Từ Sài Gòn, phía trước là 500 cây số…

Minh họa: Đinh Trường Chinh

Con ngõ nhà tôi bị giăng dây hơn một tuần rồi. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bà vợ tôi mặt mày méo xẹo. Chẳng chờ đến khi ngõ bị giăng dây chúng tôi mới đói mà là đã đói trước rồi. Không được đi đâu thì mua cái gì mà ăn bây giờ. Nhà còn chút gì thì dè xẻn cầm hơi thôi. Con Phương tám tuổi mà khôn dữ. Nó biết nhà đang gặp cảnh khó khăn, không dám kêu than một tiếng. Nhưng con Hoài sáu tuổi, chưa khôn bằng chị, cứ nhăn nhó càm ràm hoài khiến tôi phát sốt ruột, có lúc muốn xáng cho nó một bạt tai nhưng rồi nghĩ lại, tội nghiệp. Người lớn đói mà còn phát cáu huống chi là nó. Còn thằng Tâm mới ba tuổi, đói, nằm mệt lả, thở khò khè…

Tôi xin ngưng lại ở đây một chút để nói về tên ba đứa con của tôi. Sở dĩ chúng có ba cái tên đó cũng là vì ông già tôi. Hồi tôi còn con nít ở dưới quê, ông già tôi lên Sài Gòn làm ăn mấy năm rồi về lại. Ổng đem theo một cái máy cát-xét với mấy cuộn băng nhạc. Cứ khi mần việc thì thôi, rảnh là ổng lại mở cái máy cát-xét, cho cuộn băng nhạc vô. Cái máy nó biết hát, giọng cô nào đó nghe hay lắm. Cổ hát cái gì mà “Có ai qua vùng hỏa tuyến, nhắn cho tôi một vài lời. Mái tranh thân yêu còn đâu, lũy tre xanh tươi còn đâu…”

Ông già tôi cắt nghĩa: “Bài hát này tên là Thương Vùng Hỏa Tuyến của nhạc sĩ Lê Minh Bằng. Còn cái cô đang hát đó là ca sĩ Phương Hoài Tâm. Ba mê nhứt giọng cô này.” Nghe ông già nhắc hoài cái tên Phương Hoài Tâm nên khi lấy vợ, có con, tôi đặt luôn tên ba đứa theo thứ tự là Phương, Hoài và Tâm. Đặt để nhớ ông già. Ổng về chầu Trời lâu rồi, sau ngày “giải phóng” có mấy năm.

Trở lại chuyện gia đình tôi bị đói. Đói một vài ngày chắc không sao. Nhưng điệu này chắc còn đói dài dài. Gần ba tháng nay tôi mất việc vì công ty thầu xây cất mướn tôi làm công nhân không thực hiện được chủ trương “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” của nhà nước nên nhân công bị sa thải. Không có việc tức là không có tiền trả tiền mướn chỗ ở. Vợ tôi có gánh hàng rong bán chè chuối, chè trôi nước. Thời buổi này ai còn lòng dạ nào mà mà ăn mấy cái món đó. Với lại vợ tôi cũng đâu có được ra đường mà bán hàng. Thế là cả nhà vừa treo giò vừa treo mỏ.

“Phải tính thôi, anh à!”. Nghe vợ tôi thì thào nói vậy, tôi cũng thì thào, hỏi: “Tính sao?”. “Thì bỏ đây kiếm cách về quê mà sống chớ sao. Ở đây chờ chết à?”. Tôi cãi: “Cả triệu người ở đây chết hết sao?”. Vợ tôi thở dài đánh sượt một cái rồi nói: “Anh cứ ngồi đó mà cãi. Hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác. Anh nghĩ đi. Tiền đâu mình trả tiền nhà? Tiền đâu mua đồ ăn thức uống? Rồi con Phương, con Hoài mai mốt tiền đâu sắm sắch vở, áo quần đi học?”. Tôi cố cãi: “Không làm công nhân xây cất thì anh làm thơ trở lại, gửi các báo kiếm nhuận bút sống tạm”. Vợ tôi liếc tôi, cười cười làm tôi tức ói máu.

Cổ nói: “Thơ anh hay dữ! Chỉ đủ để tán con nhỏ ngây thơ là tui hồi đó thôi. Anh làm thơ đăng báo mà kiếm đủ tiền nuôi vợ con, tui đi đầu xuống đất!”. Thấy mặt tôi nhăn như cái bị, vợ tôi dịu giọng: “Em nói quá lố, em xin lỗi. Nhưng đó không phải là kế lâu dài đâu anh”. Tôi vẫn cố vớt vát: “Nhưng mà anh thương cái thành phố Sài Gòn này quá, bỏ đi không đành. Nó nuôi sống gia đình mình bao nhiêu năm nay, bây giờ nó yếu nó bịnh, mình bỏ đi. Anh thấy mình giống như kẻ phản bội, vô ơn”. Vợ tôi cầm tay tôi, rớm nước mắt: “Bộ anh tưởng em không thương Sài Gòn sao? Thương đứt ruột chớ! Nhưng anh nghĩ coi, mình phải thương đám con mình trước. Rồi mai mốt yên yên, mình trở lại Sài Gòn sống cho đến hết đời. Anh bằng lòng chưa?”

Nghe vợ nói có lý, tôi xuôi xị. Thôi, đành tính chuyện rời Sài Gòn về quê Phú Yên. Ở đó vẫn còn có anh Hai và chị Tư tôi. Bên vợ tôi cũng có mấy người họ hàng. Chúng tôi lấy nhau rồi bỏ quê tìm về Sài Gòn sinh sống cũng mười mấy năm rồi nhưng vẫn liên lạc thường xuyên. Thỉnh thoảng cũng gửi chút quà cáp về. Có năm chúng tôi còn chơi sang sắm sửa về quê ăn tết. Bây giờ về, chắc anh chị em cũng không nỡ để gia đình tôi chết đói. Nói cho ngay, chúng tôi rời Sài Gòn không phải vì sợ Cô Vy Cô Na gì cả. Chúng tôi đi vì sợ cả nhà chết đói.

Bây giờ đi. Nhưng làm sao đi? Ngõ thì giăng dây, chỗ nào cũng có chốt, đi cách gì? Vợ chồng tôi đang nhăn nhó thì ngoài đường có tiếng la lớn: “Được giải thoát rồi. Ngõ hết bị giăng dây rồi. Thế rồi tiếng nọ đáp lại tiếng kia om sòm, chó cũng đua nhau sủa. Bọn chó này khôn thiệt! Mấy bữa ngõ bị giăng dây, chúng không dám sủa một tiếng. Bây giờ đua nhau sủa cho đã mõm.

Thấy có chút tia hy vọng le lói, tôi lên tinh thần, bàn với vợ: “Hành trang của mình cũng gọn thôi. Cái xe Suzuki bèo của anh chạy còn ngon lắm, mà lại có thể chở nặng được nữa. Vợ chồng mình với ba đứa nhỏ leo lên vẫn đủ chỗ, ôm thêm mớ quần áo và ít đồ ăn nước uống. Thế là xong, còn bỏ lại hết.” Bỗng con Hoài (lại nó) ở đâu chen vào: “Còn con Milou nữa chi, ba? Ba bỏ nó lại thì con ở lại với nó luôn, không đi đâu hết!” Tôi nạt ngang: “Không lu không gáo gì hết. Chết tới nơi rồi mà còn lu!”. Con nhỏ khóc rấm rứt chạy ra ngoài, tay vẫn ôm con Milou.

Tôi cắt nghĩa cho vợ: “Từ Sài Gòn về Phú Yên mình xấp xỉ 500 ki-lô-mét. Căng chứ không phải thường đâu. Nhưng rồi mình cứ chia theo từng chặng mà đi. Trước hết mình rời đây đi Đồng Nai, gần một trăm kí-lô-mét. Chặng thứ hai là từ Đồng Nai đến Phan Thiết, chừng một trăm rưỡi kí-lô-mét, rồi từ Phan Thiết đi Ninh Thuận. Chặng kế là từ Ninh Thuận đến Khánh Hoà, cỡ một trăm mười bốn kí-lô-mét. Chặng chót là từ Khánh Hoà tới Phú Yên quê mình, cỡ một trăm sáu mươi kí-lô-mét.”

Nghe qua, vợ tôi có vẻ lo ngại: “Mà… liệu chừng anh chạy nổi 500 kí-lô-mét đó không?” Tôi hùng hồn: “Em đừng coi thường nhà thơ lỡ vận làm công nhân xây cất này nha. Anh chấp mấy tay phượt chuyên nghiệp chạy xe đường dài luôn đó, coi ai ngon hơn ai”. Vợ tôi nghe tôi nói chắc nịch (và hùng hổ) nên có vẻ tin tưởng. Phần tôi, tôi quên là mấy tay phượt chuyên nghiệp hành lý gọn bâng, lại cưỡi mấy con chiến mã như Vision hay Wave Alpha vượt muôn dặm đường dài không biết mệt. Con Suzuki cũ mèm giá bèo bốn triệu rưỡi của tôi sánh sao được. Biết vậy nhưng tôi nín thinh không nói ra làm chi cho vợ nó khi.

Theo lệnh tổng chỉ huy là tôi, vợ tôi và các con chuẩn bị sẵn sàng. Con Hoài tay vẫn ôm khư khư con Milou khiến tôi cũng chịu thua. Con chó rất khôn, nó nằm yên ngoan ngoãn, không sủa nhắng lên như mọi khi. Tôi leo lên xe. Ngồi sát tôi là vợ tôi, hai tay không ôm eo tôi mà ôm thằng Tâm. Kế đó là con Hoài, tay ôm con Milou. Giữa nó và con Phương là một mớ quần áo, cuối cùng là con Phương. Chỗ ngồi của nó chỉ còn một mẩu yên xe nhỏ, nửa cái của mông nó ở bên ngoài yên xe. Tội nghiệp con nhỏ, mới nhiêu tuổi mà đã biết nghĩ.

Rồ máy xe, tôi lầm rầm khấn khứa: “Xin ông bà phù hộ cho tụi con đi đến nơi về đến chốn. Ba ơi, bữa nay con đưa con vợ con với ba đứa Phương, Hoài, Tâm về quê nè ba. Ba phù hộ cho tụi con đi trót lọt nghe ba. Về tới quê con cúng ba con gà với xị rượu đế”.

Bà con trong hẻm thấy chúng tôi, đưa tay vẫy, nói với theo: “Về quê trốn dịch, trốn đói hả? Đi bình an nha tụi bây. Nhớ bà con cái hẻm này nha”. Thím Năm Chửi (bà con đặt cho thím cái tên đó vì thím chửi lộn rất nghề) chạy vội theo, nhét vào tay con Phương cái túi ni-lông đựng năm, sáu ổ bánh mì. Thím nói: “Thực phẩm… thiết yếu nha tụi bây! Đi đường đói quá thì ăn tạm. Chúc tụi bây đi trót lọt”.

Mắt tôi cay cay, rồi nhòa đi. Sài Gòn ơi, từ biệt nhé. Bà con ơi, chào nhé. Tụi này sẽ không quên ai đâu.

Tôi trấn tĩnh, phóng xe đi. Trong đầu nghĩ tới chuyện lên Quốc lộ 1A khi đến khúc cầu Đồng Nai làm sao qua được nút chặn ở đó. Phú Yên ơi, đường còn xa quá là xa…

Hình như sau lưng tôi, vợ tôi đang khóc rấm rứt.

*****

Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do báo Saigon Nhỏ tổ chức, dành cho mọi người Việt ở mọi nơi trên thế giới, với giải nhất $5,000 trong tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: