Hôm 24-4-2021, Tổng thống Joe Biden đã chính thức thừa nhận vụ diệt chủng của Đế chế Ottoman nhằm vào người Armenia, xảy ra vào năm 1915.
Hơn 1,5 triệu người Armenia đã bị sát hại trong hơn một năm, từ tháng 4-1915 đến tháng 7-1916 bởi binh lính Ottoman.
Khi đưa ra quyết định trên, ông Joe Biden đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử nhìn nhận các vụ thảm sát người Armenia là “diệt chủng”.
Từ hơn một thế kỷ nay, chính phủ Armenia cũng như người dân nước này đã nỗ lực không ngừng kêu gọi cộng đồng quốc tế thừa nhận vụ thảm sát trên là một “cuộc diệt chủng”. Cho đến năm 2017, tội ác này đã được Nghị viện của 29 quốc gia trên thế giới nhìn nhận như vậy.
Không khó để tiên đoán phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan, người luôn có những tuyên bố và hành động được cho là khiêu khích Liên minh Châu Âu cũng như nước Mỹ.
Ngày 23-4, ông Biden đã gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan để thông báo về quyết định này. Theo tờ “Guardian”, cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã diễn ra căng thẳng.
Tổng thống Biden đã viết trong bản thông cáo: “Người dân Mỹ vinh danh tất cả những người Armenia đã thiệt mạng trong vụ diệt chủng xảy ra 106 năm trước. Từ ngày 24-4-1915 với việc bắt giữ những người trí thức và lãnh đạo cộng đồng người Armenia của chính quyền Ottoman, trên 1,5 triệu người Armenia đã bị trục xuất, bị tàn sát hoặc đầy đọa tới chết”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định lịch sử. Chúng tôi không làm điều này để gây đau khổ cho bất cứ ai nhưng để đảm bảo rằng những gì đã xảy ra sẽ không bao giờ tái diễn nữa”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã lập tức phản ứng bằng cách tố cáo “sự chính trị hóa của các bên thứ ba” trong cuộc tranh cãi này. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận định thêm rằng quốc gia của ông “không nhận một bài học nào từ bất kỳ ai về lịch sử của mình”.
Tổng thống Joe Biden đã từng hứa rằng ông sẽ có một quyết định rõ ràng về vấn đề Armenia trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ vừa qua. Ông và Erdoğan cũng đã thỏa thuận sẽ gặp nhau tại cuộc họp thượng đỉnh của NATO tại Bruxelles vào tháng 6-2021 tới.
Quyết định của Tổng thống Biden mang không ít tiềm ẩn nguy cơ khiến quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào một tình trạng căng thẳng mới.
Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh lâu năm của Mỹ và là một thành viên NATO, từ trước tới nay vẫn luôn kịch liệt phản đối việc các nước coi các vụ sát hại người Armenia của Đế chế Ottoman năm xưa là diệt chủng. Ankara từng không ít lần khuyến cáo Washington về điều này.
Ông Biden tuyên bố vẫn xem Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác nghiêm túc và bày tỏ thiện chí thiết lập “mối quan hệ song phương mang tính xây dựng” với quốc gia này.
Hạ viện Hoa Kỳ đã công nhận Cuộc diệt chủng người Armenia vào tháng 12-2019 trong một cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng, nhưng cựu Tổng thống Donald Trump, người có quan hệ khá tốt với Recep Tayyip Erdoğan, từ chối sử dụng từ “diệt chủng”. Ông chỉ nói về “một trong những hành động tàn bạo giết người hàng loạt tồi tệ nhất trong thế kỷ 20”.
Trong một cuộc họp với các cố vấn, ông Erdoğan đã cảnh báo rằng ông sẽ tiếp tục “bảo vệ sự thật chống lại những người ủng hộ lời nói dối của cái gọi là diệt chủng Armenia (…) vì những mục tiêu chính trị”.
Trên phương diện pháp lý, thông cáo của ông Biden sẽ không có hiệu lực. Nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng với một Thổ Nhĩ Kỳ mà ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mô tả là “một đối tác chiến lược” tuy nhiên “về nhiều khía cạnh không cư xử như một đồng minh”.
Ông Biden cũng khẳng định rằng: “Chúng ta không bao giờ được quên hoặc giữ im lặng về chiến dịch tàn sát khủng khiếp và có hệ thống này. Nếu chúng ta không hoàn toàn nhìn nhận đó là tội ác diệt chủng, nếu chúng ta không tưởng nhớ nó, nếu chúng ta không giảng dạy nó, thì cụm từ “không bao giờ nữa” sẽ chẳng có nghĩa lý gì”.
Bất chấp những yêu cầu và áp lực từ cộng đồng người Armenia tại Mỹ nhưng chưa có bất kỳ một vị Tổng thống Hoa Kỳ nào, từ Cộng hòa đến Dân chủ, đã nhìn nhận cuộc “diệt chủng” này vì không muốn làm tức giận Thổ Nhĩ Kỳ.
Dẫu cho đã có nhiều nhà sử học quốc tế công nhận cuộc diệt chủng Armenia nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn luôn phủ nhận một cách quyết liệt. Họ chỉ chấp nhận đó là những cuộc thảm sát bộc phát từ cuộc nội chiến tại Anatolia cộng với nạn đói đã gây ra cái chết cho khoảng 300.000 đến 500.000 ngàn người Armenia. Theo Ankara, cũng chừng đó số người Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong sự kiện ấy.
Theo Aryeh Neier, Chủ tịch Danh dự của Tổ chức Xã hội Mở (Open Society Foundation) và là người đồng sáng lập Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, Thổ Nhĩ Kỳ nên đối mặt với những tội ác trong quá khứ, giống như cách nước Đức đã làm đối với nạn diệt chủng holocaust.
Lịch sử khủng khiếp của nước Đức là điều không thể chối cãi nhưng thái độ cũng như cách ứng xử của họ đã khiến nước Đức ngày nay trở thành một trong số rất ít các quốc gia được ngưỡng mộ. Đức cũng có quan hệ rất tốt với những quốc gia từng chịu thống khổ bởi chế độ Đức quốc xã.
Nạn tàn sát người Do Thái được cả thế giới nhìn nhận là đã thuộc về một thời kỳ khác, và hoàn toàn không đại diện cho những người lãnh đạo và nhân dân của Đức của ngày hôm nay.
Đối với Aryeh Neier, cách tốt nhất để một quốc gia phục hồi thanh danh của mình là chấp nhận nhìn vào sự thật, về quá khứ tàn bạo cùng những trách nhiệm liên quan, về cả mặt biểu tượng và vật chất, rằng quốc gia đó còn mang nợ những nạn nhân và cả cộng đồng những người sống sót. Chỉ khi ấy, quốc gia đó mới vạch ra được một ranh giới rõ ràng giữa quá khứ và hiện tại.
Tuy nhiên, với một chính khách nhiều tham vọng và mang tư tưởng độc đoán cũng như dân túy như Recep Tayyip Erdoğan, thì khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận lịch sử và nhìn nhận cuộc “diệt chủng Armenia” là điều không tưởng, ít nhất trong thời điểm hiện tại. Người Thổ thừa biết vị trí trọng yếu cũng như chiến lược trên bàn cờ địa chính trị của họ đối với Liên Âu cũng như đối với người Mỹ.
Những động thái được cho là “gần gũi” giữa Ankara và Nga cũng như Trung Quốc đều là những nước cờ chính trị có chủ đích từ Erdoğan, nhất là trong bối cảnh người Mỹ từng “thờ ơ” với đồng minh cũng như vị thế yếu kém của Liên Âu.
Tổng Thống Biden từng tuyên bố muốn đặt việc bảo vệ nhân quyền làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Một trong những hành động tích cực mang chiều hướng ấy là việc chính phủ của ông đã xác nhận cáo buộc “diệt chủng” được đưa ra trong những ngày cuối cùng dưới nhiệm kỳ của Donald Trump chống lại Trung Quốc vì những cuộc đàn áp tàn bạo nhắm vào thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Sự trở lại năng động của nền ngoại giao Mỹ trong những tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng Thống Biden hy vọng sẽ mang lại những tín hiệu nhỏ nhoi và lạc quan cho những mảnh đất hay cộng đồng thiểu số đang bị đàn áp và bị tước đoạt nhân quyền.
Người Armenia vẫn tổ chức lễ tưởng niệm cho cuộc diệt chủng vào ngày 24-4 và năm nay, họ cảm thấy bớt lạc lõng khi những tiếng kêu gào đớn đau của cả một dân tộc, từ hơn một thế kỷ nay, đã có thêm sự đồng hành, dẫu chỉ tượng trưng, của Tổng thống Hoa Kỳ và người dân Mỹ.
Chợt nhớ đến những trí thức Thổ Nhĩ Kỳ như nhà văn Orhan Pamuk, Giải Nobel Văn chương 2006, bất chấp những đe dọa tính mạng, đã không ngừng lên tiếng kêu gọi Sự thật.
Hay Charles Aznavour, ca sĩ nổi tiếng người Pháp gốc Armenia. Ông là một gương mặt bảo vệ chính nghĩa Armenia bền bỉ đến cuối đời với những lời ca làm rung động lương tâm của mỗi chúng ta:
Ils sont tombés sans trop savoir pourquoi
Hommes, femmes et enfants qui ne voulaient que vivre… (*)
(Họ đã ngã xuống, không biết vì sao
Đàn ông, phụ nữ và trẻ thơ, những người chỉ muốn sống…)
NEVER AGAIN!
Đã đến lúc lương tâm nhân loại cần phải thức tỉnh!
Ghi chú:
(*) Ca khúc “Ils sont tombes” (Họ đã ngã xuống).