Gió lốc – hồi ký chính trị, kỳ 16

Chương VII – Lưu vong

Đảng bộ Quốc Dân Đảng tại Móng Cái cũng như Quốc Dân đảng thuộc Đệ Nhất Khu Bộ đóng tại đây không bao giờ có thể nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ phải lưu vong sang đất Trung Hoa, nhưng việc đó đã xảy ra vào đầu Tháng Chín 1946.

Trước đó ba tháng, từ đầu Tháng Sáu, Việt Minh đã huy động lực lượng công an có quân đội yểm trợ, nhất loạt tấn công các khu giải phóng và trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, bắt hàng chục ngàn cán bộ Quốc Dân Đảng mang đi thủ tiêu. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản chỉ có thể chiếm được những trụ sở của Quốc Dân Đảng tại các thành phố lớn, còn ở một số tỉnh và chiến khu. Chúng đã vấp phải sự chống cự mãnh liệt và gặp nhiều tổn thất nặng nề. Cho mãi tới cuối năm 1947, nhờ được quân đội Pháp ngầm yểm trợ, chúng mới thực sự chiếm đóng được tất cả các vùng giải phóng của Quốc Dân đảng và những đảng quốc gia khác.

Riêng tại vùng giải phóng quan trọng nhất là Đệ Tam Khu gồm các tỉnh Vĩnh Yên, Việt Trì, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai (Hoàng Liên Sơn), mặc dù phải rút quân về biên giới Trung Hoa trước sự tấn công ồ ạt của Việt Minh, các lực lượng võ trang của Quốc Dân Đảng, gồm cả những đơn vị của dân tộc thiểu số người Nùng, Thổ, Thái – như trong đơn vị của Đại Tá Triệu Quốc Lộc có một đại đội toàn người Thái – đã đánh trả những đòn mãnh liệt, đặc biệt tại Lào Cai, Lai Châu và Móng Cái.

Tại Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu, quân đội và cán bộ Quốc Dân Đảng phải đơn phương chiến đấu hai mặt trận. Phía sau với các đơn vị Vệ Quốc Đoàn của Việt minh, phía trước với các đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh Pháp của Tướng Alessandri lúc ấy trấn đóng tại Lai Châu. Sư đoàn này đã bỏ chạy ra biên giới khi Nhật đảo chính ngày 9 Tháng Ba 1945. Dần dần, phía Việt Minh thấy Quốc Dân Quân được sự ủng hộ của các dân tộc thiểu số mà quân đội Việt Minh lại không am tường địa hình, địa vật của vùng núi non hiểm trở này, nên những cuộc tấn công của chúng thưa dần, rồi gần như ngừng hẳn.

Mặt trận chính là đánh quân Pháp ở phía trước. Lúc đầu quân Pháp đóng nhiều đồn rải rác khắp vùng Phong Thổ. Về sau, trước các cuộc tấn công liên tiếp của mấy lực lượng võ trang Quốc Dân Đảng do phân khu tư lệnh Triệu Việt Hùng, chi đội trưởng Nguyễn Duy Di (một chi đội thời bấy giờ tương đương với một trung đoàn hiện nay) và nhiều đơn vị trưởng khác chỉ huy như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Phan Đức, chúng phải co lại về đóng đồn chính tại quận lỵ Phong Thổ.

Từ đó Quốc Dân Quân kiểm soát được gần như toàn bộ vùng Phong Thổ, ngoại trừ đồn chính của quân Pháp. Đồn này được bảo vệ bởi một lô cốt vững chắc bằng xi măng, cốt sắt. Nhiều đơn vị cảm tử của Quốc Dân Quân đã có lần tiến sát đến chân lô cốt, gài chất nổ có sức công phá mạnh rồi giật cho nổ, nhưng cũng chỉ làm hư hại được phần dưới cùng của lô cốt mà không phá hủy được lô cốt này.

Một hôm, Quốc Dân Đảng nhận được một phong thư do một cậu bé người Thái trắng cầm tới. Thư đó là thủ thư của chính tướng Alessandri, ngoài bì ghi rõ:

“A Monsieur Le Chef du Parti Nationaliste Vu Hong Khanh.”

Trong thư đại ý nói: “Tôi được biết Việt Nam Quốc Dân Đảng là một đảng quốc gia chống cộng sản. Chúng tôi cũng chống cộng sản, tại sao chúng ta không hiệp sức lại, cùng chống kẻ thù chung là cộng sản Việt nam mà lại đánh lẫn nhau. Bởi vậy, tôi trân trọng đề nghị một cuộc gặp mặt giữa ông và tôi tại một địa điểm thích hợp để cùng nhau thảo luận sự hợp tác…”.

Sau khi thảo luận kỹ càng, Tổng bí thư Vũ Hồng Khanh và toàn thể Bộ tham mưu cao cấp quyết định bác bỏ đề nghị hợp tác của Pháp vì lý do là lập trường của Việt Nam Quốc Dân Đảng suốt từ 1927 tới nay là chống lại thực dân Pháp để giành độc lập cho tổ quốc, không thể dễ dàng thay đổi lập trường này được.

Hơn nữa, cuộc tranh đấu của Quốc Dân Đảng hiện nay sỡ dĩ có chính nghĩa là vì vừa chống cộng sản độc tài, khát máu, đang mưu toan ngầm bắt tay với thực dân Pháp, vừa chống thực dân Pháp đang tìm cách áp đặt một lần nữa ách thống trị của chúng tại Việt Nam. Nay bỗng nhiên đi với Pháp dù là để cùng đánh cộng sản đi nữa, chính nghĩa sẽ không còn. Tuy nhiên, nhiều năm sau, khi xem xét lại lập trường này, nhiều người nhận xét nó có phần nào quá khích và không theo kịp những diễn tiến chính trị liên quan tới Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước vào thời điểm 1947 sang 1948.

Lúc đó, ở miền Nam Việt Nam, trước sức kháng chiến ngày thêm mãnh liệt, không những do Việt Minh lãnh đạo mà còn do lực lượng võ trang của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và Đệ Tam sư đoàn của Việt Nam Quốc Dân Đảng do lãnh tụ Nguyễn Hòa Hiệp chỉ huy (trong tập hồi ký của Mười Cúc tức Nguyễn Văn Linh, Mười Cúc đã than phiền Đệ Tam sư đoàn là cái gai trước mắt của Trung Ương Cục Miền Nam), Pháp đành phải từ bỏ ý đồ thành lập những chính phủ bù nhìn kiểu Nguyễn Văn Thinh, nhằm biến Việt Nam thành một thứ thuộc địa trá hình trong Liên Hiệp Pháp. Do đó các chính phủ tương đối có màu sắc quốc gia bắt đầu ra đời, mặc dù ảnh hưởng của thực dân Pháp vẫn còn, như chính phủ Nguyễn Phan Long chẳng hạn.

Bộ thuộc địa của Pháp được khoác cái tên tiến bộ hơn “Bộ Pháp quốc hải ngoại,” đồng thời chính sách của chính phủ Pháp đối với Việt Nam cũng bắt đầu cởi mở hơn. Tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, đã có những cuộc tiếp xúc bán chính thức giữa đại diện của Pháp là Cousseau, cựu công sứ Pháp tại Việt Nam trước 1945, với cựu hoàng Bảo Đại nhằm tìm một giải pháp “quốc gia” để đương đầu với chính quyền cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Sau đó, Pháp đưa cựu hoàng xuống Hương Cảng, tiếp tục điều đình, dẫn tới việc cựu hoàng sang Pháp, sống tại thành phố nghỉ mát Cannes. Tại đây, thay vì thương thuyết nghiêm chỉnh với Pháp, cựu hoàng Bảo Đại kéo dài thời gian bằng cách miệt mài trong các sòng bạc và khiêu vũ trường hoặc chơi xe hơi đua đắt tiền.

Có dư luận cho rằng vì bản chất ăn chơi đã quen nên ông vua thoái vị này đã lợi dụng cơ hội để tận hưởng, vì mọi chi tiêu của cựu hoàng đều do Pháp ngầm đài thọ. Tuy nhiên lại có dư luận cho rằng cựu hoàng đã đánh một lá bài cao vì thời gian càng kéo dài thì càng bất lợi cho phía Pháp. Thật vậy, đạo quân viễn chinh Pháp, mặc dù được Mỹ trang bị đầy đủ võ khí tối tân, đã không tiêu diệt được lực lượng kháng chiến Việt Nam mà ngày càng sa lầy thêm, dồn Pháp vào thế yếu trước những đòi hỏi của cựu hoàng Bảo Đại.

Cũng vào thời điểm này, khoảng đầu năm 1947, lãnh tụ Quốc Dân Đảng Nguyễn Tường Tam đã gặp cựu hoàng Bảo Đại nhiều lần tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, với ý định kéo cựu hoàng đứng hẳn về phía các đảng cách mạng quốc gia để thêm thanh thế trong công cuộc chống lại cộng sản. Tuy nhiên ông và các đồng chí của ông không thành công vì Pháp đã bao vây cựu hoàng chặt chẽ bằng mạng lưới tình báo do công sứ Cousseau chỉ huy. Mặt khác, phía Quốc Dân Đảng có thể đã đòi hỏi quá nhiều, khi muốn cựu hoàng Bảo Đại đứng hẳn vào hàng ngũ cách mạng, điều mà ông vua thoái vị này khó lòng chấp nhận được.

Trong bối cảnh chính trị vừa kể trên, việc các đảng bộ Quốc Dân Đảng hoạt động tại các tỉnh dọc theo biên giới Việt Hoa lần lượt phải rút sang Trung Hoa là việc không thể tránh khỏi. Riêng tại Móng Cái, sau trận đánh ở Hà Cối, khi không quân Pháp công khai yểm trợ cho những đơn vị Việt Minh, Quốc Dân Quân và cán bộ chính trị đành phải rút sang lãnh thổ Trung Hoa qua ngã Đông Hưng. Lúc ấy đa số anh em đảng viên muốn trở về Hải Phòng, chỉ có năm người tình nguyện sang Trung Hoa cùng với tác giả viết lại chuyện này.

Chúng tôi thuê ba chiếc thuyền mành, tức ghe đi biển cỡ lớn, chở khoảng gần một trăm cán bộ về một địa điểm vắng vẻ gần Hải Phòng. Sáu người vượt biển sang Trung Hoa là liều lĩnh, vì tất cả chỉ mới trên dưới hai mươi tuổi, không ai biết tiếng Tàu, tiền không có và chưa từng xuất ngoại bao giờ. Chúng tôi đóng vai du học sinh Việt Nam sang Trung Hoa du học để tránh những sự phiền phức về chính trị. Anh Tư lệnh Vi Văn Lưu và một số cán bộ quân sự cũng đã sang Đông Hưng. Sáu anh em chúng tôi bước chân lên cây cầu biên giới, bùi ngùi xúc động xen lẫn với nỗi lo âu. Tương lai mù mịt, chẳng biết ngày mai sẽ ra sao?

Người duy nhất vẫn giữ được nét mặt vui vẻ như thường ngày là anh Bùi Xuân Giao, anh là người trẻ nhất trong bọn tôi, mới mười sáu tuổi. Tuy nhỏ tuổi nhưng anh luôn luôn tỏ ra rất lanh lẹ và tháo vát mỗi khi phải giải quyết những vấn đề khó khăn. Gần hai mươi năm sau, anh giữ chức vụ Giám đốc Nha báo chí, Bộ thông tin. Sau 1975, anh bị Việt Cộng bắt đi tù cải tạo và chết trong trại cải tạo Nam Hà, Bắc Việt năm 1980 (anh có một người con trai là học sinh trường Lasan Taberd, Sài Gòn và hiện người này sinh sống tại Nam California.)

Trái ngược với anh Giao, người có vẻ ưu tư nhất là anh Lê Văn Cấn, không phải vì anh sợ hãi nhưng vì anh mới lấy vợ. Quê ở tỉnh Kiến An, anh là một cán bộ trẻ tuổi, can trường, từng một mình chống lại cả một tiểu đội công an Việt Minh, khi bọn này tấn công nơi anh ở. Mặc dù chỉ có một khẩu súng ngắn “rulô” để tự vệ, anh đã cố thủ trên một căn lầu nhỏ, bắn hạ tên chỉ huy, làm cho bọn chúng bỏ chạy tán loạn. Anh Cấn sau này chết vì bệnh lao phổi tại Hương Cảng năm 1947.

Người con trai duy nhất của anh tổng quản, thuộc một đơn vị của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cũng hy sinh tại mặt trận miền Tây trước năm 1970. Người lớn tuổi nhất trong sáu anh em vượt biên sang Trung Hoa là anh Nguyễn Văn Ba, quê ở Hải Phòng. Gia đình anh là một gia đình Quốc Dân Đảng, ông thân sinh anh là đảng viên từ thời 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Trưởng Nguyễn Thái Học. Lúc anh Ba còn nhỏ, năm chưa đến mười tuổi, nhà cách mạng Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con thường lui tới và nhiều hôm ngủ đêm tại nhà anh.

Ông Ký Con là trưởng ban ám sát của Việt Nam Quốc Dân Đảng, người thấp bé, nhưng cực kỳ gan dạ. Theo anh Ba kể lại, có một hôm ông đang ngủ trưa tại phòng ngủ bên trong nhà anh thì ba mẹ anh Ba chạy vào cho biết có một người đội xếp (danh từ thời đó để chỉ cảnh sát viên) vào nhà, đang ở phòng khách. Ông Ký Con lập tức nhỏm dậy, tay phải vồ lấy khẩu súng lục để dưới gối, tay trái ôm quả bom xi măng để dưới gầm giường, rồi nói nhỏ với mẹ anh Ba:

-Để tôi ra giết nó!

Mẹ anh Ba vội cản ông lại:

-Người đội xếp này là người trong họ, tới nhà chơi như thường lệ, không có gì phải lo lắng.

Giả sử ông Ký Con ra bắn hay ném bom giết chết người cảnh sát, tất nhiên khi nghe tiếng súng hoặc tiếng bom nổ, cảnh sát và mật thám Pháp sẽ ào tới bao vây ngôi nhà này để bắt “phiến loạn”, ông Ký Con khó lòng chạy thoát. Anh Nguyễn Văn Ba sau này lập gia đình với một người Việt tại Hương Cảng, không về Việt Nam nữa.

CÒN TIẾP

____________

Gió lốc – hồi ký chính trị

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Khúc nhạc buồn trong ký ức
            Nếu ví cuộc đời của mỗi người như một bản trường ca có nhiều đoản khúc khác nhau, mỗi đoản khúc biểu tượng cho những diễn tiến buồn hay…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: