Sau cuộc hành trình kéo dài hơn nửa tháng vừa đi xe lửa, xe đò xập xệ chạy bằng than củi, vừa đi bộ tôi tới Huế, gặp lúc quân Nhật đang tuyển lính Hei Ho, một thứ lính làm tạp dịch cho quân đội Nhật. Những tên hiến binh Nhật thuộc cơ quan an ninh Kempeitai phụ trách tuyển mộ, thái độ rất hung hăng. Bầu không khí vô cùng căng thẳng. Tôi tới Sở trước bạ, gặp được anh Châu, bạn của anh Nguyễn Ngọc Sơn. Anh đã đậu tú tài Pháp, hiện là chủ sự tại sở này. Thời bấy giờ rất ít người Việt Nam được làm chủ sự, nên kể như anh thuộc thành phần trí thức ở Huế.
Lúc đầu thấy tôi còn trẻ tuổi, anh nhìn tôi hơi có vẻ nghi ngờ. Tuy nhiên sau khi đọc thư của anh Sơn, có lẽ do sự giới thiệu nồng nhiệt của anh, nên anh Châu niềm nở mời tôi ngồi nói chuyện. Anh thận trọng đóng cửa phòng rồi cho tôi biết các cơ quan an ninh của Nhật ở đây không phân biệt được ai là Việt Minh, ai là cách mạng quốc gia. Hễ nghi ngờ người nào hoạt động chính trị, hiến binh Nhật bắt ngay. Cách tra tấn của Kempeitai đã nổi tiếng dã man, như “xin âm dương” tức tung người bị tra tấn lên rồi buông tay cho rớt xuống sàn xi măng. Có người bị gãy xương sống lưng, gãy xương sườn, lọi tay… Bởi thế tôi nên hoạt động kín đáo. Anh Châu cho biết những đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Huế hay Đà Nẵng sau khi đi tù về đều tìm cách đi nơi khác để khỏi bị để ý theo dõi. Anh nói tiếp…
Anh cũng biết tôi không phải là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng nên cũng ít giao dịch với các anh em trong đảng, nhất là mấy anh ở tù về để tránh khỏi bị mật thám Pháp dòm ngó, nên việc anh Sơn nhờ tôi không thể làm được vì ở Huế hiện nay không còn ai. Tuy nhiên vì anh đã cất công vào đây, tôi sẽ giới thiệu cho anh một số thanh niên trí thức và công chức làm việc tại Tòa Khâm cũ. Những người này tuy chưa bao giờ tham gia các “hội kín”, nhưng họ là những người có lòng yêu nước. Anh sẽ tiếp xúc với họ để tìm hiểu và tùy nghi vận động được người nào hay người ấy.
Hai hôm sau, vào một buổi sáng Chủ nhật, anh Châu đưa tôi tới một ngôi nhà khá sang trọng ở Vỹ Dạ. Khi đi qua Dinh Thủ tướng Trần Trọng Kim, một học giả mới được Hoàng đế Bảo Đại bổ nhiệm sau khi Pháp bị Nhật đảo chánh, tôi thấy một lá cờ “quẻ ly” thật lớn phất phới bay trên cột cờ. Cờ “quẻ ly” trong bát quái, đã được chọn làm Quốc kỳ trong một kỳ thi vẽ mẫu quốc kỳ do chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức.
Chủ nhà là một thanh niên đeo kính trắng, được anh Châu giới thiệu là một kỹ sư mới ở Pháp về, hiện làm chủ sự tại Tòa Khâm cũ. Bảo, tên anh kỹ sư, vui vẻ dẫn tôi lên lầu. Tại đây có khoảng mười người đang chờ đợi. Phần lớn họ là công chức (trước đây thường được gọi là quan tham, quan phán) còn trẻ, trên dưới ba mươi tuổi. Anh Châu cáo từ ra về. Anh Bảo chắc đã được anh Châu cho biết qua về công tác của tôi, giới thiệu tôi là một đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội mới vào Huế để tìm hiểu tình hình.
Có một chuyện khá ngộ nghĩnh là cử tọa thay vì hỏi tôi về Việt Nam Quốc Dân Đảng lại nôn nóng hỏi tôi về Mặt Trận Việt Minh. Những câu hỏi đại loại như:
-Anh hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, tất nhiên anh biết về Mặt Trận Việt Minh. Chúng tôi thắc mắc chẳng hiểu Việt Minh là tổ chức gì. Theo lời đồn đại thì Việt Minh đang hoạt động ở chiến khu tại Thái Nguyên ngoài Bắc, chống Nhật và được Mỹ giúp đỡ. Chúng tôi hình dung các người Việt Minh mặc quần áo cao-bồi Mỹ, cưỡi ngựa, đeo súng lục bên hông. Chẳng biết có phải như thế không? Xin anh cho biết.
Câu hỏi này làm tôi bật cười. Tôi trả lời:
-Việt Minh là tên của một mặt trận chính trị. Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng như một số đảng cách mạng khác cho rằng Việt Minh do cộng sản bí mật lãnh đạo. Tôi cũng không biết nhiều về mặt trận Việt Minh. Có thể họ có một vài đơn vị võ trang nhỏ ở Thái Nguyên, còn Mỹ liên lạc với họ như thế nào thì tôi không rõ. Nói là họ chống Nhật nhưng cho tới nay chưa thấy Việt Minh đụng độ với quân đội Nhật.
… Tại miền Thượng du, nghe nói Việt Minh có hoạt động vũ trang tuyên truyền ở vài nơi nhưng tại Hà Nội và các tỉnh khác chưa thấy có hoạt động gì đáng kể. Về tổ chức vũ trang thì Việt Minh yếu hơn Việt Nam Quốc Dân Đảng nhiều. Hình như họ có vài trung đội đa số chiến binh là người Thượng, trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng có nhiều đại đội đóng ở biên giới, áp sát Lào Cai xuống mãi Hà Giang, Móng Cái. Tôi không biết đích xác quân số nhưng có thể lên tới vài ba tiểu đoàn.
Sau khi trả lời các câu hỏi liên quan đến mặt trận Việt Minh, tôi bắt đầu nói về Việt Nam Quốc Dân Đảng theo những điều anh Nguyễn Ngọc Sơn và các anh Hể, anh Đóa, anh Đồng tức Đôn Lâm cho tôi biết sau khi chính quyền Pháp bị Nhật lật đổ. Điều làm tôi ngạc nhiên là hầu hết các anh trong buổi nói chuyện tỏ ra có cảm tình với Việt Nam Quốc Dân Đảng và hiểu biết khá nhiều về Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhất là cuộc khởi nghĩa Yên Bái năm 1930.
Về tình hình chính trị nói chung, các anh có vẻ tránh không muốn đề cập tới Nhật Bản. Khi ấy, Đức quốc xã, đồng minh của Nhật đang sụp đổ. Quân đội đồng minh do Mỹ lãnh đạo đã tiến vào thủ đô Berlin. Tại Thái Bình Dương, vùng kiểm soát của Nhật bị thu hẹp rất nhiều, chính quốc Nhật đang nằm trong thế bị bao vây. Tình hình Việt Nam sẽ ra sao trong những tháng sắp tới? Những cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ tại Đông Dương ngày càng tăng thêm, báo hiệu quân đội Nhật khó lòng giữ nổi Đông Dương.
Cuộc nói chuyện kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Với sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, tôi chỉ có thể cho các anh dự buổi họp biết một cách gián tiếp là Việt Nam Quốc Dân Đảng đứng về phía Đồng minh và có nhiều cán bộ và đơn vị võ trang đang hoạt động ở biên giới Việt-Hoa. Còn tại nội địa Việt Nam do Nhật chiếm đóng và kiểm soát, nhân cơ hội thực dân Pháp đã bị lật đổ, Việt Nam Quốc Dân Đảng hiện hoạt động kín đáo để móc nối với các đảng viên cũ và tiếp xúc với cảm tình viên mới.
Tôi nhớ lời anh Châu dặn, không thể nói quá nhiều hay lộ liễu đến tai mật thám Kempeitai sẽ rất nguy hiểm. Tuy nhiên, ít ngày sau, với một vài anh tôi lân la đến nhà chơi, thấy có thể tin tưởng được, tôi cho biết tổ chức quốc nội của Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn liên lạc với hải ngoại bộ ở trên lãnh thổ Trung Hoa, qua các đảng viên làm việc trên đường hỏa xa Hà Nội-Côn Minh. Bản thân tôi cũng không biết rõ hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở hải ngoại, nhưng tôi tin tưởng lực lượng võ trang của Đảng đóng tại biên giới Việt-Hoa đang chờ thời cơ, cùng với quân đội Đồng minh tiến vào miền Bắc Việt Nam.
Tôi được chỉ thị của anh Nguyễn Ngọc Sơn không nên vội vàng trong việc tuyển đảng viên mới vì chính tôi cũng mới được kết nạp. Về thời kỳ còn hoạt động trong bóng tối do nhu cầu của tình thế, đảng viên chưa được công nhận là chính thức vẫn thường được giao phó công tác liên lạc, tuyên truyền và đôi khi có tổ chức bạo động nữa. Chỉ mấy ngày sau tôi được anh Vinh, một cảm tình viên mới, mời tôi về nhà anh ở gần Đập Đá. Anh Vinh mới lập gia đình nên nhà chỉ có hai anh chị.
Anh lớn hơn tôi hai tuổi, tính tình cởi mở và vui vẻ. Là một công chức, ngoài hai buổi đi làm, chiều chiều anh và tôi hay tản bộ ra bờ sông Hương nói chuyện thời sự và sinh hoạt của đồng bào Huế. Anh cũng đưa tôi đi gặp một số bạn của anh ở gần nhà. Anh Vinh tỏ ra là người có tâm huyết và thành thật. Rất tiếc, mười lăm năm sau, khi tôi trở lại hoạt động ở Đà Nẵng và Huế, tôi hỏi thăm về các anh Bảo và anh Vinh thì được biết họ đã dọn nhà đi nơi khác. Trải qua những năm tao loạn 1945-1948 chẳng biết các anh đã trôi giạt nơi đâu, còn sống hay đã chết?
Mấy năm trước, khi còn đi học, tôi ở trọ một ngôi nhà ở phố Huế, Hà Nội cùng với anh Nguyễn Hợp Phố là em ruột của văn sĩ Nguyễn Tuân. Tại đây tôi thường gặp một người bạn của anh Phố, tên là Điện, làm việc tại nhà ga Mông Tự, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Hoa. Anh Điện mỗi năm về thăm nhà vài lần ở Đà Nẵng, thường ghé lại chơi với anh Phố, nên dần dần tôi cũng quen thân. Nhân dịp này tôi muốn vào Đà Nẵng để thăm anh Điện. Vì đường xe lửa đình đốn, tôi chắc anh đã thôi việc, về nhà.
Tìm nhà anh Điện không khó khăn lắm vì gia đình anh giàu có, nhiều người biết. Gặp tôi anh rất mừng rỡ và giữ tôi ở lại nhà anh chơi. Trước kia, sợ tai mắt của bọn mật thám Pháp nên không bao giờ tôi thấy anh Điện nói chuyện chính trị. Nay anh kể cho tôi biết hồi anh làm việc ở khu vực hỏa xa Mông Tư bên Trung Hoa, anh đã được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương.
Rất may là tôi giữ ý, chưa nói cho anh biết là tôi đang hoạt động cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Thật ra, thời kỳ trong bóng tối, dưới sự theo dõi của mật thám Pháp và lính Nhật, dù có biết bạn mình thuộc đảng quốc gia hay đảng cộng sản, người ta cũng giữ thái độ yên lặng, không thù nghịch. Tuy nhiên tôi có nghe nói bên phía cộng sản đã có trường hợp tố giác cho Pháp biết người quen của mình là đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt hay Phục Quốc để mật thám Pháp bắt.
Từ biệt anh Điện, tôi trở về Huế. Trên đường về, cách nhà anh Điện không bao xa, tôi thấy một ngôi nhà thờ khá lớn và đẹp nên dựng xe đạp bên cạnh tường, đứng ngắm. Lúc ấy có một vị linh mục, tôi đoán chừng là cha xứ bước ra nên tôi cúi đầu chào. Cha người dong dỏng cao, khoảng gần năm mươi tuổi, trông phúc hậu. Cha cũng chào lại và ân cần hỏi tôi có việc gì. Tôi nói:
-Thưa cha, tôi ở Hà Nội mới vào. Qua đây thấy ngôi nhà thờ nguy nga, nên dừng lại xem. Mong cha cho phép.
Vị linh mục, một lát sau tôi được biết tên là cha Huệ, nghe nói tôi ở Hà Nội vào, nên vui vẻ mời tôi qua phía bên trái nhà thờ, vào một ngôi nhà hai tầng, nơi ăn ở và làm việc của linh mục. Cha Huệ hỏi tôi:
-Anh vào chơi hay có việc gì, có định ở đây lâu không?
-Thưa cha, tôi vào đây thăm người bạn. Hôm nay tôi định về lại Huế và có thể trở ra Bắc.
Cha suy nghĩ rồi hỏi tôi:
-Anh ở ngoài Bắc có thấy Việt Minh hoạt động gì không?
-Thưa cha, Việt Minh có hoạt động rải truyền đơn tuyên truyền ở Hà Nội và một vài nơi khác. Nhưng không rõ thực lực của họ ra sao. Có lẽ cũng không mạnh như người ta đồn đại.
Thấy cha Huệ có vẻ quan tâm đến tình hình chính trị, tôi nói thêm:
-Mặt trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh tuy bề ngoài khoác bộ áo quốc gia nhưng bên trong do cộng sản giật dây.
Cha gật đầu đồng ý nói tiếp:
-Ở miền Trung này phong trào thanh niên của Phan Anh (Bộ trưởng Bộ Thanh niên của chính phủ Trần Trọng Kim, một cán bộ cộng sản nằm vùng) đang lên rất mạnh. Quanh đây đều có tổ chức cả. Anh trưởng đoàn thanh niên của xứ tôi cũng muốn tổ chức nhưng tôi không cho phép. Tôi rất nghi Việt Minh là cộng sản.
Thấy cha nói thế, tôi nghĩ đã đến lúc cần nói để cha biết về Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tôi trình bày với cha tôi được chỉ thị cấp trên vào Huế để móc nối với các đảng viên cũ của Việt Nam Quốc Dân Đảng, trước đây đã bị Pháp bắt và tìm cảm tình viên mới. Việt Nam Quốc Dân Đảng đối lập với đảng cộng sản Đông Dương nên biết rõ Mặt Trận Việt Minh do cộng sản lãnh đạo. Đảng cộng sản Đông Dương biết quần chúng không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản nên chúng đã đội lốt cách mạng quốc gia để bịp dư luận.
Cha Huệ tỏ ra rất ưu ái sau khi được biết tôi hoạt động cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cha hỏi tôi từ Huế vào Đà Nẵng bằng phương tiện gì. Tôi trả lời tôi thuê xe đạp đi vì tôi không có xe đạp. Bỗng nhiên cha đứng lên, gỡ hai cuốn sách khá dày ở trên giá sách, để lộ ra một hộp sắt chôn vào tường. Cha mở hộp sắt, lấy ra hai trăm đồng bạc Đông Dương đưa cho tôi và nói:
-Anh cầm lấy tiền làm lộ phí về Bắc.
Tôi hết sức cảm động về lòng ưu ái của cha Huệ. Tôi cảm ơn cha và hứa sẽ có ngày trở lại để hầu chuyện cha khi cách mạng thành công. Lời hứa ấy tôi không bao giờ thực hiện được vì mấy năm sau cha Huệ đã bị cộng sản thủ tiêu. Tôi được biết việc này do anh Thái “Đen” kể lại. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ vào năm 1946, Hồ Chí Minh và bọn lãnh đạo Mặt Trận Việt Minh tìm mọi cách để lấy lòng tín đồ Công giáo vì chúng biết họ luôn đứng ở thế đối lập với đảng Cộng sản.
Bởi vậy chúng lợi dụng chiêu bài kháng chiến để mời những vị có uy tín lớn trong hàng giáo phẩm làm “cố vấn”. Chúng mời cha Huệ làm “cố vấn tối cao” của Ủy ban hành chính kháng chiến, Liên khu 5, gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Hai năm sau, chúng nghi cha Huệ ngầm khuyến khích thanh niên Công giáo chống lại Việt Minh nên ra lệnh thủ tiêu linh mục “cố vấn tối cao”.
CÒN TIẾP
__________