Từ ngày quân Pháp “đóng đồn” tại ngã ba thị trấn Thứa, những con đê từ các làng đi xuống huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Ninh thường bị “đắp mô gài mìn”. Chiến tranh đã lan rộng khắp nơi, Mặt trận Việt Minh được đảng Cộng sản Liên Sô và Trung Hoa yểm trợ nên ngày một lớn mạnh, cộng với bàn tay sắt máu biến những làng “xôi đậu” thành vùng “giải phóng” và những vùng đã “giải phóng” thành căn cứ địa, rồi từ đó mở ra những trận đánh công đồn đả viện khắp vùng châu thổ sông Hồng.
Những người dân ven biên thị trấn Thứa tỉnh Bắc Ninh sống sót sau nạn đói Ất Dậu năm 1945 lo lắng về cuộc sống “một cổ hai tròng” mà họ sẽ phải gánh chịu. Mặt trận Việt Minh cũng biết tổ chức của họ chưa cài cắm được nhiều cán bộ nòng cốt vào trong quần chúng nên thường tổ chức những đội văn công về những thôn làng xôi đậu, quát loa từ những cánh đồng trong đêm khuya để tuyên truyền, đôi khi cho du kích bắt cóc, thủ tiêu người bị nghi ngờ chống phá Mặt trận để cảnh cáo.
Là con cháu của những người bị phát vãng từ Nam Định đến “Ấp Chanh”, một vùng “đất chiêm khê mùa thối” vì đức tin từ thời các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Nhưng, từ khi Mặt trận Việt Minh nổi lên, “Ấp Chanh” đã nằm trong khu vực “xôi đậu”, nên gia tộc ông Chánh và một số gia đình đã di cư về miền ven biên thị trấn Thứa, lập lên “trại Thứa”. Là một làng tân lập cách huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương khoảng tám cây số, ông Chánh hăng say trong các công việc của dân làng nên từ thời trai trẻ ông đã làm lý trưởng, và là chánh tổng khi huyện đang rơi vào tình trạng “xôi đậu”.
Năm 1951 đồn Thứa bị tràn ngập, Việt Minh tiến vào làng, ông Chánh và thanh niên làng băng qua các cánh đồng vắng trốn thoát trong đêm tối. Hơn một tuần sau khi đồn Thứa thất thủ, quân Pháp mở cuộc hành quân bình định rồi chiếm làng lập thành “đồn Thứa mới”, biến ngôi nhà thờ thành pháo đài phòng thủ với lũy tre già bao quanh làng làm hàng rào thiên nhiên bảo vệ đồn, đẩy dân làng ra khu đất bỏ hoang, cạnh khu vực “đồn Thứa cũ” hoang tàn đổ nát.
Theo năm tháng, hoạt động của các đảng phái quốc gia ngày một phân hóa, trong khi Mặt trận Việt Minh trở thành một tổ chức có tầm vóc chính trị trên diễn đàn thế giới, có lực lượng quân sự lớn mạnh để đối đầu với thực dân Pháp. Thập niên năm mươi, sinh hoạt chính trường và kinh tế nước Pháp khủng hoảng, sự suy thoái kéo theo chiến trường Đông Dương ngày một thất thế, đẩy cuộc chiến tại Việt Nam phải kết thúc với bản Hiệp định Geneve năm 1954 giữa thực dân Pháp và Việt Minh – chia đôi nước Việt. Làn sóng người từ khắp nơi chạy ra tỉnh để di cư vào miền Nam như một trận cuồng phong nổi lên ở miền Bắc kể từ trung tuần Tháng Năm 1954, trong đó có gia đình ông Chánh.
Nhận thấy đời mình đã thất bại trong những năm sinh sống tại miền Bắc. Nên ông Chánh đã quyết định sinh sống ở vùng ngoại ô Sài Gòn để tạo cơ hội cho các con ăn học. Sau những năm tháng cần cù và vất vả xây dựng lại cuộc sống mới, ông hài lòng khi thấy kết quả và tương lai của các con – người con trưởng là giáo sư, và hai ba người con kế tuần tự bước vào giảng đường đại học. Ông cảm thấy vui, quên đi những thất bại trong tuổi thanh niên, dù mái tóc ông đã bạc màu.
Nhưng, đến năm 1960, niềm vui, hạnh phúc của ông Chánh cũng như của nhiều gia đình khác không còn trọn vẹn nữa, “Mặt trận Giải Phóng Miền Nam” đã được hình thành, mở ra những trận tấn kích ngày một khốc liệt. Những cố gắng và hy vọng của ông Chánh lại một lần nữa bị những người Việt Cộng giật sập, đạp đổ trong máu và nước mắt.
Những người con mà ông nuôi hy vọng sẽ là những cột trụ để đưa gia đình ra khỏi cảnh “con trâu đi trước cái cày theo sau” đã lần lượt lên đường nhập ngũ theo lệnh Tổng động viên khi tiếng súng Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng còn nổ dòn quanh vùng ngoại ô Sài Gòn. Tất cả đã tan theo khói lửa chiến tranh. Từ đó, đời sống của gia đình ông Chánh trở lên vắng lặng hơn xưa.
Cuộc chiến kết thúc với bản Hiệp định Paris 1973 – hợp thức hóa những mật ước đã được Chính quyền Mỹ và khối Cộng sản thỏa thuận, dẫn đến trận đại hồng thủy 30 Tháng Tư 1975, xóa sạch chế độ Việt Nam Cộng Hòa và một nhà nước do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với danh xưng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được hình thành.
Cuộc chiến kết thúc trong máu và nước mắt của quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, đánh dấu kỷ nguyên mới của tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng. Dư luận thế giới xôn xao về chuyện người Mỹ đã mở được cánh cổng mà đảng Cộng sản Trung Hoa đóng kín hàng thập niên, và ngỡ ngàng trước sự sụp đổ mau chóng của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
***
Căn nhà hai tầng đã trở lên yên tĩnh như một ngôi nhà nguyện nhỏ từ ngày các con ông Chánh bị đi tù. Cánh cửa chỉ hé mở cho thoáng. Trời đã quá trưa, cả nhà vừa ăn cơm xong, ông Chánh sửa soạn “nghỉ trưa”. Từ căn phòng lầu một, cô con gái ông nhìn qua cửa sổ thấy một người đầu đội nón cối, đeo kính đen, mặc áo sơ mi màu cứt ngựa, quần dài đen, chân đi dép Bình Trị Thiên, vai đeo ba lô, tay xách giỏ cói đi tới đi lui trên con đường phía trước nhà, nhìn dáo dác như đang tìm kiếm nhà ai trong khu phố. Cô thấy lạ và nghĩ đến những người anh đang bị tù. Cô nghĩ vẩn vơ… chẳng lẽ người bộ đội này báo tin… rồi cô đi xuống báo cho thầy mẹ cô về người bộ đội đi tới đi lui phía trước nhà.
– Tại sao người bộ đội này cứ đi tới đi lui trước dãy phố và cứ nhìn dáo dác vào nhà mình – cô nói.
– Kệ người ta, bây giờ ở đâu mà chẳng có họ, con đi ra khép cánh cửa lại – ông Chánh bảo cô con gái.
– Hay con ra hỏi xem ông ấy kiếm ai ? Chẳng lẽ mấy anh con….. bà Chánh nói rồi ngưng giữa chừng kèm theo tiếng thở dài.
– Bà chỉ vẽ chuyện, lo những chuyện không đáng lo, lo mãi cũng thế thôi. Đến đâu tính đến đó, tính toán cả đời mà có được đâu – ông Chánh nói nhỏ và chậm dãi.
Cô con gái đi tới cửa, giơ tay định khép cánh cửa lại thì cũng là lúc người mặc áo bộ đội đeo kiếng đen bước tới trước cửa nhà ông Chánh. Người đàn ông tuổi trung niên bỏ cái giỏ cói xuống vỉa hè, mồ hôi trán chảy dài trên gò má da đen sạm gầy guộc, lấy cái nón cối ra khỏi đầu làm cái quạt, ông vừa quạt vừa nói: “ Tôi ở ngoài Bắc vào, tôi muốn tìm nhà ông Chánh, nghe nói gia đình ông ở khu phố này. Nếu chị biết, xin chỉ giúp”.
– Ông ở ngoài Bắc làm sao ông quen biết ông Chánh? – cô con gái hỏi.
– Ông Chánh là bác tôi, mẹ tôi là em ruột ông – người mặc áo bộ đội trả lời.
Từ trong nhà, ông bà Chánh vẫn nghe được những lời đối đáp của hai người. Khi ông Chánh vừa bước ra tới phòng khách thì người khách lạ vội đẩy cánh cửa mở toang ra, bước thật nhanh vào trong nhà ôm lấy ông mà khóc, ông vừa khóc nức nở vừa kể lể nỗi niềm thương nhớ khi gặp lại được người bác sau mấy chục năm xa vắng. Sự thương nhớ, mừng rỡ khiến ông khóc lớn tiếng như một đứa trẻ con đang khóc về một chuyện gì đó.
Tiếng khóc của ông làm cho cả nhà ông Chánh bàng hoàng, xúc động. Sau khi buông hai tay trên vai người bác ra, ông nói: “Cháu là Tư đây, hai bác có nhận ra cháu không? Căn nhà bác cao lớn quá, cháu không nhận ra, cháu tưởng….”. Người cháu nói nửa chừng, bỏ lửng, rồi quay ra hỏi thăm người chị họ mà ông vừa gặp ở trước cửa nhà, giọng nói sụt sùi với những giọt nước mắt trên hai gò má gầy guộc, đen sạm, làm hai gò má nhô cao lên.
Ông Chánh bảo người cháu ngồi xuống ghế trong lúc cô con gái đem bình trà và mấy cái tách để trên bàn.
– Cháu vừa nói, cháu tưởng, cháu tưởng gì?- Ông Chánh hỏi.
– Bao năm nay, nhà nước nói những người di cư phải đi cạo mủ cây cao su, sống nghèo khổ và chết dần mòn bên gốc cao su. Cháu những tưởng – người cháu ngập ngừng giây lát, rồi nói: “Bây giờ cháu đã hiểu!”
– Thôi, quên chuyện ấy đi. Cháu ra cửa đem túi xách quần áo vào nhà, tắm táp cho mát rồi ăn cơm, nghỉ ngơi cho khỏe lại – ông Chánh nói.
– Vâng, cháu chỉ có cái túi đeo vai và cái giỏ cói – người cháu trả lời.
Để tách nước trà xuống mặt bàn, ông Chánh bảo người cháu:
– Đi đường mệt mỏi, ăn cơm rồi ngủ một giấc lấy lại sức, chiều qua thăm cậu Hiện em mẹ cháu, và cô xã Viện, cách đây mấy căn, còn muốn thăm ai nữa thì tính sau.
Rồi ông quay qua bảo cô con gái: “Con lấy mấy bộ đồ còn tốt của các anh con đưa cho em nó thay. Coi cái nào còn tốt và vừa thì lấy. Bỏ mấy cái áo quần bộ đội, dép râu vào lại túi xách, đưa cho em cái nón nỉ của thày để có đi đâu ra ngoài thì đội cho khỏi nắng”. Cô con gái hiểu ý cha nên nói:
– Em ra cửa lấy đồ của em vào, đem lên phòng ngủ ở lầu hai, rồi đi tắm và ăn cơm kẻo đói, trễ quá rồi.
– Gặp lại hai bác, em hết mệt và không thấy đói. Ở trên “tầu hỏa” em đã ăn mấy củ khoai luộc và miếng cơm nắm rồi. Thôi, chiều tối em mới ăn.
Người cháu để cái túi đeo vai và cái giỏ cói ở trên nền nhà, cạnh cái ghế đang ngồi. Ông cúi xuống lấy mấy lon sữa đặc để lên bàn, trong lúc ông bà Chánh và cô con gái nhìn với vẻ mặt ngỡ ngàng. Cô con gái ông Chánh nói:
– Em đem theo mấy hộp sữa đặc vào đây làm gì cho vất vả! Tách xách nách mang cho khổ. Khi cần, mấy tiệm tạp hóa ở đầu dãy phố họ bán thiếu gì.
Nghe người chị họ nói vậy, người em nói:
– Vậy là mới “giải phóng” nên nhà nước chưa đưa vào “chế độ” đấy. Cái gì rồi cũng phải có tem phiếu cả chị ạ. Em không có gì biếu hai bác, em chỉ có mấy lon gạo nếp và mấy lon sữa đặc, em để dành đem vào biếu hai bác. Cái gì cũng có “cơ chế” cả, chế độ hộ khẩu tem phiếu rồi cũng sẽ giống như ngoài Bắc thôi chị ạ.
Nghe người cháu nói đến chuyện “tem phiếu” và cả mấy tháng mới có được mấy lon sữa bò và vài lon gạo nếp làm bà Chánh rớm nước mắt – bà nhớ đến mấy người con đang ở tù, nên hỏi người cháu:
– Cháu sống ở ngoài ấy mà mấy tháng mới mua được vài lon gạo nếp và vài hộp sữa đặc. Vậy đồ ăn thì sao? Những gia đình người bị tù, sau vụ cải cách ruộng đất hồi đó, có được tem phiếu không?
– Dạ, thịt cá, cái gì cũng theo tem phiếu cả. Thịt, cá, miếng nào ngon, con nào tươi thì cũng ít khi đến tay người không ở trong đảng đoàn, bất cứ thứ gì cũng vậy. Riêng những gia đình bị đấu tố trong vụ cải cách ruộng đất hồi đó, thì cơm không có mà ăn, họ tước sạch, làm gì mà còn được nhà nước phát tem phiếu nữa. Nếu đã bị ở tù thì khổ lắm, khoai sắn không có mà ăn. Có những năm, nhà nào cũng phải ăn độn, chứ đâu có gạo mà ăn quanh năm, ngoại trừ các cán bộ ở cấp đảng đoàn.
Vừa nói dứt câu, thấy bác trai hơi cúi đầu xuống và thở dài, còn bác gái rơm rớm nước mắt – người cháu ngồi im như tượng đá vì biết mình đã lỡ lời, làm hai bác nhớ đến những người con đang bị tù “cải tạo”. Một lát sau, như để cho cơn xúc động lắng xuống, người cháu nói:
– Cháu xin hai bác và chị tha lỗi, cháu đã vô ý khi nói chuyện, khơi đến chuyện đau buồn của gia đình mình.
– Không sao, cha mẹ buồn thương, nhớ con cái là chuyện bình thường. Cả nước như vậy chứ đâu riêng hai bác. Cháu đừng áy náy gì cả. Thôi, cháu đi tắm cho đỡ mệt. Hai bác cũng cần nghỉ ngơi một chút – bà Chánh nói.
***
Nhìn tấm ảnh người bác lúc còn trai trẻ treo trên tường trong lúc cả nhà đang ăn cơm chiều, người cháu nói: “Chúa đã ban ơn cho hai bác, cậu Hiện và cả nhà mình vào Nam, chứ ngày ấy nếu hai bác và cậu ở lại thì bây giờ chúng cháu cũng chẳng dám nhìn mặt các anh chị và các con cậu Hiện nữa”. Cô con gái ông Chánh sinh ở miền Nam nghe vậy hỏi: “Sao vậy?”
– Năm “cải cách” ấy. Họ gài cho con cháu, người nhà, phải đấu tố những người có “chức việc” như bác hay cậu Hiện, địa chủ hay phú nông. Ủy ban về làng đấu tố theo chỉ tiêu đã ấn định, nếu không cường hào thì là địa chủ, còn không có thì đôn phú nông lên thành địa chủ. Cụ Lý Đô đã bị người cháu ruột đấu tố. Ngày đó kinh khủng lắm – Ông nói, rồi thở dài.
– Có ai từ chối không? – Con gái ông Chánh hỏi.
– Không khai báo là bao che, họ khép tội và cắt hết mọi “chế độ” luôn. Chúng em vẫn tạ ơn Chúa là gia đình hai bác và cậu Hiện đã đi di cư nên con cháu thoát được. Sau, họ cũng đã sửa sai đôi chút, nhưng ai chết thì đã chết rồi, ai đấu tố ai thì đã xong rồi. Tình thế này, nhà ta đừng đi xa thành phố, đừng đi kinh tế mới nơi đồng không mông quạnh, nguy hiểm lắm. Cứ khất lần, không sao đâu. Em nói riêng trong nhà mình nghe thôi chị nhé.
Nghe người cháu kể, ông Chánh nói:
– Thôi, ăn cơm đi cháu, Chúa hằng lo liệu. Khi về lại Bắc cho hai bác thăm hỏi mọi người. Cháu ăn tự nhiên đi, mải chuyện để đồ ăn nguội lạnh hết. Nghỉ ngơi một hai bữa rồi bác bảo anh cháu đưa lên Sài Gòn chơi cho biết, trước khi về Bắc lại.
Người cháu mồ côi cha từ thuở nhỏ, tìm lại được người bác sau mấy chục năm phân ly Nam Bắc chỉ muốn loanh quanh ở nhà để trò chuyện. Nhưng ông Chánh thương cháu, muốn cho cháu đi thăm thành phố Sài Gòn trước khi về lại miền Bắc. Ông Chánh bảo người con trai áp út còn sót lại trong gia đình: “Đưa em lên Sài Gòn chơi và mua cho em một vài món đồ”.
Tuy không gặp nhau từ thuở nhỏ. Nhưng, dường như cùng một huyết thống, nên người con trai ông Chánh đã mau mắn thu xếp đưa em đi loanh quanh trên các đường phố Sài Gòn. Cảnh vật Sài Gòn làm người em ngạc nhiên như người ở miền núi chưa từng đặt chân tới thành phố, khiến ông nói với người anh họ: “Vậy mà ở Bắc, nhà đài nói…” rồi ông ngưng lại, dáo dác nhìn quanh như sợ ai đó đã nghe được.
***
Trước ngày người cháu về Bắc. Trong lúc ăn cơm chiều, ông Chánh hỏi người cháu cần cái gì thì hai bác cho. Không ngần ngại, người cháu nói: “Cháu xin hai bác cái xe đạp, còn các thứ khác anh Chính đã mua cho cháu rồi”. Nước mắt doanh tròng, nghẹn ngào nói: “Cháu không biết đến bao giờ mới có dịp vào thăm lại hai bác và các anh chị. Xin hai bác và các anh chị hiểu cho cháu. Cháu xin cám ơn hai bác và các anh chị đã thương yêu và lo cho cháu”.
– Hoàn cảnh của hai bác bây giờ không còn được như trước đây. Cháu cũng đã biết, vật đổi sao rời, các anh đang sống trên núi trên rừng. Vì vậy bác cũng không còn dư dả gì mà cho con cho cháu như xưa. Thôi được đến đâu hay tới đó. Cháu thích cái xe nào thì lấy, nghỉ ngơi cho khỏe để sáng mai về gặp lại vợ con – Ông Chánh nói với người cháu, rồi vào phòng nằm nghỉ.
Giọng nói sụt sùi, nước mắt lăn trên gò má khi người cháu nghẹn ngào nói những lời tạ từ để về lại miền Bắc. Cột đèn “xanh đỏ” báo hiệu cho xe chạy đã đổi từ màu đỏ qua màu xanh. Những chiếc xe vút nhanh theo giòng xe đang chạy trên đường đông như ngày trẩy hội. Mọi người hối hả, chạy bạt mạng, chạy đua với thời gian để kiếm miếng ăn trong một xã hội mới – Xã Hội Chủ Nghĩa. Người anh lái chiếc Honda mắt nhìn về phía trước, rồi quẹo trái một hai con đường và rẽ phải để đi tới nhà ga xe lửa với nét mặt buồn thiu của người em họ đang ngồi phía sau trên đường đến ga xe lửa để về lại miền Bắc sau mấy chục năm xa cách, đổi đời.