Nước mắt mẹ già

Hình minh hoạ

Sau tiếng kẻng, tiếng những người tù tụ họp trước khuôn viên hội trường trại tù Cây Cày B nói chuyện với nhau, cộng với tiếng công an canh gác tù la lối nạt nộ làm cho khu vực trước mặt hội trường buổi sáng mỗi ngày ồn ào như một cái chợ miền quê.

Đội chúng tôi đang chờ anh đội (anh công an gác tù) để đi phát quang, dọn rẫy trong khu rừng làm dở dang chiều hôm trước thì có tiếng loa cầm tay ra lệnh cho các đội tù cải tạo vào hội trường chờ lệnh, còn các đội hình sự tiếp tục ra “nông trường”.

Viên quản giáo yêu cầu mọi người im lặng. Và giống như các ngày “lên lớp”, người cán bộ thuộc Ban chỉ huy trại nhìn vào tờ giấy cầm trên tay để nói về “tính cách mạng và khoan hồng” của đảng cũng như nhà nước. Sau đó, ông thông báo và đọc tên: “Các can phạm được trả tự do vào dịp quốc khánh, xe của trại sẽ đưa anh em được tha tới bến xe thị xã sau khi ăn trưa”. Cầm tờ giấy ra trại từ tay viên cán bộ, tôi liếc qua thấy đúng tên mình, gấp lại, bỏ vào túi, bước thật nhanh về lán ngủ lấy cây Guitar mà tôi bắt chước anh em đóng từ ngày còn ở trại tù Cây Cày A, đem về làm kỷ niệm, còn vật dụng cá nhân tôi để lại cho các anh em chưa được thả kỳ này.

Sau khi nghe một hai anh nói nhỏ với nhau “đi lẹ lên, ăn với uống làm gì, lỡ nó đổi ý thì đời tàn”, tôi theo anh em đi rảo bước thật nhanh ra khỏi cổng trại, đón xe Honda ôm về thị xã Tây Ninh. Rời trại tù miền biên giới lúc 7 giờ sáng, sau nhiều lần đổi từ xe ôm sang xe Lam ba bánh và xe đò. Tôi về đến ngã tư Bảy Hiền, Phú Nhuận lúc thành phố đã lên đèn.

Căn nhà thầy mẹ tôi tràn đầy niềm vui và lời thăm hỏi của bà con lối xóm khi thấy tôi về làm cho bầu không khí gia đình như nồng ấm hơn. Nhưng lo âu và phiền muộn lại đến sau hai ngày được về, khi anh công an khu vực đến nhà yêu cầu tôi phải trở lại trại tù xin điều chỉnh lại địa chỉ cư trú mà trại viết không đúng với địa chỉ của nhà thầy mẹ tôi. Anh công an khu vực nói: “Gia đình sinh sống ở đây. Nhưng giấy ra trại của anh lại ghi địa chỉ ở Bàu Cá. Nên anh phải lên trại tù xin đổi lại, anh có một tuần để làm cho xong… còn không anh phải lên Bàu Cá trình diện”.

Sau năm 1975, công an và phường đội địa phương đã yêu cầu gia đình người đang tù cải tạo phải tham gia chương trình đi kinh tế mới “để giúp người thân sớm được về”. Vì vậy, thầy mẹ tôi đã chuyển tên tôi vào hộ khẩu của người bà con ở Bàu Cá, cách thành phố Sài Gòn khoảng bốn mươi cây số, còn gia đình thì vẫn “tìm cách hoãn binh”. Sau đó, chương trình đi kinh tế mới đã thất bại nên xảy ra tình trạng tên tôi ở Bàu Cá, mà gia đình thầy mẹ tôi lại đang sinh sống ở ngoại ô Sài Gòn.

Để sửa lại địa chỉ cư trú, cuối tuần tôi phải lên đường đi Tây Ninh. Với kinh nghiệm những lần mẹ và em tôi đi thăm nuôi, tôi đi từ ngày hôm trước để có mặt tại bến xe thị xã Tây Ninh vào lúc sáng sớm ngày hôm sau cho kịp chuyến xe đi Bàu Cỏ và Cây Cày B. Vì vậy, một cách bất thường, tôi là người tù mới được thả về mấy ngày lại có mặt ở bến xe thị xã để đến trại tù cùng với những hành khách đi thăm người tù vào ngày cuối tuần.

Tiếng gà gáy cộng với những tiếng chó sủa vu vơ từ xa vọng lại, bầu trời tranh tối tranh sáng, cách nhau mấy bước chân không thấy rõ mặt người. Nhưng cảnh vật như báo hiệu buổi sớm mai đã vừa thức giấc, bình minh đang ló dạng. Sinh hoạt tại bến xe thị xã Tây Ninh mới tờ mờ sáng ngày cuối tuần đã rộn rã tiếng người gọi nhau, tiếng những bước chân đi tới đi lui một cách vội vã của những hành khách lạ, còn lại là những người buôn hàng chuyến chuyên nghiệp mỗi tháng về tỉnh lỵ lấy hàng đem về các huyện, các xã miền biên giới Việt Campuchia, họ mua đi bán lại.

Những người bạn hàng đã quen nhau từ lâu, vừa nhai vội miếng bánh, miếng khoai mì hay mấy hạt xôi bắp, vừa nói chuyện về các mặt hàng, hoặc than thở về “giá cả lên xuống đến chóng mặt”. Đa số họ là những người buôn hàng chuyến lên miền biên giới thường xuyên, nên họ dễ nhận ra ai là những người địa phương và ai là những hành khách lạ đến từ các nơi khác đang chờ mua vé xe.

Hình minh hoạ

Những người hành khách lạ như đã hẹn với nhau, dù họ chẳng quen biết nhau trước đây – tất cả đến bến xe để đi thăm nuôi thân nhân ở các trại tù miền biên giới. Phần lớn những người hành khách lạ đến từ Sài Gòn và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Phần, nhưng qua giọng nói thì cũng có những hành khách đến từ các tỉnh miền Trung. Những người hành khách này đã đến tỉnh lỵ Tây Ninh từ chiều hôm trước, họ ngủ nhờ qua đêm tại các chùa, thánh thất và các nhà thờ, nhà dân, rồi thuê xe Honda ôm chở đến bến xe từ lúc nghe tiếng gà báo thức, hy vọng đi được chuyến sớm nhất. Tất cả những người hành khách lạ này đều có chung một hoàn cảnh, một nỗi buồn, đau khổ và xót xa của những người sa cơ thất thế, nên họ dễ làm quen và nhắc nhở nhau mọi việc, giống như những người bạn buôn hàng chuyến quanh năm tại thị xã Tây Ninh quen nhau vậy.

Như một thông lệ đều đặn cuối tuần, tháng này qua tháng khác. Những người buôn hàng chuyến và làm công tại khu vực bến xe thị xã đều bắt gặp những người hành khách lạ khác nhau. Họ nói chuyện với nhau về những người hành khách lạ: “Tháng này thì có những cụ bà đã già yếu đi bên cạnh những thiếu phụ, cuối tuần khác thì có cụ ông, cụ bà đi bên cạnh những người đàn bà ở tuổi trung niên hoặc cô cháu gái hay cháu trai ở tuổi trên dưới hai mươi, nhưng trên khuôn mặt mỗi người đều hiện rõ những nét ưu tư, lo lắng….”.

Hành trang của những người đi thăm nuôi tù gồm những nhu yếu phẩm hoặc đồ dùng cá nhân giống như người buôn hàng chuyến: Có người dùng bao vải đựng bột mì cũ để chứa đồ thăm nuôi – tay xách giỏ vai vác bao, có người vai đeo cái ba lô bạc màu căng phồng đồ thăm nuôi, tay xách cái bị cói, có người thiếu phụ một tay xách giỏ với chùm bánh tét và vài ổ bánh mì, vài gói bột Bích Chi, lọ mắm ruốc, một tay dắt tay cụ bà chống gậy. Những người khác cũng vậy, tay xách nách mang, tùy theo tình cảnh tài chánh của mỗi gia đình. Khi đến bến xe, họ ngồi cạnh nhau như một đại gia đình đang chờ xe để đi thăm các con các cháu.

Bầu trời đã sáng với những cụm mây trong xanh của một bình minh, báo hiệu một ngày nóng bức, mặt trời đỏ ửng đang lấp ló sau những tàn cây xa xa, Tây Ninh – miền đất nắng cháy da người. Những bạn hàng buôn chuyến, những cư dân địa phương đang bới chải mưu sinh trong khu bến xe nhìn những người khách lạ đang chờ xe như muốn chia sẻ những nỗi ưu tư đang hiện rõ nét trên mỗi khuôn mặt, trên những khoé mắt quầng thâm của mỗi người vì thiếu ngủ, hay vì khổ đau chất chồng theo năm tháng. Rồi họ lắc đầu, chép miệng và nói một cách bâng quơ: “tội nghiệp quá!”

Họ nói nhỏ như nói cho chính họ đủ nghe, không một ai tỏ bày hay chia sẻ sự cảm thông hoặc giúp đỡ những người khách lạ một cách cụ thể được, vì chính những người bạn hàng cũng luôn luôn sống trong tình trạng đối phó với những sách nhiễu và đe dọa thường xuyên trong cuộc sống bằng nghề buôn đi bán lại. Giống như mọi người, những người sinh sống trong hay ngoài bến xe đang sống dưới một chế độ mới, một thể chế mà những người Cộng sản Việt Nam thiết lập với một bộ máy cai trị bằng bàn tay sắt, bóng dáng những người công an sắc phục và an ninh chìm nổi có mặt khắp nơi, cũng như tại bến xe thị xã trong buổi sớm mai.

Từ bến xe Tây Ninh rẽ vào tỉnh lộ 785, những chuyến xe khách đi Bàu Cỏ và biên giới chật ních hành khách với hành lý. Những chiếc xe quẹo trái tỉnh lộ 795 rồi rẽ phải vào tỉnh lộ 793 – hai con đường miền biên giới khúc khuỷu này dẫn người đã đi nhiều lần hay lần đầu tiên đến trại tù Bàu Cỏ và Cây Cày. Trại tù Bàu Cỏ được đặt dưới hệ thống điều hành của trại tù Cây Cày, cả hai trại nằm trong địa hạt huyện Tân Biên với những khu rừng già giáp ranh với biên giới nước Campuchia, trực thuộc công an tỉnh Tây Ninh. Trước thập niên tám mươi, tỉnh Tây Ninh có hai hệ thống trại tù: Trại Cây Cày A thuộc tỉnh đội, trại Cây Cày B và Bàu Cỏ thuộc công an. Cuối năm 1980 trại tù Cây Cày A và B sáp nhập lại và được đặt tên là trại tù Cây Cày, trực thuộc Công An tỉnh Tây Ninh.

Những tỉnh lộ chạy đến miền biên giới Việt – Campuchia, nơi có những trại tù khổ sai là những con đường bụi đất bay lên cùng khói xe khi những chuyến xe chở hàng hay hành khách chạy vào mùa hè và lầy lội vào mùa mưa. Những người chạy xe ôm thường lấy khăn gấp chéo, buộc ngang mặt, che mũi miệng để tránh ô nhiễm bụi và khí thải carbon hàng ngày. Dù hệ thống giao thông đầy hiểm nguy, nhưng vào những ngày thăm nuôi tù, những chiếc xe hơi cũ rú ga cho xe chạy nhanh hơn, máy nổ lớn và khói xe tỏa ra như khói xe lửa chạy bằng than dưới thời Pháp thuộc mà vẫn không đủ để chuyên chở kẻ đi người về.

Những chiếc xe chở hàng cũ kỹ được tu sửa lại với hai hàng ghế gỗ dọc theo thân xe cho hành khách ngồi. Già trẻ, nam nữ ngồi sát bên nhau như nêm cối, ghế xe được sơn lại nhiều lần với những lớp sơn cũ mới bong tróc loang lổ. Trong xe chật ních người, không còn chỗ, nên hai ba người phải đứng trên bậc cửa lên xuống ở cuối xe, tay nắm chặt những thanh sắt hoặc cái thang dùng để trèo lên mui xe. Một vài xe còn có tấm lưới lớn phủ lên vòng khung sắt được hàn bao quanh mui xe để giữ cho hành lý chồng chất lên nhau không bị rớt xuống dọc đường.

Những chiếc xe đò quá tải, chạy trên những con đường đá đã bị xói mòn nhựa đường, sụp lở theo thời gian và mưa nắng, không được sửa chữa, có những đoạn đường sống trâu, có những khúc đường dài cả cây số với nhiều ổ gà, xe có thể bị lật hoặc nổ bánh, hất tung người và hành lý xuống hai bên đường bất cứ lúc nào. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, người dân sống trong chế độ Cộng sản Việt Nam chịu mọi khổ cực oan trái đã nhiều, làm con người trở lên gan dạ hơn liều lĩnh hơn để vượt lên những khó khăn trong đời sống, mọi người như tìm sự sống trong những cái chết cận kề mỗi ngày. Nhưng không một ai tỏ vẻ e ngại khi di chuyển qua những khúc đường đầy hiểm nguy cùng với những chiếc xe quá tải như vậy. Xa xa, đỉnh núi Bà Đen cao vút, mờ mờ sau những cụm mây xám chì, như u uẩn trông theo những người thống khổ đang ngồi san sát bên nhau trên con đường ra biên giới.

Những cái lắc mạnh khi xe chạy trên những đoạn đường sống trâu và tránh những ổ gà làm các cụ ông, cụ bà phải bám tay chặt vào người bên cạnh, làm xô lệch những người ngồi trên các hàng ghế. Nhưng không ai than khổ, than mệt, mà còn nói với nhau là đã may mắn đi kịp chuyến xe, kịp giờ cho thăm nuôi.

– “Tạ ơn Chúa, đi kịp chuyến này, gặp được mẹ và con, chắc nó mừng lắm. Đã bảy tám tháng nay…” hắt xì, hắt xì… hắt xì.

Cụ bà gầy yếu, đôi mắt quầng thâm, ngồi gần cuối hàng ghế nói với người thiếu nữ mặc áo len dầy và cũ, có gương mặt trái soan xanh xao, lộ vẻ lo âu, khắc khổ ngồi ở cuối xe, gần bậc lên xuống, một tay nắm thanh sắt bên cạnh cái cửa cuối xe, cách cụ bà hai người.

Giọng nói nhỏ của cụ bà bị đứt quãng với những tiếng hắt xì và ho khan, mắt ngấn lệ muốn khóc. Sau những cái hắt xì và những tiếng ho khan, cụ ngưng không nói tiếp vì mệt, hay sợ lỡ lời làm phiền đến bản thân và liên lụy đến người khác. Cụ cúi đầu xuống, đưa cánh tay phải lên quyệt ngang hai mắt rồi để lên ngực như muốn lấy tay chặn lại những cơn ho làm tức ngực và nén nỗi đau khổ trong tâm tư chùng xuống!

– “Mẹ, mẹ có sao không? mẹ có mệt lắm không?” Người thiếu nữ hướng về phía cụ, ân cần hỏi cụ bà – có lẽ chị là con gái hay con dâu cụ.

– “Không, mẹ không sao, con nắm tay cho chắc kẻo té nghe con, mẹ không sao đâu” – cụ bà trả lời với giọng yếu mệt, nước mắt doanh tròng.

– “Cháu có dầu gió đây, cụ xức lên cho khoẻ lại” – một bà buôn “hàng chuyến” ngồi đối diện với tay đưa chai dầu gió cho cụ. Những người ngồi trên hai hàng ghế nhìn cụ với con mắt thương cảm.

– “Cám ơn bà nhiều, xin Chúa chúc lành cho bà.” – tay cụ bà run rẩy cầm chai dầu gió, nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo.

– “ Dạ không có chi, con nghĩ cụ bị cảm lạnh đó, cụ xoa dầu lên hai bên thái dương, mũi và dưới cổ rồi nhắm mắt nghỉ một chút đi cụ.”

– “Mẹ con em xin cám ơn chị nhiều” – người con dâu hay con gái cụ ngồi ở cuối xe nói vọng vào hướng người phụ nữ vừa đưa cho mượn chai dầu gió.

– “Có gì đâu em, thấy cụ làm chị nhớ đến ba mẹ chị. Thôi, em ráng giữ gìn sức khỏe, mình chị em bạn gái mà,” – người buôn “hàng chuyến” nói.

– “ Dạ, em cám ơn chị” – người thiếu nữ nói rồi gục đầu vào lòng hai bàn tay, che giấu đôi mắt đẫm lệ. Nỗi buồn sâu kín như lây lan trên khuôn mặt mọi người trên xe.

Minh hoạ: Nam Hoang/Unsplash

Chiếc xe khách vẫn chạy với vận tốc thật nhanh để kịp giờ bỏ khách xuống và lấy khách thăm nuôi chạy ngược về bến xe thị xã sau giờ thăm nuôi. Bên cạnh những hành khách ngồi ngủ gà ngủ gật, một vài người với chuỗi tràng hạt trong lòng bàn tay, một hai bà vân vê chuỗi bồ đề, kẻ nói cho nhau nghe về những lo âu, những hy vọng trong chuyến đi này sẽ gặp được con, chồng hay anh em. Họ nói với nhau về những đối đãi tốt lành, nhân hậu của nhà thờ, thánh thất, nhà chùa, và các gia đình sống gần bến xe đã cho họ ngủ qua đêm…

Như đã quá quen thuộc với cảnh các hành khách đi thăm nuôi tù tại hai trại tù Bàu Cỏ và Cây Cày hàng tháng, bác tài vừa lái xe vừa nói vọng xuống:

– “Gần tới Bàu Cỏ rồi, bà con cô bác nào xuống Bàu Cỏ thì chút nữa xe ngừng nhớ xuống nghen. Còn ai đi Cây Cày thì ngồi lại, xe sẽ chạy tiếp nghe bà con.”

Chiếc xe ngừng lại sau khi bác tài thông báo chừng mười phút. Người tài xế phụ lanh lẹ bốc dỡ hành lý từ trên mui xe xuống cho các hành khách đi thăm nuôi. Đoàn người đi thăm nuôi kẻ đi trước, người đi sau, vai đeo ba lô, tay xách vỉ cói, người vác, người gánh trên vai như người gánh hàng ra chợ bán kiếm tiền về nuôi gia đình. Tất cả bước đi một cách vội vã như sợ hết giờ thăm nuôi.

Những chuyến xe kế tiếp đổ thân nhân người tù đến trại tù Bàu Cỏ, rồi tiếp tục chạy tới trại tù Cây Cày và biên giới. Bầu trời mùa Hè miền biên giới nóng như lửa. Người ra người vào khu thăm nuôi tấp nập, tiếng nói lao xao với những nét mặt lo âu của thân nhân người tù, giống như một một buổi tổ, họp phường trong những ngày mới đổi đời.

Tôi thầm tạ ơn trên khi anh công an dẫn vào gặp viên thủ phó trại mà anh em tù gọi là chú Tư. Khác hẳn thái độ tự tôn và “bán trời không văn tự” của các viên thủ trưởng hay chính trị viên người miền Bắc và miền Trung. Với bản tính xuề xòa của nông dân miền Nam, ông thường nói với anh em tù trong thời gian tôi chưa được thả: “Tập kết ra Bắc rồi dzề lợi, qua hiểu mờ, tụi bây ráng đi rồi nhà nước cũng thả dzề”… Sau khi nghe tôi trình bày, ông cười hề hề, rồi nói: “Giờ nầy mà còn kinh tế mới gì nữa bây, để qua làm tờ khác cho em”. Tôi cầm tờ giấy chú Tư vừa ký, nói vài lời cám ơn ông rồi bước thật nhanh ra khỏi trại tù.

Vừa ngồi lên yên chiếc xe Honda ôm để về thị xã, nhìn đoàn người vẫn đang lũ lượt đi thăm tù khiến tôi nhớ đến hình ảnh người mẹ già, tình người trên chuyến xe khách và nghĩ đến mẹ tôi cùng những bà mẹ Việt Nam suốt đời hy sinh cho chồng cho con. Bất chợt tôi thở dài, anh chạy xe ôm quay đầu lại hỏi “Có chuyện gì vậy ông?”. Như một tập quán ứng xử trước câu hỏi bất thường của người lạ trong buổi giao thời, tôi nói: Không, không có gì! Rồi anh xe ôm rú ga chạy thật nhanh về bến xe thị xã, giúp tôi đi kịp chuyến xe cuối cùng trong lúc tâm trí tôi vẫn đang suy nghĩ miên man, xót xa về hình ảnh và đời sống của những người mẹ Việt Nam trong thể chế Xã hội Chủ nghĩa, trong đó có mẹ tôi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Hình như là…
Người bạn nàng, bạn thời trung học, tha thiết rủ rê nàng sang Mỹ chơi một chuyến. Hắn bảo, nhà cửa hắn rộng rãi thoải mái, không việc gì phải…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: