Giới thiệu “Viên Sỏi Trắng”, hồi ký của bà Ngô Đình Nhu

Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ, Đại học Oregon
Share:
Bà Ngô Đình Nhu (ảnh: Kurt Rohwedder/picture alliance via Getty Images)

Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ hân hạnh chủ trì việc dịch thuật từ tiếng Pháp và ấn hành di cảo “Viên Sỏi Trắng” của bà Ngô-Đình Nhu (nhũ danh Trần Lệ Xuân), được viết vào những năm cuối đời của bà. Kèm theo cuốn hồi ký là một bài tiểu luận của Ngô-Đình Lệ Quyên, Ngô-Đình Quỳnh, và Jacqueline Willemetz với tựa đề “Việt Nam Cộng Hòa và Gia Tộc Ngô-Đình.”

Bà Ngô Đình Nhu (ảnh: Keystone/Hulton Archive/Getty Images)

Ngô-Đình Lệ Quyên (qua đời năm 2012) và Ngô-Đình Quỳnh là hai trong số bốn người con của ông Ngô-Đình Nhu và bà Trần Lệ Xuân – hai người còn lại, Ngô-Đình Lệ Thuỷ và Ngô-Đình Trác, lần lượt qua đời vào năm 1968 và 2021. Jacqueline Willemetz là một người bạn của gia đình có cha là bạn học với Ngô-Đình Nhu tại Trường Quốc gia Hiến Chương [École Nationale des Chartes] của Pháp.

Chúng tôi rất biết ơn Nhà Xuất Bản L’Harmattan đã cho phép dịch và in cuốn sách này. Chúng tôi cảm ơn gia đình và bạn bè của gia đình Ngô-Đình, đặc biệt là bà Jacqueline Willemetz và ông Olindo Borsoi, chồng của Ngô-Đình Lệ Quyên. Bà Willemetz và ông Borsoi nhận trách nhiệm xuất bản cuốn sách gốc vào năm 2013 sau khi bà Ngô-Đình Nhu và Ngô-Đình Lệ Quyên lần lượt qua đời vào năm 2011 và năm 2012.

Nhờ họ nhiệt tình cung cấp văn bản, hình ảnh, và tài liệu cũng như cho phép dịch và xuất bản, cuốn sách này mới có ngày nay. Chúng tôi cũng muốn ghi nhận tấm lòng của ông Borsoi qua việc uỷ thác cho Trung Tâm bốn thùng tài liệu của bà Nhu để số hóa, cùng với nhiều bộ áo dài của bà và Ngô-Đình Lệ Thuỷ để sử dụng cho một cuộc triển lãm trong tương lai.

Bốn trong số những tài liệu đó đã được thêm vào phần Phụ lục của sách. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, chúng tôi xin cảm ơn ông bà Nguyễn Đức Cường đã hỗ trợ dự án này ngay từ đầu. Xin cảm ơn ông Phan Lương Quang đã phụ trách chính phần dịch thuật, và bà Maria Cristina de Mariassevich và TS Nguyễn Lương Hải Khôi đã giúp hiệu đính. Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn cô Vũ Hồng Trang, người đã giúp chúng tôi tiếp xúc với ông Olindo Borsoi.

Ông Ngô Đình Nhu và phu nhân, bà Trần Lệ Xuân (ảnh: Pictures From History/Universal Images Group via Getty Images)

Hơn nửa thế kỷ sau cái chết của Tổng thống Ngô-Đình Diệm và bào đệ Ngô-Đình Nhu, giờ đây chúng ta có thể tìm hiểu suy nghĩ của gia đình họ về chính họ và về vai trò của gia đình họ trong lịch sử Việt Nam. Vai trò đó phức tạp và chắc chắn gây nhiều tranh cãi, nhưng không ai có thể đánh giá thấp tầm quan trọng của nó.

Dù chúng ta đồng ý hay phản đối, gia đình này có vai trò rất đặc biệt trong lịch sử hiện đại của Việt Nam vì nó gắn liền với quá trình chuyển đổi của đất nước từ một xứ bảo hộ và thuộc địa của Pháp sang một quốc gia độc lập và bị chia cắt. Nó đặc biệt bởi vì toàn bộ gia đình này thông qua Tổng thống Ngô-Đình Diệm đã góp phần định hình lịch sử hiện đại của Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Nó đặc biệt bởi vì, ngoại trừ triều đại nhà Nguyễn bắt đầu với Hoàng đế Gia Long và kéo dài đến Bảo Đại, vị hoàng đế cuối cùng, không có gia đình nào khác trong thời hiện đại tham gia nhiều vào chính trị và đời sống quốc gia như gia tộc Ngô-Đình.

Trải qua hai thế hệ, tất cả các thành viên nam và một người nữ trong gia đình này đều tham gia chính trị hoặc phục vụ trong một số chức vụ nhà nước ở cấp rất cao:

Bắt đầu với Ngô-Đình Khả, một vị quan đại thần trong triều đình nhà Nguyễn ở Huế, tiếp theo bởi các con trai của ông là Ngô-Đình Khôi làm Tổng đốc;

Ngô-Đình Thục là một trong những giám mục người Việt đầu tiên ở Đông Dương thuộc Pháp và sau đó trở thành Tổng giám mục Vĩnh Long và Huế;

Ngô-Đình Diệm từng có thời gian ngắn làm quan Thượng thư trong triều đình nhà Nguyễn vào năm 1933, làm Thủ tướng năm 1954-1955, là người sáng lập Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và là Tổng thống đầu tiên (1955-1963);

Ngô-Đình Nhu, người điều hành Văn Khố và Thư Viện ở Hà Nội trước khi trở thành nhà tổ chức chính trị, cố vấn cho Tổng Thống Diệm, và lãnh đạo Đảng Cách Mạng Cần Lao;

Ngô-Đình Cẩn, cố vấn cho anh trai ông, Tổng thống Diệm, về các vấn đề liên quan đến miền Trung Việt Nam;

Và Ngô-Đình Luyện từng là Đại sứ của VNCH.

Bên cạnh những người đàn ông, Trần Lệ Xuân, thường được gọi là Bà Ngô-Đình Nhu, là đại biểu Quốc hội Việt Nam Cộng hòa (1956-63), người sáng lập Phong trào Phụ nữ Liên đới, và là một “Đệ nhất phu nhân” không chính thức.

Chúng ta không biết nhiều về Ngô-Đình Khôi và Ngô-Đình Luyện như ta biết về anh em của họ, những người nổi bật nhờ khả năng và tham vọng cá nhân: Ngô-Đình Thục được thụ phong linh mục và được gửi đi du học ở Rôma vào cuối những năm 1920, rồi được bổ nhiệm làm giám mục một thập kỷ sau. Ngô-Đình Diệm được bổ nhiệm làm Tuần phủ và nổi tiếng khi từ chức Thượng thư để phản đối việc Pháp không thông qua các cải cách chính trị.

Ngô-Đình Nhu được nhận vào học ở Trường Quốc gia Hiến chương [École Nationale des Chartes], một trường danh tiếng ở Pháp, góp phần đáng kể vào việc bảo tồn văn bản của triều đình nhà Nguyễn, sau đó tổ chức vận động hiệu quả gây cơ sở chính trị trong nước để anh trai của mình được ủng hộ và được bổ nhiệm làm thủ tướng, và là chiến lược gia [brain trust] của chính quyền Ngô-Đình Diệm. Đi ngược với trào lưu xã hội lúc đó [swimming against the current], bà Nhu bảo trợ cho một bộ luật gia đình tiến bộ và dấy lên một cuộc tranh luận toàn quốc về nữ quyền và các vấn đề gia đình.

Bà Ngô Đình Nhu (Getty Images)

Bà Nhu, hay Trần Lệ Xuân, cũng xuất thân từ một gia đình thượng lưu. Ông nội của bà là Trần Văn Thông làm Tổng đốc Nam Định. Cha bà là Trần Văn Chương, một luật sư được đào tạo tại Pháp, người sau này trở thành Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong chính phủ Trần Trọng Kim (tháng 4 đến tháng 8 năm 1945) và từng là đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ dưới thời Ngô-Đình Diệm (Chương từ chức vào cuối năm 1963 để phản đối chính phủ Diệm).

Chú của bà là Trần Văn Đỗ, một bác sĩ y khoa, từng hai lần làm bộ trưởng ngoại giao vào các năm 1954-55 và 1965-67 dưới chính quyền Ngô-Đình Diệm và Nguyễn Cao Kỳ, và là phó thủ tướng dưới thời Thủ tướng Phan Huy Quát (1966). Bà ngoại của Lệ Xuân là ái nữ của vua Đồng Khánh. Bà lấy ông nội của Lệ Xuân là Thân Trọng Huề, thượng thư triều đình Huế. Mẹ bà, Thân Thị Nam Trân, từng là đại diện của VNCH tại Liên Hiệp Quốc với tư cách quan sát viên.

Từ báo lá cải đến hồi ký của cựu quan chức và lời kể của nhà báo nước ngoài, nhiều điều đã được viết về chính quyền Tổng thống Diệm và vai trò của gia đình ông. Chỉ gần đây thôi các nhà sử học Mỹ mới bắt đầu xem xét quan điểm và chính sách của chính phủ Diệm một cách nghiêm túc và theo cách riêng của nó, chứ không phải như là sản phẩm của Pháp hay Mỹ. Trong phạm vi hạn chế của bài giới thiệu này, chúng tôi sẽ không thảo luận về các công trình sử học mới này.

Chỉ cần nói rằng, những công trình này soi sáng nhiều khía cạnh chính trị của nền Đệ nhất Cộng hòa dưới thời Tổng thống Diệm, cho thấy ông là một người có quan điểm chính trị bảo thủ với tham vọng hiện đại hóa đất nước cũng như một tầm nhìn và phong cách cai trị riêng biệt. Chính phủ của ông được thành lập trong thời kỳ hỗn loạn nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam và ông phải được công nhận vì đã tạo ra trật tự từ hỗn loạn bất chấp mọi khó khăn. Việt Nam Cộng hòa do ông thành lập là một quốc gia non trẻ với nguồn lực hạn chế, một xã hội cực kỳ đa dạng và một nền kinh tế phụ thuộc nước ngoài với kỹ nghệ kém phát triển.

Bà Ngô Đình Nhu trong chuyến công du Belgrade, Nam Tư; gặp Thượng nghị sĩ Edward M. Kennedy (ảnh: Getty Images)

Chính phủ VNCH tuyên bố có chủ quyền hoàn toàn đối với toàn bộ Việt Nam nhưng miền Bắc nằm dưới sự cai trị của chính phủ cộng sản với đòi hỏi chủ quyền cũng trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam. VNCH được các quốc gia thuộc “Thế Giới Tự Do,” gồm có Hoa Kỳ và các đồng minh của họ ở Âu, Á, Phi, và Mỹ công nhận. Cộng sản Bắc Việt có vị thế quốc tế yếu hơn vì được ít nước ngoài công nhận hơn.

Tuy nhiên, cả hai nước Việt Nam đều không được công nhận là thành viên của Liên Hiệp Quốc và địa vị quốc tế của cả hai đều bị hạn chế. Đối với VNCH, một phần lãnh thổ do họ kiểm soát (ở miền Trung và một phần đồng bằng sông Cửu Long) từng nằm dưới sự cai trị của cộng sản trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt (1946-1954), và người dân rất có thể không trung thành lắm đối với VNCH.

Vài năm sau Hiệp định Genève, được Trung Quốc và Liên Xô hỗ trợ, Bắc Việt bắt đầu nối lại cuộc chiến chống lại VNCH để thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản. Hà Nội huy động những người kháng chiến cũ ở miền Nam, cùng với những người trước đó đã tập kết ra miền Bắc nhưng giờ đây được đưa trở lại với vũ khí và tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Với sự giúp đỡ của Mỹ, chính phủ Diệm đã ngăn chặn thành công bước tiến của cộng sản trong các năm 1957-58 và 1960-61. Tình hình quân sự vẫn đang giằng co vào năm 1963.

Tuy nhiên, chính phủ không được lòng một bộ phận nhất định của giới tinh hoa và dân chúng, đồng thời không chịu khuất phục trước áp lực cải cách chính trị của Mỹ. Giữa lúc các cuộc biểu tình của Phật tử lan rộng, Tổng thống Diệm và ông Nhu bị ám sát vào ngày 2 tháng 11 năm 1963 trong một cuộc đảo chính quân sự được chính quyền Kennedy hậu thuẫn.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính đã dẫn đến bốn năm hỗn loạn chính trị và xã hội, làm suy giảm nghiêm trọng vị thế quân sự của Nam Việt Nam và dẫn đến việc Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp vào Việt Nam. Đây có lẽ là sai lầm lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, khiến VNCH mất đi chính nghĩa của mình trong mắt người dân Việt Nam và thế giới.

Dù chế độ Tổng thống Diệm bị nhiều người cho là độc tài và gia đình trị, các nhà sử học và bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam đều muốn tìm hiểu thêm về các thành viên gia tộc Ngô-Đình vì họ đóng vai trò rất quan trọng trong chính phủ của ông. Họ nghĩ gì về mình, về đất nước và về đồng bào? Các thành viên trong gia đình nghĩ gì về nhau? Họ nghĩ gì về vai trò của gia đình họ trong lịch sử? Điều gì đã đưa họ đến gần nhau như vậy, và mỗi người có ảnh hưởng gì đối với Tổng thống? Mặc dù đã có nhiều sách viết về họ, nhưng đây là lần đầu tiên, sau sáu thập kỷ, độc giả tiếng Anh và tiếng Việt có thể đọc những suy nghĩ của họ do không ai khác ngoài chính họ kể lại.

Trong sách chúng ta có thể nghe bà Ngô-Đình Nhu thuật lại những sự kiện quan trọng trong cuộc đời bà, từ thời thơ ấu đến cuộc hôn nhân với ông Nhu, từ thời gian bà ở Huế trong cuộc chiến tranh Pháp-Việt cho đến những năm hạnh phúc của chính quyền Diệm, và từ khi bà bị buộc phải lưu đày cho đến những ngày cuối đời.

Chúng ta biết được cuộc sống của bà khó khăn như thế nào ở một số thời điểm mặc dù xuất thân từ gia đình quyền quý; bà kiên định với niềm tin của mình đến mức có thể cho là ngoan cố; bà có thể hành động mạnh mẽ như thế nào khi Tổng thống và chồng bà thiếu quyết đoán; bà trung thành với họ và với đất nước Việt Nam như thế nào; bà oán giận Pháp và Hoa Kỳ ra sao; và cuộc sống lưu vong của bà đau khổ biết bao.

Không phải tất cả các chi tiết trong cuốn hồi ký đều chính xác và khách quan, bà cũng không kể cho chúng ta nghe tất cả những gì bà biết hoặc đã làm, nhưng tính chủ quan chính là điểm mạnh của cuốn sách. Chúng ta không cần phải tin bà hoàn toàn, nhưng giờ đây chúng ta có thêm một nguồn thông tin và quan điểm cá nhân của bà để thêm vào câu chuyện về một thời kỳ sống động nhưng bi thảm của lịch sử hiện đại Việt Nam.

Cuốn hồi ký cũng cho chúng ta cơ hội biết bà và các con bà đã sống cuộc sống lưu vong như thế nào. Dễ hiểu khi họ đã mất một thời gian dài (hay không bao giờ) mới phục hồi sau cú sốc từ cái chết của Tổng thống Diệm và ông Nhu, đó có lẽ là lý do tại sao họ tránh né xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên, hành động trung thực với tính cách của họ, cộng với lòng can đảm để bảo vệ và giữ gìn danh dự và nhân phẩm của gia đình sau một thảm kịch khủng khiếp như vậy, cũng đã truyền cảm hứng cho sự tôn trọng và cảm thông.

Bài viết của Ngô-Đình Lệ Quyên và Ngô-Đình Quỳnh được biên tập bởi Jacqueline Willemetz đưa ra quan điểm của thế hệ thứ hai của gia đình Ngô-Đình về vai trò của họ trong lịch sử. Bà Lệ Quyên và ông Quỳnh không phải sử gia nhưng họ đã sống qua nhiều phần của lịch sử này và biết về nó nhờ mẹ của họ và nhờ những tư liệu, tài liệu và hình ảnh còn sót lại. Bài viết của họ có mục đích bảo vệ sự liêm chính của chính phủ Diệm và gia đình ông trước những lời chỉ trích.

Bằng việc kể lại lịch sử của dòng họ Ngô-Đình song song với lịch sử của dân tộc Việt Nam, họ muốn thể hiện tấm lòng yêu nước chân thành và sâu sắc trong gia tộc. Nhìn chung, họ không sai: Ngay cả những người chỉ trích chính phủ Diệm cũng thừa nhận rằng ông Diệm là một người yêu nước chân chính và liêm khiết.

Các thành viên của gia đình Ngô-Đình, bao gồm cả Tổng thống, chắc chắn đã phạm nhiều sai lầm, nhưng ít ai nghi ngờ lòng yêu nước của họ, và nhiều người sẽ nói rằng Tổng thống là một nhà lãnh đạo giỏi so với những người tiền nhiệm và kế nhiệm của ông. Chắc chắn ông ta có học thức và đời sống tinh thần phong phú hơn nhiều so với nhóm lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội.

Nhưng mục đích của chúng tôi ở đây không phải là bênh vực gia đình Ngô-Đình hay chế độ Diệm. Khi chủ trì việc dịch thuật và xuất bản cuốn sách này, chúng tôi chỉ nhằm mục đích tạo ra sự quan tâm và khuếch trương hiểu biết về lịch sử Việt Nam Cộng hòa. Chế độ cộng sản đã vùi dập lịch sử này một cách tàn bạo kể từ năm 1975, nhưng chúng ta cần nó để hiểu sâu sắc về Việt Nam hiện đại. Với tư cách là biên tập viên, tôi cố gắng giữ bản dịch đúng với bản gốc và chỉnh sửa rất nhẹ nhàng với hy vọng độc giả sẽ đọc và đưa ra quan điểm riêng về tác giả và câu chuyện của họ.

___________________

Sách có bán online: Amazon hoặc Lulu.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: