao bọn tui thấy các ông hiền khô dzậy?“ – tiếng một thiếu phụ nói rồi ngẩng đầu lên nhìn về phía anh vệ binh.

– “Thôi ráng nghe mấy anh, mấy ông. Nó đứng dậy rồi kìa” – tiếng người đàn bà vừa nói vừa bưng thúng lúa mót được đi ra khỏi khu cắt lúa.

– “Đội trưởng đội phó đâu? Xong chưa? Sửa soạn tập họp dìa. Hai giờ rưỡi rồi. Kêu mấy người mót lúa lui lợi, cách xa ra” – giọng nói của anh vệ binh còn ngái ngủ. Rồi anh lại ngồi xuống, gục đầu lên hai đầu gối với cây AK đeo hờ trên vai.

Đội Phó Nguyễn Kim Á đi tới các tổ, nói các tổ trưởng và tổ phó thúc giục anh em làm lẹ tay, xong sớm về sớm. Một số anh em trẻ, đập từng bó lúa thật nhanh, đập dối, bỏ sót nhiều hạt và một số cắt vội những bông lúa trước mặt, đạp dưới chân và bỏ sót lại cho bà con mót lúa. Nhìn chung, thấy mọi người tù hăng say, im lặng cắt lúa, đập lúa nhanh nhẹn hơn, tay quơ cái liềm như người tích cực trong lao động, nhưng chân lại đạp lên lúa, và bỏ sót nhiều cây lúa. Bỏ sót và đạp lúa nằm rạp xuống cho bà con dân quê mót lúa đi phía sau là một “phản ứng tiêu cực” của người tù, và cũng là hành động thay lời cám ơn bà con nghèo đi mót lúa đã dành cho người tù tình thương mến qua những rổ khoai, nải chuối, lu nước bên lề đường.

Mùa Xuân đang lấp ló bên khu rừng già, nhưng bất đồng giữa Cộng sản Việt Nam và Khmer Đỏ ngày càng trầm trọng. Đội trưởng Võ Hữu H đã lãnh những bộ quần áo tù xám và nón cối về phát lại cho anh em, tập họp phân công cho các tổ đào hố cá nhân chung quanh lán ngủ, và phổ biến lệnh khẩn cấp của Ban Chỉ Huy trại: “Nếu có báo động, tất cả phải xuống hố cá nhân ngay”. Anh em tù đào hố cá nhân trong băn khoăn, lo ngại, và mong cho trận chiến đừng xảy ra. Vì nếu xảy ra, không nhảy xuống hố cá nhân thì quân Khmer Đỏ thấy nón cối chúng sẽ không tha, mà xuống hố cá nhân thì bọn Việt cộng sẽ ném lựu đạn xuống và vu cáo cho Khmer Đỏ giết tù cải tạo.

Minh họa: Phạm Chung/Unsplash

Tết Nguyên đán đã cận kề và chương trình thăm nuôi đã hủy bỏ từ ngày các trận chiến với Khmer Đỏ lan rộng tới biên giới, lao động khổ sai kéo dài theo năm tháng làm sức người tù ngày một cạn kiệt. Chiều cuối tuần, quản giáo ra lệnh các đội tập họp lên hội trường lớn. Đây là một căn nhà năm gian gần Ban chỉ huy trại, mặt trước của hội trường treo tấm hình Hồ Chí Minh lớn, cao cỡ hai thước, mặt mũi hồng hào, khoác áo măngtô, đứng, một tay chỉ lên trời, một tay cầm quyển sách kinh điển Mác Lê, trông như một ông thánh.

Trong hội trường, bên phải, bên trái là những thân cây gỗ dài làm thành hàng ghế ngồi với lối đi rộng ở giữa. Từ cuối hội trường lên giáp với gian trên cùng có một cái bục dành cho thuyết trình viên, cách sắp xếp tương tự như các nguyện đường. Trên vách ván nhìn xuống hội trường, tấm hình bán thân Hồ Chí Minh màu hồng nhạt treo trên lá cờ đỏ sao vàng với vài ba mạng nhện phủ trên khung ảnh. Lá cờ đã bám bụi sau nhiều ngày không ai để ý tới, vì tất cả đều bận rộn với các chương trình thu họach nông sản phẩm đem đến từ tay các người tù.

Dọc hai bên tường, hai khẩu hiệu với hàng chữ thật lớn: “Lấy bạo lực trấn áp bọn phản cách mạng – Hồ Chủ Tịch sống mãi trong sự nghiệp chúng ta”. Những khẩu hiệu có mục đích tuyên truyền và răn đe người tù. Tương tự như những lần “lên lớp” trước đây của viên thủ trưởng, cán bộ quản giáo “trực ban” báo cáo tập họp xong thì thủ trưởng Năm Quân bước ra giữa hội trường, và các cán bộ quản giáo trở về băng ghế dài, co chân lên, ngồi kiểu nước lụt, đầu gối quá tai. Có anh trên miệng còn ngậm cây tăm xỉa răng. Có anh ngồi ngước đầu lên trời hai tay cầm cái điếu cày làm bằng ống tre, rít bi thuốc lào như đang ngồi chơi nơi đầu đường xó chợ.

Viên thủ trưởng có nước da đen sạm, lùn, giọng nói của ông không thuần túy là giọng người miền Nam, miền Trung hay miền Bắc. Đôi khi ông nói những câu nói của thổ dân miền Bắc và miền Trung. Anh em tù đồn đoán ông đã theo bộ đội tập kết ra miền Bắc năm 1954, lúc còn là giao liên ở lứa tuổi thiếu niên giữa những làng thôn tiếp giáp với những miền núi rừng Bắc Trung Nam, rồi xâm nhập lại vào miền Nam sau này. Qua phong cách đối xử và ăn nói, có lẽ trình độ học vấn của ông chưa qua hết bậc tiểu học. Giống như các lần trước, khi đứng nói chuyện trước các người tù, nét mặt ông cau có khó chịu với những lời nói châm biếm, mỉa mai, gằn hắt, đe dọa và khoa trương tự mãn.

Đôi lúc viên thủ trưởng ngưng nói và đứng yên trong giây lát như cố nhớ đến những gì quên chưa nói, ông đưa mắt nhìn qua lại, hắng giọng với vẻ mặt làm nghiêm và lạnh lùng. Năm trăm người tù ngồi im lặng, trầm tư, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Cả hội trường như bất động, viên thủ trưởng hắng giọng trước khi nói một cách bất cần về đạo đức và luân lý căn bản của một người có văn hóa. Sự tức giận làm cho ông nổi nóng, nói thao thao bất tận:

“… Các anh về trại cũng đã lâu, chính sách khoan hồng của cách mạng đã được các cán bộ quản giáo hướng dẫn qua học tập lên lớp và lao động. Nhưng các anh không tiếp thu những nhận thức mới, không bỏ những nhận thức cũ, không học tập lao động tốt, tụ năm tụ ba, ca cóng linh tinh, phát ngôn bừa bãi. Các anh có biết con ếch nó chết bởi cái miệng nó không? Nghe đài, đọc báo cách mạng các anh cũng biết bọn Miên đang khuấy phá biên giới, nên lâu nay ngưng thăm nuôi. Lười lao động, nhưng các anh muốn được thăm nuôi.

Các anh thắc mắc bao giờ cho thăm nuôi lại, các anh bảo các anh nhớ gia đình, cha mẹ, vợ con, cần thăm nuôi, trong khi lao động lại lười biếng, phá hoại sản xuất, chống phá cách mạng. Thế chúng tôi, bao nhiêu năm sống trong rừng, đi làm cách mạng, cũng có gia đình, có cần thăm nuôi không? Có hiếu với cha mẹ à? Các anh phải biết rằng: Có hiếu là hiếu với đảng. Ai nuôi ta, ai dạy ta khôn lớn – đảng; Ai cho ta hạnh phúc ấm no – đảng; Ai thống nhất đất nước – đảng. Chỉ có đảng, còn đảng mới còn cha mẹ, còn gia đình.

Tôi nói thật với các anh, vì vấn đề luyến ái, ông bà ấy ăn ở với nhau sinh ra tôi, nhưng đảng, nhân dân nuôi và dạy tôi lên người. Nên tôi phải có hiếu với dân với đảng trước. Các anh là những thằng lười – năm trăm thằng lười. Ai bảo các anh xén những hoa chuối non vừa nhú ra, mất cả buồng chuối, con gái người ta mới mười sáu là các anh dớt rồi. Các anh ăn và sống theo kiểu đế quốc Mỹ, vô nhân đạo. Ai cho phép các anh tự chặt hoa chuối, chặt các buồng chuối, tại sao không để cho nó chín, ai cho các anh nhổ các gốc mì non… Các anh là những thằng lười, năm trăm thằng tù lười…”

Hàng trăm bụi chuối do người tù trồng và vun xới chung quanh lán ngủ của người tù theo năm tháng đã trổ những buồng chuối nặng trĩu, trái lớn, nhiều nải. Nhưng khi chuối chín, các đội phải thu hoạch giao cho trại, nếu người tù muốn ăn phải mua lại qua quản giáo. Do đó, một số anh em tù yếu đau thường nhân dịp khai bịnh, chặt những hoa chuối hay buồng chuối xanh để ăn thêm cho có chút rau xanh, nhổ vài gốc mì non đầu rẫy làm bánh khoai mì nướng ăn thay bo bo đã làm cho viên thủ trưởng nổi giận trong buổi chiều cuối năm.

Như một con tắc kè đổi màu, sau những lời dọa nạt đao to búa lớn, viên thủ trưởng đổi giọng, nói lời từ bi nhân nghĩa, khuyên anh em tù chịu khó học tập tốt, chấp hành nội qui, qui định, để mau về với gia đình. Sau đó ông ra lệnh cho các quản giáo hướng dẫn các đội tù ra về. Những người tù im lặng rời hội trường sau khi nghe những lý luận duy vật và những lời mạt sát rồi khuyên nhủ của viên thủ trưởng. Với những kinh nghiệm đã trải qua trong các trại tù, năm trăm người tù trầm tĩnh đi về lán ngủ với vẻ bình thản. Sau khi đoàn tù đã đi vào trong khu vực ngăn cách giữa tù nhân và vệ binh bằng chiếc cổng bằng kẽm gai, các vệ binh và quản giáo để đoàn tù tự động đi về lán ngủ.

Trên đường đi về lán ngủ, Long – người tổ phó hiền hòa bước lên đi song đôi với tôi, hỏi nhỏ:

– “Chú nghe thấm chưa?”

– Thấm gì mà thấm. Có Mộc nhĩ công mà – tôi khẽ nói.

– “Tình hình Việt Miên căng lắm. Có thể nó đục nước thả câu – đêm hôm, nào ai phân biệt được Việt hay Miên ra tay sát thủ” – Long nói nhỏ.

– Không sao đâu, đừng lo quá – tôi nói thật nhỏ, trấn an Long. Nhưng thực ra tôi cũng không biết gì hơn Long, tôi nói cho qua chuyện mà thôi.

– “Ngày mai tổ đi chặt trúc, chắc mình sẽ kiếm được ít măng trúc, măng trúc đắng ít hơn măng tre nghe chú” – Long nói. Tôi buột miệng ví von: Từ ngày vật đổi sao dời. Lên non ăn búp măng rừng thay cơm.

Rồi tôi nói tiếp: Ừ, thay đổi cho dễ ăn.

– “Ăn măng riết, chân tay, lưng ngực ê ẩm quá. Sức đâu chịu nổi mãi hả chú” – Long nói.

– “Trời sinh voi trời sinh cỏ. Lo gì mà lo. Đau nhức quá thì khai bịnh. Một vài nải chuối hay hoa chuối còn dễ kiếm hơn măng” – Tôi làm tài khôn, nói với Long, rồi cả hai sánh bước cùng đi về lán ngủ.

***

Những liên khúc Xuân từ căn nhà ông hàng xóm vẫn theo làn gió nhẹ lan tỏa trong khu phố. Có lẽ ông đã ngủ thiếp đi trong những tình khúc Xuân với giấc mơ đẹp – giấc mơ hồi hương, một giấc mơ mà ông đã nói với tôi lâu nay: “Dù các con tôi đã thành đạt. Nhưng chúng tôi là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản và là những người mang căn cước tỵ nạn… đã nhiều lần tôi mơ thấy vận hội mới của dân tộc sẽ đến, tuy chậm nhưng sẽ thật bất ngờ…”.

Những dải nắng hanh vàng sau vườn nhà tôi đã nhạt màu, chiều về tối sớm hơn. Những gốc mai tứ quý và cội đào già đang trổ những nụ nhỏ ly ti, báo hiệu Đông dần tàn và Xuân sắp sang. Những liên khúc Xuân xen lẫn những ca khúc đậm đà tình yêu mến quê hương từ căn nhà ông hàng xóm vẫn vang vọng như thầm nhắc đến Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương năm xưa: “… Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức. Nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm…”.

Đi tới đi lui trong miếng vườn nhỏ bé. Tôi chợt nhớ đến những mùa Xuân thống khổ, chạy trốn trên chính quê hương mình, lênh đênh trên chiếc ghe thả trôi, và nhớ đến những ngày đêm cuốc bộ, băng rừng vượt sông của bạn hữu, những lo âu khi chiếc phi cơ chưa rời phi đạo của đồng hương quen biết ra đi theo diện ODP – tất cả đã an cư lạc nghiệp trên đất nước tự do, còn dân tộc vẫn lầm than, nhà tù vẫn tiếp tục mọc lên như nấm… Người này ra tù, kẻ khác vào thế… Đã gần nửa thế kỷ Xuân về trong đời viễn xứ. Trong tôi, như có lời ai nhắn hỏi: Người ơi! Người còn nhớ hay người đã quên?

_____________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: