Một bích chương thời Mao (ảnh: Fine Art Images/Heritage Images/Getty Images)

Hồng Vệ Binh – quái thai của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc

Share:
Thời Sự
Thời Sự
Hồng Vệ Binh – quái thai của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc
Loading
/

Giữa thập niên 1960, Cách mạng Văn hóa (CMVH) bùng nổ ở Trung Quốc (TQ). Bị tiêm nhiễm tuyên truyền bởi chủ nghĩa Mao, hàng triệu thanh niên TQ hừng hực khí thế sẵn sàng ủng hộ việc thay đổi xã hội. Tuy nhiên, hậu quả của sự “thay đổi xã hội” thật khủng khiếp. Đám thanh niên xung kích quá khích đã không chùn tay tra tấn, giết người, thậm chí ăn thịt đồng loại!

Một bích chương cổ vũ quân đội và bọn Hồng Vệ Binh cuồng tín, 1971 (ảnh: GraphicaArtis/Getty Images)

Những “đứa con” của “Mao tiên sinh”

Lãnh tụ TQ, Mao Trạch Đông, người thổi bùng ngọn lửa CMVH năm 1966, đã dạy: “Không có sự sáng tạo nào mà không có sự hủy diệt… Sự sáng tạo tự nó vốn có sự hủy diệt”. Nhiều người trẻ tuổi đã hưởng ứng lời kêu gọi của Mao lãnh tụ, tin rằng chỉ có những cuộc thanh trừng hàng loạt mới có thể thoát khỏi sự thống trị của chủ nghĩa xét lại, tàn dư của quá khứ và ảnh hưởng nguy hại của phương Tây.

Ngày 8 Tháng Tám 1966 được coi là ngày ra đời chính thức của Hồng vệ binh (HVB – một phiên bản mở rộng của “Trung Quốc Công Nông Hồng Quân”, 中国工农红军). Vào ngày ấy, tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Mao Trạch Đông tổ chức cuộc mít tinh rầm rộ cho đông đảo những người trẻ tuổi mong muốn phục vụ “lý tưởng cách mạng”. Ông xuất hiện trước công chúng trong bộ quân phục mang ý nghĩa tượng trưng: “Người cầm lái vĩ đại” chỉ công nhận các phương pháp vũ lực để đạt được các mục tiêu của cách mạng vô sản. Mao nhấn mạnh, HVB là một trong những hy vọng chính của ông ta trong việc chuyển đổi xã hội TQ.

HVB, thu hút nhiều tầng lớp thanh niên TQ, thường là từ các gia đình nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, đã sớm bắt đầu sống với niềm tin mù quáng. Nhiệt tình tuân theo việc thực hiện các “chuẩn mực văn hóa mới”, họ xông ra đường cắt ngắn mái tóc dài của các cô gái, xé quần dài quá hẹp của nam thanh niên, đập vỡ cửa sổ cửa hàng bán mỹ phẩm và đồ trang sức, cấm đồ ăn ngon, nhạc jazz và các thuộc tính khác của cái gọi là “lối sống tư sản”.

Mao và nữ Hồng Vệ Binh, 1966 (ảnh: Universal History Archive/UIG via Getty Images)

Tự do hơn nữa

Hai tuần sau khi HVB bắt đầu thực hiện những hành động tàn bạo, Mao Trạch Đông nói chuyện với họ bằng một bài diễn văn mới, khiển trách những thanh niên có tư tưởng cộng sản này là không đủ quyết tâm và “quá lịch sự”. Tay lãnh tụ cực đoan tàn ác họ Mao kêu gọi đám HVB cuồng tín phải mạnh tay hơn, và không sợ bạo loạn. Trên thực tế, “người cầm lái vĩ đại” đã tạo ra tình trạng vô chính phủ trên đất nước mình. Không phải ngẫu nhiên mà ngay cả trên báo chí Liên Xô những năm đó, ông ta được so sánh với Hitler, và HVB được so sánh với các đội xung kích của đảng Quốc xã.

Vào ngày 26 Tháng Bảy 1966, theo lệnh của Mao, tất cả sinh viên và học sinh cấp ba được nghỉ sáu tháng để phấn đấu đứng vào hàng ngũ thanh niên cách mạng. Ý tưởng này đã được nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt: Khoảng 50 triệu thanh thiếu niên đã tham gia các đội HVB. Nhờ những “nỗ lực” của họ, đất nước Trung Quốc bắt đầu có một bước “chuyển mình” đáng kể: Hầu như tất cả thư viện, viện bảo tàng và nhà hát đều bị đóng cửa, các nhóm sáng tạo quảng bá nghệ thuật phương Tây bị giải tán. Thậm chí chúng “nhiệt tình cách mạng” đến mức tháo dỡ một phần Vạn Lý Trường Thành để lấy đá gạch xây chuồng lợn.

Hồng Vệ Binh tại Sơn Tây đón Mao (ảnh: Universal History Archive/UIG via Getty Images)

Xuất hiện khắp làng quê thị trấn, chúng gào thét kêu gọi “thay đổi” và chúng thay mặt Mao thực hiện việc kiểm soát xã hội ở mức độ chưa từng có. Toàn bộ đất nước Trung Quốc bị nhấm chìm trong màu đỏ khát máu. Các lệnh cấm của CMVH quả là vô cùng kỳ quái. Chẳng hạn, những người yêu nhau bị cấm nắm tay, trẻ em bị cấm thả diều… Thậm chí, không ai được phép có bộ đồ nội thất trong nhà. “Nếu ngươi có hai chiếc ghế bành và một chiếc ghế sofa thì đích thị ngươi là một tên tư sản có tội ác với nhân dân” – có một khẩu hiệu như thế. Hàng trăm nghìn ngôi nhà đã bị HVB cướp bóc với lý do “giải phóng nội thất” khỏi hàng xa xỉ.

Không giới hạn trong việc đập phá, trấn áp tinh thần và cướp bóc, HVB còn sẵn sàng giết chết tức thì những người mà họ coi là “đối thủ của Mao Chủ tịch” hoặc “những người ủng hộ các tư tưởng xét lại”. Để “lấy được những lời khai quý báu” của những người “có nợ máu với nhân dân”, HVB không cho phép các nghi phạm ngủ, bỏ đói họ và sử dụng các hình thức tra tấn tinh vi nhất. Tân Bộ trưởng Bộ Công an TQ Tạ Phúc Chí đã hoàn toàn nhắm mắt làm ngơ cho HVB lộng hành. “Chúng ta có nên bắt HVB vì tội giết người không? Đây không phải là việc của chúng tôi” – tên Bộ trưởng này nói. Thậm chí hắn còn kêu gọi cảnh sát hợp tác với thanh niên cách mạng bằng mọi cách có thể.

Ăn thịt người!

Sự hung hăng của HVB ngày càng vượt qua mọi ranh giới. Nhà bất đồng chính kiến ​​TQ Trịnh Nghĩa (Zheng Yi), cựu thành viên HVB, trong cuốn Hồng sắc kỷ niệm bi (红色 纪念碑, bản tiếng Anh có tựa Scarlet Memorial: Tales of Cannibalism in Modern China), đã thuật lại các trường hợp ăn thịt đồng loại mà HVB thực hiện như một loại nghi lễ. Ông Trịnh Nghĩa ​​viết: “Nghi lễ ăn thịt người lây lan nhanh chóng không kém gì bệnh dịch hạch”. Các trường hợp ăn thịt người đặc biệt gây sốc đã được chứng kiến ở huyện Vũ Tuyên (Wuxuan) thuộc khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (những hành động cụ thể quá ghê rợn, người viết xin miễn miêu tả). Điều tồi tệ nhất là HVB đã lôi kéo các học sinh tiểu học, trung học tham gia vào “nghi lễ” này.

Hồng Vệ Binh với “nhiệt tình cách mạng” (ảnh: ullstein bild via Getty Images)

Ông Trịnh Nghĩa chỉ ra ba giai đoạn của đại dịch ăn thịt người: Giai đoạn đầu, mọi chuyện được thực hiện trong bí mật; giai đoạn nâng cao, việc ăn thịt trở nên công khai; và cuối cùng là giai đoạn điên rồ hàng loạt, khi việc ăn thịt đồng loại trở thành “chuẩn mực cộng đồng” (!). “Đôi khi thịt ấy được dùng làm món nhắm với rượu và bia, được phục vụ ngay cả trong phòng ăn của ủy ban CMVH”, ông Trịnh Nghĩa viết. Sự điên rồ này chỉ chấm dứt vào Tháng Bảy 1968 khi Wang Zujian, cựu chiến binh kháng Nhật ở Vũ Tuyên, Quảng Tây, thông qua các mối quan hệ của mình ở Bắc Kinh, đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Giới quan chức chóp bu của TQ bị sốc bởi những gì họ nghe được và ngay lập tức gửi quân đến vùng Choang Quảng Tây trấn áp những kẻ ăn thịt người.

Chém giết nội bộ

Dần dần, mâu thuẫn nghiêm trọng tích tụ giữa các HVB, trở thành cuộc đọ sức giữa các phe phái. Các “vệ binh đỏ” bắt đầu tìm kiếm “những kẻ chống đối và tà đạo” trong hàng ngũ chúng và “xử lý” họ một cách tàn bạo: Đánh đến chết bằng gậy và đá, chặt đầu, chôn sống, dìm nước đến chết… Các cuộc đụng độ quy mô lớn nhất giữa HVB đã diễn ra ở huyện Vũ Tuyên. Một trong các bên, nhóm “22 tháng 4”, đã tiến hành một cuộc chiến không khoan nhượng chống lại bộ máy hành chính địa phương, do bí thư huyện ủy Wei Guoqing điều hành. Tuy nhiên, lực lượng an ninh địa phương và các quan chức đã đứng về phía ông ta.

HVB cũng có những cuộc đối đầu nghiêm trọng với công nhân TQ, những người phần lớn không muốn chấp nhận hệ tư tưởng do họ áp đặt. Ví dụ, ở Thượng Hải, để đẩy lùi HVB, chính quyền địa phương đã thành lập “đội tuần tra đỏ”. Sự lộng hành của HVB đã dẫn đến hậu quả tồi tệ đến mức vào Tháng Tám 1967, chính Mao buộc phải can thiệp: Cử một đội quân gồm 30 nghìn binh sĩ để trấn áp những nhóm HVB cố chấp nhất trong khu vực Quế Lâm.

Trong gần sáu ngày, các cuộc đụng độ giữa các băng đảng thanh niên và lực lượng chính phủ liên tục diễn ra cho đến khi những phiến quân cuối cùng bị tiêu diệt. Bây giờ Mao trở mặt, lên giọng phê phán một số cá nhân HVB là không đủ năng lực và vi phạm ranh giới những gì được phép. Nhưng Mao không chủ trương giải tán HVB. Ông tuyên bố: “Hãy để các học sinh sinh viên chiến đấu thêm 10 năm nữa. Trái đất tiếp tục quay. Trời sẽ không sập”.

Và thế rồi, cho đến giữa thập niên 1970, HVB vẫn thực hiện các hành động tàn bạo, tuy ở quy mô nhỏ hơn so với hai năm đầu của CMVH. Theo các nhà sử học TQ, khoảng 100 triệu người đã trở thành nạn nhân và gần hai triệu người đã thiệt mạng do hậu quả của HVB. Năm 2016, tờ báo đảng hàng đầu của TQ, Nhân dân Nhật báo, còn chống chế: “Cuộc CMVH, do nhà lãnh đạo quốc gia khởi xướng và bị những kẻ phản động lợi dụng, đã phát triển thành hỗn loạn và trở thành một thảm họa cho đảng, đất nước và nhân dân”.

Phiên bản Hồng Vệ Binh ngày nay (ảnh: Alex Chan Tsz Yuk/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Cho đến giờ, HVB vẫn tiếp tục tồn tại, dưới hình thức khác, cũng qui tụ những thanh niên “nhiệt huyết” được bơm tiêm tư tưởng ái quốc cuồng tín hệt như thời CMVH, chẳng khác gì “Mao tái sinh”, dưới ngọn cờ mới của lãnh tụ Tập Cận Bình. Những vụ gào thét đập phá hàng loạt cửa hàng Nhật trên đất Trung Quốc khi xảy ra căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo là một trong rất nhiều hành động đặc sệt phong cách của đám HVB mà Mao lãnh tụ đẻ ra từ nhiều thập niên trước. Những tên chiến lang hung hăng trên mạng ngày nay có khác gì HVB thời Mao?

____________

Trịnh Nghĩa lần đầu tiên đến Quảng Tây vào năm 1968, thời điểm ông còn là một HVB, và nghe tin đồn về những vụ giết người hàng loạt và ăn thịt đồng loại. Năm 1986, ông trở lại để điều tra. Các cuộc nói chuyện ban đầu của ông với giới chức địa phương và nhà báo đã khiến ông dồn cuộc điều tra vào địa phương Vũ Tuyên. Cuối cùng, ông tìm thấy rất nhiều bằng chứng về việc ăn thịt đồng loại. Các cuộc điều tra sâu hơn vào những năm 1980 cho biết ít nhất 76 trường hợp ăn thịt đồng loại đã được thực hiện.

Các nhân chứng nói với ông Trịnh rằng gan là “món” chính, sau đó là tim… Trong một số trường hợp, nội tạng được lấy trước khi nạn nhân chết! Cũng từ những cuộc điều tra những năm 1980, người ta đã kết án 34 người từ 2-14 năm tù, nhưng những người khác chỉ bị xử phạt hành chính! Nghiên cứu của ông Trịnh Nghĩa hoàn thành năm 1986, nhưng chỉ đến sau khi xảy ra cuộc biểu tình Thiên An Môn 1989, ông Trịnh mới bắt đầu viết, khi đi trốn biệt tích hai năm ròng. Bản tiếng Hoa được xuất bản lần đầu tiên ở Đài Loan, sau đó được dịch sang tiếng Anh, rồi tiếng Pháp.

Trịnh Nghĩa sinh năm 1947 tại Trùng Khánh, Tứ Xuyên. Khi CMVH nổ ra, Trịnh Nghĩa hào hứng tham gia và tình nguyện về vùng nông thôn, sống tại dãy Lữ Lương Sơn Mạch, tỉnh Sơn Tây. Sau đó trở về Bắc Kinh và tốt nghiệp đại học, Trịnh làm biên tập viên cho tạp chí văn học Hoàng Hà. Trịnh bị bắt khi tham gia sự kiện Thiên An Môn; sau đó ông trốn thoát và lẩn trốn vài năm cho đến khi đến được Hong Kong vào Tháng Ba 1993. Tiếp đó ông Trịnh đến Mỹ…

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: