Những nẻo đường đời tôi

Những dòng người di cư vào Nam trong chiến dịch Passage to Freedom, Tháng Mười 1954 (ảnh: Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images)

Từ khi mở mắt chào đời đến khi nhắm mắt rời khỏi cõi trần, một số người may mắn có cuộc sống phẳng lặng, bình yên nhưng đa số người khác, trong đó có tôi, phải chịu muôn vàn khổ đau trên đường đời.

Tôi sinh ra trong một làng quê nghèo miền Bắc, làng Quang Rực, Ninh Giang; dân làng đều sống bằng nghề nông, quanh năm chân lấm tay bùn. Cả làng chỉ có một thầy giáo mở trường tại nhà để dạy cho trẻ em biết đọc, biết viết và làm bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Các em con nhà khá giả một chút có giấy, bút để viết bài, còn một số học trò nghèo như tôi phải dùng lá chuối phơi thật khô, cắt từng mảnh thay giấy, lấy nước hột mùng tơi chín làm mực, bút thì dùng chiếc đũa tre vót nhọn để viết. Chúng tôi chưa học xong ba phép toán thì thầy giáo cùng một số dân làng phải chạy tản cư vì có tin Tây (Pháp) về làng.

Đây là lần tản cư thứ nhất trong đời…

Khi đó tôi còn quá nhỏ nên chưa cảm nhận được nỗi đau của người phải rời bỏ làng mạc ra đi. Trở về làng, chúng tôi cũng không có trường để học. Tôi là con trai duy nhất trong gia đình gồm năm chị em. Bố tôi ngày trước học chữ Nho và chữ Nôm, thấm nhuần tư tưởng Khổng, Mạnh nên rất nghiêm khắc với các con. Một hôm không biết vì lý do gì, tôi chửi bố: “Đéo mẹ mày”. Bố tôi giận quá nắm cổ tôi quăng ra ngoài vườn ngay trước nhà, lúc đó vườn đang ngập nước đến gần đầu gối. May thay, bà bác tôi nhìn thấy, chạy vào vườn bế tôi lên đưa vào nhà. Từ đó không bao giờ tôi dám hỗn láo với bố nữa; và biết mình quá hỗn với bố nên cũng không khi nào tôi oán giận bố.

Tản cư lần thứ hai

Đây là lần di cư từ Bắc vào Nam. Sau Hiệp Định Geneve 1954, Việt Minh ra sức ngăn cản người dân muốn di cư; gia đình tôi phải khó khăn lắm mới ra được Hải Phòng để xuống tàu vào Nam. Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu cặp  bến cảng Saigon, chúng tôi được xe chính phủ chở đến tạm cư tại trường đua ngựa Phú Thọ. Sau ba tuần lễ, xe của chính phủ lại chở chúng tôi đến Hố Nai, Biên Hòa. Hố Nai là khu rừng không có chỗ làm ruộng nên bố mẹ tôi xuống Phụng Hiệp, Cần Thơ, và được chính phủ cấp ruộng cho cày cấy. Tại đây tôi được đi học trường Tiểu học công lập Phụng Hiệp.

Học trò ở đây mặc đồng phục, nam quần soọc xanh, áo sơ mi trắng cụt tay, nữ quần dài đen, áo bà ba trắng. Trước ngày tôi đi học, mẹ tôi ra chợ Phụng Hiệp mua cho tôi một quần dài màu xanh, một áo dài tay trắng. Hôm sau bố tôi dẫn tôi vào trường xin học. Có lẽ tôi là đứa học trò Bắc kỳ đầu tiên ở trường này, nên khi nhìn thấy tôi ăn mặc không giống chúng, bọn học trò biết ngay tôi là tên Bắc kỳ di cư, thế là kéo nhau lại trước mặt hai cha con tôi, đồng thanh la lớn “Bắc kỳ ăn cá rô cây, Bắc kỳ ăn cá rô cây”.

Cũng may, thầy hiệu trưởng đến, thấy vậy ông kêu tùy phái đánh trống vào học sớm rồi mời bố con tôi vô văn phòng, ân cần hỏi thăm, sau đó dẫn tôi vào lớp Ba. Thầy giáo đưa tôi xuống ngồi bàn cuối cùng, cả lớp cứ quay xuống nhìn tôi xem làm sao mà tôi ăn được “cá rô cây”? Sau mấy lần gõ thước xuống bàn bắt học trò quay lên không kết quả, thầy đưa tôi lên ngồi bàn trên cùng. Giờ ra chơi, cả trường kéo đến trước cửa lớp tôi la to “Bắc kỳ ăn cá rô cây, ông Trời quả báo hàm răng đen xì”. Các thầy cô giáo ra đe nẹt chúng cũng không tha tôi. Tôi phải chịu cảnh trêu chọc đó vài ngày rồi mới êm.

Suốt ba năm học tôi cố gắng nên thuộc loại học sinh giỏi và được thầy, cô yêu mến. Năm lớp Nhất tôi được học với cô Hồ Thị Đậm, một giáo viên trẻ, đẹp vừa tốt nghiệp sư phạm về dạy và cuối năm đó tôi thi đậu vào trường Trung học Phan Thanh Giản, ngôi trường lớn nhất miền Tây. Ngoài học sinh các trường thuộc tỉnh Cần Thơ, còn có học sinh các tỉnh Long Xuyên, Rạch Giá, Kiến Hòa, Bạc Liêu, Cà Mau và Vĩnh Long đều muốn thi vào trường này nên đậu vào trường Phan Thanh Giản là một vinh dự không những cho trường tiểu học mình đang học mà còn cho gia đình. Vì thế, tôi không bao giờ quên ơn các thầy, cô, nhất là cô Hồ Thị Đậm. Hiện cô đang định cư tại tiểu bang Kentucky, Hoa Kỳ. Thầy trò tôi thường xuyên liên lạc thăm hỏi nhau.

Vì nhà nghèo, sau khi đậu bằng trung học đệ nhất cấp, tôi lên nhà người chị thứ hai ở Xóm Thuốc, Gò Vấp để vừa đi học vừa đi làm. Xứ Xóm Thuốc có trường tiểu học Hiếu Thiện do cha xứ làm hiệu trưởng. Chị tôi dẫn tôi vào xin cha cho tôi một chân dạy học. Cha xứ ngó tôi lắc đầu và nói: “Anh còn nhỏ quá, dạy thế nào được, học trò nó không nể đâu”. Chị tôi năn nỉ mãi cha cũng không nhận. Tôi bèn nói: “Thưa cha, cha cứ cho con dạy thử một tháng không có lương, nếu cha thấy con dạy được thì cha nhận, bằng không thì thôi”. Cha xứ suy nghĩ một lúc rồi đồng ý cho tôi dạy thử.

Với kinh nghiệm thu thập được từ các thầy, cô đã dạy tôi ở trường Phụng Hiệp và Phan Thanh Giản, tôi tự lập ra tờ Phiếu Điểm Hàng Tháng, in roneo; trên đó ghi rõ học lực, hạnh kiểm của từng em. Một bên là lời phê bình của thầy giáo, bên kia là lời đề nghị của phụ huynh. Cuối tháng tôi trao tờ Phiếu Điểm cho các em mang về nhà trình bố mẹ. Đây là điều mới có đầu tiên tại trường Hiếu Thiện. Phụ huynh hết sức mừng, ghi những lời đề nghị, hầu hết đều có lời khen ngợi sáng kiến này. Sau khi nhận lại đủ các tờ Phiếu Điểm tôi mang lên trình cho cha hiệu trưởng xem. Ngay hôm sau, cha gọi tôi vào văn phòng trao bao thơ tiền lương và nói “Từ nay tôi nhận thầy dạy luôn”, và cha cho quay roneo tờ Phiếu Điểm Hàng Tháng phát cho các thầy, cô khác làm theo.

Sau hai năm dạy học, tôi lập gia đình. Đến tuổi thi hành nghĩa vụ quân dịch, tôi gia nhập ngành Cảnh sát Quốc gia, được phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Quốc Gia Rạch Dừa, Vũng Tàu (TTHL/CSQGRD/VT). Tại đây, nhờ Thượng sĩ Cảnh Sát Phạm Quang Nghiệp (đã quá cố) – cụ Phạm Quang Nghiệp làm Trùm trong xứ đạo Nam Đồng do Linh Mục Vincent Nguyễn Hòa Định là cha chính xứ – giúp giới thiệu với cha xứ mà gia đình tôi được cha cấp đất cho cất nhà và ở đó cho đến ngày rời khỏi Việt Nam.

Phục vụ tại TTHL/CSQGRD/VT một thời gian, tôi đi thụ huấn Khóa 4 sĩ quan cảnh sát tại Học Viện CSQG Thủ Đức. Vào thời điểm Khóa 4, các sinh viên sĩ quan tốt nghiệp hầu hết đều được bổ nhiệm làm Trưởng cuộc CSQG tại các xã nông thôn. Tôi và bốn sĩ quan mới ra trường về phục vụ tại tỉnh Sóc Trăng. Sau khi trình diện Thiếu tá Nguyễn Hữu Vọng, Chỉ huy trưởng Cảnh sát tỉnh, chúng tôi được nghỉ  phép ăn Tết tại Bộ Chỉ Huy vì đang có lệnh cấm trại 100%.

Trong lúc cấm trại, ông Chủ sự Phòng hành chánh nói cho chúng tôi biết: “Qua Tết, mỗi anh sẽ đi nhận một Cuộc trong tỉnh. Có năm Cuộc nhưng chỉ có hai Cuộc Trường Khánh và Lịch Hội Thượng là an ninh; ba Cuộc còn lại, anh nào bắt thăm trúng thì sẽ rất nhàn, khỏi làm việc vì luôn ở dưới hầm, lú đầu lên bọn Việt Cộng nó bắn ráng chịu. An ninh đã có Địa Phương Quân lo. Cứ ở dưới hầm ăn đồ hộp rồi ngủ; chẳng có ma nào đến thưa gởi gì đâu!” Ông còn an ủi thêm “Các anh chịu khó ở đó một thời gian rồi Bộ Chỉ huy sẽ tìm cách hoán chuyển cho các anh sau”.

Trước ngày bắt thăm, là người Công Giáo, mỗi buổi tối tôi đến nhà thờ Sóc Trăng khấn với Thánh An Tôn xin Ngài giúp tôi bắt thăm được một trong hai Cuộc an ninh. Hôm bắt thăm, tôi bắt trúng Cuộc Cảnh Sát Trường Khánh chỉ cách tỉnh 4 cây số. Xã Trường Khánh do tôi phụ trách an ninh có năm ấp: Trường Thành, Trường An, Trường Bình, Trường Hưng, Trường Phú. Riêng ấp Trường Phú dài 12 km, cách Cuộc một cánh đồng rộng, ban ngày Quốc Gia kiểm soát vì có ba đồn nghĩa quân trấn giữ nhưng ban đêm Việt Cộng làm chủ.

Khi tôi về nhậm chức Trưởng Cuộc cũng là lúc có lệnh từ trung ương: Trưởng cuộc cảnh sát phải kiêm phó xã trưởng an ninh, kiêm trưởng ban nhân dân tự vệ. Với chức vụ Phó Xã trưởng An Ninh, từ nay tôi cũng phụ trách luôn các đồn nghĩa quân trong xã. Đồn nghĩa quân chính tại khu chợ Trường Khánh do nghĩa quân tên Hớn chỉ huy. Vì bị mất chức Phó xã trưởng an ninh, anh ta sinh ra cay cú, bực bội. Một buổi tối khi chúng tôi đang đi xét tờ khai gia đình về gần đến Cuộc, anh Hớn uống rượu, mặt mày đỏ gay và một số nghĩa quân ra chặn đường bao vây xung quanh tôi. Anh ta rút súng Cold 45 chĩa vào tôi quát: “Phong! Tại sao mày dám bắt lính của tao?”. Trước tình thế ấy, tôi cũng phải rút súng rulô chĩa vào anh ta để tự vệ.

Chuyện xẩy ra ngay trước nhà ông Xã trưởng, ông chạy ra ôm chầm lấy tên Hớn đưa vô nhà ông. Thấy trưởng đồn của mình bị dẫn vô nhà xã trưởng, lính nghĩa quân trong đồn bèn kéo đến bao vây Cuộc Cảnh sát. Tôi cũng cho anh em cảnh sát trong Cuộc đem lựu đạn và súng ống ra chuẩn bị đối phó, đồng thời gọi máy truyền tin báo cho Quận trưởng Cảnh sát Long Phú biết. Trên đầu giây, ông Quận trưởng liên tục yêu cầu tôi đừng nổ súng, đừng nổ súng và ông gọi máy cho Chỉ huy trưởng Cảnh sát tỉnh, Thiếu tá Vọng thấy nguy gọi ngay cho bên Tòa Tỉnh. Sau đó chúng tôi thấy hai xe Nồi Đồng (loại xe thiết giáp chạy bằng bốn bánh cao su) chạy đến đậu trước đồn nghĩa quân. Tên Hớn bị dẫn ra xe chở về tỉnh; vợ tên Hớn qua Cuộc quỳ gối van xin tôi tha cho chồng, sau đó Hớn bị thuyên chuyển đi xa. Từ đó, người dân xã Trường Khánh được sống trong cảnh an bình, đêm đêm có giấc ngủ ngon.

Sau một năm làm việc tại Trường Khánh, tôi hoán chuyển cho một đồng nghiệp để về lại TTHL/CSQGRD/VT cho được gần gia đình.

Vào tù Việt Cộng

Cũng như hàng trăm ngàn quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày 30/4/1975 tôi bị bắt. Sau khi trải qua hai trại tù Trại Nhái, Vũng Tàu và Bàu Lâm, Xuyên Mộc, tôi bị đưa ra trại tù Hàm Tân, Bình Tuy. Đây là trại tù “kiểu mẫu” của Bộ Nội vụ cộng sản; tất cả ban giám thị, cán bộ quản giáo cũng như vệ binh đều là người tỉnh Nghệ An (quê hương Hồ Chí Minh), nên chúng áp dụng kỷ luật thật gắt gao. Tôi ở trong đội 13 rau xanh, trách nhiệm trồng rau cung cấp cho cả trại.

Quân nhân VNCH bị bắt đi “học tập cải tạo” (file photo)

Trong đội có anh Hà, một người tù không ai thăm nuôi nên một số trại viên khác thỉnh thoảng cho Hà tán đường, chút muối, tôi là một trong những người đó. Một hôm Hà ăn trộm nắm rau muống bỏ vào thùng gánh nước bị tên Trung, đội trưởng, bắt trình cho cán bộ quản giáo. Hà bị tên quản giáo xỉ vả thậm tệ, bắt làm kiểm điểm và cả đội mỗi tối phải ngồi phê bình, lên án Hà. Tức giận quá, vào một buổi tối khi cả đội xếp hàng ngoài sân chờ vào nhà, Hà đến bên tôi nói nhỏ “Anh Phong ơi, em sẽ giết thằng Trung”. Tôi khuyên Hà: “Đừng làm vậy, mày giết được nó mày cũng chết, mày không giết được nó mày cũng chết”.

Tôi tưởng Hà nghe lời, không ngờ một buổi trưa, sau khi cả đội đi lao động trở về, Trung nằm trên võng đưa đầu ra ngoài; Hà từ ngoài bước đến trước chỗ Trung nằm, giơ cao chiếc xẻng bổ thật mạnh vào đầu Trung. Máu phun lên trần nhà, Hà nghĩ Trung đã chết nên vác xẻng xuống phòng trực báo cáo: “Tôi đã giết chết đội trưởng Trung”. Lập tức kẻng báo động, vệ binh vác súng chạy xuống bao vây nhà số 13, đem Trung đi cấp cứu và bắt Hà giam vào nhà Kỷ luật. Suốt gần một tháng Hà bị cùm tay chân trong nhà Kỷ luật, thỉnh thoảng cán bộ mở cửa hỏi Hà: “Ai kích động mày giết Trung?” Hà một mực nói “Không ai kích động tôi hết”.

Còn hai ngày nữa là đúng một tháng chịu đói, khát và mất hy vọng sống, Hà chỉ còn da bọc xương, cán bộ vào dụ Hà “Mày chết đến nơi rồi, muốn sống về với gia đình, hãy khai thằng nào kích động mày, mày sẽ được thả ra ngay”. Hà thều thào nói “Anh Phong”. Lập tức cán bộ cho hai trại viên khác vào mở còng dẫn Hà ra bờ giếng xối cho mấy gầu nước rồi dẫn về trạm xá.

Hai hôm sau, vào một buổi trưa, sau giờ lao động, cả trại về tập họp đầy đủ trước sân, tên cán bộ văn hóa cầm xấp hồ sơ đi ra cái bục giữa sân. Mọi người hồi hộp chờ xem chuyện gì sắp xảy ra. Tên cán bộ yêu cầu mọi người giữ im lặng nghe đọc lệnh thi hành kỷ luật, rồi hắn gọi to “Trại viên Nguyễn Thanh Phong, đội 13 rau xanh đứng lên”. Tôi vừa đứng lên, hai tên vệ binh mang súng AK tiến ngay lại, bẻ quặt hai tay tôi ra sau, tra còng vào, bắt đứng nghiêm nghe đọc lệnh.

Theo đó, tôi can tội kích động tên Hà giết đội trưởng Trần Văn Trung. Tôi bị cắt thăm nuôi, bớt khẩu phần ăn tối đa và phải biệt giam trong nhà Kỷ luật. Sau khi đọc xong lệnh, chúng áp giải tôi đến nhà Kỷ luật nằm trong bìa rừng. Tôi có cảm tưởng như mình là tử tù đang đi ra pháp trường. Đến trước cửa, tên cán bộ bảo tôi cởi quần áo ra, chỉ cho mặc một quần đùi. Rồi hắn mở cửa phòng giam dẫn tôi tôi vào, và hỏi “Muốn chân nào, tay nào”? Tôi đáp “Chân trái, tay trái”.

Bề dài của phòng giam có sẵn thanh sắt tròn bằng cổ tay, trên đó có mấy chiếc còng sắt. Một tay, một chân tôi bị tra vào còng treo lên, phải nằm nghiêng một bên, chỉ mười lăm, hai chục phút sau tôi ngất đi! Chỗ nằm, chúng làm gồ ghề, lồi lên lõm xuống và trải đá đỏ có gai, không có một manh chiếu; một lỗ tròn được khoét vừa để một chiếc xô nhựa ngay chỗ mông cho người tù tiêu tiểu. Ngoài cánh cửa chính đóng kín mít, còn một lỗ nhỏ vừa đủ để một chén cơm và một ly nhỏ nước lạnh.

Mỗi ngày tôi chỉ được ăn một lần một nắm cơm bằng quả trứng gà, trong đó ba phần tư là khoai lang hay khoai mì. Mỗi tuần tên vệ binh đến, ghé mắt nhìn xem tôi còn sống hay chết. Cũng vừa đúng một tháng, cửa phòng giam mở, tên cán bộ vào mở còng và bảo hai bạn tù vào dẫn tôi ra, lúc đó tôi đi không nổi và mắt thì mờ không thấy đường. Hai bạn tù cũng dẫn tôi ra bờ giếng múc cho vài xô nước giội lên đầu và trao lại quần áo cho tôi.

Ngoài bị biệt giam như thế, hai lần tôi bị thổ tả suốt đêm, vừa ói mửa vừa đi cầu nhưng chúng bỏ mặc, dù có bạn tù nằm cạnh suốt đêm la to: “Báo cáo cán bộ nhà 13 có người sắp chết”. Mãi gần sáng tên vệ binh đi tuần mới hỏi “Bệnh gì mà sắp chết?” Bác Hùng trả lời “Bệnh thổ tả”. Tên vệ binh thản nhiên nói “Bệnh thổ tả không có chết” rồi hắn bỏ đi.

Sau bảy năm trong tù khổ sai, tôi được về với gia đình vào ngày 11 Tháng Chín năm 1981 và bị ba năm quản chế, không được rời khỏi địa phương.

Tôi về nhà trong hoàn cảnh khó nghèo, vì có món gì đáng giá, vợ tôi đã phải bán đi lấy tiền mua đồ ăn thăm nuôi tôi và lo cho sáu đứa con còn nhỏ và một mẹ già. Để phụ với vợ con, tôi lấy nước mắm đi bán dạo, suốt một ngày đạp xe từ Rạch Dừa lên Suối Nghệ, Bà Rịa trên 30 km, không bán được một lít nào, rồi đi lượm ve chai bán cũng không xong.

Cuối cùng tôi được người mách, Ụ tàu Đông Xuyên đang cần một người biết kẻ chữ trên tàu. Tôi vào xin việc, họ đưa cho tờ giấy trắng, cây bút chì và cây thước, bảo tôi kẻ chữ THĂNG LONG 1975 cho họ xem. Tôi thấy mấy người chuyền tay nhau xem và gật gù ưng ý và bảo tôi viết tờ “Lý lịch trích ngang”. Tên phó giám đốc bảo tôi, anh là sĩ quan ngụy, để chúng tôi xét rồi trả lời anh sau. Có lẽ họ đang cần người nên mấy ngày sau gọi tôi vào làm trong tổ Trang trí, gõ rỉ sét, sơn và kẻ tên tàu lên phía đầu mũi tàu.

Một thời gian sau họ cử tôi làm tổ trưởng; sau cùng họ giao cho tôi nhiệm vụ đưa tàu vào và dẫn tàu ra khỏi ụ. Đây là việc hết sức quan trọng và nguy hiểm, trước đây do một kỹ sư của Việt cộng đảm nhiệm, nay người này đã chuyển về Saigon. Muốn cho tàu vào ụ phải biết coi bản thiết kế của con tàu trước, xem chỗ nào cần kê những khối sắt hình vuông dưới nền ụ, để khi đưa tàu vào đúng vị trí, và tháo nước cho tàu nằm trên các ụ sắt đó, nếu làm sai, con tàu có thể bị thủng, nghiêng hoặc đổ nhào. Nhờ ơn trên, tôi điều động cả tổ mười hai người đưa trên mười con tàu lớn nhỏ vào sửa chữa và ra ụ an toàn, không xảy ra một tai nạn nào. Làm được việc này tôi hãnh diện đã làm cho Việt cộng phải nể phục những người trong chính quyền của chế độ cũ.

Hồ sơ tỵ nạn của một gia đình xin định cư Mỹ theo chương trình OPD (Orderly Departure Program) tại cơ quan Di trú và nhập tịch Hoa Kỳ (ảnh: Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images)

Di cư lần thứ ba

Trong số những người được đi định cư tại hải ngoại theo chương trình H.O., tôi may mắn được hai phóng viên Mỹ, ông Peter Charlesworth (photographer) và ông Charles P.Wallace (Chánh văn phòng báo Los Angeles Times tại Bangkok) đến tận nhà phỏng vấn, đưa đi Saigon khám sức khỏe và dẫn vào phái đoàn Mỹ phỏng vấn. Tất cả diễn tiến rất nhanh nhưng phút cuối, một điều làm gia đình tôi vô cùng đau khổ là mẹ tôi phải ở lại vì còn ba người con gái sống tại Việt Nam.

Dù hai phóng viên Mỹ vào nói giúp, phái đoàn cũng không chấp thuận, họ nói đó là chính sách chung của Mỹ, không làm khác được. Ngày lên đường thay vì là niềm vui, gia đình chúng tôi tràn đầy nước mắt vì thương mẹ già, từ trước đến nay đều sống với chúng tôi, mẹ con, bà cháu đùm bọc nhau, có cơm ăn cơm có cháo ăn cháo. Nay chúng tôi phải rời xa mẹ, không biết có ngày mẹ con còn gặp nhau nữa hay không! Và quả đúng như thế, sau khi chúng tôi đi rồi, không bao lâu mẹ tôi buồn, nhớ con, thương cháu và đổ bệnh. Trước khi nhắm mắt lìa trần, mẹ tôi vẫn thều thào gọi đứt quãng “Phong ơi, con ơi… con đang ở đâu…. con về với mẹ đi con”. Người em con ông chú ruột tôi phải giả tiếng tôi nói với bà “Con đây, Phong đây mẹ, nhưng mẹ tôi nghe và biết không phải là tôi, rồi nước mắt mẹ tôi trào ra và vĩnh biệt cõi trần.

Nhờ có đứa cháu con bà chị ruột ở Orange County bảo trợ, gia đình tôi được về sống tại khu Little Saigon từ khi sang Mỹ (1990) theo diện H.O.3 đến nay.

Sau khi tạm trú tại nhà người cháu một thời gian ngắn, chúng tôi thuê một căn nhà trên đường Nola thành phố Westminster. Một bữa nọ, vợ tôi mở cửa garage quét dọn, trong garage có mấy thùng carton trống, thằng cháu út còn rất nhỏ vào trong thùng carton ngồi chơi. Vợ tôi cầm cây chổi quơ lên cao quét mạng nhện. Vợ tôi vừa đóng cửa garage đã có ba bốn xe cảnh sát hú còi chạy đến, họ vào nhà, bắt mở cửa garage. Cảnh sát hỏi: “Tại sao bà trói con bà bỏ vào thùng đánh nó?”

Vợ tôi trả lời “Tôi đâu có đánh nó”. Họ kéo áo thằng nhỏ lên coi, không thấy một vết gì. Cảnh sát cho biết, tại người hàng xóm gọi báo, rồi họ xin lỗi và đi. Biết không thể ở căn nhà này lâu dài được, chúng tôi gọi chủ trả lại nhà, đi kiếm nhà khác. Chủ nhà bảo đem chìa khóa đến tiệm X. trên LA trả cho họ. Mới qua, chưa có xe nên chúng tôi không thể đi trả chìa khóa được. Chủ nhà kiện chúng tôi ra tòa. Mới qua Mỹ chưa đầy ba tháng đã phải ra hầu tòa, và phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhà trên một ngàn Mỹ kim vì tội không giữ đúng hợp đồng thuê nhà!

Tác giả

Học và làm báo

Khi còn học trung học, tôi rất mê đọc sách của Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, trong đó có cuốn Lê Phong Phóng Viên; tôi rất phục tài của anh chàng phóng viên có cùng tên với mình và ước mong sau này có cơ hội làm phóng viên. Một hôm ông Đỗ Ngọc Yến (Chủ nhiệm) và ông Lê Đình Điểu (Chủ bút) báo Người Việt mở lớp dạy báo chí. Tôi ghi tên ngay, lớp học có khoảng 12 người. Sau khi tôi học xong, ông Đỗ Ngọc Yến bảo tôi “Anh vô Người Việt làm với chúng tôi, tôi thấy anh có năng khiếu về báo chí đấy”.

Tôi nhận lời, khi đến trình diện, ông Đỗ Ngọc Yến giao tôi cho họa sĩ Nguyễn Đồng; ông nói với họa sĩ Đồng “Anh hướng dẫn cho anh Phong để anh ấy làm việc với mình”. Lúc đó họa sĩ Nguyễn Đồng là người duy nhất phụ trách trình bày (layout) cho tờ Người Việt nên ông rất bận. Họa sĩ Đồng kêu tôi ngồi vào bàn computer, ngày đó tôi chưa biết gì về computer, cứ một lúc ông lại quay qua bảo: “Anh bấm nút này, bấm nút kia, anh rê con chuột qua phải, qua trái” rồi để mặc tôi vì ông mải lo layout cho kịp tờ báo ra ngày mai.

Học layout, ăn cơm với báo Người Việt được một tuần thì tôi chào thua, chỉ muốn làm phóng viên chứ không muốn làm layout. Tôi vào nói với ông Chủ nhiệm xin nghỉ. Ông Đỗ Ngọc Yến cũng như ông Lê Đình Điểu rất mến tôi, hai ông nói, chỗ layout đang cần một người phụ anh Đồng, còn phóng viên thì đã có đủ, anh cứ ráng thêm thời gian nữa đi, rồi chúng tôi tính. Nhưng tôi không thích nghề layout, vả lại họa sĩ Nguyễn Đồng không có thì giờ giúp tôi dù ông có thiện chí muốn giúp.

Sau đó tôi cộng tác với nguyệt san Hiệp Nhất một thời gian dài, viết cho tờ Saigon Thứ Bảy, tờ Diễn Đàn Giáo Dân vài số và viết cho tờ Thời Báo bên Canada cũng một thời gian khá lâu. Cuối cùng tôi được mời cộng tác với báo Viễn Đông nay đã trên 20 năm.

Mọi nẻo đường đời tôi đi qua đúng là đầy ắp kỷ niệm, nhiều nước mắt hơn nụ cười, nhưng tạ ơn trên đã đưa gia đình chúng tôi tìm được Trời Mới-Đất Mới, chính phủ và người dân Hoa Kỳ đã giang rộng vòng tay đón chúng tôi, cho chúng tôi có cuộc sống ấm no, hạnh phúc với tám người con đều có gia đình, và hơn 20 cháu nội, ngoại.

Trong muôn vạn nẻo đường của tôi, ngoài cha mẹ, vợ con đã chăm  sóc tôi, nhất là trong bảy năm lao tù Việt cộng, tôi còn có nhiều ân nhân khác đã giúp tôi như cụ Phạm Quang Nghiệp, linh mục Vincent Nguyễn Hòa Định đã tạo cho gia đình tôi có căn nhà để ở, hai nhà báo Đỗ Ngọc Yến và Lê Đình Điểu đã hướng dẫn nghề viết báo cho tôi và ông bà Tống Hoằng, nhà báo Hoàng Mai Đạt đã cho tôi thỏa mãn ước nguyện từ khi còn nhỏ, và còn nhiều ân nhân khác mà suốt đời tôi không thể quên..

Nẻo đường cuối

Trong muôn vạn nẻo đường của mỗi người, tất cả rồi cũng phải đến đích, và tôi đang ở vào chặng đường cuối cùng trong cuộc hành trình trên dương thế. May thay, trước khi ra đi, tờ báo Saigon Nhỏ tạo cho tôi và mọi người có cơ hội viết, để lại cho con cháu sau này niềm tự hào và yêu thương những người đi trước, đồng thời cũng là để “nối dài những dấu ấn trên con đường vun bồi hai chữ Việt Nam” như chủ trương của chương trình thi viết “Muôn Nẻo Đường Đời”.

___________

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: