Nửa đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6 Tháng Sáu 1944, Chiến dịch Overlord chính thức bắt đầu. Quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandie, miền Bắc nước Pháp, tấn công Bức tường Đại Tây Dương mà quân Đức đã dựng lên theo lệnh của Hitler (kéo dài từ Na Uy xuống đến Tây Ban Nha với 500,000 chướng ngại vật, sáu triệu quả mìn chống chiến xa…) với mục tiêu giải phóng Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg, các nước Bắc Âu và tiến đến Berlin…
NHỮNG ĐOÀN TÀU TRÊN BIỂN MANCHE
Khoảng hơn 152,000 sĩ quan và binh sĩ phe Đồng Minh (Anh, Mỹ, Canada, Úc, Tân Tây Lan và 213 công dân Pháp) sẵn sàng đối phó với đại bác, cao xạ phòng không, đại liên, trung liên, tiểu liên và súng trường của quân Đức. Vì quân Đồng Minh không chỉ từ các tàu há mồm đổ bộ lên năm bãi mang mật danh (trải ngang từ phía Tây qua phía Đông) Utah, Omaha, Gold, Juno và Sword, tức từ ngôi làng Sainte-Mère Église đến thành phố Caen mà còn nhào ra từ các máy bay vận tải nhẩy dù xuống vài nơi sâu trong đất liền.
Chiến dịch Overlord huy động đến 11,590 máy bay các loại (3,340 máy bay ném bom hạng nặng; 930 máy nay ném bom hạng trung và nhẹ; 4,190 chiến đấu cơ và phóng pháo cơ; 1,662 máy bay chở lính và 3,500 chiếc glider (máy bay bằng gỗ, không gắn động cơ, chở lính, được máy bay vận tải Dakota C-47 trục kéo bay là là phía sau).
*Chiến dịch đổ bộ từ biển mang tên Neptune huy động 1,213 tàu chiến các loại; 4,000 xà lan đổ bộ (mà từ năm 1954 chúng ta quen gọi là tàu há mồm) và 805 tàu chở hàng dân sự được trưng dụng.
*Toàn cuộc đổ bộ, phe Đồng minh tập trung đến 1,222,659 quân lính Mỹ (với 235,682 phương tiện vận chuyển lượng khí tài 1,852,634 tấn) và 829,640 quân lính Khối Thịnh vượng chung (với 202,789 phương tiện vận chuyển lượng khí tài 1,245,625 tấn).
NHỮNG ĐÀN CHIM SẮT TRONG MÀN ĐÊM
Trong màn đêm lạnh buốt ngày 5 Tháng Sáu 1944, hàng dài những người lính thuộc Trung đoàn 505, Sư đoàn dù 82 của Mỹ lục tục cầm súng, khoác ba lô, đạn dược quanh mình nối tiếp nhau leo lên các chiếc vận tải cơ quân sự C-47 Skytrain, 18 lính lên một máy bay. Rồi từng chiếc từng chiếc nối nhau cất cánh, lượn vòng trên trời và sau khi xếp đội hình ba chiếc thành chữ V, từ bên Anh bay vượt biển Manche, hướng về Normandie, miền Bắc nước Pháp. Bước thứ nhất của chiến dịch giải thoát châu Âu khỏi quân chiếm đóng Đức đã bắt đầu!
0:16 ngày 6 Tháng Sáu 1944, đại uý Lillan thuộc Sư đoàn dù 101 từ một chiếc Dakota C-47 nhẩy dù xuống và chạm đất gần làng Saint-Germain-de-Varreville, vùng Cotentin. Anh ta là lính dù Mỹ đầu tiên và là người đầu tiên trong số 360 sĩ quan Mỹ có nhiệm vụ lắp đặt hệ thống chiếu sáng làm dấu cho những máy bay lượn (glider) trục kéo phía sau các chiếc C047, nhào xuống đổ quân.
Thế nhưng do trời mây thấp và do súng phòng không của lính Đức, khoảng 2/3 tổng số quân của hai sư đoàn dù 82 và 101 vận chuyển bởi 882 chiếc Dakotas đã không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lính dù Sư đoàn 6 của Anh cũng vậy.
SÚNG BẮT ĐẦU NỔ
-Kim đồng hồ chỉ 10 phút sau 12g đêm ngày 5 rạng ngày 6 Tháng Sáu 1944, kíp lính dù Mỹ mở đường ào ra khỏi các vận tải cơ Dakota, dưới chân họ là bán đảo Cotentin. Nhiệm vụ của họ là dọn bãi cho các máy bay là chở lính đến hạ cánh. Chỉ sáu phút sau, chiếc glider thứ nhất chạm đất, rồi chiếc thứ hai, chiếc thứ ba… lính biệt kích Anh túa ra, đánh chiếm cầu Bénouville. Trận giao chiến trên mặt đất đầu tiên của toàn cuộc chiến Normandie đã diễn ra.
-Lúc 1g55 sáng ngày 6 Tháng Sáu, từ nhiều căn cứ dọc theo vùng duyên hải Anh, 1,198 máy bay ném bom thi nhau cất cánh, tập trung lại thành từng phi đoàn rồi vượt biển Manche tiến về Normandie.
-Lúc 4g sáng, lính dù của quân Đồng minh chiếm được làng Sainte-Mère Église; các đoàn máy bay ném bom vẫn tiếp tục rải bom xuống Bức tường Đại Tây dương. Tại Berlin, sau khi nghe nhạc Wagner, Hilter rút về phòng ngủ của mình.
-Lúc 5g10 sáng, các họng pháo trên những chiếc thiết giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm của hải quân Mỹ, Anh bắt đầu khai hỏa. Không lâu sau đó, 23,500 sĩ quan và lính Sư đoàn 4 Bộ binh Mỹ bắt đầu nhào lên bãi Utah; bốn phút sau, lính Sư đoàn 29 và Sư đoàn 1 Bộ binh Mỹ ào lên bãi Omaha, tổng cộng 34,250 sĩ quan và binh lính.
-Lúc 7g31, vinh dự cho quân lực Pháp sau này được ghi chiến công trong công cuộc giải phóng tổ quốc, 177 tay súng Pháp thuộc đội biệt kích hải quân do viên đại úy hải quân Philippe Kieffer chỉ huy, tiến vào làng Colleville-Montgomery sau khi cùng quân Anh đổ bộ lên bãi Sword.
MƯA BOM, SAI LẦM VÀ CHẬM PHẢN ỨNG
-Lúc 8g sáng, điện nước, khí đốt tắt ngúm khắp Caen (và sẽ kéo dài suốt sáu tháng sau đó), nhưng cư dân ở thành phố này đã bị còi báo động không kích lần thứ 1,020 đánh thức từ lúc 3g sáng. Và nhìn lên bầu trời quanh vùng, họ tưởng như ngày tận thế đã đến. Ánh vàng, ánh đỏ, ánh xanh thi nhau rực lên ở Courseulles, Arromanches và ngay ở nơi họ sinh sống. Máy bay của không lực đồng minh ném bom rải thảm để tiêu hủy các mục tiêu quân sự, vận tải, kho bãi hậu cần thiết yếu cả cho các đơn vị Đức lẫn người dân.
Cơn mưa bom lại tiếp diễn lúc 13g45 rồi lúc 16g30 và thêm nữa lúc 23g. Nhưng đó mới chỉ là khúc dạo đầu vì qua ngày 7 tháng Sáu, không lực Hoàng gia Anh (RAF) tập trung đến 1,000 chiếc máy bay ném bom hạng nặng bốn động cơ cánh quạt AVRO Lancaster tiếp nhau rải thảm bom xuống Caen. Mục đích là phá hủy mọi con đường, không cho quân Đức tiến về phía bờ biển Normandie tiếp viện cho quân đồn trú Bức tường Đại tây Dương mà đánh bật quân đổ bộ xuống biển.
Ngoài Caen ra, những thị trấn, thành phố Dunkerque, Saint-Nizaire, Boulogne-sur-Mer, Rouen, Lisieux, Cond é-sur-Noireau, Saint-Lô, Valognes cũng bị mưa bom từ các chiếc B17 Flying Fortress, B-25 Mitchell, B-26 Mosquito, AVRO Lancaster, A-20 Havoc…
-Lúc 9g sáng, Hitler thức giấc, mặc áo khoác trên bộ đồ ngủ và nghe tướng Rudolf Schmundt báo cáo quân Đồng minh đã đổ bộ lên Normandie. Nhưng do còn nghi ngờ đó chỉ là đòn đánh lạc hướng nên Hitler chậm ra lệnh phản công, một tính toán sai lầm nghiêm trọng!
-Lúc 5g chiều, cuối cùng Hitler mới ra lệnh cho hai đơn vị đồn trú phía sâu trong đất liền tức tốc lên đường về chiến tuyến Normandie. Nhưng quá chậm, các đoàn tăng và xe thiết giáp của Sư đoàn bọc thép Panzer Lehr và Sư đoàn SS 12 liên tục bị tấn công bởi những chiếc P-51 Mustang, P-38 Lightning, P-47 Thunderbolt của Không quân Mỹ và Spitfire của Không lực Hoàng gia Anh.
-Lúc 19g, quân Đồng minh xem như đã hoàn tất đặt chân lên được năm bãi đổ bộ dù tổn thất nặng (10,600 lính tử thương, bị thương và mất tích, trong đó có 6,600 là lính Mỹ và 3,000 lính Anh), nhiều nhất là tại bãi Omaha, thứ nhì tại bãi Juno (lính Canada tham chiến). Nhưng cũng ít hơn con số dự kiến trước đó là 25,000 đưa ra bởi Ban chỉ huy và tham mưu liên quân Đồng minh, viên tướng tổng chỉ huy chiến dịch là Dwight David “Ike” Eisenhower (sau này là tổng thống Mỹ).
Trước đó, tướng quân này đã chuẩn bị hai bản tin để tùy tình hình thực tế mà cho phát đi trên làn sóng. Bản tin thứ nhất ghi, “Do nỗ lực đổ bộ của chúng ta trong vùng Cherbourg-Le Havre đã thất bại nên tôi đã ra lệnh cho quân đồng minh rút lui”. Bản tin thứ hai, được phát thanh lúc 9g30 sáng cũng không nói rõ rằng cuộc đổ bộ thành công mà chỉ là thông báo quân Đồng minh đã tiến hành đổ bộ xuống bờ biển phía Bắc nước Pháp.
TỔN THẤT CỦA NGÀY DÀI NHẤT
-Nửa đêm 6 tháng Sáu, Normandie xem như thuộc về quân Đồng minh. Biết tin từ sáng sớm, Thống tướng chỉ huy Tập đoàn quân B Erwin Rommel vốn khét tiếng và được mệnh danh “Cáo già sa mạc” tại chiến trường Bắc Phi trước đó ba mùa chiến dịch, tức tốc lên xe lúc 13g trưa ngày 6 tháng Sáu, từ Berlin quay trở lại Normandie (sáng ngày chủ nhật 4 tháng Sáu, ông đã đi xe về thủ đô Đức để mừng sinh nhật vợ). Ông ta từng nhận định: “Cuộc chiến sẽ được quyết định thắng thua ngay từ các bãi biển trong vòng 24 tiếng đồng hồ đầu tiên… Đó sẽ là ngày dài nhất”. Ông nói không sai chút nào!
__________
Thời khắc lịch sử thế giới bắt đầu cuộc chiến giải phóng châu Âu khỏi quân xâm lược Đức quốc xã đã được dựng lại trong bộ phim The longest day (đạo diễn Daryl F. Zanuck, năm 1962). Ngày nay, ai muốn hình dung rõ nét cảnh lính Mỹ đổ bộ lên bãi Omaha và đổ máu thế nào thì xem lại Saving Private Ryan của đạo diễn Steven Spielberg.
Vì chỉ hai ngày sau Ngày dài nhất ấy, nghĩa trang lính Đông minh tử thương đầu tiên đã hình thành. Đó là nghĩa trang ở làng Coleville-sur-Mer nhìn xuống Bãi Omaha. Ngày 19 tháng Bảy 1956 chính thức mang tên Nghĩa trang và Tưởng niệm Mỹ ở Normandy (Normandy American Cemetery and Memorial). Đây là nơi chôn cất 9,388 sĩ quan và binh lính Mỹ. Quân Mỹ còn có một nghĩa trang lớn thứ hai tại Bretagne; quân Anh, quân Canada, quân Pháp, quân Ba Lan cũng có nghĩa trang riêng. Ngoài ra, cũng có nghĩa trang chôn cất lính Đức đã tử trận ở Cuộc chiến Normandie.
Bắt đầu từ cuộc đổ bộ ngày 6 tháng Sáu 1944, Cuộc chiến Normandie chỉ kết thúc vào ngày 20 tháng Bảy 1944 sau khi quân Anh đánh bật quân Đức ra khỏi thành phố Caen. Đến ngày 25 tháng Tám thì Paris cũng trở về với thế giới tự do.