Những đêm đen thay đổi cả cuộc đời

Minh họa: Corina Rainer/Unsplash
Share:
Muôn Nẻo Đường Đời
Muôn Nẻo Đường Đời
Những đêm đen thay đổi cả cuộc đời
Loading
/

Đời này có lẽ rất hiếm ai may mắn từ lúc sinh ra, trưởng thành, lập nghiệp, thành gia thất, nghỉ ngơi hưu trí... cho đến thời khắc trở về cát bụi mà cuộc đời phẳng lặng êm ả, an cư một nơi duy nhất không hề dời đổi bao giờ.

1/-

Ba tôi là con trưởng trong gia đình địa chủ miền Nam thuộc một làng nổi danh nghề dệt chiếu, đẹp trai học giỏi, nói năng lịch sự nhẹ nhàng nên nhiều cô gái đem lòng yêu thương. Một phần sợ ba “lạc lòng” trước bao cám dỗ, một phần cũng như tâm lý bao người ở thời kỳ đó luôn mong có cháu chắt nối dõi tông đường nên mới 21 tuổi ba đã được ông bà nội đã cưới vợ. Ông bà ngoại tôi chỉ có má tôi là con độc nhất, sống cách làng của ông bà nội khoảng năm cây số. Những năm 1930-1940, dù ông bà là nông dân thuần phác, nhưng tư tưởng tiến bộ nên đã cho má tôi đi học đến năm 16 tuổi. Khi ông bà nội mang trầu cau sang cưới má về làm dâu thì má mới ngưng học.

Làm dâu trưởng tuy vất vả vì phải lo quán xuyến việc nhà cho gần chục thành viên bên chồng, phải thức khuya dậy sớm nấu nướng phục vụ thợ ruộng… nhưng má được ông bà nội thương yêu như con ruột, nhất là bà nội. Tiếc thay, hơn một năm sau bà nội chưa kịp ôm cháu nội nào vào lòng thì đã qua đời bởi bọn lính Lê Dương (Légion Étrangere). Hôm ấy chúng vào làng càn quét tìm bắt Việt Minh. Đàn ông, đàn bà, trai gái đều chạy ra đồng hay sang làng khác lánh nạn, tưởng để người già cả ở lại trông nhà thì không sao, ngờ đâu chúng lục soát từng nhà, bắn giết tất cả những ai mà chúng gặp, trong đó có bà nội tôi. Nên mỗi năm ngày giỗ bà nội cũng là ngày giỗ chung của làng, nhà nhà đều vang tiếng dao thớt làm cỗ cúng người thân.

Hai năm sau chị Hai tôi ra đời, được ông nội bế bồng vài tháng thì Việt Minh nửa đêm đến bắt ông đem vào bưng đấu tố vì tội “dám chở lúa đem bán ra ngoài thành mà không xin phép”. Sau có người quen chứng kiến về kể lại: Chúng xử tội ông bằng cách cột hai ngón tay trỏ treo lên cây cho chết dần trong đau đớn.

Minh họa: Hoang Oanh/Unsplash

Ba tôi nhậm chức Quận trưởng Th. B khi chưa đầy 27 tuổi, vùng thuộc cuối bản đồ Việt Nam, nơi cộng sản trà trộn ẩn náu dầy đặc. Má tôi lo sợ bất an nên nhân dịp quận Đông Yên đang thiếu chức Phó Quận, má khuyên ba nên nhận chức này vì nơi ấy tương đối gần nhà hơn. Dù đây cũng là vùng xôi đậu, ban ngày Cộng Hoà, ban đêm Cộng Sản. Lúc đó phương tiện đi lại đường bộ còn hạn chế, muốn ra tỉnh phải dùng tàu hoặc đò nhỏ luồn lách qua kinh rạch mới ra sông Cái. Tôi còn nhớ thỉnh thoảng chú tùy viên lái chiếc “bo-bo” (Bord-à-Bord) chở ba, má, chị em tôi về thăm ông bà ngoại hoặc các chú cô dịp giỗ nội, Tết…

Khi chị Hai được chín tuổi, chị Ba sáu tuổi, tôi bốn tuổi, em gái kế lên hai, em trai vừa ra đời được vài tháng, gia đình chưa thỏa mừng vui vì nhà toàn con gái giờ mới có cậu trai, thì ba gặp nạn. Ông phải vào tù oan bởi Cộng Sản dưới thời Đệ Nhất Cộng Hoà.

Số là, một đêm khuya mọi người đang ngon giấc bỗng nghe có nhiều tiếng chân rầm rập vang trên con đường độc đạo dẫn vào dinh Quận. Tiếp đó, giọng một người đàn ông hô to lời lẽ xấc xược rằng họ thuộc đoàn quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đến đây để giải phóng đồng bào thoát ách đô hộ của chính quyền Diệm Nhu và tìm bắt “những tên ác ôn nợ máu với nhân dân”. Họ nêu một loạt tên gồm có Quận Trưởng, Phó Quận Trưởng, Cảnh sát Trưởng, Chỉ Huy Lính Bảo An…

Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên không nhớ gì nhiều, chỉ nghe Ba Mẹ và Chị Hai kể lại, tuy lính bảo vệ dinh Quận ít hơn nhưng vẫn oanh liệt chống trả, đến gần sáng thì đẩy lui Cộng quân. Phía Cộng Hoà nhiều chiến sĩ hy sinh, trong số ấy có ông Quận trưởng, còn ba tôi may mắn chỉ bị thương. Rồi sau đó ba cùng với toàn thể viên chức hành chánh quận bị bắt giam vì tình nghi nội gián.

Thế là má con tôi bồng bế nhau về nương nhờ ông bà ngoại. Nhà ngoại gồm hai căn. Một nhà sàn cao cách mặt đất một mét, cất theo kiểu vùng Cao Lãnh, để ngừa ngập lụt, làm toàn bằng gỗ quí, mái nhà lợp bằng lá dừa nước nên lúc nào trong nhà cũng mát mẻ. Các cánh cửa chạm khắc rất cầu kỳ, phần trên có ghi năm cất nhà “1940”. Căn thứ nhì cũng bằng gỗ, nền lót gạch tàu, chung vách căn kia, thông nhau bằng cánh cửa hông. Căn nhà này là ngoại cho đất ba má cất nhà để mỗi khi đưa chị em tôi về chơi có nơi ở rộng rãi thoải mái. Chung quanh hai căn nhà bao bọc bởi hàng rào dâm bụt. Mảnh vườn phía trước trồng xoài, lý, me, ổi, hoa nhài, hoa sứ. Phía sau và bên chái có hàng dừa bụi chuối trĩu nặng hoa trái quanh năm. Bà ngoại còn dựng giàn trầu nho nhỏ, cạnh bên là giậu mồng tơi quấn quýt xanh rờn. Nhờ vậy mà khi ba gặp nạn, mẹ con tôi về có sẵn chỗ trú thân êm ấm.

Để nuôi đàn con dại, má vừa mở các lớp dạy học tại nhà vừa nhận may quần áo cho láng giềng. Các kiểu trang phục nữ-nam má đều may rất khéo nên lúc nào cũng có khách.

Lớp học của má lúc đầu chỉ vài em bé trong xóm đã quá tuổi đi học mà cha mẹ chưa cho đến trường. Má chỉ lấy tiền tượng trưng vì biết đa số đều nghèo. Nhờ phương pháp dạy chữ dễ hiểu, kèm thêm dạy lễ nghĩa nên học trò của má mau biết chữ mà rất lễ phép. Tiếng lành đồn xa, dần dần những làng bên cũng có người mang con sang học. Lớp học có tới hơn bốn mươi cô cậu từ Vỡ lòng đến lớp Nhứt (tức lớp Năm bây giờ). Chị Hai, chị Ba phụ má viết chữ mẫu bằng bút chì cho lớp Vỡ lòng tô lại bằng mực tím.

Tuy thiếu vắng ba, cuộc sống thanh bần, nhưng nhờ có ông bà ngoại hết lòng yêu thương chăm sóc nên chị em chúng tôi vẫn được hưởng một thời ấu thơ hạnh phúc. Đó cũng là nơi ký ức tuổi thơ tôi in đậm nhất mà không lớp bụi thời gian nào có thể xoá nhoà được. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy mình sống trong căn nhà gỗ thân yêu ấy.

Đầu năm 1964, vào một buổi chiều nắng vàng còn vương trên ngọn chuối cành dừa bên chái, gió từ sông thổi mát rượi, có chiếc xe chở khách ngừng xéo trước cổng nhà ngoại. Từ trên xe bước xuống là bóng dáng thân yêu quen thuộc của ba hiện ra. Cả nhà mừng vui khôn xiết, khóc cười ôm ba. Láng giềng hay tin đến chúc mừng tận khuya mới giải tán. Chính quyền trả tự do cho nhiều người bị tình nghi như ba mà không thể kết án vì không có bằng chứng.

2/-

Bị tù oan năm năm, ba chán chuyện đời, muốn tìm việc gì không dính líu đến công quyền để nuôi vợ con nhưng có lẽ số mệnh ba vẫn còn nặng nợ Công Hầu Khanh Tướng nên một người bạn chí cốt là Thiếu tá Ch. thuyết phục ba tham chính. Lúc đầu ba chối từ nhưng Bác Ch. không bỏ cuộc, thỉnh thoảng ghé thăm vẫn nhẫn nại nhắc lại lời đề nghị.

Năm sau, không thể tiếp tục làm Khương Tử Nha ngồi câu cá với chiếc cần không lưỡi không mồi bên bờ sông Vị chờ thời, trút gánh nặng cơm áo cho cha mẹ vợ và vợ… nên cuối cùng ba chấp nhận đi làm trở lại. Lần này đảm trách chức vụ Trưởng Ty Thông Tin tỉnh. Nhà lại thêm cô em út ra đời. Cuộc sống tưởng đâu bình yên phẳng lặng không còn gì phải lo lắng, ai ngờ lần nữa tai ương ập xuống không chỉ với gia đình tôi mà cho toàn thể dân miền Nam hiền hoà no ấm. Cuối Tháng Tư năm 1975, miền Nam bị cưỡng chiếm trong sự hãi hùng hoang mang tuyệt vọng của bao người. Ba tôi lại khăn gói vào Trại Cải Tạo, mà thực chất là tù khổ sai lao lực nặng nhọc trong rừng U Minh muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh.

Với lý lịch ba như vậy, nên chị Hai bị nghỉ việc thư ký. Chị Ba và tôi không được tiếp tục đến giảng đường đại học. Cô em thứ năm chưa kịp thi tốt nghiệp tú tài đôi cũng chung số phận. Cậu em thứ sáu hết lớp 10 rồi bỏ học chạy xe ôm phụ giúp gia đình. Cô em út chín tuổi tiếp tục học đến lớp 12 thi tốt nghiệp thứ hạng cao nhưng không được thi đại học, chấm dứt mộng theo ngành y khoa.

Chị em tôi đặt vài cái bàn trong sân nhà bán cà phê giải khát thu nhặt vài đồng sống tạm qua ngày. Thời gian đầu, ruộng chưa bắt vào Hợp Tác Xã nên ngoại tôi còn có vài mẫu đất canh tác. Khi lúa vào mùa gặt chị em tôi về đồng phụ ngoại, thuê thêm vài thanh niên khoẻ mạnh làm giúp… nên cả nhà chưa đến nỗi đói ăn.

Đến Giáng Sinh cuối năm 1977, một đêm khuya cả nhà đang ngon giấc bỗng nghe tiếng gõ cửa dồn dập, tiếng chân người lao xao cùng tiếng hét: “Mở cửa! chủ nhà mở cửa nhanh lên cho Công an vào xét nhà!”. Má tôi ra mở cửa, giật mình thấy chừng vài chục công an dầy đặc trước sân, họ xô má qua bên tràn vào khám xét, đi từ trước ra sau, từ ngoài phòng khách vào tận phòng ngủ lùa tất cả chị em tôi dậy bắt ra ngồi im một chỗ trên salon. Họ lục tung tủ, bàn, nhà bếp, gầm giường, leo cả vào bồ đựng mấy trăm giạ lúa ở nhà sau…

Má tôi cố gạt sợ hãi hỏi: Các ông làm gì nửa đêm vào lục soát nhà tôi vậy?

Một người có vẻ là chỉ huy nói:

Có tin báo nhà thím chứa vũ khí âm mưu chống phá cách mạng!”

Trời, các ông thấy nhà tôi có hai ông bà già, đàn bà con gái trẻ nít, chống các ông thế nào?

Họ gầm gừ: Thím im đi, rồi sẽ biết ngay thôi!”

Lát sau, một trong vài công an bươi móc xào xạc trên bồ lúa, la lên:

Đây rồi, tìm được súng giấu trong lúa đây rồi!”

Như màn ảo thuật, hắn cầm khẩu súng nhỏ giơ lên cao vẻ mặt đầy vênh váo.

Súng? Súng ở đâu mà tự nhiên có trong bồ lúa nhà chúng tôi?

Thế là mấy mẹ con mỗi người được cho mang thêm hai bộ đồ, lướt thướt leo lên xe chở thẳng vào tù, kể cả đứa cháu mới 11 tháng con chị Ba.

Ông bà ngoại và cô em út lúc ấy 10 tuổi cũng bị tống ra cho ở trong cái túp lều hoang mục rỗng, chỉ lấy tay đẩy nhẹ cũng đổ sụp, cách căn nhà khang trang của chúng tôi chỉ một khoảnh sân vài mét.

3/-

Từ năm 1954, ở miền Bắc có hàng trăm ngàn người bị đấu tố đến chết vì gán cho danh địa chủ, hàng triệu người phải bỏ nhà cửa ruộng vườn, lìa nơi chôn nhau cắt rốn… vào miền Nam trốn hiểm họa cộng sản.

Sau năm 1975, lại lần nữa để chạy trốn cộng sản, một cuộc đại di tản của nhiều triệu dân tìm đường ra biển, vượt biên giới Lào, Campuchia… bất chấp nguy nan cướp bóc, giết hại, tù tội, hãm hiếp, hay bị vùi thây dưới lòng biển. Ngay cả giờ đây đất nước hết chiến tranh, vẫn còn nhiều người Việt tìm cách ra đi, chết ngạt trong container đông lạnh.

Gia đình tôi, nhiều đời dân miền Nam chính gốc. Ông nội chưa hề đặt chân đến Sài Gòn, làm sao hình dung được xứ Bắc với cảnh đấu tố xử tử rùng rợn ngay từ năm 1951. Thế nhưng, ông cũng đã phải chịu cách xử tử dã man của cộng sản, một cái chết treo từ không trung, hãi hùng đau đớn, lúc chưa đầy năm mươi tuổi.

Minh họa: Khoa Tran/Unsplash

Đến đời ba mẹ chị em tôi không phải chạy giặc xa xôi nghìn dặm từ miền Bắc, miền Trung, gồng gánh qua những đại lộ kinh hoàng đầy xác người, bom rơi đạn lạc; không phải mất nhiều ngày tháng lang thang đói khát, tìm đường xuống tàu hay bất cứ phương tiện nào để vào Nam… mà chỉ vài bước chân từ mảnh sân này qua mảnh sân kia, từ chỗ buổi tối còn quây quần cùng nhau thì sáng hôm sau hơn hai phần ba thành viên trong gia đình ngồi thu lu trong trại tù, một phần ba còn lại thành kẻ vô gia cư, ngơ ngác mất hồn trong căn chòi hoang rách nát, bàng hoàng chưa hiểu vì sao!

Mẹ con tôi ở tù hơn ba tháng thì chúng thả cho về với tội danh “vượt biên”. Còn cậu em trai 18 tuổi thì bị gán tội giấu vũ khí để mưu toan chống phá nên bị giam trong phòng kín cả năm trời. Rồi vì không khám phá thêm được điều gì, chúng chuyển em vào trại tù U Minh mà ba tôi đã từng ở đó trước kia. Thật ra, chúng bày chuyện giấu súng làm lý do để chiếm đoạt hai căn nhà do mồ hôi nước mắt của ông bà tôi tạo dựng.

Chế độ ấy muốn dìm gia đình chúng tôi xuống tận cùng như hàng triệu gia đình miền Nam khác nhưng nhờ sự độ trì của đấng thiêng liêng, nghị lực, ý chí, sự đoàn kết thương yêu của bốn thế hệ “tứ đại đồng đường”, chúng tôi đã vượt qua mọi khốn khổ.

Em trai được tha về, em cùng nhóm mươi bạn trẻ hùn nhau mua dầu, lương thực bất chấp mùa biển động, chiếc ghe nhỏ liều chết ra đi. May mắn em cũng đến được bến bờ tự do sau khi trải qua hải tặc, bão táp. Hơn 40 năm nay, em đã có cuộc sống an lành nơi xứ lạnh tình nồng. Mấy năm sau, ba tôi cũng được tha về. Má không nỡ bỏ ngoại đã già yếu không người chăm sóc lúc cuối đời để ra đi. Ba thì không thể sống nơi nào thiếu má, nên rốt cuộc đành gác lại chương trình H.O. Các chị em tôi lần lượt lấy chồng, an phận.

Riêng tôi cũng đạt ước mơ thời đi học là được sống trên xứ sở bình yên, hiền hoà, phong cảnh đẹp như tranh – Thụy Sĩ. Tôi chọn nơi này là quê hương thứ hai để sống cho tới cuối đời…

Thụy Sĩ, August 2021

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: