Một buổi sáng, bố tôi đột ngột trở về. Đi kèm áp giải là công an đeo súng lục, bộ đội đeo súng trường, cùng rất đông cán bộ, chính quyền đoàn thể. Trông bố tôi chẳng khác nào kẻ tử tù bị đưa đến như xử tội. Tôi nhìn mà run bắn cả người.
Họ không đưa bố tôi vào nhà mà bắt ông dẫn thẳng ra ngoài vườn, chỗ cây mít nhão. Đoàn người vây quanh cây mít. Mấy công an thôn xã đã chuẩn bị sẵn thuổng cuốc. Họ bắt tay đào bới, hăm hở như muốn lục tung, lật ngược cả gốc cây mít để tìm vàng bạc, châu báu. Nhưng ngoài mấy mảnh vỡ của nồi đất, be sành, thì không thấy gì cả!
Bỗng bố tôi kêu to: “Ôi trời! Đứa nào đã đào lấy trộm mất rồi!”. Lập tức, bố tôi bị một quả đấm như trời giáng vào giữa mặt, kèm theo một cú thúc chí tử vào mạng mỡ. Ông loạng choạng rồi gục ngã ngay dưới gốc mít! Tiếng ai đó thét lớn: “A, mi dám cả gan đánh lừa bọn tau, đánh chết tươi chôn liền xuống gốc mít mới đáng đời quân phản cách mạng!”. Hoá ra họ đào bới để tìm khí giới, súng ống. Vì bị cực hình tra tấn, nên bố tôi buộc phải nhận tội và khai bừa là đang giấu ở gốc mít cho xong. Điều này đúng như lời hai ông thẩm phán đã tra hỏi tôi trên huyện…
Ông chỉ huy (tôi nghĩ vậy) khoát tay ra lệnh: “Thôi! Giải đi!”. Tôi đoán họ sẽ vào khám nhà, lục soát mọi xó xỉnh. Bố tôi và đoàn người áp giải, súng ống lăm lăm đã vào đến sân. Tôi không còn hồn vía nào, đầu óc tối tăm mù mịt. Tôi như chuột chạy cùng sào, chỉ còn biết ôm cây sào chờ chết, chết trong lúc mẹ tôi và anh Nậu cắm đầu cúi cổ nhổ cỏ lúa chiêm ngoài đồng. Bữa trưa hôm nay thiếu vắng tôi, chắc mẹ tôi nước mắt chan cơm…
Chợt loé lên một tia sáng. Tôi nhận nhớ ra trong buồng mẹ tôi ngủ và cất đồ đạc linh tinh còn có một cái giường cưới đóng bằng tre, thời mẹ tôi về nhà chồng. Nhanh như cắt, tôi nhảy lên giường, đắp chiếu nằm co quắp như người đang ốm. Mà tôi ốm thật. Người nóng bừng bừng như đang lên cơn sốt!
Có tiếng chân người đông và tiếng nói xôn xao. Hình như họ đang tiến vào nhà trên. Có lẽ là lục soát xong nhà trên rồi mới đến nhà dưới. Tôi nằm im, không cựa quậy, nín thở như người đã chết. Vậy mà hai hàm răng cứ va vào nhau cầm cập! Tôi cố giữ bình tĩnh mà không được. Không hiểu sao tiếng bước chân thình thịch, tiếng lao xao bàn tán của đám đông lại như xa dần, mờ dần. Đầu óc tôi mê mẩn rồi sao?
Tôi đẩy tụt chiếc chiếu xuống chân, hé mắt nhìn ra. Nửa mừng, nửa lo. Tôi thấy nhà cửa không một bóng người, ngoài sân vắng ngắt. Một sự im lặng đáng sợ! Nhưng đúng là họ kéo đi cả rồi. Chắc họ giải bố tôi đi để tiếp tục tra khảo, và ông sẽ phải chịu hình phạt ghê gớm hơn dành cho kẻ ngoan cố. Nhưng đâu phải bố tôi ngoan cố. Tội gì thì có thể khai bừa, chứ khí giới, cái đồ tàn bạo của kẻ giết người kia lấy đâu ra? Tôi bán tín, bán nghi, ngờ rằng bố tôi bị oan, chứ làm gì có súng, có đạn.
Khoảng hai tuần sau “cuộc truy tìm kho súng đạn”, anh công an Lưỡng đến nhà bảo tôi:
-Tỉnh có lệnh gọi mi lên có việc gấp, mi phải sửa soạn sáng mai tau dẫn đi sớm!
-Tôi hỏi: “Không có giấy gọi hay sao?”
-Anh Lưỡng trả lời: “Tau chỉ biết làm theo lệnh của ông Lời, chớ có hỏi đến giấy má mà thêm lôi thôi cò kéo, để ông nớ phạt lây đến tau!”
Tôi nghĩ: Lần trước gọi mình lên huyện cũng không thấy giấy má gì. Chắc lại chuyện súng đạn? Đến bố tôi còn không biết súng đạn cất giấu ở đâu nữa là tôi! Tôi đành cứ phải “Dĩ bất biến ứng vạn biến!”
Suốt đêm mẹ tôi không ngủ, trong khi anh Nậu vẫn “kéo bễ” phì phì. Anh mắc bệnh hen suyễn do hồi nhỏ đi ở nhà ông cố Thuý, phải làm việc nhiều, quá sức. Tính anh siêng năng, chịu khó, sáng ý, biết việc, sống vô tư lự, ba lần lấy vợ không thành, vẫn chẳng tỏ ra nghĩ ngợi, buồn phiền gì. Mẹ tôi thì cả nghĩ, thương con thương chồng, dẫu hay cãi trả chồng. Giả dụ, chỉ cần cãi chồng một câu đủ mắc tội chết, mẹ tôi chết thì chết vẫn cứ cãi, cãi xong rồi chết ngay tức khắc cũng cam lòng! Tôi biết mẹ tôi lo lắm. Trước lên huyện còn gần, nay phải lên tận tỉnh xa xôi mịt mù, con chim non sớm phải xa tổ, rời cành, không biết số phận thế nào, liệu ông trời có thương…
Trời mới mờ sáng đã thấy anh Lưỡng xuất hiện trước cửa với cuộn thừng trong tay.
Mẹ tôi khóc.
Tôi an ủi mẹ: “Con phải lên tỉnh như lên huyện thôi, vài hôm con về”. Mẹ tôi mếu máo nói với anh Lưỡng: “Anh cho em nó thư thư một tí, ăn bát cơm đỡ đói. Nhà chỉ có cơm ví cà, nên không dám mời anh”. Anh Lưỡng xua tay, lắc đầu: “Thôi, ăn uống chi. Có tiền bà đưa cho hắn mấy đồng, dọc đàng uống nước. Phải đi sớm, chiều tôi còn về”.
Anh Lưỡng mở cuộn dây thừng trói ngay hai cánh tay tôi ra sau lưng. Tôi hỏi: “Anh trói chặt tôi thế này, đường xa tôi đi sao nổi?” Anh Lưỡng ghé tai tôi nói nhỏ: “Đây là lệnh ông Lời, áo giải phạm nhân phải theo đúng nguyên tắc. Mi chịu khó đi khỏi xã, qua tai mắt ông Lời, tau sẽ mở trói!”
Mẹ tôi nhét vội mấy đồng bạc vào túi áo tôi. Nhà làm gì có tiền, chắc mới vay được tối qua. Cũng như bố tôi hôm bị bắt, tôi bị giải đi đầu trần chân đất! Cái mũ cát hồi còn đi học đã rách vải bọc, long cả gỗ bấc đệm cốt bên trong, và đôi dép lốp xe cũng đã tụt hết dây quai cao su. Mẹ tôi lấy cái mê nón rách đậy vại mắm cáy thối ngoài sân, chạy vội theo đặt lên đầu tôi. Tôi thập thững bước thấp, bước cao, chân mỏi rời, tay tê cứng. Năm ngoái bị trói, giải hết làng này đến làng khác, nhưng được đi chầm chậm, không đến nỗi bị thúc ép đằng sau như thúc giục con bò gầy yếu ì ạch kéo cày đồng sâu.
Đường lên tỉnh xa thật! Anh Lưỡng cứ đưa tôi dọc theo đường sông nông giang ngược lên phía Tây, tận 5 giờ chiều mới đến địa điểm cơ quan Toà án tỉnh đóng trụ sở. Tìm được nhà thì đã hết giờ làm việc. Anh Lưỡng gặp ông văn phòng trực cơ quan. Ông ấy hỏi có công văn gì không? Anh Lưỡng lấy từ túi áo ngực đưa cho ông một phong bì. Ông bóc ra xem. Ông hơi nhíu mày nghĩ ngợi. Ông ngồi vào bàn viết nguệch ngoạc mấy chữ vào tờ giấy đóng sẵn dấu khống chỉ, đưa cho anh Lưỡng. Anh Lưỡng vội chào ông ra về, chắc còn phải đi tìm nơi nghỉ trọ đêm nay để mai xuôi sớm.
Ông văn phòng đưa tôi đến một ngôi đình lớn, bên ngoài có bộ đội canh gác. Đây là nhà tù hay trại giam? Năm gian đình gỗ lợp ngói, không có cửa, bị rào kín bằng tre gai. Tôi cố trấn tĩnh. Điều mình lo sợ nhất bấy lâu, nay đã hiện diện ngay trước mắt!
Ông văn phòng Toà án tỉnh nói với anh bộ đội đang ngồi ở phòng trực canh, trên bàn đặt ngang khẩu súng trường. Anh bộ đội đứng dậy dẫn tôi vào buồng giam đầu tiên (số 1). Thìa khoá vặn lách tách. Cửa buồng mở ra. Tôi bước vào, thấy mình đang bị đẩy xuống địa ngục. Trong buồng rất đông người đang “kề vai sát cánh” ngồi đông lố nhố như đám khán giả nông thôn phải chen nhau ngó lên sân khấu để xem rõ mặt một diễn viên mới.
Tôi đang tìm một chỗ ngồi, liền nghe những tiếng quát nhỏ: “Đi vô”, “Đi vào!”. Người ta né tránh cho tôi đi. Tôi vẫn phải len từng bước chân cố tránh dẫm lên vai, lưng họ. Ngoài trời, ánh chiều đã tắt. Trong đình bắt đầu nhá nhem tối. Lòng đình chỉ sâu chừng 5m mà sao tôi đi mãi không hết, cứ sâu hun hút. Mỗi bước chân càng tối tăm hơn, cảm giác đang rơi xuống đáy giếng địa ngục.
Không còn cảm thấy hay nghi ngờ gì nữa. Tôi đã xuống địa ngục thật rồi! Chỗ của tôi ở sát tận xó đình, ngay kề bên nồi vồm, còn gọi là nồi đình, đồ gốm đất bán ở chợ Vồm (huyện Thiệu Hoá), một cái bô vệ sinh tập thể. Lệ buồng giam nào cũng vậy. Đứa vào sau thay chỗ đứa trước. Tôi phải nằm ngồi, ăn uống ở chỗ này đến lúc nào có kẻ mới vào thế chân tôi, tôi sẽ được ra xa hơn một chút…
Tù nhân được ăn cơm lúc 5 giờ. Bây giờ trời đã tối mịt. Khoảng giữa buồng giam một chiếc đèn treo ba quang thắp dầu hoả, bóng đèn ám đầy muội khói, không đủ soi khắp. Người ta bắt đầu làm cái việc xếp hàng tranh hạng thứ tư của món “tứ khoái”! Mùi khai thối cùng lúc bắt đầu nổi lên nồng nặc. Tôi phải lấy hai bàn tay bịt chặt lấy mồm mũi, nhưng không được lâu, vì dù thế nào cũng phải thở. Một lúc lâu, cơn mưa uế tạp ngớt dần.
Tôi hỏi anh bạn vừa được tôi thế chỗ: “Anh vào đây lâu chưa?”
Anh ta đáp: “Đã lâu! Trong trại cấm phạm nhân không được chuyện trò hỏi han gì nhau. Kẻ nào trái lệnh sẽ bị xiềng chân, xích tay, sống dở chết dở. Ở đây xa Ban trực canh, nói nhỏ, bên ngoài họ không nghe được, được cái hay là dễ chuyện trò”.
Trước cửa, ngoài hàng rào, một ông cán bộ đeo túi xà cột xuất hiện. Ông đứng trước cửa khịt mũi mấy lần và vỗ tay mấy cái: “Im lặng! Im lặng!”. Trong buồng giam đang ì ì chợt lặng ngắt như tờ: “Các anh nghe đây! Phải luôn luôn nhớ rằng mình không phải là tù chính trị để mà chớ có tự hào, đòi hỏi cái này cái kia! Các anh chỉ là một lũ lưu manh trộm cướp, không hơn không kém! Hãy yên tâm cải tạo, chờ ngày cấp trên khoan hồng! Lợi dụng đêm tối, thằng nào dám tính chuyện trốn trại sẽ bị bắn bể sọ!”
Xong bài huấn thị ngắn gọn, súc tích, ông cán bộ hất nhẹ cái xà cột ra sau lưng, kể tóm tắt tình hình kháng chiến trong nước, khắp nơi giặc Pháp bị đánh thua tơi bời, chúng sắp phải đầu hàng ở mặt trận Điện Biên Phủ. Bây giờ kẻ nào muốn theo chân bám gót nó kiếm chút bơ thừa sữa cặn cũng đành chịu trơ mõm…! Các anh vì ngu muội đã bị lừa, bị lừa hết! Tuệ Quang, Tuệ Chiếu hai tên đầu sỏ cầm đầu các anh là ai? Bị lừa, bị lừa hết! Đó chỉ là mấy đứa thầy tu hạng bét loại sư hổ mang, chỉ biết ăn thịt chó, miệng nam mô bụng bồ dao găm!
Thằng Tuệ Quang nửa chữ cắn làm đôi không có, thằng Tuệ Chiếu học được mấy tiếng Tây giả cày, chuyên làm bồi bếp cho Tây… Thế mà dám thành lập đảng Liên tôn diệt Cộng xưng danh lãnh tụ! Những tôn giáo nào theo chúng? Chủ yếu cánh Phật học, Phật giáo rào rào chạy theo như đàn vịt cùng lũ địa chủ cường hào ác bá và bọn quan chức nguỵ quyền cũ tri phủ, tri huyện, chánh phó tổng! Còn quân Công giáo những ai? Không nhiều lắm vì chúng khôn khéo như cá trê ăn ngầm, chỉ có thằng cha Tần cầm đầu là ghê gớm nhất thì đã bị tóm cổ cho tù mọt gông!”…
CÒN TIẾP
_________