Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (13)

Đoàn uỷ Cải cách Hưng Yên cho cụm mấy xã Thanh Long, Trai Trang, Hưng Đạo, Liêu Xá mở Toà án Nhân dân đặc biệt tử hình, bắn thí điểm Cai tổng Quýnh để rút kinh nghiệm.

Nhân dân mấy xã kéo đi đông nghịt. Tôi cũng đi để chứng tỏ mình cũng “hưởng ứng” Cải cách như ai. Chỉ theo người ta đi, tôi không rõ địa điểm mở phiên toà. Đêm tối, đèn đuốc sáng rực trời. Đông người lắm lời nhiều tiếng, cứ ầm ì chuyển động như sóng biển. Chợt nghe tiếng hô “Đả đảo Cai tổng Quýnh”. Cả biển người lập tức vang dậy: “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!”

Người ta trói Cai tổng Nguyễn Hữu Quýnh lôi đi. Ông ấy không bước nổi. Chẳng hiểu vì bị giam cầm hành hạ hay bởi quá sợ hãi. Mắt ông bị bịt kín. Miệng ông bị tống đầy giẻ rách, sợi xơ vải toè cả ra quanh mồm.

Cai tổng Quýnh bị trói nghiến, hai tay hai chân căng ra hai cái cọc dài chôn đứng, khoảng cách độ vài mét. Đội du kích dàn hàng ngang, súng trường trong tay ngắm vào mục tiêu. Anh đội trưởng dõng dạc hô to: “Hai, ba,… Bắn!” Mười nòng súng trường mười viên đạn bay ra toé lửa giữa rừng đuốc sáng như sao sa. Tôi bị biển người chen lấn, xô đẩy, rồi tiến mãi vào gần chỗ Cai tổng Quýnh đền tội. Tội gì? Chỉ cần nghe hai tiếng “Cai tổng” đủ biết! Cai tổng tất phải cường hào gian ác. Đã cường hào gian ác là có nợ máu với nông dân, mà có nợ máu với nhân dân phải trả bằng máu! Cái lý nó đi như thế.

Không cần hỏi, không cần biết cụ thể tội ác của Cai tổng Quýnh. Mà có hỏi cũng biết được. Đại loại những chuyện như nó cho người ở đợ ăn cháo chim bồ câu vặt không hết lông để sinh bệnh ho lao mà chết v.v…

Tôi theo dòng người đến gần chỗ thi hành án. Sau loạt súng nổ vang trời, thân hình Cai tổng Quýnh bị võng dần xuống. Có lẽ ông chết không kịp ngáp! Thiên hạ reo hò vang trời. Còn tôi, tôi sợ chết khiếp, chân tay run lẩy bẩy, suýt bị dẫm đè chết bẹp trong đám người đông như kiến cỏ…

Đêm hôm ấy tôi không ngủ nổi, trong khi cả làng cả xã đèn đuốc đổ ra đi tìm bác Tống. Bởi chính giữa lúc súng nổ vang trời, bác Tống lừa dịp canh phòng sơ hở, tự cởi được thừng trói chạy trốn, hy vọng thoát khỏi những họng súng trường đang nhắm vào Tiên Vợi Hoàng Xuân Tống, tiếp sau Cai tổng Nguyễn Hữu Quýnh!

Cả làng cả xã, bốn thôn Nhân Lý, Châu Xá, Thượng Tài, Long Vỹ cùng đốt đuốc đi tìm bắt Hoàng Xuân Tống. Họ đoán phạm nhân lội tắt cánh đồng Nhân Lý qua đồng Liêu Xá lên đường Năm chạy vào Thanh Hoá hoặc ra Hà Nội. Trong Thanh là nơi Tiên Vợi từng “hoạt động gián điệp”, còn Hà Nội là nơi có nhà quen chỗ con trai là Hoàng Xuân Quán trọ học, và nghe nói Tiên Vợi còn có một cửa hàng tạp hoá nhỏ ở Hà Thành. Nhưng bác Tiên Vợi bặt vô âm tín, một đi không trở lại từ đêm hôm ấy.

Sau Cải cách sửa sai, chủ nhà anh Quán trọ học mới tình cờ thấy một mẩu giấy nhét vào bản lề cánh cửa, dòng chữ viết nguệch ngoạc: “Đừng tìm tôi mất công. Hôm nay là ngày giỗ tôi!” Có lẽ bác đã nhảy xuống sông Hồng tự vẫn?

Bởi họ Hoàng làng Nhân Lý có những ba địa chủ, trong số này đại địa chủ Tiên Vợi đã trốn thoát. Bản thân tôi, quần chúng dư luận là con địa chủ trong Thanh, nên Đội cải cách xã không cho ở nhà thờ nữa, bắt về giam lỏng tại cái nhà bếp cũ của bác Tiên Vợi vốn để cho người làm thuê tạm trú.

Tôi bị Đội giam lỏng trong căn nhà bếp hai gian, không cửa sổ, cửa chính toang hoang, vì cánh cửa mất đã lâu, lỗ bản lề trông như cặp mắt toét. Không còn bếp núc gì. Chỉ có mấy hòn gạch vỡ ám khói đen, cái nồi đất sứt miệng và một cái giường hẹp, lưa thưa vài nan vạc trơ trọi, thiếu cả manh chiếu rách. Tôi ngồi ghé vào cạnh giường, ngửa mặt nhìn lên mái nhà dột nát. Một luồng ánh nắng rọi chiếu chính mặt. Quả đúng là “Chạy trời không khỏi nắng”! Lúc này tôi không giận ai, oán ai, biết phận mình nó thế, chỉ thấy buồn…

Cái bếp tôi ở “tọa lạc” trước ngõ nhà bác Tống – giờ là Trụ sở Đội Cải cách xã Thanh Long. Ngày đầu tôi phải nhịn suông. Ngày thứ hai vẫn chẳng có gì ăn, tôi không dám đi đâu ngoài cái bếp dột nát, vì Đội đã bảo “không được đi đâu”!

Đói quá, muốn kêu trời, nhưng ông bà nông dân thường nói “Nhất Đội nhì trời”! Mình có kêu cũng vô ích, không khéo lại nguy hơn. Lúc này quê Thanh cũng đang tiến hành đợt cải cách ruộng đất cuối cùng giống như Hưng Yên. Nhà cũ do ông bà nội tôi để lại: nhà trên ba gian một chái, cột kèo gỗ hàng tạp, lợp kè, vách sau dừng phên nứa, cửa trước bằng gỗ; nhà dưới (nhà ngang) ba gian, một gian cổng trâu bò, hai gian đàn bà con gái ở; thêm cái xối nối hai nhà làm buồng cất chứa đồ đạc thóc lúa. Cả hai nhà, Đội Cải cách ruộng đất (CCRĐ) đều lấy chia cho hai gia đình nông dân. Bố mẹ tôi xin ở nhờ cái đình Bắc, thấp nhỏ như cái điếm canh, được một tháng thì bị đuổi.

Thương ông bà sống vạ vật dưới gốc cây trôi đầu làng, anh Viên Hải con địa chủ rủ hai người cùng thành phần, tìm kiếm ít tre nứa cũ che tạm một túp lều vịt bên bờ ao đình làng, tạm có chỗ chui ra chui vào, che mưa, tránh nắng. Ông bà sắm mấy chục cái te làm nghề kéo tép.

Gà gáy đầu ra đồng đặt te, mờ sáng thu dọn te, được dăm ba bát tép, đem đi chợ Nguyễn bán mua gạo, mắm muối. Hôm nào bán ế vì biển lặng nhiều cá, mang tép về phơi khô, chờ khi biển động. Tép đồng kéo te sạch hơn tép vê nhủi, trăm con óng ả cả trăm, còn sống nhảy lao xao trong giành (một loại đồ đựng đan bằng nứa) trông rất ngon, rất dễ bán. Gần đấy có ông từ Năm hiền lành phúc hậu. Những hôm trời mưa gió, bố mẹ tôi không thể đi kéo te, ông thường cho gạo và cà muối. Nhưng ông phải chờ đêm tối vắng người, vội ném đùm gạo hay gói cà muối qua cửa vì sợ làng xóm trông thấy, quy cho là liên quan địa chủ phản động, sẽ bị mất hết quyền lợi!

Trở lại chuyện tôi bị giam lỏng trong căn bếp ở Hưng Yên.

Sáng ngày thứ ba, tôi bò ra vườn khoai móc trộm củ, nhưng khoai mới có rễ. Tôi hái lá vào nấu canh. Nồi là cái niêu đất sứt miệng, nước múc ở góc đám vườn nhỏ trồng khoai lang, nước mưa từ rãnh luống chảy dồn lại một vũng. Tôi xếp lại mấy viên gạch vỡ, thế là thành bếp. May còn giữ được hộp diêm trong túi. Bụng tôi mỗi lúc một thêm nôn nao cồn cào. Nước mới réo, tôi đã bỏ rau vào. Tôi nghĩ vừa nấu vừa ăn, vào trong cái bụng đang sôi sùng sục, rau nào mà chả chín! Tôi liền múc canh vừa thổi phù phù vừa húp sùm sụp mấy miếng liền.

Hồi 1953, tôi đã ăn cám thô, cố nuốt rồi uống ngụm nước, dần dần miếng cám cũng trôi khỏi họng. Vậy mà đối với canh rau khoai sống dở không muối lại nôn oẹ, làm cho cái bụng đang đói càng thêm đau quặn lại!

Đêm nằm trên cái vạc giường rách, tôi mê mệt thiếp đi trong cơn đói lả. Sáng hôm sau, một bóng người vụt qua, gói gạo đùm trong khăn mặt ném qua lỗ thủng tường noi sau bếp, kèm mấy quả cà muối gói bằng tờ giấy xé từ vở đã viết. Tôi không kịp nấu cơm, bốc gạo ăn cùng với cà muối. Chao ôi! Cái của ngọc thực sao mà thần tiên kỳ diệu đến thế. Mát ruột, khoẻ người, tỉnh hẳn lại. Tôi không phải bò mà lê bước ra vườn khoai lang, nằm rạp xuống vũng nước trong ừng ực một hồi…

Lúc này tôi mới nhặt lại tờ giấy gói cà, nhận ra nét chữ một học sinh tôi dạy lớp Ba, người cùng xóm này, độ mười sáu mười bảy tuổi, còn họ tên gì, tôi quên mất. Đến bây giờ, đã bao lần lục tìm trong ký ức vời vợi vẫn không nhớ nổi. Đành chịu lỗi với anh bạn trẻ. Với gói gạo, mấy quả cà, anh đã cứu sống tôi…

Đã cơn đói khát, bụng tôi no căng, đập bàn tay vào bình bịch như trống thủng. Ngồi nghỉ một lúc bên vũng nước, tôi lê bước đi về bếp, cái bếp giờ trở thành người thân yêu của tôi, nằm vật xuống cái giường khấp khểnh, ngủ thiếp đi, không phải vì đói lả, mà bởi no quá. Gạo sống vào bụng nở ra, cứ trương dần lên, may sao nó cũng tiêu hoá được tất cả…

Sáng dậy, đó là ngày thứ tư đẹp trời. Tôi nghe được cả tiếng chim hót xa xa. Bỗng nhớ anh Tỡi con địa chủ họ Hà, cuối năm ngoái rủ tôi đi Nam. Anh bảo đi dễ lắm. Anh sẽ dẫn tôi qua đường tắt lên phố Nối, nhảy xe hỏa ra Hải Phòng, xuống bến, có sẵn tàu thuỷ đón vào Nam, đất thiên đường của Chúa… Tôi không đi, vì còn cha mẹ ở quê Thanh. Hơn nữa, đời tôi, tôi tin còn dài. Tôi phải sống trên đất Bắc để minh oan, để chứng minh gia đình mình không phản dân hại nước như đã bị quy sai, hiểu lầm. Nhưng cảnh ngộ chưa chết đói hôm nay, để ngày mai có thể đói đến chết, tôi nhận ra con đường minh oan còn khó hơn đường lên trời…

Tôi ngồi bệt xuống đất, nhón tay nhặt từng hạt gạo vãi đưa lên miệng. Không thể ăn ngấu nghiến như hôm qua, vì của ngọc thực mà cậu học trò tốt bụng giấu đem cho sắp hết. Hẳn anh bạn trẻ thương người đã phải dũng cảm lắm mới vượt qua cái lưới tai mắt của Đội vây bọc.

Đang nghĩ vẩn vơ, bỗng một người đàn ông lạ mặt dong dỏng cao xuất hiện trước khung cửa hẹp, tay cầm tờ giấy. Tôi giật nẩy mình. Hạt gạo chưa kịp nhai nuốt mắc lại cổ họng. Ông đã nhìn thấy tôi đang nhặt từng hạt gạo ăn sống. Một giọng Hà Thành dễ nghe cất lên:

-Tôi là cán bộ, Đội phó Đội Cải cách Thanh Long, vì bận nhiều việc quên bẵng chuyện anh đang ở đây. Thôi, bây giờ anh sang ngay văn phòng, tôi có việc cần đến anh…

Ông cán bộ Đội phẩy bàn tay làm hiệu dẫn tôi vào nhà bác Tống, hiện đã bị tịch thu làm Văn phòng trụ sở Đội. Anh Đội phó lấy cơm nguội cho tôi ăn, xà phòng cho tôi tắm rửa, thay quần áo sạch sẽ, rồi bảo ngồi vào cái bàn nhỏ kê ở góc phòng. Trên bàn đặt sẵn tập giấy trắng, bút mực và hai mảnh giấy viết nguệch ngoạc.

Anh cán bộ tự giới thiệu:

-Tôi là Đoàn Hưng Nông, cán bộ Bộ Công an biệt phái làm Đội phó Đội cải cách phụ trách Toà án. Có mấy cái đơn tố cáo của khổ chủ, chữ viết như gà bới, lời văn lủng củng ngây ngô quá. Anh là giáo viên, nhờ anh sửa sang lại, không cần văn hay chữ tốt, chỉ cốt mạch lạc, rõ ràng. Nếu anh chép được bằng tay trái cho kiểu chữ đơn này khác đơn kia càng tốt, để đưa vào hồ sơ vụ án được hợp lệ.

Văn phòng rộng rãi. Bàn ghế trơ trọi không có người ngồi. Anh Đội trưởng lên Đoàn uỷ báo cáo công tác. Các đội viên xuống xóm “ba cùng”, tức cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân để phát động đấu tranh căm thù giai cấp phú nông địa chủ, cường hào ác bá. Vì nhiều lý do, nhiều người khổ mà không dám tố khổ. Hoặc là còn sợ bóng sợ vía ông nọ bà kia, hay bởi vấn vương tình cảm anh em họ hàng.

Có chuyện cũ lâu ngày, phải khơi gợi mãi mới nhớ ra. Nhân đó, đám chuỗi rễ không thiếu hạng ông bà cố bịa đặt chuyện bị tên nọ tên kia hãm hiếp, bóc lột, đánh đập, vân vân, để được thành tích, cấp trên khen ngợi, đưa ra làm ông cán bộ. Ví như ông chủ tịch Cự bị đưa ra đấu tố về tội tham gia Quốc dân đảng, một cố nông lên thay, phải học tập mãi mới viết nổi chữ “cờ y ky sắc ký” (ký) vào công văn giấy tờ.

Hàng tuần, ngày chủ nhật, cán bộ Đội đi “ba cùng” về tập trung tại Văn phòng Đội để báo cáo công tác. Anh Đội trưởng tôi không biết tên, còn rất trẻ, trắng trẻo, đẹp trai, phong độ con nhà trí thức, ngồi nghe anh Đội phó báo cáo, ghi chép và thu nhận các đơn tố khổ. Anh Đội trưởng nhận xét các cán bộ Đội, rút kinh nghiệm công tác, yêu cầu không được bỏ sót địa chủ, bỏ lọt phản động, luôn luôn nhớ lời cấp trên: “Đánh đúng đầu rắn, bắn đúng đầu chim”. Đối với bọn tề nguỵ thà “bắt nhầm hơn bỏ sót”! Anh phê bình nghiêm khắc cán bộ đội viên đi suốt tuần không được kết quả gì.

Thời kháng chiến chống Pháp, ở vùng tự do Thanh Hoá mở nhiều trường tư thục cấp II, cấp III. Có một trường quốc lập Đào Duy Từ địa điểm Cốc Thuận, Thọ Xuân, bên cạnh là Thành Tín mới mở thêm trường Hoàng Văn Thụ. Tôi học trường này vài tháng thì bỏ vì phải học lại chương trình cấp II. Tuy thời gian học ngắn, tôi cũng không quên các thầy cô: Thầy Bửu Cân dạy môn Vạn vật học, cả giờ chỉ tán chuyện thịt chó. Cô Vũ Thị Liên dạy môn Vật lý-Hoá học, không bao giờ thấy cười.

Cô Đặng Thị Hạnh (nghe nói là con Giáo sư Đặng Thai Mai) dạy Việt văn, rất cẩn thận, chăm chỉ,… Việc học nhàn, chúng tôi tha hồ chơi. Tính tôi ít đi đâu, thường chỉ ngồi nhà trọ đọc sách báo, tập viết các kiểu chữ, vẽ lại những hình minh hoạ trong báo mình thích. Rồi thì vẽ rồng vẽ phượng chơi, “ký họa” con chó đang ngồi ngoài sân, con mèo nằm dài ra ngủ trên bức tường hoa… Không ngờ cái trò nghịch chơi thời niên thiếu nhác học ấy đến giờ lại đắc dụng.

Tôi chép lại những đơn tố cáo, lời tố khổ của nông dân chẳng khó khăn gì. Anh Đội phó rất hài lòng. Hôm sau, anh Nông giao cho tôi chép lại “Biên bản hỏi cung” rồi sau đó là sửa chữa biên bản hỏi cung sao cho mạch lạc, rõ ràng, hợp lý.

Ban ngày tôi đến văn phòng Đội làm việc, cơm nước ở văn phòng Đội, tối về cái bếp ngủ. Nơi tôi bị giam lỏng bây giờ đã được quét dọn sạch sẽ, thay vạc giường lành, trải chiếu hẳn hoi. Đôi dép cao su cũ mòn của tôi hay tụt quai, cứ phải thủ sẵn cái que kẹp rút dây trong túi. Anh Nông bảo sẽ mua đôi dép mới, để rồi còn phải cùng anh đi công tác xa…

Công việc toà án Đội, anh Nông giao cho tôi làm ngày càng khó khăn. Ấy là phải tự viết lấy “Biên bản hỏi cung can phạm”, trên cơ sở những đơn tố cáo của quần chúng, đơn tố khổ của khổ chủ.

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: