Hình minh họa: Pexels

Thời niên thiếu

Mỗi Thứ Năm, thời khóa biểu trống hai giờ cuối, đám học trò chúng tôi thường rủ nhau ra bãi đất trống trước cổng phi trường Tân Sơn Nhất chơi. Thời gian sau 75, cảnh vật cũng đượm nét buồn như lòng người vậy. Tuổi thơ ngày ấy không phải là tuổi thích ô mai mà là tuổi của tro than và đất đá. Làm bạn với mấy em bé chăn bò, chăn ngựa gầy còm, đen đủi; thức ăn là cóc, ổi, thơm, củ đậu… chấm muối ớt mang theo từ nhà. Mặc kệ, ước mơ không tốn tiền, cứ để cho nó bay thật cao, thật xa… 

Em tôi khéo tay làm cho tôi một cánh diều từ giấy nhật trình. Tôi đem ra thả cho nó bay thật cao, cao đến hết dây. Khi chỉ còn nhìn thấy hình thoi nhỏ xíu với hai cái đuôi lượn như dây áo cô tiên, chúng tôi nằm xuống cỏ, ngửa mặt nhìn trời xanh mây trắng trong nắng chiều vàng lấp lánh ánh kim, gởi cho cánh diều những điều mình mơ ước qua sợi dây mảnh mai trong tay. Cứ thế luân phiên sợi dây được chuyền qua tay từng người để ai cũng có thể gởi gắm ước mơ của riêng mình, có quyền nói to cho người khác nghe mà cũng có quyền thì thầm. Thế đấy, một thuở ngây thơ, một thời hoa mộng. 

Đáng nhớ làm sao những buổi chiều

Nắng vàng rực rỡ, gió hiu hiu

Một tay cặp sách, tay bình nước

Phấp phới trên vai một cánh diều

Đáng nhớ làm sao những buổi chiều

Nhìn mây lơ lửng thật đáng yêu

Nằm trên bãi cỏ, đầu gối sách

Theo diều ta thả, hồn ta phiêu

Hình minh họa: Sheep/Pexels

Sau bữa đó, bạn tôi lên đường đi tìm tự do bằng thuyền. Riêng tôi, khung cảnh mỗi chiều mấy mẹ con tắm rửa thay quần áo sạch sẽ chờ ba đi làm về cơm nước xong là cùng đi ăn kem hay đi hóng gió ở bến Bạch Đằng không còn nữa. Mẹ phải ra đường kiếm thức ăn cho mấy anh em chúng tôi. Mẹ đi lên Nhà sách Khai Trí của bác Nguyễn Hùng Trương, mà người ta quen gọi là Ông Khai Trí, ở đường Lê Lợi, bác đưa sách đem đi bán, được bao nhiêu chiều về tính.

Bác không biết mẹ, mẹ cũng chẳng quen bác, có ký giao kèo gì đâu, ấy vậy mà không bao giờ bác mất sách hay mẹ bị mất công. Người Sài Gòn xưa đơn sơ vậy đó, thương nhau vậy đó, tin nhau vậy đó, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, làm đúng như cái bụng mình nghĩ. Thời buổi nhiễu nhương, cái gì cũng quốc cấm, cái gì cũng nhà nước quản lý; từ hạt gạo, miếng thịt, dầu hoả, cà phê, đến xấp vải, đôi giày… huống hồ là “văn hoá phẩm đồi trụy”. Có bữa mẹ bị giặc dốt bắt, chúng hăng hái đốt chiến lợi phẩm trong hả hê, đắc thắng.

– Bác ơi! Sách bị đốt cả rồi!

– Vậy à! Vào lấy vài cuốn khác đi, cầm ít thôi, kẻo có gặp chúng còn nhẹ nhàng chạy thoát thân, hết về lấy thêm, tiền không là vấn đề, quan trọng là truyền bá đến đồng bào cái văn hoá làm người. Kho sách của bác rồi đây cũng không thoát khỏi bàn tay lông lá của người rừng đâu.

Từ đó, mẹ đi lại như con thoi, dệt những sợi chỉ nối kết những con tim cùng nhịp đập: Làm một cái hẹn với khách rằng lúc nào, ở đâu và cần gì; về gặp bác lấy đúng đầu sách; y hẹn quay lại giao. Uy tín hơn nhiều ông chủ lớn thời nay. Năm ấy, em tôi 13 tuổi. Thương mẹ, sau giờ học, em phụ mẹ chạy hàng. Một ngày kia, em bị giặc bắt bỏ tù ba ngày. Không muốn tuổi thơ của em bị tổn thương phải vào tù ra khám do kiếm sống, mẹ nuốt nước mắt vào trong, âm thầm tìm đường cho em vượt biển…

– Hôm nay em nhức đầu quá, chắc em bị cảm rồi.

– Vậy em ở nhà nghỉ ngơi đừng đi bán nữa. 

– Nhưng mẹ không biết, mẹ sẽ chờ em. Cạo gió cho em đỡ chút, lát nữa em nói mẹ cho uống thuốc, tối về ngủ, mai là khỏi thôi.

Chiều hôm đó, họ báo ra “taxi”, mẹ cuống quýt.

– Con đang bệnh, con có thể ở lại nếu con muốn, còn nhiều chuyến khác, đừng lo…

– Con không sao, để con đi, mẹ đừng lo…

Đừng lo! Nhưng có ai không lo trong tình huống này? Mẹ đưa em ra “taxi” ở bến đò Thủ Thiêm, lòng giằng xé… Tối mẹ về, hỏi em đâu, mẹ thẫn thờ im lặng, ôm tôi vào lòng. Hai mẹ con bắt đầu chuỗi ngày phập phồng ngóng trông, ruột gan như có ai thiêu đốt…

Vài năm sau.

Em bây giờ đã là người nổi tiếng, em sinh hoạt trong đội bơi địa phương. Ở trường, em xuất sắc trong mọi môn học. Riêng hình học không gian, em đứng thứ ba toàn tiểu bang. Các trường đại học mời em theo học bằng những suất học bổng ưu đãi từ khi em còn ở lớp Mười. Tờ nhật báo địa phương đăng một bài phỏng vấn về em. 

Bấy giờ, cư dân nơi ấy mới biết chú bé đặc biệt này đến từ một đất nước nhỏ bé xa xôi bên kia trái đất bằng một phương tiện không tưởng: Chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá chở hai mươi bảy người lênh đênh mười ngày trên biển. Máy hỏng sau bốn ngày, buộc phải chạy bằng buồm làm thời gian hải hành bị kéo dài thêm ra.

Lương thực chỉ đủ dùng cho sáu ngày, nên nước uống và thức ăn đã không còn vào những ngày cuối cùng. Máy bơm hư không thể bơm nước ra khi nước biển tràn vào khoang làm con thuyền chỉ chực chìm, cột buồm cũng gãy luôn. Vừa đói, vừa khát, vừa lạnh, mệt lả trên con thuyền trôi vô định, trên trời dưới nước không thấy bến bờ… người và thuyền cùng tả tơi tưởng chừng như muốn cùng nhau đi vào lòng đại dương! 

Hình minh họa: Pixabay

Người dân xứ tự do không thể nào hiểu nổi tại sao một đứa trẻ vị thành niên lại phải rời bỏ gia đình, quê hương mạo hiểm như vậy. Nhưng giờ đây, trước mắt họ là một nhân tài, họ rất quý trọng, nâng niu. Hỏi em mơ ước gì cho tương lai, nhói tim khi câu trả lời chỉ đơn giản là được sống cùng gia đình. Ôi! Hai chữ gia đình rất bình thường mà sao quá đỗi thiêng liêng! Xót lòng cho dân Việt phải mua tự do bằng giá mạng sống. Chợt nhớ ý thơ của thi sĩ Petophi người Hungari thế kỷ 18:

Tự do! Tình yêu! Cả hai…

Là tất cả những gì tôi mong muốn

Tôi có thể hy sinh mạng sống cho Tình yêu

Và Tình yêu của tôi

Tôi đang hy sinh cho Tự do!

Năm 1984.

Đúng sáu giờ ba mươi sáng, ba ra khỏi nhà thả bộ đến sở. Tám giờ là thấy ba về rồi. 

– Uả, sao ba đi làm về sớm dữ vậy? 

– Xong việc thì ba về chứ ở lại làm gì? Mấy cái vụ sinh hoạt kiểm điểm là ba hổng ưa. 

(Thuộc diện “ngụy quân ngụy quyền”, nhưng ba không bị sa thải vì ngành kiểm toán giống như rừng nguyên sinh đối với nhà cầm quyền mới, biết đằng nào mà lần!)

– Ba làm gì mà xong việc nhanh vậy chớ? 

Ba cười:

– Ba chỉ sắp việc cho tụi giặc dốt làm rồi ba về thôi, ba bảo nếu mai không xong thì ba làm. Cứ để cho chúng ì ạch vài ngày thì ba cũng được nghỉ xả hơi.

– Vậy lỡ công việc dồn lại thì sao làm kịp? 

– Có gì đâu, ba đem về nhà, tối ba làm, ba không muốn làm ở sở dưới sự chỉ huy của người rừng, lâu lâu nó làm oai ra lệnh bậy, bực lắm! 

Cứ như thế, ngày nào cũng vậy, ba lên sở uống cà phê xong, tám giờ sáng là ba có mặt ở nhà. Ai nhìn vào cũng thấy ba chả làm gì cả, suốt ngày la cà ở nhà. Ba được gọi là “tàn dư của Mỹ ngụy”, có tác phong “tiểu tư sản”, chúng chỉ muốn ba bị kỷ luật. Ba chẳng quan tâm. Cuối tháng, giống như có cây đũa thần, ba hô biến ra cái báo cáo để nộp. Đầu tháng, ba nhận bằng khen “cá nhân tiên tiến” vì thành tích hoàn thành xuất sắc công tác. Vài ba đứa đổi mặt săn đón:

– Ông anh làm cách nào mà hay thế? Chỉ cho thằng em mấy chiêu đi!

– À, có gì đâu, tôi được chế độ cũ trang bị cho mười chưởng, mà tôi mới tung có một chưởng thôi đó. Ông muốn học kiến thức của “Mỹ ngụy” à?

“Có gì đâu” nghe dễ như trở bàn tay, nhẹ như bong bóng xà phòng vậy…

Cuối năm, ba đau, ba bị ápxe gan, bác sĩ bảo phải mổ, ca mổ không phức tạp nhưng chỉ hy vọng năm mươi phần trăm vì ba quá suy nhược. Trong khi ấy, ở nhà nhận được điện tín báo tin em tử nạn xe hơi trên đường về ký túc xá trường đại học để chuẩn bị năm học mới.

Cầm trên tay mảnh giấy vàng khè với những dòng chữ đánh máy rời rạc, tôi cố không tin nói với mẹ chắc họ nhầm, không phải của mình (cho dù tên người nhận là ba và đúng địa chỉ nhà). Mẹ ôm đầu chạy ra công viên Bách Tùng Diệp góc đường Gia Long và Công Lý để không ai nghe tiếng mẹ khóc (nơi này rất vắng vẻ do người ta tin rằng có ma bởi gốc đa cổ thụ đã từng được dùng làm pháp trường thời Pháp thuộc). Mẹ vào bệnh viện nuôi ba, người như ngây như dại…

– Mẹ nó hôm nay sao thế? Có thư con không? Ba thều thào hỏi.

Mẹ nhìn ba rồi quay đi:

– Không! Chắc con bận lo nhập học, mà có gửi thư thì cũng mất vài tháng mới nhận được. 

Không hẹn mà cả hai mẹ con cố dối lòng nuôi hy vọng ảo là bức điện tín đánh máy nhầm… 

Hai tuần sau, hình ảnh tang lễ cùng giấy tờ liên quan do hội thiện nguyện thực hiện cũng về tới. Không một người thân bên cạnh, em được đưa tiễn bởi thầy cô, bạn bè, hàng xóm, cùng tổ chức an sinh xã hội của chính phủ vào khoảng hai trăm người. Những ngày sau đó, lần lượt nhận thêm thư chia buồn của nhiều người.

Hiệu trưởng tiếc một sinh viên ưu tú, thầy cô thương học trò ngoan, bạn bè láng giềng nhớ người thanh niên thông minh, vui tính, khéo tay, nhiệt tình, sôi động mà đầy tình cảm. Họ cùng nói rằng họ biết chắc gia đình tôi không biết họ là ai nhưng họ vẫn muốn cho chúng tôi biết ấn tượng của họ về em.

Sự mất mát này quá bất ngờ, không gì bù đắp được đối với gia đình và cả với họ nữa. Rồi những dòng chữ cuối cùng của em cũng về với gia đình. Tấm card postal hình ngôi trường em đang theo học với những chú thích: Lớp toán, lớp hóa, sân vận động, thư viện, phòng thể dục, hồ bơi… “con ở đây” , mũi tên minh họa chỉ vào khu vực ký túc xá.

Hình minh họa: Duong Nhan/Pexels

– Ba à! Kỳ này chắc em bận chuyển chỗ ở nên không có thư, chỉ có tấm card này thôi. Ba xem mấy chỗ em chú thích nè ba! 

“Chuyển chỗ ở!”, lòng rưng rưng, tôi thầm nghĩ “sao em không chuyển vào trường mà chuyển đi đâu vậy hở em, em ơi!?”, chợt thấy cổ họng nghẹn lại, nước mắt chực trào ra… bước nhanh ra cửa, tôi nói với lại:

– Để con ra xem cô y tá dặn gì nghe ba!

Nhìn qua khe cửa, thấy ba để tấm card lên bụng, vẻ mặt bần thần, tôi gọi nhỏ mấy lần “ba ơi, ba ơi…”

Hơn tháng sau, ba khá hơn, được cho về nhà tịnh dưỡng. Vẫn không quen được rằng em đã mất, hàng ngày, cứ ông đưa thư đi ngang là tôi lại ngó chằm chằm, ngóng chờ một cánh thư dù biết là vô vọng…

– Sao lâu quá không có thư em, cả Noel cũng vậy nữa? Ba hỏi.

Tết sắp về mà trong nhà chả có tí sắc Xuân nào vì nỗi đau dồn nén chỉ chực bộc phát. Mẹ con lúi húi lo buôn bán kiếm sống mà cũng để tìm quên trong bận rộn…

Mùng Hai Tết, bác tôi ghé thăm.

– Thím không giấu được chú ấy lâu hơn nữa đâu. Bác bảo mẹ.

– Xin anh giúp em nói cho nhà em biết công việc của cháu.  Hai bàn tay mẹ xoắn vào nhau.

Mẹ xuống bếp pha trà bảo tôi bưng lên mời bác. Trở xuống bếp, thấy mẹ đang lau chén, cái chén bóng lên rồi mà mẹ cứ lau hoài. Tôi gỡ cái chén ra, giữ tay mẹ thật chặt, choàng tay qua vai mẹ, ôm lưng mẹ vỗ về…

Bác về rồi, ba nói:

– Mẹ nó không nói nhưng tôi đã cảm thấy có điều gì bất ổn. Phải chi trên bàn mổ, ông trời mang tôi đi thay cho con nhỉ, con còn phải đi học mà!

Ba năm sau, bác tôi lên một chiếc thuyền khác và đã đi vào lòng đại dương mãi mãi.

Năm 1989.

Thằng Út lúc này cũng lớn bộn rồi, xấp xỉ em lúc ra đi, nối gót em theo mẹ đi bán. Một ngày kia, Út xin ba mẹ cho Út ra đi tìm mộ anh. Ba dứt khoát không đồng ý vì các trại tị nạn quá tải đã tuyên bố đóng cửa không tiếp nhận thuyền nhân nữa. Và đau đáu những nỗi đau còn đó: em mất không người thân, bác mất tích ngoài biển khơi… Út quay ra nài nỉ với mẹ, nếu không ra đi thì mãi mãi phải để anh cô độc nơi đất khách quê người… 

Cuối cùng, Út cũng bước chân xuống chiếc ghe chở rau tại chợ Cầu Ông Lãnh bắt đầu cuộc hành trình tìm tự do lần nữa. Út đến trại Galang của Nam Dương sau ngày đóng cửa hơn hai tháng. Thế nên buộc phải trải qua những cuộc thanh lọc. Sau bảy năm, Út bị trả về Việt Nam…

Một thanh niên ốm yếu không học thức với “lý lịch” xấu làm sao hội nhập vào cái xã hội đầy bất công và kỳ thị cho dù có sự bảo trợ của Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn?!… Hai năm học nghề trôi qua, rồi lêu bêu chả biết đi về đâu!?… Thương cho tuổi thơ của Út phí hoài trong trại tị nạn, tương lai tối tăm trước mắt, tự trách mình không giúp gì được cho con, lại mất hy vọng tìm mộ em, ba đau đớn quá mà lâm trọng bệnh.

Năm 1998.

Chương trình tái định cư dành cho người Việt Nam hồi hương từ các trại tị nạn gởi giấy báo kêu Út đi làm thủ tục xuất cảnh. Ngày Út nhận được visa cũng là ngày ba hấp hối. Ghé vào tai ba, tôi thì thầm: Ba ơi, Út nó được đi rồi thì tìm mộ em chỉ là vấn đề thời gian thôi, ba yên tâm ra đi thanh thản nghe ba…”. Ba mất sau giỗ em ba tuần. Hỏa táng xong, tôi lượm cốt ba vào hũ đem về nhà, còn tro đem ra biển để ba gặp bác, có cả cặp kiếng để ba nhìn cho rõ. Sau bốn chín ngày ba mất, Út từ biệt ba lên đường. Cuối cùng, cuộc hành trình đến xứ tự do gần mười năm của Út cũng kết thúc. “Ba phù hộ cho nó nghe ba!”

Hai năm sau.

Chiếc xe cà tàng không máy lạnh, không cửa kiếng lần mò trên xa lộ 40 từ Tây sang Đông, qua những đoạn đèo dốc, sa mạc cát, đồng bằng, rừng núi đủ cả. Thằng Út rong ruổi tìm về nơi em sống xưa kia. Mấy ngày nắng nóng rồi gió lạnh cũng qua. Giờ Út đang đứng trước căn nhà của người bảo trợ em lúc trước. Những thân cây thẳng đứng, cao vút đan dầy cả khu vực. ngôi nhà nhỏ như mất hút trong rừng già. Chả biết họ còn ở đây không hay đã qua bao nhiêu đời chủ?!

Bước lên thềm nhà, chần chừ một chút chừng như để lòng tĩnh lại, Út bấm chuông. Cửa mở. Trong khung cửa là một người đàn ông da trắng. Có vẻ như ông ta vừa hỏi ai đó và nét mặt ông lộ vẻ kinh ngạc. Ông tỏ ra vui mừng mở rộng cửa, quay vào nhà gọi to, giơ cả hai cánh tay ra đón Út vào nhà. Hơn một tiếng sau, Út đi ra với một túi xách trong tay, mắt mũi đỏ hoe. Liền phía sau là hai vợ chồng chủ nhà. Họ cùng lên chiếc xe van đang đậu ngay đó.

Chiếc xe chạy vòng vèo ra chợ. Họ dừng lại mua hoa rồi tiếp tục đi. Đến nghĩa trang, xuống xe, Út để bó hoa cạnh tấm bia nằm trên mặt đất sát lề đường, cúi xuống ngồi chân gối, lấy tay xoa đi xoa lại hàng chữ tên em rì rầm khấn vái. Cảm động hình ảnh những con người khác chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, văn hoá được kết nối bởi em dù em chẳng nói gì, chỉ im lặng nằm đó… 

Mẹ mở gói bưu phẩm của Út gởi về. Một cuốn album hình, một tờ nhật trình giấy vàng khè cũ mèm và lá thư viết tay của Út. “Mẹ ơi! Đây là ít kỷ vật của anh còn sót lại mà người bảo trợ anh đã gìn giữ và giờ họ trao lại cho gia đình mình…”. Mắt mẹ nhòa lệ, đặt gói bưu phẩm lên bàn thờ, thắp nhang, nói với ba: “Thằng Út tìm thấy anh nó rồi, ông à! Cha con ông gặp nhau rồi thì liệu lo cho nhau nhé!”.

Hình minh họa

Sáu năm nữa.

Mồng Một Tết dương lịch, đang mùa Đông, tiết trời lạnh lẽo, ẩm ướt, bầu trời xám xịt, thỉnh thoảng buông xuống vài sợi bông tuyết. Tôi và Út đáp máy bay qua chỗ của em. Thành phố của em chìm trong cơn mưa phùn ảm đạm như hoà vào tâm trạng của hai kẻ đang lầm lũi tìm nơi an nghỉ của người thân. Từ cổng nghĩa trang, chúng tôi đi ngang qua khu thứ nhất với những tấm bia to lớn kiểu cũ, đây là khu vực của những người lính thời chiến tranh thế giới.

Gió lay động làm cây cối nghiêng ngả trông như những bóng người qua lại, rồi tiếng xào xạc như lời thì thầm tâm sự của những nỗi niềm khắc khoải. Tôi lẩm bẩm khấn cầu cho anh linh người đã khuất được siêu thoát. Út mất phương hướng, không ước lượng được bao xa. Chúng tôi chia nhau mỗi người tìm một khu. Vừa đi vừa chạy, phần vì sợ không kịp giờ trở lại phi trường cho chuyến bay khứ hồi, phần để chống lại cái lạnh của nước mưa thấm ướt mà gió đang làm cho lạnh thêm. Sau bao năm tháng chờ đợi, thời khắc gặp lại đang đến gần khiến tôi càng nôn nóng chạy nhanh hơn.

Bóng Út khuất sau một khúc quanh. Hàng hàng lớp lớp, nhiều quá, mơ hồ quá, biết đàng nào mà lần. Tôi nhờ gió gởi đi lời cậy nhờ “…Em nằm đây một mình lâu lắm rồi, giờ gia đình đến thăm, mong các bạn quanh đây chỉ giúp nhé…”. Ngay lúc đó, tiếng Út vọng lại: “Em thấy rồi!”. Quay lại, chả thấy đâu. Vừa chạy ngược lại, tôi vừa gọi to: “Em ở đâu?” Qua khỏi khúc quanh là một khu khá cao khuất tầm nhìn cũng chẳng thấy gì.

Gọi to lần nữa, đầu Út nhô lên khỏi đường tiếp giáp giữa mặt đất và bầu trời. Bên kia khu ấy mới là chỗ của em. Cùng Út đọc kinh cầu nguyện cho em. “Em yên nghỉ nhé. Nhớ ngày chia tay em bị cảm. Giờ thì em đã yên nghỉ. Đất lạnh quá nhưng em vẫn khoẻ phải không?” Dọn dẹp sơ xung quanh, nhìn đồng hồ thấy đã đến giờ chia tay, hẹn em lần sau đưa mẹ tới, lòng xốn xang không biết sẽ là khi nào…

Ra phi trường đúng giờ bay, không kịp vào máy bay phải đổi chuyến sau. Xong xuôi còn thời gian rảnh mới thấy đói cồn cào, sực nhớ cả ngày chỉ đi và chạy mà chưa bỏ bụng cái gì. Dù sao thì cũng gặp em rồi. Ăn vội một miếng rồi lủi vào một góc ngủ thiếp đi như đã lâu lắm chưa được ngủ…

Năm 2014.

Em mất đã tròn 30 năm. Hẹn các em cùng đưa mẹ đến thăm em và gia đình người bảo trợ xưa. Cảm thấy ấm lòng vì có thể thăm em thường xuyên hơn. Em có ở trên Trời, mong em phù hộ cho những người thân còn đang bươn chải dưới trần được xuôi chèo mát mái, em nhé. 

Nguyện cho thế giới hòa bình để không gia đình nào phải ly tán.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: