Phải nói thật rằng bố tôi không thiết tha lắm việc học của tôi, chỉ vì một lý do: Lúc tôi mới sinh, các cụ đã “chấm lá số tử vi” cho tôi, thấy “không có số công danh”! Tôi chỉ học đến thế là đủ. Thời thế đổi thay, tôi không thể nối nghiệp làm thầy (pháp sư kiêm lương y), thì ở nhà lấy vợ sinh con, vài mẫu ruộng với bốn cẳng con bò, không giàu cũng đủ ăn. Sự thực, nhà không còn được hai mẫu ruộng, vì trước năm 1945, bố tôi thích chơi cờ bạc, mỗi khi thua, bán đi dăm bảy thước, một sào. Bố tôi còn vay cả tiền của nhà ông từ Đệp giàu có trong làng, nợ nần cứ “lâm tí lâm sửu” không biết đến bao nhiêu mà tính!
Được học trường Tư thục Trung học Na Sơn, trí óc tôi mở mang thêm nhiều. Bấy giờ phố chợ Cầu Quan đông vui như một đô thị, chỉ cách trường chừng mấy cây số. Đặc biệt Cầu Quan có hai hiệu sách đều của người ngoài Bắc tản cư vào. Hiệu sách tiếng Pháp, bán toàn sách cũ, nhiều quyển dày cộp. Với vốn liếng Pháp văn quá ít ỏi khiến tôi không thể đọc, chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào bằng con mắt ngưỡng mộ. Nghe nói chủ hiệu sách này là ông Phùng Quang Nhiên, Hiệu trưởng trường Trung học Tư thục Quang Trung.
Hiệu sách thứ hai tôi năng lui tới, toàn sách Quốc Ngữ, đủ loại mới cũ, mỗi thứ bày ra một tập. Tiểu thuyết của NXB Đời Nay, báo Tiểu thuyết Thứ Bảy, báo Đuốc Tuệ, tạp chí Viên Âm, Từ Âm, tạp chí Tri Tân, có cả cuốn Phê bình văn học của Kiều Thanh Quế, v.v… Sách báo mới (xuất bản trong thời kỳ kháng chiến) Văn chương bình dân của Trương Tửu, Quyền sống con người phương Tây của Đặng Thai Mai, Tìm hiểu chiến tranh của Trường Sơn, kịch Màn cửa vàng của Huyền Kiêu v.v…
Đọc hết tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, tôi đọc sang các tác giả khác, như Chiều của Nguyễn Xuân Huy, Đứa con của Đỗ Đức Thu, loại sách đường rừng của Lan Khai, trinh thám của Thế Lữ, kinh dị của Phạm Cao Củng,… tôi thấy dần dà nhàm chán, chuyển sang loại sách nghiên cứu, mượn được thứ gì, xem thứ ấy, dù hiểu hay không hiểu. Không có tiền mua sách, tôi mượn của bạn bè, người thân quen.
Nhà sư Thích Trí Độ tản cư ở chùa Phúc Quả gần Cầu Quan, không rõ chức vụ gì, có rất nhiều sách. Tôi và một số anh em ban học, ngày chủ nhật rủ nhau đến chùa chơi xem sách tại chỗ. Cụ đang dịch kinh Lăng Nghiêm. Các cụ nhà tôi nói kinh này khó lắm, dùng trong đàn tràng, các cụ xưa cũng chỉ dám tụng đến kinh Pháp hoa, kinh Dược sư, kinh Bát nhã… Cụ Trí Độ đã chứng tỏ trình độ giáo lý uyên thâm ở tạp chí Từ Bi Âm (Sài Gòn) in rất nhất nhiều bản kinh Phật do cụ dịch. Có lẽ bởi trình độ Quốc văn của cụ bị hạn chế, cách diễn đạt nhiều câu không được sáng tỏ khiến người đọc dễ chán.
Tôi trọ học ở nhà bà Thoả, làng Cầu Nhân, mình tôi ba gian nhà trên vắng vẻ, tha hồ đọc sách. Tôi học văn với thầy Nguyễn Trác. Thầy hay nhắc đến Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, và luôn ca ngợi Chiếc lư đồng mắt cua, tôi chưa được đọc bao giờ, vì không thấy ai có để hỏi mượn. Thầy thường nói: Ba bốn năm sau, các anh sẽ biết tôi là ai! Thầy đưa ra lối hành văn rất ngắn gọn. Ví dụ: Bác nông dân xắn quần lên lội xuống ruộng, thầy bảo thừa chữ “lên”, bởi đã xắn quần, tất phải “lên” rồi, có ai xắn quần xuống bao giờ?
Tôi học xong lớp bảy (Hệ thống giáo dục phổ thông mới) trường cấp II Quảng Ninh, vào đúng thời gian gia đình tôi “lên” thành phần phú nông, trong nhà “quăng dùi đục không mắc”! Tôi không biết làm gì, nên xin thày mẹ tiếp tục học lên lớp tám (Hệ phổ thông chín năm). Cái khó duy nhất là không có tiền gạo. Thày mẹ tôi băn khoăn khó nghĩ. Nhà chú tôi không bị thành phần phú nông, không phải “đóng thuế khả năng”, bồ thóc chưa cạn, chum khoai còn đầy. Bố tôi gọi chú tôi ngỏ ý vay mượn một ít.
Chú tôi nói: Thế nào cũng phải cho cháu học tiếp, nhưng chuyện gạo thóc để chú lựa lời với thím tôi. Mẹ tôi bảo: “Chú để tôi bàn với thím tiện hơn. Đến tháng tư sang năm có lúa chiêm, tôi trả lại.” Tính thím tôi tốt. Tối hôm ấy, mẹ tôi vay được mười đấu thóc (mỗi đấu xay được 6kg gạo). Còn nơi ăn chốn ở, cũng phải tìm nơi quen thuộc, để có thể nhờ vả được người ta.
Nghe nói ông Nguyễn Nhuận, Hiệu trưởng trường Na Sơn xin mở thêm lớp tám hệ phổ thông chín năm cho học sinh học xong lớp bảy (Bấy giờ không gọi trường tư thục mà đổi tên thành trường dân lập), địa điểm làng Cổ Định, nên tôi quyết định học. Bố tôi và chú tôi bàn đi tính lại vẫn chưa tìm được nơi trọ học cho tôi. Ông Kiểm Thị, ông Cựu Tuở, ông Lý Vách chắc chắn đều lên phú nông. Nhà anh Mậu vốn là học trò ông nội tôi, chồng hiền lành, vợ rất tốt, nhưng gia cảnh quá nghèo. Nhà ông Nầy làm nghề nuôi vịt, cha con đều ít học, tuy đủ bát gạo ăn, nhưng trong cửa ngoài sân bầy biện đủ thứ, ngồi đâu mà học?
Thái độ bố tôi trước lừng chừng bao nhiêu, bây giờ sốt sắng bấy nhiêu. Ông bắt đầu nhận ra thời thế đang xoay chiều đối hướng, nhiều chuyện bất ngờ. Vì thành phần phú nông, bố tôi bị cách chức Chủ tịch mặt trận Liên Việt xã, chỉ còn cái chân hờ Hội trưởng Phật giáo hữu danh vô thực, chẳng qua một số người phong cho thôi. Bố tôi thấy tiếc năm 1947, anh bạn cũ người Mật Sơn (thành phố Thanh Hoá) ngày trước cùng làm ở Sở địa chính thời Pháp, vào rủ đi công tác kháng chiến lại không đi.
Chuyện này mẹ tôi cũng hay kể cho tôi nghe: “Anh bạn rủ mãi, bố con bùi tai nhận lời. Cơm rượu xong, anh bạn biểu sửa soạn đi ngay bữa nay, nhưng tôi nói trước với bác, đi công tác kháng chiến không được ngồi gật gù tay đũa tay chén, gõ bát gõ mâm, mà phải chịu đựng gian khổ. Bố con ngồi thừ ra nghĩ ngợi một lúc rồi khẽ lắc đầu: Thôi, anh để tôi đi sau, còn phải thu xếp việc nhà việc cửa…
Mẹ tức quá nói liền: Cửa nhà để mặc tôi lo. Thày mi chưa thu xếp được mấy hẩu rượu chứ chi! Rứa mà vẫn không chịu đi. Anh bạn gắt lên: Giặc đánh đến đít rồi, anh còn ung dung ngồi rung đùi nảy cẳng thì lạ thật! Nói rồi anh nứ đi thẳng một mạch, không thèm trở lại. Bây chừ bố con mới biết là dại, rõ thật con mọc răng, nói năng chi nữa! Rứa mà vẫn cứ còn khề khà chén rượu, gõ đũa gõ bát!”
Đó là những thói quen không thể thay đổi của bố tôi, từ trẻ đã hay rượu, tuy uống không nhiều, chỉ độ nửa chai ba, nhưng ngồi hàng tiếng đồng hồ. Đến lúc ăn cơm, bố tôi cứ bưng bát lên lại đặt bát xuống, tay cầm đũa gõ vào miệng bát cơm cành cạch như đánh nhịp cho bài ca “tửu nhập ngôn xuất” bất tận. Có lẽ chỉ có mẹ tôi là chịu đựng được cái cảnh ấy, ngày hai bữa cơm rượu phục vụ bố tôi chu tất, mặc dù gia đình lâm vào cảnh túng bấn.
Cả nhà đều quyết tâm phải lo cho tôi đi học tiếp để tìm lối thoát cho tương lai. Trường tư thục hay dân lập hồi ấy không tổ chức thi tuyển sinh. Ông hiệu trưởng thu nhận tất cả những ai muốn học, cốt đủ tiền trả lương giáo viên. Để tránh máy bay địch oanh tạc, chúng tôi phải học buổi tối. Mỗi học sinh tự sắm một cái bàn gỗ xếp thấp và ghế con ngồi với ngọn đèn chai. Chập choạng tối, tôi bắt đầu một tay cắp bàn ghế, một tay xách đèn chai, cuốn vở mỏng đút túi quần cùng cái bút máy tòng tọc, “vặn cổ đổ mực”.
Tôi nhớ nhất giờ giảng văn của thầy giáo Trần Lê Văn. Nghe nói thầy là nhà thơ. Như vậy, tôi đã được học Việt văn với một nhà văn (Trần Thanh Địch), một nhà thơ (Trần Lê Văn) liệu tôi có thành cái gì, hay rốt cuộc tôi vẫn chỉ là tôi? Thầy Nguyễn Trác (lớp đệ nhị) thì sao? Thầy phê học sinh không biết làm văn (trong đó có tôi). Thầy Trần Lê Văn giảng bài không có sách, hai tay chắp lại sau lưng, vừa đi vừa vung tay theo nhịp bước chân, chúng tôi ngồi im phăng phắc há miệng ra nghe.
……..
Đang học, tôi về quê đột ngột, không một lời chia tay. Chính tôi cũng bị bất ngờ, hoàn toàn bất ngờ trước sóng gió cuộc đời nổi lên dữ dội trong bão táp. Mẹ tôi đang nấu cơmttrưa. Cảnh nhà vắng vẻ. Bố tôi như thường lệ đi chợ Muôn bán thuốc Đông y từ sáng sớm. Mẹ tôi ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Chả biết có chuyện chi, chó cắn suốt đêm văng vẳng, như có người rình mò đằng sau nhà, còn qua lại dò la trước ngõ. Chú Thuyết đã bị bắt rồi, nghe nói đưa lên huyện…”
Tôi nói để trấn an mẹ tôi, cũng là để trấn tĩnh lòng mình: “Mặc họ. Mình không làm gì nên tội thì lo chi tội!”. Mẹ tôi lắc đầu: “Nhà ta giàu có chi mô mà mắc tội phú nông, sạch cửa sạch nhà!” Tôi nói lảng: “Con còn ba tháng nữa mới hết niên khoá. Năm học kéo dài vì máy bay máy bò, còn đi vác gạo lên Thọ Xuân, Yên Định…”. Mẹ tôi bảo: “Thày con biểu con phải về nhà vì lo cháy… cháy cái chi nhờ… à, “cháy thành vạ lây”, con ở trên Nông Cống lỡ xảy ra chuyện chi, ở nhà biết mô mà lần”. Tôi im lặng không nói gì, lên võng nằm thở dài.
Chiều muộn, bố tôi đi chợ Muôn về, đặt phịch cái gánh có đôi bồ con xuống cửa. Ông lấy ra gói lá chuối, bên trong có mấy lạng thịt bò và một chai ba rượu, rồi tự mình vào bếp đun nấu. Chập choạng tối, bố tôi dọn mâm, lên ngồi giữa giường, trước mặt là cái mâm gỗ (mâm đồng cùng nhiều thứ khác đã bán lấy tiền nộp “thuế khả năng”). Trên mâm có đĩa thịt bò xào, chai ba rượu, món rau thơm không bao giờ thiếu. Bố tôi ngồi xếp bằng tròn, nâng chén rượu uống một ngụm, rồi tay cầm đũa gõ bát cành cạch, gật gù nói: “Con về sớm là phải. Tình hình ở nhà có nhiều… thay đổi lắm!”.
Hai con chó bắt đầu lên tiếng sủa vang đằng sau nhà. Chừng đã ngấm hơi men, bố tôi tự nói một mình: “Tao không nói thuế nông nghiệp là thuế thất nghiệp! Tao cũng không nói thuế khả năng liền bà mất váy, liền ông không quần! Ai lại dại mồm dại miệng nói càn nói bậy đến rứa!”. Ngừng một lát, ông nói tiếp: “Tao chưa từng thấy cái ba-ra Bàn Thạch mặt ngang mũi dọc ra răng, mà đứa mô tố cáo tao đề nghị thằng Tây ném bom phá hắn đi để nhân dân chết đói!”. Lúc sau, ông lại nói: “Tao có vô hội Phật giáo vì nhà ta bốn đời thờ Phật cứu nhân độ thế, răng lại có chuyện tao làm phản động?”.
Tiếng chó vẫn sủa văng vẳng. Ông vẫn lè nhè giọng say rượu: “Nói có Phật trời chứng giám, tao mà phản dân hại nước thì chết cả nhà!”. Mẹ tôi, anh Nậu và tôi đều thức cả. Mãi đến khuya, bố tôi vẫn tiếp tục nói, trở đi trở lại từng ấy câu. Ông nói mãi, như thể để chúng tôi hay mấy con chó nghe. Đêm đã khuya, ba mẹ con mệt mỏi và buồn ngủ lắm rồi!
CÒN TIẾP
_________