“Tôi vội vã trở về
Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen.
Dù chỉ là một chiều sương giăng lối cũ…”
Tôi vẫn phải ra đi, như một số phận ly hương theo định mệnh đã an bài từ thuở lọt lòng. Và vẫn ao ước được trở về hẳn nơi hằng lưu dấu bao kỷ niệm và hoài bão năm nào. Bước thật nhanh vào cổng sân bay mà không dám ngoảnh đầu nhìn lại, như để trốn tránh và bỏ lại sau lưng mảnh đất khí trời quê hương đã sinh và dung dưỡng cho hình hài của tôi.
Nhiều năm trước đây, do tính chất đặc thù của công việc, tôi từng đưa tiễn biết bao lượt người qua cổng sân bay để họ xuất ngoại mưu sinh theo các hình thức hợp tác lao động. Như một định mệnh hoặc một sự vay trả nghề nghiệp, ngờ đâu một ngày nào đó trong cuộc đời, tôi lại tự đưa tiễn chính bản thân mình viễn du đến vùng trời khác. Và họ khác tôi khi có ngày về mặc định sẵn trong tờ hợp đồng lao động, với tôi ngày về xa tít tắp và mờ ảo như mù sương bất tận.
Nếu không xét đến các yếu tố, hình thức tỵ nạn khác nhau đang diễn ra một cách thầm lặng nhưng ồ ạt hàng ngày. Có những chuyến ra đi là mang theo khát vọng đổi đời, khát vọng tự do nơi chân trời mới. Dứt bỏ lại sau lưng tất cả những gì thuộc tháng ngày cũ, cũng như một sự đoạn tuyệt với quá khứ.
Ngược lại cũng có những chuyến du hành với những bước chân vô định… Ngày ra đi, bước chân tôi như nặng trĩu, cho dù đã xỏ chân vào một đôi giày rất nhẹ nhằm chuẩn bị cho cuộc hành trình xa tít tắp.
“Vội vã trở về, vội vã ra đi
Chẳng thể nào qua hết từng con phố…”
Vội vã đến mức như một quy trình công nghiệp đã lập trình sẵn, vẽ lộ trình cho những cuộc ghé thăm chớp nhoáng và biếu chút quà phương xa như những thủ tục đáp lễ chỉ chừng mươi phút. Rồi lại vội vã ra đi đến những điểm khác theo lộ trình.
Tôi cảm thấy rất mệt mỏi và áy náy thậm chí đến mức ghê tởm với những cuộc thăm viếng ngắn ngủi đến thô lỗ giả tạo của mình. Tôi hiểu rằng những người thân, những điểm đến đều thương cảm cho sự vội vã cộc lốc của mình. Cái họ cần là tôi lắng ngồi bên họ lâu hơn chút xíu nữa, cần tôi ăn với họ một bữa cơm, hoặc nhiều hơn là đặt lưng nghỉ lại một đêm để hàn huyên với họ qua bao ngày xa cách.
Nhưng khốn nạn thay, tôi không đủ thời gian để đáp ứng nhu cầu đáng nên có của họ và của cả bản thân tôi.
Đêm về, gượng qua những mệt mỏi của thể xác, rong tìm lại những con đường, hàng cây, góc phố, hoặc vỉa hè của năm cũ để mong khỏa lấp vết thương lòng nhung nhớ. Than ôi, hầu như mọi sự vật đều đã đổi thay.
Còn chăng, chỉ là khi đứng tại nơi cũ, nhắm nghiền đôi mắt, hồi tưởng đưa mình về lại muôn năm cũ: Mọi hình ảnh, sự vật, con người được tái hiện lại như những đoạn phim cũ rời rạc trong ký ức, như một khối thời gian cô đọng như chưa hề trôi lạc. Mở choàng mắt, con đường vắng với những chiếc xe lọc cọc thưa thớt đã biến mất, những tiếng rao não lòng như tiếng chim lạc tổ cho thực khách đêm khuya cũng mất hút. Thực tại sáng choang với muôn ánh đèn màu xanh đỏ, với đông đúc đoàn người xa lạ, chen chúc nhau trong những bộ trang phục cũng khác lạ, giống như một thế giới khác, một thế giới như tôi chưa hề tồn tại.
“Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa Ô
Như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ
Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế…”
Quê hương tôi không phải là Hà Nội, nhưng dáng hình những bóng cửa Ô qua những cánh đồng lúa bát ngát như vô tận, các lùm cỏ lác, các rạng dừa nước chen lẫn bóng những cây bần trĩu quả ven sông rạch…, những ngôi nhà lợp lá dừa lúp xúp khép mình bên bờ rào bông bụp hoặc so đũa…
Biết bao hình tượng “bóng cửa Ô” chập chờn hiện ra đối với những con người tha phương viễn xứ giống như tôi. Và tôi tin rằng, trong một thời khắc bất chợt nào đó, tâm can họ sẽ sẽ quặn thắt lại khi vô tình nghe một khúc nhạc gợi nhớ, hoặc cảnh vật tương đồng với một trong các hình bóng “cửa Ô” đã in hằn trong tâm khảm họ…
Nơi tôi đang trên đường quay về là xứ sở của triệu người ước mong được đặt chân đến. Với tôi, nơi đó có lẽ mãi chỉ là quê hương của các con tôi. Nơi chúng sinh ra và đang trưởng thành từng ngày một. Ở đó chúng cùng bao đứa trẻ khác được thừa hưởng mọi ưu đãi, điều kiện tốt nhất dành cho thế hệ tương lai, với mỗi món ăn khi đút vào miệng mà không phải lo sợ bị đầu độc từng ngày từng ngày. Theo từng nhịp thở trong lồng ngực nhỏ bé của chúng là bầu khí quyển trong lành không bị ô nhiễm nặng nề như trên quê hương tôi. Tại đấy, nhân quyền và tự do luôn được đặt lên hàng đầu. Và cũng là nơi có môi trường giáo dục tốt hơn quê tôi gấp nhiều lần.
Vùng đất hứa với mọi thứ dường như trọn vẹn, nhưng chưa bao giờ trọn vẹn về cảm xúc với tôi mỗi khi đau đáu thả ngược hồn mình về miền đất mang tên quê nhà. Tôi luôn cảm nhận mình vẫn không thuộc về nơi ấy, mà như đang sống một kiếp cộng sinh trên xứ người hoặc có thể tự diễn giải là quê hương của con cái mình.
Kiếm tìm đâu ra trên đất khách vị mặn mồ hôi của mẹ, mỗi lúc bà gò lưng chở tôi vượt qua chiếc cầu Công Lý trở về nhà, sau chiếc xe đạp mini màu xanh cũ kỹ.
Tôi vẫn nhớ như in, những nửa vòng bánh xe bò hay thổ mộ, được đắp nổi chạy dọc đều trên hai bờ tường rào suốt gần trọn con đường Công Lý ngày trước. Không hiểu đó là biểu tượng gì, mỗi khi tôi vẫn ngồi sau lưng mẹ nhẩm đếm xem qua bao nhiêu vòng bánh xe thì mình gần đến nhà. Sau này tôi nhớ lại và tự cho rằng, có lẽ những vòng bánh xe thiên lý ngày ấy như vòng luân hồi biểu lộ cho sự tuần hoàn xoay chuyển cuộc nhân sinh. Con đường đã gần như bị hóa kiếp, bờ rào với những nửa vòng bánh xe cũng biến mất, nhưng đâu đó nó vẫn hiện sinh trong đầu tôi và trong trí nhớ của rất nhiều người khác.
Tôi thèm được hít hà vị hăng khét của nắng đậu lại trên tóc trên da thịt của má sau buổi phơi lúa trong ngày nắng nóng nổ đầu. Mùi hương nồng của đất sình cho cây lúa trĩu vàng bông, vị khắm của những bao còng khô trong mùa thả vịt chạy đồng…
Tôi nhớ đến tiếng con chim bìm bịp kêu mỗi trưa khi con nước đổi giòng, tiếng hàng tre rì rào khi nhận được cơn gió thoảng. Và cả tiếng côn trùng rả rích, cùng tấu lên khúc nhạc nỉ non như những lời tình tự, trong đêm tận cùng sau cơn mưa rào.
Tự thuở nào, linh hồn cùng hơi thở của tôi như đã thoát thai, cắm chặt vào với mảnh đất thân thương quê nhà.
“Quê hương mỗi người chỉ một” – nhà thơ Đỗ Trung Quân đã viết nên vần thơ, như một mặc định không cần bất kỳ sự lý giải hoặc lời chứng minh.
“Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng”
Con diều biếc ngày nào của chúng tôi, đã đứt dây từ thuở nào trong ký ức, chắc nó đã băng đồng bay lắc lay mãi trong khoảng không vô tận. Cánh diều đã xa rời cội rễ, cũng ví con người bị bứng khỏi làng quê.
Khi lìa xa xứ sở, dù với bất kỳ lý do hoặc mục đích nào đó, chắc chắn sẽ có những ngày tự trầm ngâm, nỗi nhớ khi da diết khi cồn cào như tựa bầy kiến lửa đang gặm ngấm gan ruột, và miên man hồi tưởng lại một miền quê. Mỗi người chúng ta chỉ có thể che đậy cảm xúc của mình với những người khác, nhưng lại không tài nào giấu được với chính bản thân chúng ta.
*****
Muôn nẻo đường đời (những chuyến ra đi và những điều kể lại) – cuộc thi do SGN tổ chức, với tổng giải thưởng gần $30,000. Bài vở xin gửi về [email protected]. Vui lòng xem Lời mời cuộc thi để biết thêm chi tiết. Thân kính.