Chương VII – Lưu vong (Kỳ 2)
Cùng quê với anh Ba có anh Phùng Hữu Lễ. Anh Lễ năm ấy mới 18 tuổi nhưng rất chì vì anh cũng vô cùng can đảm. Sau này trở về Việt Nam, anh đã thực hiện nhiều công tác đặc biệt nguy hiểm ở miền Bắc cũng như ở chiến khu Nam Ngãi. Người xấu số nhất là anh sĩ binh Nhung, tôi không nhớ họ của anh, anh chỉ là lính trong trung đội bảo vệ trụ sở Hải Phòng, nhưng cũng tình nguyện sang Trung Hoa với chúng tôi. Khi chúng tôi tới Quảng Châu Vân trên đường đi Hương Cảng thì anh mắc bạo bệnh và từ trần vào đầu năm 1947.
Như đã nói ở đoạn trên, sau khi sang tới Đông Hưng, trên lãnh thổ Trung Hoa, sáu người chúng tôi chưa biết đi đâu vì tất cả đều mù tịt về đất nước này. Sau nhờ mấy người Tàu cũng đang xách hành lý cho biết họ sắp đáp thuyền đi Bắc Hải, chúng tôi nghe câu được, câu chẳng, nhưng cũng liều đi theo họ. Về sau, khi đã lên thuyền, nhờ có một ông giáo sư nói được tiếng Anh, tôi mới hỏi thăm ông này vì tôi là người duy nhất nói tiếng Anh tạm trôi chảy, mới biết nếu chúng tôi định đi xa trên lãnh thổ Trung Hoa thì phải đáp thuyền đi Onpu (tức An Phú), rồi từ đó theo đường bộ tới Quảng Châu Vân để đáp tàu biển đi Hương Cảng hay Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông.
Như vậy là chúng tôi đi lầm thuyền rồi, vì thuyền này đi Bắc Hải chứ không phải đi An Phú. Chiếc thuyền chúng tôi đi là một thứ thuyền buồm khá lớn, vừa chạy bằng sức gió, vừa bằng máy, có thể chở được khoảng bốn chục hành khách trong hai khoang rỗng, trông tương tự như tàu ô thường được mô tả trong các chuyện cướp biển. Dọc theo hai mạn thuyền có khoảng vài chục súng thần công giống những khẩu đại bác cổ đặt trong hoàng thành Huế. Tôi không hiểu những khẩu súng ấy để trang trí cho đẹp mắt hay để bảo vệ chiếc thuyền đi biển này và có bao giờ khai hỏa không. Tuy nhiên đi du hành trên tàu ô cũng cho chúng tôi một cảm giác là lạ, như sống lại thời hải tặc xa xưa.
Nửa đêm hôm ấy bỗng nổi lên một cơn bão biển. Mưa như trút nước, gió mạnh đến độ chiếc thuyền quay như chong chóng, những đợt sóng khổng lồ, có lẽ cao đến năm, sáu mét, tràn vào khoang thuyền, không hiểu sao chiếc thuyền lại không chìm. Chúng tôi run lẩy bẩy vừa vì lạnh, vừa vì sợ, tưởng đâu phen này đành chôn thân trong bụng cá. May thay, đến gần sáng thì gió yên, sóng lặng ai nấy đều mừng rỡ.
Hành khách trên thuyền được chủ thuyền cho ăn ngày ba bữa, trời sáng rõ, chúng tôi ăn bữa điểm tâm chỉ có cơm trắng với cá kho, nhưng vì đi biển ai cũng đói bụng nên ăn rất ngon miệng. Bữa cơm chiều và cơm tối cũng y như bữa điểm tâm, nhưng có thêm một trái chuối để tráng miệng.
Sau hai ngày một đêm, thuyền cập bến Bắc Hải. Đây là một thành phố cổ, điển hình cho các thành phố nhỏ ở Trung Hoa thời bấy giờ. Đường phố rất hẹp chỉ dành cho người đi bộ, đôi khi có vài chiếc xe nhỏ chở đồ do ngựa kéo hoặc xe đạp cũ kỹ. Nhà phần lớn đều một tầng, mái cong vắt, lợp ngói, ốp đá ngả màu rêu với những bức tường chạy dài, trông như các ngôi nhà trong những bức tranh vẽ trong các tiểu thuyết kiếm hiệp.
Chúng tôi đi lang thang một lát thì thấy một phạn điếm (một thứ nhà trọ có phòng ăn). Sở dĩ biết đó là nhà trọ là nhờ anh Nguyễn Văn Ba biết võ vẽ một ít chữ Hán. Anh Cấn còn được một ít tiền, thuê một phòng để chúng tôi ở qua đêm. Ở đây gần biên giới Việt Nam, nên dân Tàu vẫn nhận giấy bạc Đông Dương do Pháp phát hành vì vậy chúng tôi không phải đổi sang tiền Quan Kim của Trung Quốc. Nhờ làm quen được với mấy người khách cùng ở trọ nên sáng hôm sau chúng tôi dễ dàng tìm được đại lý của hãng ghe đi biển chạy đường Bắc Hải – An Phú.
May mắn lần này chúng tôi không còn phải trải qua cảnh sóng gió hãi hùng nữa. Hai ngày sau chúng tôi tới An Phú vào lúc mờ sáng. An Phú có vẻ tân tiến hơn so với Bắc Hải. Lác đác có những ngôi nhà hai tầng xây theo kiểu Châu Âu, có bao lơn ở mặt tiền mặc dù đã lâu không được quét vôi lại. Chiếc xe đò chở chúng tôi đi Thẩm Giang (Quảng Châu Vân) chạy bằng than củi, nên rất chậm, ì ạch như một con trâu già, cứ độ vài chục cây số lại chết máy. Hành khách phải xuống xe ngồi chờ bên vệ đường. Vì Đệ Nhị Thế Chiến mới kết thúc chưa được một năm nên đường sá vẫn chưa được sửa lại, chỗ thì còn lát nhựa, chỗ thì vừa đất vừa đá lồi lõm đầy ổ gà, ổ trâu, trời mưa thì lầy lội, trời nắng thì bụi mù mịt.
Buổi tối, xe dừng lại trước một quán trọ bên đường, ai có tiền thì vào quán, ai ít tiền thì ngủ vật vã trên xe. Cuối cùng chúng tôi cũng tới được Quảng Châu Vân. Thành phố này trước đây là một nhượng địa của Pháp nên được xây cất theo kiểu kiến trúc thuộc địa, khác hẳn những thành phố Trung Hoa khác, trông khá đồ sộ, tương tự như thành phố Hà Nội, nhưng nhỏ hơn. Xe cộ nhộn nhịp, xe đạp xen lẫn xe hơi, ở các ngã tư, ngã năm có cảnh sát đứng chỉ đường. Sáu anh em chúng tôi đều mệt phờ nên thấy một khách sạn khá lớn là chúng tôi nhào vô. Gom góp nhau cũng không đủ trả tiền phòng, chúng tôi đành cởi thắt lưng, giày, đồng hồ đeo tay, quần tây, sơ mi cái nào còn tốt, giao cho hai anh Cấn và anh Ba mang ra vỉa hè gần đây bày bán.
Tuy đã bán gần hết số quần áo, chúng tôi vẫn chỉ đủ trả tiền phòng cho đêm hôm ấy, sáng hôm sau chúng tôi đành lếch thếch ra khỏi khách sạn, đi tìm chỗ khác tạm trú. Chúng tôi ra vùng ngoại ô, tìm được một gia đình nông dân có một cái chuồng bò bỏ trống vì con bò mới chết, họ bằng lòng cho chúng tôi thuê với giá năm Quan Kim một đêm. Trong chuồng bò này có một cái ổ rơm khá lớn để bò nằm. Tuy có một ít phân bò nhưng chúng tôi rũ sạch phân đi, sáu anh em nằm cũng tạm được.
Tôi còn nhớ đêm hôm ấy là Rằm tháng Tám, trăng sáng vằng vặc, nhưng nửa đêm bỗng nổi lên một cơn giông lớn, chúng tôi bị ướt, phải nằm dồn lại một góc. Nửa đêm tôi chợt thấy có cái gì cồm cộm dưới lưng, lấy tay sờ thì là một con rắn lục, một thứ rắn độc, tôi vội nắm lấy đuôi con rắn, vứt nó ra khỏi chuồng bò. Có lẽ vì mưa gió, con rắn bị lạnh nên vào nằm với chúng tôi cho ấm.
Hôm sau bọn tôi rủ nhau lên khu trung tâm thành phố xem xét tình hình. Tình cờ chúng tôi thấy một ngôi nhà khá rộng, trước cửa có treo bảng “Việt Nam Đồng Hương Hội”, mừng quá, chúng tôi vào hỏi thăm, gặp được một ông cụ khoảng gần bảy mươi tuổi đang ngồi đánh cờ với một người Trung Hoa. Cụ cho biết tên cụ là Lê Phúc Hưng. Cụ làm cách mạng từ thời liệt sĩ Phạm Hồng Thái.
Sau này có người kể cho anh em tôi nghe chính cụ là người cho thuyền chở Phạm Hồng Thái qua sông Châu Giang vào Sa Điền để ném bom giết tên toàn quyền Pháp lúc ấy đang ăn tiệc ở một khách sạn lớn tại Sa Điền nhưng tên này chui xuống gầm bàn ăn, thoát chết. Sau khi ném bom, Phạm Hồng Thái chạy ra khỏi khách sạn, đến chỗ hẹn ở bờ sông Châu Giang nhưng không thấy thuyền và cụ Lê Phúc Hưng đâu nữa. Vì bọn mật thám Pháp đã đuổi sát tới sau lưng, Phạm Hồng Thái đành nhào xuống sông và chết đuối. Đó là theo lời kể lại, còn sự thật có đúng như vậy không, chúng tôi không được rõ. Về phần cụ Lê Phúc Hưng, không bao giờ cụ đá động đến vụ ném bom ở Sa Điền cả!
Hội Đồng Hương ở Quảng Châu Vân trước đây có khá đông hội viên, nhưng từ sau 1945 nhiều người đã về nước, nay chỉ còn không đầy mười người, phần đông có vợ là người Trung Hoa. Trong hội quán lúc này không có ai tá túc nên chúng tôi được tiếp đón khá ân cần và từ hôm ấy chúng tôi trú ngụ tại hội quán này.
Vấn đề ở như thế là tạm ổn, nhưng còn chuyện ăn uống chúng tôi phải tự giải quyết lấy vì kiều bào tại nơi này nghèo không thể chu cấp cho chúng tôi. Trong cuộc đời của sáu anh em chúng tôi, chưa bao giờ chúng tôi bị cái đói nó hành hạ như thế. Vét tất cả chỉ còn hơn mười đồng Quan Kim, không dám mua gạo mà chỉ mua tấm về nấu cháo thật loãng để húp cầm hơi, mỗi ngày chỉ ăn một bữa; và mỗi bữa, mỗi người chỉ được húp đúng hai chén cháo tấm! Mấy ngày đầu chưa thấy đói gì lắm nhưng từ ngày thứ ba trở đi ruột bắt đầu cồn cào vì đói. Đói hoa cả mắt, chân bủn rủn, đến ngày thứ mười thì bước không vững nữa, đầu gối cứ như muốn khụy xuống.
Ở một góc đường, cách hội quán không xa, có một bà già Trung Hoa bán bánh bao ngọt nhân dừa. Tôi không bao giờ có thể quên được mấy cái bánh bao này, mặc dù nó chỉ là một thứ bánh bình dân, rẻ tiền, dành cho con nít, nhưng sao mà nó hấp dẫn đến thế khi đó. Đối với những người “nửa chết đói” như mấy đứa chúng tôi, sao mà trông nó ngon ơi là ngon, làm cho chúng tôi, mỗi khi đi ngang qua, thèm rỏ dãi, mắt cứ dán vào, không làm sao cất bước đi được!
Ở đất này rất khó tìm được việc làm vì chúng tôi không biết tiếng và cũng không biết chữ Trung Hoa. May mắn cho anh sĩ binh Nhung, vì anh cao lớn, lực lưỡng nên được vài ba gia đình người Trung Hoa thuê gánh nước từ giếng về nhà họ. Tuy nhiên anh chỉ được nuôi ăn, ngày hai bữa, nên cũng không giúp gì được mấy anh em chúng tôi. Mấy hôm sau, anh Bùi Xuân Giao được một quán ăn nhỏ của Việt Kiều thuê làm bồi bàn kiêm bế con cho bà chủ. Anh cũng không có lương chỉ ăn tại quán, nhưng thỉnh thoảng anh mang về cho chúng tôi vài cái bánh ngọt, ăn cho đỡ đói lòng. Hỏi anh làm sao có bánh, anh cho biết là anh lấy lén, không cho chủ tiệm biết.
Riêng anh Phùng Hữu Lễ vì biết nghề làm giày, nên tìm được việc làm tại một tiệm bán giày, cũng chỉ được nuôi ăn, không lương. Khổ một nỗi là gia đình chủ tiệm không ăn cơm mà ăn cháo đặc. Tại nhiều địa phương bên Trung Hoa, dân thiếu gạo vì không đủ đất canh tác lúa, nên họ nấu cháo thật đặc, đổ vào một cái giá để trên một cái thau, cho nước cháo chảy xuống thau để lấy nước uống cả ngày. Vì thế anh Lễ cũng không mang được gì về cho anh em.
Như thế chỉ còn ba người không có việc làm là anh Ba, anh Cấn với tôi. Đang lúc lúng túng, chưa biết tính ra sao thì có người giới thiệu tôi với một người Việt đã đứng tuổi, ông này cho biết ông sắp về Hà Nội, nếu chúng tôi muốn gửi thư về cho gia đình, ông sẽ cầm giúp. Nghe nói, chúng tôi đều mừng rỡ vì gia đình chúng tôi đã bặt tin chúng tôi từ hồi chúng tôi còn ở Móng Cái, nay nhận được thư, chắc sẽ mừng lắm.
Ai cũng viết một lá thư thật dài, cho biết tình trạng hiện tại của chúng tôi và xin gia đình gửi quần áo, nhất là áo lạnh đồng thời cho chúng tôi một ít tiền. Chúng tôi chờ mãi, chẳng được tin tức gì của ông này. Mãi về sau, mới biết ông ta có về gặp cha mẹ tôi ở làng Bát Tràng và nhận của gia đình tôi một số tiền cùng quần áo gửi cho tôi, nhưng ông đã bán quần áo và lấy tiền của gia đình gửi cho chúng tôi để đi hát ả đào (cô đầu). Thật là táng tận lương tâm!
Một hôm, qua một người quen, tôi được gặp một ông tham nghị của thành phố này. Tôi nhờ ông giúp đỡ cho mấy anh em chúng tôi đi Hương Cảng. Thấy hoàn cảnh của chúng tôi ông rất quan tâm, ông nói giúp cả sáu người thì ông không có khả năng, nhưng ông hứa sẽ xin hội đồng thành phố cấp cho hai vé tàu thủy đi Hương Cảng. Tôi về bàn với các anh em trong nhóm vì anh sĩ binh Nhung vừa qua đời sau một cơn sốt mê man. Tất cả đều đồng ý tôi và anh Cấn nên đi trước, đến Hương Cảng rồi sẽ tìm cách để mấy anh dần dần đi tiếp. Một tuần sau ông tham nghị mang đến cho tôi một bức thư để tôi gặp viên thuyền trưởng của một chiếc tàu Bồ Đào Nha. Ông này nhận cho hai chúng tôi lên tàu của ông, đi hạng tư, tức vé đứng. Không sao, thế cũng là tốt rồi, miễn sao đến được Hương Cảng.
CÒN TIẾP
____________