Những nẻo đường đầy kỷ niệm

Minh hoạ: Eila Lifflander/Unsplash

Tôi đã đọc được ở đâu đó, người ấy viết …

Có một loại thời gian gọi là quá khứ

Có một loại tình yêu gọi là đã từng

Có một loại đánh mất gọi là quên lãng

 Và  

Có một loại vĩnh hằng gọi là kỷ niệm…

Kỷ niệm ơi, kỷ niệm còn mãi trong tôi và đầy ắp những điều tôi muốn kể…

Tôi tin chuyện đời “Mưu sự tại nhân, mà thành sự tại thiên.” Đó là chuyến vượt biển hãi hùng nhất trong đời tôi!

Chiếc ghe nhỏ bé đã êm xuôi vượt trạm, đưa hơn 200 người đến được vùng biển Côn Đảo, hy vọng chẳng bao lâu nữa sẽ thoát ra hải phận quốc tế. Nhưng khi nghe tiếng súng nổ, “bác tài công” (một Thiếu tá Hải quân QLVNCH) đã dừng lại và tắt máy… Mọi người trên ghe đều lo sợ bị bắt nên nhốn nháo. Thật ra, đó chỉ là những phát súng chỉ thiên để báo động đừng đi vào đám lưới của những người thuyền chài đang đánh bắt cá. Nhưng thê thảm thay, những phát súng này lại là đầu mối gây nên một cảnh tượng đau thương đầy kinh hãi và chết chóc!

Sau những nỗ lực tận tình của những người đánh cá tốt bụng, ghe của chúng tôi cũng không thể nào nổ máy được nữa! Nó lắc lư, giãy giụa như không còn sức để đứng vững dù chẳng có phong ba bão tố nổi lên. Ba chiếc ghe đánh cá đã bao quanh ghe của chúng tôi để cứu giúp. Khi tôi vừa được nắm tay kéo qua ghe của họ thì chiếc ghe nhỏ chòng chành rồi bất ngờ lật úp vì quá nhiều người đã dồn về một phía. Tôi nhìn những người bạn đồng hành đang ngụp lặn, ngoi ngóp dưới biển, chống chọi với thần chết. Họ cố sức bơi gần lại ghe đánh cá để được cứu vớt.

Chị em tôi vội quăng những cái phao và thùng nhựa xuống biển. Trong cơn hoảng loạn, người ta ôm chặt, bám víu lấy nhau mà cùng chết đuối… Những đứa trẻ con thật tội nghiệp, chỉ thấy bàn chân nhỏ của chúng quẫy ngược trên mặt nước vài giây rồi biến mất…! Những người dân chài liên tục vớt người gặp nạn lên ghe và cầm ngược chân họ lên xóc nước để cấp cứu. Tôi hoảng sợ và như kẻ mất hồn, nhìn những thân người ướt sũng nằm ngổn ngang trên ghe, một số người dường như đã chết! … Tôi thẫn thờ nhìn… Biển vẫn êm êm lăn tăn vài ngọn sóng như không có gì xẩy ra, vậy mà mới đây nó đã tàn nhẫn nhận chìm bao sinh linh chỉ trong vài nốt nhạc buồn…! Trời về đêm, mặt biển đen ngòm, mang đầy nét độc ác và ma quái!

Đêm hôm đó, người sống và người chết ngồi bên nhau trên một chuyến ghe xuôi về trại tù Côn Đảo. Đột nhiên, chiếc ghe nghiêng về một bên. Dường như những người đánh cá nghe được tiếng kêu khóc của những người vừa tử nạn, vong hồn còn vất vưởng đâu đây mong được cứu vớt; người chủ ghe đốt lên một bó nhang và lâm râm khấn vái trước mũi ghe. Một lúc sau, chiếc ghe không còn nghiêng nữa mà nhẹ lướt trên biển.

Tôi không tin vào những điều huyền hoặc, ma quỷ nhưng lúc đó tôi thật bàng hoàng và không sao quên được hình ảnh hãi hùng, tuyệt vọng của hơn nửa số người trên ghe trước khi họ xuôi tay nhắm mắt đi vào lòng đại dương. Những hình ảnh này đã ám ảnh sâu đậm và làm tôi sợ hãi chồn chân… không còn muốn phiêu lưu mạo hiểm đi tìm tự do nữa.

Làm thiện nguyện ở Trung tâm huấn nghệ (Galang – Indonesia 1988)

Trong khi chị em tôi còn sống sót và bị tù đày trên Côn Đảo thì cha tôi ở nhà, buồn khổ nghĩ rằng các con ông đã chết vì bị đắm tàu. Ông quá thất vọng, đau lòng, lo lắng mà bị lủng bao tử, phải vào nhà thương cấp cứu! Sau ca mổ vá bao tử, cha tôi đã bị nhiễm trùng vì bác sĩ đã dùng loại chỉ khâu không thể tiêu sau khi giải phẫu. Vết thương làm độc sưng tấy lên và thối rữa. Không thể chữa trị, cha tôi qua đời. Thật là “họa vô đơn chí!”. Ngày được thả tù, chị em tôi trở về nhà thì cha tôi đã thành tro bụi…

Ba năm sau những biến cố thê thảm não lòng đó, tôi lại nổi máu “giang hồ” và lần này may mắn được đặt chân đến trại tỵ nạn Galang thuộc Indonesia. Nhờ có chút vốn liếng tiếng Anh, tôi được vợ chồng mục sư Tin Lành giao cho làm hiệu trưởng của một trung tâm huấn nghệ. Đơn xin đi Mỹ của tôi bị từ chối vì cha tôi đã cởi áo từ quan về làm dân dã, buôn bán nuôi con từ lúc tôi chưa sinh ra đời. Những sĩ quan, binh lính giải ngũ trước năm 1963 thì không được công nhận là lính của QLVNCH mà thuộc quân đội Pháp.

Cha tôi đã sớm rời quân ngũ sau cuộc đảo chánh thất bại của tướng Nguyễn Văn Vận và sau đó là tướng Nguyễn Chánh Thi. Tôi chỉ có anh ruột và anh rể bị đi tù cải tạo. Tôi không có thân nhân ở nước ngoài, vì thế tôi nộp đơn xin làm thông dịch cho văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) với hy vọng có nước nào cho đi định cư theo diện “con bà phước”.

Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi được nhận làm thông dịch cho “chàng”. Chàng đã  vội vã đi tìm một chiếc ghế cho tôi ngồi cạnh bên trong văn phòng. Chàng là nhân viên của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc đến nhận việc, thay thế ông xếp người Canada vừa hồi hưu. Chàng là người gốc Nhật, dáng nho nhã thư sinh, nói tiếng Mỹ rành rọt không pha giọng vì được ăn học ở Mỹ. Những ngày tháng làm việc bên nhau và vui buồn tâm sự đã khiến hai kẻ “tha phương” gần gũi và cảm mến nhau. Chàng và tôi đều yêu thích âm nhạc và đọc sách, chàng mê thổi sáo và chơi guitar, tôi yêu thích đàn tranh và dương cầm. Cứ mỗi lần ôm cây đàn, chàng lại cất giọng hát, âu yếm nhìn tôi như để tỏ tình… làm lòng tôi bâng khuâng, xao xuyến…

Hello, is it me you’re looking for?

I can see it in your eyes, I can see it in your smile…

Này em, anh có phải là người mà em đang đi tìm để yêu thương?

Anh có thể nhìn thấy tình yêu ấy trong ánh mắt, nụ cười của em …

Những ngày cuối tuần, dân trong trại hay đi biển tắm và hóng gió, nhưng tôi thích ngồi đọc sách nghe sóng vỗ rì rào vì biển ở đây đẹp lắm! Rồi… tôi kể chuyện thần thoại Hy Lạp – chàng biết tôi thích chuyện thần tiên nên tặng cho tôi cuốn Bulfinch’s Mythology – và tôi thường chơi ô chữ “Scrabble” với chàng cùng những người bạn làm chung từ khắp nơi trên thế giới đến như Mỹ, Anh, Pháp, Hòa Lan, Hy Lạp. Họ là những luật sư cố vấn (lawyer consultant), làm việc, giúp đỡ và bảo vệ nhân quyền cho những người tỵ nạn.

Lúc tôi đến đảo chỉ có khoảng 2,000 người, nhưng sau đó vài tháng làn sóng thuyền nhân ồ ạt tràn đến vì nghe đồn sắp đóng cửa trại và nhà nước Cộng sản Việt Nam lúc này cũng thả lỏng cho dân chúng tha hồ đi vượt biển. Những người đi sau Tháng Hai 1989 không được công nhận là người tỵ nạn chính trị nữa mà bị gọi là “asylum seeker”, người tỵ nạn kinh tế. Họ phải trải qua cuộc phỏng vấn để chọn lọc “thân phận”. Chúng tôi làm việc tại văn phòng Cao Ủy đã phải bận rộn, liên tục ra cầu tàu đón và làm danh sách nhập trại cho những người mới đến. Ngày tôi rời Galang đi định cư ở Canada, trại đã lên đến 20,000 người.

Hai cô em gái của tôi ở trại Bidong – Mã Lai đến định cư ở Canada vài tuần trước tôi. Chị em tôi đoàn tụ vào một chiều Đông lạnh lẽo. Mùa Đông thật khắc nghiệt ở xứ sở của thần tuyết. Là “con bà phước”, chị em tôi được chính phủ chu cấp một ít tiền đủ để mướn nhà và mua thực phẩm. Chị em tôi mướn một căn chung cư ở khu được mệnh danh là “Thành Phố Hồ Chí Minh”, vì phần đông người Việt mới qua thường ở đây, nhà cửa cũ kỹ, nghèo nàn, xập xệ vì tiền mướn rất rẻ…! Đến Canada chưa tàn một mùa Đông, thì vào lúc nửa đêm, lửa bốc cháy từ tầng dưới của chung cư do một anh Da Đỏ say sưa bỏ rơi điếu thuốc đang hút xuống thảm…

Khu phố nghèo nàn nên không có chuông báo động. Khi lửa bốc đến tầng thứ ba thì chị em tôi thức giấc vì khói bốc mịt mù. Không còn lựa chọn nào khác là phá cửa, nhảy lầu… Vào mùa Đông lạnh, nước đá đóng dầy cứng ngoài khung cửa không thể mở được, chị em tôi dùng ghế đập bể cửa sổ thì cũng ngất ngư, ngộp thở gần chết. Tôi dùng mấy tấm khăn trải giường cột vào nhau và giữ đầu mối cho hai cô em tuột từ cửa sổ phòng ngủ xuống balcony và tôi là kẻ sau cùng. Do không có chỗ bám nên tôi té gãy chân!

Vừa an toàn, thoát hiểm đến xứ người thì lại gặp nạn, khố rách áo ôm mà nay lại rơi vào cảnh không nhà. Chúng tôi phải đến nhà thờ và những hội từ thiện xin quần áo và đồ dùng cũ. Vào những lúc buồn khổ, nghèo đói này, cha mẹ anh em ở  Việt Nam không bao giờ nhìn thấy. Nhìn hình ảnh chị em tôi gởi về rồi họ chê bai: “Sao ăn mặc quê mùa xấu xí vậy? Sao ốm nhom ốm nhách vậy?” Tôi lặng lẽ cười chua chát. Khi tôi phone về nói với mẹ “Con bị bịnh phải nằm điều trị ở nhà thương”, thì mẹ tôi chỉ thốt lên: “Trời ơi, như vậy làm sao lo cho mẹ và các em?”. Bà không hề hỏi han tôi ra sao? Bị bịnh gì?

Rất đau lòng và tủi thân nhưng tôi không giận hờn mà chợt thức tỉnh, nhận ra rằng tôi mang một “trách nhiệm” đối với mẹ và các em còn ở lại. Thêm vào đó bà chị của tôi viết một lá thư nhắn “Phải lo gửi tiền về, rồi liệu mà bảo lãnh sớm cho mẹ và mấy đứa nhỏ nữa nghe”. Tôi luôn sống trong buồn bã, lo âu và bế tắc. Bơ vơ nơi xứ lạ quê người, không đồng xu dính túi, không nhà không cửa, không nghề không nghiệp, còn bị áp lực đè nặng từ gia đình; tôi tưởng như mình sắp gục ngã sau những khó khăn, thử thách trong đời!

Chàng xin cho tôi một chân thư ký và dự định cùng chàng đi khắp “chân trời góc biển” làm việc cho United Nation – Liên Hiệp Quốc. Chàng cho tôi biết, nếu nhận việc phải chuẩn bị vì sẽ đi đến những nơi “khỉ ho cò gáy” để giúp đỡ và cứu trợ những người khốn khổ! Vài người bạn khuyên tôi nên đi làm ở hải ngoại, khi về lại Canada sẽ có ưu thế và dễ kiếm việc hơn.

Nhân chuyến đưa người bị thanh lọc trở về Việt Nam, chàng đến Sài Gòn ghé thăm mẹ tôi và ngỏ lời xin được cưới con gái bà. Mẹ tôi rất vui mừng vì chàng lịch thiệp, hiền lành và đôn hậu, với đầy đủ tiêu chuẩn “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi”.

Chàng vội vã qua Canada khi nghe chị em tôi bị tai nạn cháy nhà. Gặp lại nhau, chàng cười và thương xót nhìn tôi… đi với hai cây nạng gỗ. Vậy mà trước đó không lâu, vào dịp Tết Canh Ngọ (1990), tôi đã yểu điệu trong chiếc áo dài vàng thêu hoa cúc trắng, bước lên sân khấu trước hàng ngàn khán giả Việt và Canada, để độc tấu đàn tranh bài dân ca cổ truyền Qua Cầu Gió Bay và được giải về tài năng trong cuộc thi Trình Diễn Áo Dài Việt Nam.

Trình diễn đàn tranh bài dân ca Qua Cầu Gió Bay. Dự thi Trình diễn áo dài phụ nữ Việt Nam – (Xuân Canh Ngọ 1990 tại Edmonton, Alberta)

Đàn lên một khúc dân ca làm tim tôi nức nở u hoài, thương quê nhớ mẹ… Tôi là con dân nước Việt, luôn mang theo hồn quê trên những nẻo đường lưu lạc. Cha tôi không đặt tên tôi vui đẹp, thanh cao như chị em của tôi – Bích Vân, Thy Mai, Ngọc Liên,… mà tôi lại hẩm hiu mang một cái tên thật buồn – Hoài Hương – để rồi suốt đời tôi không nguôi hoài nhớ một cố hương!

Tôi buồn bã, đau khổ khước từ lời cầu hôn và không thể cùng chàng đi “khắp thế gian”. Tôi phải nương náu ở quê hương thứ hai và chọn một hướng đời khác biệt…! Trong gia đình, chàng là người con trai duy nhất để nối dõi tông đường. Mẹ chàng cho rằng tôi đã “đánh cắp” con trai của bà. Bà muốn chàng phải đưa tôi về làm dâu xứ Phù Tang, và lo quán xuyến công việc kinh doanh của gia đình ở Nagoya.

Chàng cho tôi tình yêu thương nhưng ở một góc nào đó tôi và chàng đều cảm thấy hụt hẫng, có một khoảng cách về ngôn ngữ, văn hóa và nhất là những kỷ niệm nơi “chôn nhau cắt rốn” mà sẽ khó thông hiểu hay chia sẻ hết cho nhau. Chàng không thể thấu hiểu được những niềm vui, nỗi buồn trên quê hương tôi; niềm đau, nỗi khổ của dân tộc tôi, của gia đình tôi,… và còn nhiều nhiều nữa… Đôi khi tôi cảm thấy cô đơn và xa lạ bên chàng…!

Có người nói rằng “Tình yêu đôi khi phải có một giới hạn để nó đẹp mãi, sống mãi, dù biết rằng giới hạn đó là vĩnh viễn xa nhau”… Có duyên không nợ, chàng và tôi chỉ còn giữ lại và trân trọng một tình bạn. Những năm sau đó, chàng vẫn gởi thiệp sinh nhật và Giáng Sinh cho tôi, thỉnh thoảng gọi phone…, cho dù tôi đã sang sông theo chồng. Chỉ còn là một chút tình lưu luyến, nhớ thương thôi. Mong thời gian sẽ làm phai mờ những kỷ niệm, và chính thời gian cũng sẽ mang lại cho chàng một niềm tin yêu hy vọng mới, vui đẹp hơn là một hoài niệm buồn…!

Rồi một hôm, chàng gởi cánh thiệp hồng báo tin sắp cưới một người con gái Việt quê ở Hậu Giang và hôn lễ cử hành tại Nhật Bản. Nhìn hình, tôi thấy người con gái nhỏ bé, e ấp đứng bên chàng và tôi biết chắc rằng chàng đang có một cuộc tình tươi vui, đẹp đẽ. Tôi chúc cho chàng được giống như cái tên của chàng có nghĩa là “Hạnh Phúc”. Chàng rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy.

***

Tôi lập gia đình với một chàng trai gốc Việt, cùng yêu quê, cùng nhớ nước thương nòi. Chàng thật dễ thương, dễ mến và dĩ nhiên là dễ hòa hợp. Tôi sống thật bình yên, hạnh phúc. Vợ chồng tôi làm bảo lãnh cho mẹ và năm đứa em của tôi. Vào đầu thập niên 1990, chính phủ Canada chấm điểm, khắt khe lựa chọn người tỵ nạn nên các em tôi bị “rớt”. Nhưng may mắn, sau đó chị của tôi đã bảo lãnh mẹ và các em qua Mỹ nên tôi cũng thường có dịp qua California để thăm gia đình.

Làm thiện nguyện cho Cảnh Sát Liên Bang (RCMP)

Qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai. Tôi sống an vui bên chồng và hai đứa con trai. Ở nhà chăm con cho đến khi chúng được 12 tuổi, tôi lại được cắp sách đến trường và theo ngành “Tội phạm học” (Criminology). Tôi quan tâm và giúp đỡ những tù nhân, những phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi đánh đập, những người nghèo khổ không nhà, nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc… Họ đúng thật là “những người khốn khổ” (Marginalized Population) dù họ đang sống trong một xã hội tự do, dân chủ và ở một đất nước giàu có. Họ thường kể cho tôi nghe những câu chuyện đời bất hạnh với những vết thương lòng, nỗi buồn ẩn chứa.

Nhưng câu chuyện đời của họ không giống như của tôi, một người con xứ Việt ở một quê hương bị đọa đầy trong chiến tranh, đói khổ và mất tự do. Dù sao, tiếp xúc với họ, khiến tôi nhớ đến hình ảnh đói rét lẫn khổ đau của “Jean Valjean” trong tác phẩm “Những kẻ khốn cùng” (Les Miserables) của Victor Hugo. Tôi chạnh lòng nghĩ lại mình lúc bị tù tội, hoạn nạn, nghèo đói, bơ vơ mà ngậm ngùi, thương cảm. Tôi muốn mở rộng vòng tay chia sẻ, an ủi cho những ai đã và đang đi trên những nẻo đường đời chông gai.

***

Kỷ niệm là những gì chất chứa đầy vơi trong ký ức, nó thuộc về quá khứ mà ai cũng đã từng trải qua, đã từng có được, đã từng đánh mất, hoặc đôi khi đã rơi vào quên lãng… Nhưng… Có những kỷ niệm tôi không bao giờ quên!…

(Nhớ về những kỷ niệm – 1/2022)

___________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: