Suốt cuộc đời, ông ta là người vô gia cư, nhưng sau khi chết thì “nhập ngũ” và trở thành một anh hùng chống quân phát xít.
Tháng 4 năm 1943, ngoài khơi bờ biển thị trấn Huelva của Tây Ban Nha, ngư dân vớt được một người đàn ông chết đuối dưới hình dạng một sĩ quan của Thủy quân lục chiến Anh. Chỉ riêng cái xác này đã cứu sống hàng vạn binh sĩ của quân đồng minh Anh-Mỹ trong Thế chiến II.
Trong túi của bộ quân phục, người ta tìm thấy giấy tờ tùy thân của một thiếu tá có tên William Martin, những lá thư được gửi từ cha và vị hôn thê của anh ta; ảnh của cô gái; hai cuống vé xem nhà hát ở London; một thông báo từ ngân hàng về khoản thấu chi 79 bảng Anh; một chiếc ví; một bao thuốc lá; chìa khóa và hóa đơn mua một chiếc nhẫn đính hôn từ cửa hàng trang sức. Người Tây Ban Nha cho rằng viên sĩ quan này đã chết đuối do văng ra khỏi một chiếc máy bay bị rơi xuống biển khi đang bay tới thuộc địa Gibraltar của Anh. Đáng chú ý là có một chiếc cặp da được buộc chặt bằng sợi xích nhỏ vào cổ tay xác chết.
ĐÒN ĐÁNH DƯỚI THẮT LƯNG
Thủ tướng Anh Winston Churchill từ lâu đã ấp ủ kế hoạch tung “đòn đánh dưới thắt lưng” thông qua Sicilia hoặc Balkan để giành lại châu Âu từ tay phe trục phát xít. Điều này sẽ cho phép Đồng minh thiết lập quyền kiểm soát Địa Trung Hải và chuẩn bị bàn đạp cho cuộc tái chiếm lục địa châu Âu qua ngả Ý, đồng thời tạo thế gọng kìm: quân Anh-Mỹ từ phía tây, quân đội Liên Xô từ phía đông sẽ cắt quân Đức khỏi các nguồn nguyên liệu quan trọng ở khu vực bán đảo Balkan.
Vào tháng 1 năm 1943, hội nghị Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Anh-Mỹ đã quyết định tấn công quân Đức ở đảo Sicilia (thuộc Ý) và lên lịch đổ bộ không muộn hơn tháng 7 năm đó. Sicilia, giống như Balkan, là một trung tâm chiến lược quan trọng của phe Trục phát xít, và việc đánh chiếm hòn đảo này không thể tránh khỏi những tổn thất nặng nề.
Tuy về mặt chính thức giữ tình trạng trung lập trong Thế chiến II, nhưng chính quyền Tây Ban Nha lại có thiện cảm với Hitler, ngấm ngầm chống lại quân Đồng minh, vì thế đã chuyển giao cái xác cùng cặp tài liệu cho phía Đức.
Trong số tài liệu trong chiếc cặp có ba tầng ổ khóa bí mật, người Đức tìm thấy một bức thư của Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Archibald Nye gửi cho chỉ huy liên quân Anh-Mỹ ở Bắc Phi, tiết lộ về ý định của Đồng minh tái chiếm châu Âu qua ngả Hy Lạp. Trong một bức thư khác gửi chỉ huy hạm đội ở Địa Trung Hải, Đô đốc Mountbatten, ám chỉ việc chuẩn bị cho một chiến dịch đổ bộ lên một “địa điểm quan trọng” và mấy câu nói đùa vụng về về cá mòi.
Xin nói rõ: Ổ khóa bí mật chẳng nghĩa lý gì với người Đức, và từ “cá mòi” trong tiếng Anh (sardine) thì hài âm với tên gọi hòn đảo Sardinia của Ý. Cũng cần biết, mọi giấy tờ, tài liệu “tuyệt mật” trong chiếc cặp của thiếu tá Martin đều được đóng dấu “tuyệt mật” bằng con dấu origin (thứ thiệt) của Bộ Tổng tư lệnh Anh. Người Đức là bậc thầy về tài liệu giả nên hoàn toàn dễ dàng xác định tính chân xác của những tài liệu, con dấu này.
CÚ LỪA NGOẠN MỤC NHẤT TRONG THẾ CHIẾN II
Bất chấp sự nghi ngờ của các tướng lĩnh Ý, Hitler hoàn toàn bị thuyết phục bởi thông tin từ các tài liệu được tìm thấy trong chiếc cặp của “thiếu tá Martin”. Bảy sư đoàn bộ binh và ba sư đoàn xe tăng được điều chuyển khẩn cấp đến Hy Lạp, đồng thời số lượng binh sĩ Đức ở Sardinia đã được tăng cường thêm 10 nghìn người.
Vào tháng 7 năm 1943, khi quân Anh-Mỹ bắt đầu đánh chiếm Sicilia, quân Đức cho rằng đây là hành động đánh lạc hướng, dương Đông kích Tây, nên đã chuyển 21 máy bay chiến đấu từ đây đến tăng cường phòng thủ Sardinia. Khi Bộ Tổng tham mưu Đức nhận ra sự thật thì không thể thay đổi gì được. Đội quân Đức suy yếu gồm 65,000 binh sĩ không thể chống lại cuộc đổ bộ gồm 400,000 lính của liên quân phương Tây.
CHIẾN DỊCH “THỊT BĂM”
Chiến dịch này của tình báo Anh được gọi là “Mincemeat” (Thịt băm). Hải quân Hoàng gia Anh không có thiếu tá William Martin nào cả – vai diễn của anh được thể hiện bởi thi thể của một gã đàn ông nghiện rượu vô gia cư 30 tuổi Glyndwr Michael. Sau khi tìm thấy một xác chết vô thừa nhận phù hợp, không có thương tích bên ngoài và không có người thân, cơ quan tình báo MI-6 của Anh đã lưu giữ “hiện vật” trong tủ lạnh suốt ba tháng trước khi bắt đầu chiến dịch.
Viên “thiếu tá” này được đặt một cái tên họ khá phổ biến trong lực lượng Thủy quân lục chiến Anh. Trước khi bắt đầu chiến dịch, “William Martin” đã được báo The Times nhắc đến trong “danh sách thương vong gần đây”. Bộ quân phục, tờ hóa đơn, những bức thư của người thân… đã làm tăng thêm sự đáng tin về nhân thân của một con người cụ thể.
Phần khó nhất là kéo đôi ủng nhà binh lên đôi chân cứng đơ của cơ thể đông lạnh và chụp ảnh khuôn mặt của anh ta để nhận dạng. Kết quả là một sĩ quan tình báo có gương mặt hao hao giống Glyndwr Michael đã tạo ra bức ảnh, và chân của xác chết được làm ấm mềm bằng dòng điện; ảnh “người yêu” của “thiếu tá Martin” là chân dung một nữ nhân viên Cục mật báo MI-5 của Anh.
Các chuyên gia của Hải quân Anh đã tính toán dòng chảy, thủy triều, điều kiện thời tiết và xác định nơi đổ xác. Theo tính toán, xác chết sẽ trôi dạt vào gần bờ biển Huelva, nơi mật vụ Đức đang hoạt động rất tích cực. Một chiếc tàu ngầm đưa “Thiếu tá Martin” đến khu vực được chỉ định. Trước khi được thả vào nước biển, cái xác được đựng trong thùng chứa băng khô. Trích báo cáo của Hải quân Anh gửi Bộ tổng tư lệnh tối cao: “Xác chết mặc quân phục thiếu tá Thủy quân lục chiến Anh và áo phao, cùng một chiếc cặp, được đưa đến bờ biển Tây Ban Nha bằng tàu ngầm. Thi thể được đặt trong một thùng kín khí với nhãn cảnh báo “Dụng cụ quang học – Xin nhẹ tay – Vận chuyển cẩn thận!”.
ĐÓNG GÓP CHO CHIẾN THẮNG
Các nhà sử học Anh coi “Thịt băm” là chiến dịch đánh lừa quân địch thành công nhất trong Thế chiến thứ hai. Đảo Sicilia bị quân Đồng minh đánh chiếm trước thời hạn 52 ngày. Anh và Mỹ chỉ hao tốn 1,5 nghìn binh sĩ và 12 tàu trong các trận chiến giành hòn đảo thay vì thiệt hại dự kiến là 10 nghìn người và 300 tàu. Sau khi Sicilia thất thủ, vua Ý cách chức Thủ tướng Mussolini. Chính phủ mới bắt đầu đàm phán bí mật để rút khỏi chiến tranh.
Người Đức không còn tin vào những tài liệu của Anh rơi vào tay họ. Trong một số trường hợp, thông tin quan trọng đã bị bỏ qua bởi vì được coi là cố tình gài bẫy. Người ta cho rằng do lo sợ quân Đồng minh đổ bộ vào Hy Lạp, Hitler đã dừng cuộc đấu tăng ở Kursk (thuộc Mặt trận phía Đông) để chuyển một phần quân đến Balkan. Kể từ thời điểm đó, quân Đức mất hẳn thế chủ động ở Mặt trận phía Đông.