Kính tưởng nhớ và tri ơn những người lính Việt Nam Cộng Hòa với lòng trân quý…
Năm lên bảy tuổi, bố tôi theo ông bà nội di cư từ Hà Nội vào Hội An-Quảng Nam, vài năm sau, gia đình dời vào Qui Nhơn. Sau 1975, ở tù cải tạo về, bố lên Đà Lạt lập nghiệp và giờ bố xuống Sài Gòn ở với chị em tôi, an hưởng tuổi già.
Bố tôi sống ở nhiều nơi như thế vì hoàn cảnh đổi thay của thời thế, do việc kiếm sống không cần giao tiếp nhiều và cũng không ưa rượu chè, nên số bạn thân xưa giờ của bố chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và rất lạ, những người bạn được bố xem là tri kỷ thì đa phần đã là người thiên cổ. Họ đều ra đi khi tuổi còn rất trẻ:
Chú Lê Thái Chân học với bố từ năm lớp đệ thất đến đệ nhị trường Tân Bình, ngôi trường của bà cố vấn Ngô Đình Nhu xây dựng, sau đổi thành trường Nữ trung học Qui Nhơn. Vào thập niên 1960, thi tú tài II trải qua hai đợt: thi viết và vấn đáp. Chú Chân đậu phần viết nhưng rớt vấn đáp (cả Qui Nhơn, kỳ thi ấy chỉ có năm người trúng tuyển). Chú Chân buồn vì “học tài thi phận” nên “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Chú chọn binh chủng nhảy dù thiện chiến, gan dạ.
Một thời gian, chú lên hàm Đại úy – pháo đội trưởng pháo binh. Lần cuối hai người gặp nhau là khi chú dẫn lính đi học ở quân trường Lam Sơn. Lúc vào trại tù cải tạo, bố gặp chú Tước là pháo đội phó của chú Chân. Chú Tước kể: hồi 1975, Khánh Dương (nằm trên đèo Cả) là trận đánh lớn cuối cùng ở miền Trung cố giữ không để mất miền duyên hải vào tay quân Bắc Việt. Lữ đoàn dù bị pháo tan tác. Sau trận đánh, những người lính dù còn sống đều bị bắt giam vào trại Lam Sơn, nhưng không thấy Lê Thái Chân, có lẽ chú đã mất trong trận mưa pháo.
Trong một tấm hình đen trắng của bố còn giữ, chú Võ Ngọc Bích là một chàng trai có nụ cười tươi tắn, áo bỏ vào quần, đeo kính mát đen bên chiếc xe BS 68 đứng cạnh bố tôi bên bờ biển. Chú Bích cũng là lính và trong một trận đánh, chú bị bắt ở Bồng Sơn. Năm 1972 khi hai bên chiến tuyến trao trả tù binh, không có chú trở về. Bởi trước đó, trong một đêm núi rừng Trường Sơn lạnh giá, chú nằm bên đống lửa sưởi ấm không may bị bỏng. Không được chữa trị nên chú bị nhiễm trùng và qua đời. Mộ phần chú nằm đâu đó trong rừng sâu.
Sau khi ở tù cải tạo về, bố gặp lại chú Đặng Trần Dũng cùng khóa huấn luyện tân binh với bố ở quân trường Lam Sơn. Trong mảnh vườn sâu hút ở An Bình, Đà Lạt, không có gà vịt, chú làm thịt chó đãi bố và chú Khê, rồi chú về Sài Gòn tính chuyện vượt biên. Chú nhắn bố đi cùng nhưng bố chưa thu xếp được tiền bạc thì đã nghe tin chú mất, bỏ xác ngoài biển Đông.
Tôi nhớ những buổi trưa, khi chú Nguyễn Văn Hùng qua nhà tôi, chưa bước tới cổng đã nghe chú cất tiếng gọi tên bố. Người trong xóm hay gọi chú là Hùng Móm vì gương mặt có hàm dưới méo lệch. Chú là lính thiết giáp, trong trận đánh ở Cai Lậy, chú bị trúng mảnh đạn, bể cả xương hàm. Điều trị ở Quân Y Viện Cộng Hòa, vết thương chưa ổn thì đến ngày 30-4, chú buộc phải rời viện về quê ở Đơn Dương. Chú chịu đau để xương tự lành vì không có tiền chữa trị. Nhìn bên ngoài chú có vẻ khỏe khoắn nhưng thật ra việc ăn uống của chú vẫn khó khăn, cơm rơi cả ra ngoài khi nhai nuốt và lúc trở trời thì đau nhức khắp thân. Bố cùng chú chia nhau ly cà phê, điếu thuốc mỗi lần gặp mặt. Khi chú ra về, xuống con dốc nhỏ, dáng cao liêu xiêu trong trời chiều sẫm tối. Trời thương cho chú gặp cô Thủy gắn bó cùng nhau, nhưng khi cuộc sống vừa sung túc thì chú lại ra đi vì bệnh ung thư gan.
Cả những người bạn còn ở lại trần gian, bố cũng ít có dịp gặp họ:
Chú Lễ là thương gia tài giỏi, có trang trại trồng điều. Chú ở Sài Gòn nhưng bị đau tim nên không đi xe được, bố thì ngại ra khỏi nhà nên thi thoảng hai người mới gặp nhau.
Sau những lần đóng tàu vượt biên không thành, mất gần hết tài sản, chú Phạm Bình Nhơn một người phúc hậu hiền lành, mở một quầy bán sách cũ, chú đọc nhiều hiểu biết rộng. Không may, sau đó chú bị bệnh Alzheimer, chú dần dà quên hẳn người thân, bạn bè, sách vở. Rồi chú được vợ con bảo lãnh sang Mỹ. Giờ, mỗi khi đi ngang con đường bán sách báo cũ ấy, bố tôi bâng khuâng tự hỏi: chú Nhơn giờ ra sao, đang trong một căn nhà khóa kín cổng hay trong một khu dưỡng lão nào đó?
Chú Nguyễn Hữu Nghiệm là bạn tri kỷ với bố từ lúc còn đi học đến ngày nay, họ gắn bó với nhau suốt thời kỳ trong quân đội. Ngày trẻ chú là mẫu người lính đa tình: cao to, hào hoa và lãng tử. Chú Nghiệm bị tù cải tạo đến bảy năm nhưng khi làm giấy tờ, chú cùng đợt phỏng vấn HO với bố. Hồ sơ của chú được chấp thuận còn của bố bị từ chối. Ngày chú tiễn gia đình tôi lên xe về lại Đà Lạt, tôi nhớ mãi. Trong làn nước mắt, hình ảnh chú nhìn theo xe ám ảnh chúng tôi một thời gian dài. Chú qua Mỹ, thương chị em tôi, mỗi năm đều gởi tiền lì xì về. Số tiền là món quà lớn đủ cho gia đình tôi ăn Tết. Khi chúng tôi lớn lên đi làm, nó thành tặng phẩm tượng trưng cho tình bạn của bố. Sau này, chú Nghiệm về Việt Nam thường xuyên, ghé thăm bố, cùng nhau ôn lại chuyện xưa, lúc trầm ngâm, khi cười ha hả. Lúc ra về, chú luôn chào từ biệt với câu: Sang năm không biết còn đủ sức khỏe để trở về không đây!
Mỗi khi có việc thăm cô Tư tôi ở Phù Cát, bố thường về Qui Nhơn, nơi sống thời thanh xuân đẹp nhất của mình. Bố không quên thắp nhang ngôi mộ bà cố linh thiêng. Tôi được nghe kể: một đêm trong tháng Tư năm 1975, trên đèo An Khê, đơn vị của bác Cả tôi bị chặn đánh. Bác Cả chạy vào rừng ẩn nấp trong một khu nghĩa địa. Sáng ra, bác mới biết mình đang nằm ngay mộ của bà cố. Bà cố đã phò trợ cho người cháu đích tôn nên bác được trở về Qui Nhơn bình an trong khi đồng đội nhiều người chết và bị bắt.
Bố thăm ngôi nhà ở khu Kiến Thiết Cục nhìn lại những kỷ niệm ngày xưa in bóng bà nội bên buồng chuối cạnh giếng nước; cô Tư dịu dàng từng làm chú Nhơn say đắm; căn gác nhỏ nơi cùng bạn bè học bài, chiếc cửa sổ bố đã trèo qua, trốn nhà đi chơi khuya…
Bố đến cảm ơn bà Thương, người hàng xóm tốt bụng từng đi thăm bác Cả trong tù, khi gia đình nội tôi ở mãi Đà Lạt. Bố ghé quán cà phê Bốn Mùa, ngắm lại bờ biển tìm hình bóng chú Nhơn, sóng dạt vào bờ thấp thoáng hình ảnh chú Bích trên xe gắn máy đem gà-mên thức ăn của bà nội gửi, chạy về Phú Tài đưa cho bố, vì bà sợ bố ăn cơm lính chưa quen. Bố đứng cửa nhà chú Lê Thái Chân tưởng nhớ người bạn thông minh vắn số…
Cách đây một năm, chú Nghiệm từ Mỹ gọi điện về, giọng như reo: “Tao báo cho mày một tin vui. Bạn mày, Lê Thái Chân chưa chết. Tao mới đọc được một câu chuyện vượt tù của trại A 30 Xuân Phước. Tao chắc người trốn thoát được ấy là thằng bạn mày. Giờ nó đang ở Mỹ mà tao không biết ở đâu. Tao gởi thư đến các tờ báo tiếng Việt, mong họ tìm giúp”.
Bố vui mừng như tìm lại một vật quý giá. Bố tìm đọc những bài viết về chú “… Ở trại tù Xuân Phước thì con kiến cũng không ra lọt… Vậy mà năm 1980, có bảy anh em (trong đó có Trung Úy Trần Lưu Úy, phi công F-5; Đại Úy Lê Thái Chân, Pháo binh Dù) trốn hoát khỏi trại, giết một tên chủ tịch xã người thượng, cướp súng đi về hướng Phú Bổn; nhưng sau đó bị du kích Thượng truy đuổi và bắn chết hết, chỉ còn Lê Thái Chân bị bắt về chịu án 18 năm” (trích từ Quang Phục Võ Văn Sáu)
Bao đêm bố không ngủ, bố nhớ chú. Một thuở sống hào hùng tưởng đã chết lịm nay trở về mồn một như hôm qua, hình ảnh người bạn trong bộ quân phục đội mũ đỏ làm bố quay quắt. Bố nhớ như in cái đầu “sọ khỉ” của chú, mà một giáo sư dạy thời đó từng khen: chưa gặp học trò nào thông minh như chú! Bố ngậm ngùi nghĩ chú thanh cảnh thư sinh mà bị đọa đày 18 năm, biết thân xác có còn nguyên vẹn khi trở về, thời gian tù đày quá dài để con chú trưởng thành mà không có cha bên cạnh. Bố tìm chú nhưng như mò kim đáy biển.
Một năm trôi qua, bỗng hôm kia, bác Cả từ Boston gọi tôi báo rằng “Bác đi họp mặt gây quỹ giúp những người của phong trào Dân Sự ở Việt Nam, nghe hai người cùng dự nói chuyện về quê Phú Yên, Qui Nhơn. Hỏi thăm thì ra đó là chú Lê Thái Chân, bạn bố cháu. Chú ấy ở gần bác mười mấy năm, cùng sinh hoạt cộng đồng với nhau mà không hề biết. Bác cho số điện thoại để bố cháu liên lạc”.
Thế là bố gọi điện cho chú. Hình ảnh hai người hiện qua video chat, bố và chú nhìn nhau, nghẹn ngào. Đã 50 năm, bố và chú lúc bắt đầu thân nhau còn nhỏ hơn chị em chúng tôi bây giờ. Mái tóc cả hai nay đều bạc trắng.
Cuộc nói chuyện cứ ngập ngừng bởi chú và bố không dừng được xúc động. Chú nhắn tin: “Tao đang khóc”.
Bên này bố cũng đang khóc…
Giọt nước mắt dành cho tình bạn bao nhiêu năm tưởng chừng đã rơi vào hư không nay được hồi sinh lại.
Giọt nước mắt khóc cho tuổi thanh xuân với 18 năm trong địa ngục trần gian của chú và cuộc đời lây lất không niềm tin của bố.
Giọt nước mắt tiếc thương những huynh đệ chi binh, tiếc thương một lý tưởng hào hùng.