Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng (5)

Xã tôi thời ấy rất lớn, từ cầu Chào xuống núi Văn Trinh, hơn 10 làng to nhỏ. Cứ giới thiệu đến tên “nguỵ quyền” nào dứt lời, ông Khai liền cầm gậy quật ngay một cái vào người nó. Dân làng ồn ào, chửi mắng ầm ĩ, ai cũng muốn xông ra đánh. Ông giơ gậy lên nhứ nhứ về phía quần chúng: “Trật tự! Trật tự!”. Bằng giọng hùng hồn, ông nói: “Tôi biết bà con dân làng căm thù lắm. Ai chẳng căm thù lũ phản động, đánh đập bà con, dìm dân ta xuống tận bùn đen đất đỏ! Nhưng một dãy dài cọc tre tôi đã sai dân quân chôn sẵn ngoài ngõ chợ để trói mỗi thằng vô một cọc. Ngày mai có phiên chợ Nguyễn, mời bà con đi thật đông, tha hồ xử tội đứa bán nước hại dân!”

Dân làng tạm nguôi cơn giận, không khí căm thù bớt sôi sục. Tôi không khỏi giật mình kinh sợ. Vì chính tôi cũng là phản động. Ông Khai giới thiệu tôi: “Còn cái thằng ni, người thấp nhỏ, gầy đen, tuổi nhỏ nhất lại làm chức to nhất: Bí thư!”. Cả làng xôn xao bàn tán. Ông Khai lại giơ cao cái gậy lên: “Trật tự! Trật tự!”. Ông thong thả nói tiếp: “Tên này do bọn phản động Phật giáo làng Bích Khê bị đánh đau phải khai ra. Để rồi còn phải xem coi đúng sai ra răng!”

Tôi đang run bắn cả người, được lời ông, nỗi kinh hoàng giảm bớt. Nếu lúc nãy, có ai hỏi tôi, tôi đã cúi đầu nhận tội, không thì người ta đánh chết! Mà chết lúc này chỉ thiệt thân, lấy ai minh oan cho mình? Nguyên do cái chức bí thư to bằng quả núi, một thằng học trò nhỏ bé như tôi, học chưa hết lớp tám bậc phổ thông đội gánh sao nổi. Bởi thế dân làng tôi khó tin, thậm chí ngoài sức tưởng tượng! Trong đám đông có một người xông ra đứng giữa thềm đình xướng lên thật to:

– “Mi là con nhà nòi phản động. Không phải bí thư cũng là thư ký. Khai nhận thì tha. Không nhận thì phải khai ra đứa mô là bí thư? Cứ ngoan cố thì sớm mai giải xuống ngõ chợ. Già đòn non lẽ!”

Thì ra ông Lời! Ông quyền hành to nhất nhì trong xã. Vua không nói chơi! Tôi sợ cuống quýt. Mai phải giải xuống chợ thì chết là cái chắc! Ông Khai quát hỏi tôi: “Mi nhận làm bí thư hay thư ký? Mi phải nhận một chức mới được! Không lý mô quân phản động Bích Khê khai khống cho mi?”.

Có lẽ ông Khai muốn tôi cứ nhận đi một cái gì cho yên chuyện rồi sẽ liệu tính sau. Nhưng tôi run sợ lắm! Nhận gì cũng chết, không nhận gì cũng chết! Cố hết sức trấn tĩnh, tôi lắp bắp mãi mới thành lời: “Dạ bẩm, tôi đang học dở phổ thông mới về…”. Ông Khai giơ cây gậy lên dứ dứ vào mặt tôi: “Thôi được! Hãy cứ biết rứa. Chừ tạm tha cho về tại ngoại hậu cứu. Không được rời khỏi nhà để khi kêu đến phải có mặt liền!”. Tôi mừng quá, vâng dạ rối rít. Công an Lưỡng cởi trói cho tôi, tạm tha cho về.

Tôi chỉ sợ ông Khai đổi ý bắt trở lại, nên rảo bước thật nhanh. Phía sau tôi vang vang tiếng ông Khai: “Bây chừ mời bà con dân làng về nhà nghỉ để lấy nơi giam giữ bọn phản động, chờ sáng mai giải xuống chợ Nguyễn!”. Tôi nghĩ: Đêm nay chắc họ phải ngồi hoặc nằm trên cái nền đình bằng đất lạnh lẽo, không cửa, gió sương tha hồ lùa vào, chắc họ đến chết cóng mất!

Sáng hôm sau mẹ tôi sợ không dám xuống chợ. Anh Nậu đi xem về kể lại: Nhiều người ác quá! Họ hạ gánh xuống, lấy đòn gánh tre giơ nghiêng ra sức đánh vào từng người một, không kể tay chân, lưng, hông, hay bụng. Càng kêu xin, họ càng đánh chỗ hiểm, không chết thì sống cũng thành tật! Thằng Hợp con Chánh Chào bị đánh vào mồm gãy răng, dập môi sưng vếu, mắt bị đấm như lòi cả con ngươi!… Mẹ tôi rùng mình nói: “Thôi thôi, đừng nói nữa, tao kinh lắm! Tao cũng đang bủn rủn cả tay chưn đây!”

Đến chiều tối, công an Lưỡng lại đến bắt trói tôi dẫn ra đình Đoài. Tôi bị trói nối với đoàn người tối hôm qua. Nhưng một số người bị đánh đau quá đã nằm liệt giường, số còn lại thì sưng mặt, gẫy răng, chảy máu rách môi, có người không giơ tay được, chân bước lê tập tễnh… Ông Khai đã kịp bắt thêm một số người mới để bổ sung vào dây phản động, càng đông càng tốt!

Tôi bị giải theo dây người xuống thôn Gia Hà, tất cả chừng mươi lăm người. Thôn Gia Hà, một làng nhỏ ở khoảng giữa đầu núi Văn Trinh và cầu Cống Trúc, có nhà thờ đạo mái nhọn, mở cửa hồi, trên nóc cắm cây thánh giá. (Từ năm 1955, xã Quảng Hoà chia hai xã, Gia Hà thuộc Quảng Hợp). Cách đây chưa lâu, làng Gia Hà bị giặc Pháp ném bom, nhà cửa tan hoang, một số người chết và thương tích. Lũ tôi xuống đến nơi, dân làng đã họp tại đình làng, người không đông lắm.

Ông Khai bắt chúng tôi đứng sắp hàng giữa sân. Và cũng như tối hôm trước, ông bắt đầu chỉ tên vạch mặt từng đứa, cuối cùng là đến tôi, được xem là đứa nhỏ bé nhất, lại có chức vụ to nhất: Bí thư!

Đồng bào công giáo Gia Hà im lặng lắng nghe và thì thầm gì đó với nhau. Ông Khai nói: “Không có quân phản động ni chỉ điểm thì địch biết chi được mà ném bom làng ta! Tội quân ni đáng xử tử bỏ tù mọt gông!” Vừa nói, ông Khai vừa giơ cây gậy dứ dứ về phía chúng tôi. Bà con Gia Hà vẫn im lặng như không biết căm thù là gì. Dưới ánh trăng non chênh chếch, tôi thấy nhiều người làm dấu thánh giá. Bản tính bà con hiền lành không dám làm điều ác, sợ bị Chúa trừng phạt chăng?

Rồi chúng tôi tiếp tục bị giải sang làng Trinh Miếu. Năm học lớp đệ nhất trường tư thục Hoài Văn, hàng ngày đi bộ qua Gia Hà đến Trinh Miếu, tôi biết làng này cũng nhỏ. Ở đây, chúng tôi lại bị chỉ tên, vạch mặt từng thằng. Ông Khai khơi dậy lòng căm thù của dân chúng. Nhưng người Trinh Miếu đã đấu tố mấy đêm liền hình như cũng mệt. Một ông xướng to: “Đánh mãi mỏi tay, nhọc người. Đề nghị cấp trên cứ bỏ tù tất cả những đứa phản động từ thằng nhỏ đến thằng lớn là xong!”. Ông Khai gật đầu: “Được, được! Đồng bào ai muốn đánh thì cứ nện thẳng cánh kỳ sướng tay thì thôi!”

Nhưng không ai muốn nhảy ra đánh nữa. Lát sau ông Khai nói: “Thôi bà con ta mỏi mệt rồi, đêm nay hãy về nghỉ ngơi, để đêm khác tôi cho giải quân phản động đến. Phản động còn nhiều, phải bắt thêm. Tôi cũng mệt mỏi vì lũ hắn lắm!” Ông Khai ra lệnh công an thôn: “Đứa mô ở thôn mô giải về thôn nứ giam giữ!” Đề phòng chạy trốn, họ bị trói vào cột nhà suốt đêm, có dân quân canh gác. Riêng tôi được công an Lưỡng tạm thả cho về.

Đêm nằm trằn trọc thao thức không ngủ được, tôi nhớ lại hôm bố tôi bị bắt, dắt đi bằng sợi dây thừng, tôi lo sợ sẽ đến lượt mình. Bây giờ, nỗi sợ ấy đã xảy ra: Tôi cũng đã thành một con vật, nay buộc, mai trói, dắt đi hết nơi này đến nơi khác! Có thể đêm mai ai đó nhảy đến đấm đá cái thằng nhỏ nhất, làm chức to nhất là tôi. Chắc chắn tôi chết mất! Làm thế nào? Thôi đành chịu chứ biết làm sao? Lúc sau, tôi cố hết sức bình tĩnh tự nhủ: Lo sợ cũng không được!

Biết tôi vẫn trằn trọc, mẹ tôi thở dài bảo: “Đành liều nhắm mắt đưa chưn, lo nghĩ đến mấy cũng không được!”. Tôi “Vâng”, cố nhắm mắt lại ngủ, nhưng lòng vẫn thức, cứ tỉnh như sáo. Lâu dần, mệt mỏi quá, tôi thiếp đi lúc nào không biết…

Chiều hôm sau, anh Lưỡng đến truyền lệnh ông Khai: “Nấu cơm ăn sớm để lên xã!” Tôi vừa cố nuốt cho xong bát cơm chát đắng đã thấy anh Lưỡng từ ngoài ngõ đi vào. Qua mấy lần rồi mà không quen được, cứ thấy bóng ông Khai, anh Lưỡng từ đằng xa, trống ngực tôi đã đánh lớn hơn trống làng! Hôm nào cũng bị trói và giải đi thế này mình chết mất, không chết cũng phát điên! Thà mình có tội tình gì cho cam! Tôi lại bị trói quặt hai tay ra đằng sau.

Tôi được biết có nhiều cách trói tuỳ theo tội nặng nhẹ.

Nhẹ nhất: Trói phạm nhân vào cánh tay dắt đi.

Thứ hai: Trói hai cổ tay với nhau.

Thứ ba, cách thông thường nhất: Trói hai cổ tay ra sau lưng.

Thứ tư: Trói hai cánh khuỷu, vẫn còn có thể giơ hai bàn tay ra phía trước bụng.

Thứ năm, trói giật cánh khỉ: Hai khuỷu tay bị trói chặt vào nhau, hai cánh tay không cử động được.

Thứ sáu, trói ru-lô: Trói lăn dây thừng từ cổ tay đến khuỷu tay (sau hai cánh tay bị liệt nếu thêm hình thức treo ngược lên).

Thứ bảy, trói ngón tay: Hai ngón tay cái trói chặt vào nhau rồi treo lên.

Thứ tám: Lột trần truồng hai người trói úp lưng dong đường (áp dụng cho trai gái thông dâm).

Thứ chín: Trói vào đuôi ngựa cho ngựa phi.

Thứ mười: Trói vào bè chuối cho trôi sông!

Có thể người áp giải hoặc giam giữ áp dụng thêm một số hình thức nữa đau đớn hơn hoặc để làm nhục. Ví dụ: Bố tôi bị trói giật cánh khỉ còn thêm cùm quặt hai cổ tay ra sau lưng. Người giải “phát huy sáng kiến” buộc dây vào cổ kéo đi. Phải chăng đây là cách theo ngôn ngữ dân gian gọi tên “trói cổ”, “lôi cổ”?

Anh Lưỡng thường áp dụng với tôi: “Trói quặt cổ tay hoặc cánh tay ra sau lưng. Đây là hai cách tương đối nhẹ nhàng trong số 10 hình phạt kể trên. Anh Lưỡng giải tôi lên xóm trại làng Trinh Xá, trói vào cây cột nhà anh Bảng. Nhà anh Bảng nghèo, bố mất sớm, mẹ anh nuôi mấy đứa con khôn lớn. Anh Xuân con trai đầu đi công nhân chiếu bóng. Anh Bảng con thứ, lấy chị Tiệu xóm tôi. Cả nhà hiền lành phúc hậu. Tại nhà anh Bảng có một người con gái đang bị trói vào cột nhà. Cô gái hơn tôi độ ba bốn tuổi. Hai mẹ con anh Bảng đang làm vườn.

Trong nhà vắng vẻ, chị ấy hỏi tôi: “Anh có phải…?” Có lẽ chị đoán chừng nên ngập ngừng dở câu. Tôi trả lời: “Phải, tôi là con ông Đản Thùy”. Chị tự giới thiệu: “Tôi ở làng Chào, con ông Bổng. Thày tôi vô Phật  giáo, nhưng chỉ biết “Nam mô Phật”, chữ nhất là một còn không biết! Họ định bắt thày tôi, nhưng thày tôi đang bị ốm, nên họ bắt tôi ra đấu. Tôi không biết chi, họ biểu tôi ngoan cố, rồi trói giải lên xã. Đầu tiên giam ở trại Chào, sau giải sang trại Nguyễn!”

Tôi biết trại Nguyễn là xóm trại làng Nguyễn, trại Chào tức xóm trại của Chào Thôn.

Chị Bổng kể tiếp: “Ở trại Chào, anh Xương, anh Hợp con ông Chánh Chào cũng đều bị bắt trước tôi năm sáu bữa, bị họ đánh cho đau lắm!” Tôi hỏi: “Chị có bị đánh không?” Chị đáp: “Có phải mấy cái tát nảy đom đóm mắt!” Tôi thở dài đáp: “Có lẽ họ thấy tôi gầy nhỏ nên cũng không nỡ đánh, chỉ cho ăn vài cái tát vào mặt thôi! Dù sao chúng ta cũng phải cám ơn họ!”

Tôi liếc nhìn chị Bổng, thấy mặt chị hình như hơi bị sưng. Nhưng không phải. Đó là do gò má chị hơi cao, hai mắt khóc sưng húp, cái khăn chít đầu sổ tung, tóc xoã loà xoà nên trông chị già trước tuổi. Chị cũng nhìn tôi, khoé mắt đỏ hoe chứa đầy sự cảm thông cùng chung cảnh ngộ.

Không còn gì để nói nữa, tôi và chị Bổng ngồi im lặng, mặt nhăn nhăn nhó nhó vừa đau vừa tê vì cái dây thừng trói. Để tự an ủi mình, tôi ngẫm lại lời kệ bố tôi đọc trước đây, mỗi lần thỉnh chuông: “Khổ hải vạn trùng ba! (Bể khổ sóng muôn trùng). Cho nên người ta xuất gia tu hành. Nhưng đi tu rồi cũng không thoát khổ. Nghe nói trong đấu tranh chính trị có nhiều ông sư bị bắt như kẻ trần gian, bị kết tội “mồm miệng nam mô, bụng bồ dao găm!” Chả biết đúng hay sai. Như mình đúng hay sai? Bắt tội mình liên quan Phật giáo là đúng, nhưng bảo mình làm phản động thì sai! Tôi biết mình là ai hơn ai hết. Tuy vậy, làm thế nào để chứng minh? Không có cách gì cả!

CÒN TIẾP

_________

Đấu tố và Cải cách ruộng đất – hồ sơ của một nhân chứng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: